SpStinet - vwpChiTiet

 

Không ngừng cải tiến chất lượng

Nhìn những hình in họa tiết ngộ nghĩnh trên chiếc cốc xinh xắn hay chiếc áo thời trang…, khiến chúng ta tò mò về công nghệ tạo ra vẻ đẹp vừa thời trang vừa nghệ thuật này.

Đó chính là in lụa.
Theo Wikipedia, in lụa là một dạng trong kỹ thuật in ấn. In lụa là tên thông dụng (do giới thợ đặt ra) xuất phát từ lúc bản lưới của khuôn in làm bằng tơ lụa. Sau đó, khi bản lưới lụa có thể thay thế bởi các vật liệu khác như vải bông, vải sợi hóa học, lưới kim loại để làm nên tên gọi được mở rộng như là in lưới. In lụa thực hiện theo nguyên lý giống như in mực dầu trên giấy nến theo nguyên lý chỉ một phần mực in được thấm qua lưới in và in lên vật liệu in vì trước đó, một số mắt lưới khác đã được bịt kín bởi hóa chất chuyên dùng. Kỹ thuật in lụa khá đơn giản, gồm các bước: Sau khi định vị khuôn in lên bàn in, vật liệu cần in đặt dưới lưới in. Cho mực in thích hợp với một lượng cần thiết vào khuôn in, sau đó dùng dao gạt để mực thấm qua lưới và ăn vào sản phẩm cần in. Điều chỉnh lượng mực in, tốc độ gạt để đạt kết quả tốt nhất.
Ở nước ta in lụa vẫn là một nghề truyền thống, dựa trên những kinh nghiệm lưu truyền. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, in lụa ngày càng được tự động hóa thay vì in thủ công như trước. Công ty Lam Tân là một trong những công ty chuyên về máy in lụa ở TP.HCM đã không ngừng cải tiến cho máy hoàn thiện hơn. Mặc dù mới được thành lập từ năm 2007 nhưng anh Nguyễn Văn Cương, phó giám đốc công ty cũng là người phụ trách kỹ thuật đã có 8 năm kinh nghiệm trong làm loại máy này. Khởi đầu từ những bước sơ khai nhưng với những cố gắng sáng tạo của đội ngũ kỹ sư trẻ mà anh Cương là con chim đầu đàn đã đưa Lam Tân có một chỗ đứng vững chắc trong thị trường máy in lụa nhỏ bé. “Ở một số nước đã có hẳn viện nghiên cứu về máy in lụa. Tôi tin tưởng đây sẽ là một ngành phát triển tốt trong tương lai.” Anh Cương cho biết.
Với phương châm “làm lợi cho doanh nghiệp” Lam Tân quan tâm hàng đầu đến chất lượng sản phẩm. Mỗi chiếc máy được làm ra là cả một quá trình nghiên cứu, sửa chữa và hoàn thiện liên tục. Ban đầu những chiếc máy in của Lam Tân còn nhiều lỗi như: mực in chưa đều, chưa đẹp, qua sự tiếp thu và học hỏi từ chính khách hàng, Lam Tân đã cải tiến chiếc máy in lụa ngày càng hiện đại hơn. Từ việc cải tiến in lụa từ thủ công sang bán thủ công bằng việc thiết kế thêm bộ điều khiển lập trình PLC, bảng điều khiển thao tác số, thêm tín hiệu đèn và âm báo các chức năng hoạt động…, Lam Tân đã được khách hàng đón nhận. Đến năm 2008, Lam Tân tiếp tục khẳng định chất lượng máy in của mình bằng bước đột phá mới. Thông thường, mỗi chiếc máy in lụa phải đi kèm với một chiếc máy nén khí vừa gây ồn vừa tốn kém, nhiều khách hàng đến mua máy đã than thở với anh Cương, “không có cách nào biến hai chức năng vào một cỗ máy sao? Mua một máy lại kèm một máy cồng kềnh và phức tạp quá.” Mong muốn của khách hàng chính là mục tiêu của công ty. Không chần chừ, anh Cương cùng anh em bắt tay nghiên cứu, cải tiến chiếc máy này. Bằng cách chuyển tất cả các cơ cấu truyền động bằng xi lanh sang cơ cấu truyền động bằng cơ, anh Cương đã biến hai chức năng của hai chiếc máy trong chỉ một chiếc máy đơn giản. Ưu điểm của chiếc máy cải tiến là tránh được tiếng ồn, tiết kiệm chi phí, ít hao điện. Ngoài ra, máy cải tiến còn tránh được tình trạng rò rỉ khí, hư van, tăng năng suất, giảm tiêu hao năng lượng. Máy được cải tiến sẽ có giá bán dưới 20 triệu, thấp hơn máy có sử dụng máy nén khí 5-10 triệu nhưng chất lượng không thay đổi. Anh Cương vui sướng “Trong thời gian thực hiện cải tiến, rất nhiều khách hàng quan tâm đến chiếc máy hai trong một này. Nhiều người gặp tôi thường nhắc: “Đã có hàng chưa?” hay “khi nào có hàng nhớ báo cho tôi đấy”. Sự quan tâm, tin cậy của khách hàng chính là động lực giúp anh thêm quyết tâm tạo nên những chiếc máy tiện dụng.
Hiện Lam Tân đang tiếp tục hoàn thiện để nâng cấp chiếc máy in lụa trên áo T-shirt từ bán tự động sang toàn tự động. Chiếc máy này là sự ghép nối của một hệ thống máy, gồm nhiều máy ghép lại, có thể định vị chính xác màu khi in và màu cũng không bị lặp, tránh được những rủi ro như khi can màu bằng tay.
Mục tiêu của Lam Tân là hoàn thiện máy in lụa, nâng cao chất lượng để đem lại nhưng cỗ máy tốt nhất cho khách hàng. Làm được điều này không phải là dễ dàng và Lam Tân coi đó là thử thách để chứng tỏ tiềm năng của một công ty trẻ.
Minh Nguyệt