SpStinet - vwpChiTiet

 

Chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp


 

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 3,5 - 4,0%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 45% vào năm 2020,… Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách liên quan.

 


Quyết định số 2194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi, giống thủy sản đến năm 2020.


Ngày ban hành: 25/12/2009


Ngày có hiệu lực: 25/12/2009


Nhằm nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và thu nhập của nông dân một cách bền vững, đề án này đã đề ra một số biện pháp sau:


1. Quy hoạch hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống từ trung ương đến cơ sở gắn với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương hoàn thiện quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống, đảm bảo đủ giống tốt, chất lượng cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.


a) Đối với nông nghiệp: quy hoạch và đầu tư tăng cường năng lực các trung tâm giống, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình gắn kết với các viện khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng để thực hiện đồng bộ từ khâu nghiên cứu, chọn tạo, nhân và sản xuất giống xác nhận cho sản xuất đại trà trên địa bàn;


b) Đối với lâm nghiệp: kiện toàn lại tổ chức quản lý hệ thống rừng giống quốc gia. Quy hoạch và đầu tư tăng cường năng lực các trung tâm khoa học lâm nghiệp quốc gia ở các vùng, xây dựng 3 vườn ươm giống hiện đại tại 3 vùng; địa phương có diện tích trồng rừng từ 10.000 ha/năm trở lên xây dựng một vườn ươm giống quy mô phù hợp; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng vườn ươm;


c) Đối với thủy sản: quy hoạch và tăng cường đầu tư năng lực các trung tâm giống quốc gia, giống cấp I và trung tâm thủy sản cấp tỉnh; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cấp, xây dựng mới các trại giống thủy sản, gắn kết từ nghiên cứu, chọn tạo, nhân, gây, chuyển giao và nhân nhanh giống cho sản xuất đại trà.


Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống tập trung áp dụng công nghệ cao phát triển giống, mức tối đa không quá 50%; sản xuất giống gốc hỗ trợ 1 lần không quá 50% chi phí sản xuất giống gốc, đầu dòng, siêu nguyên chủng, giống cụ kỵ, giống ông bà, giống bố mẹ đối với giống lai và không quá 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ (đối với các giống lai), cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân, đàn nhân giống, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống, giống mới sử dụng công nghệ cao được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước theo quy định hiện hành; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và quỹ phát triển khoa học và công nghệ địa phương dành kinh phí cho các dự án thử nghiệm về sản xuất, chế biến giống. Ưu tiên cho áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ về giống thuộc các thành phần kinh tế.

 


Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững


Ngày ban hành: 10/06/2013


Ngày có hiệu lực: 10/06/2013


Với mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực; tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, khai thác tốt các lợi ích về môi trường, quyết định này đã đề ra một số biện pháp như: nâng cao chất lượng quy hoạch, rà soát, gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, kế hoạch, quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công; ưu tiên đầu tư công trong nông nghiệp; cải cách thể chế; phát triển đối tác công tư, hợp tác công tư; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách.


Định hướng chung về kinh tế là tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới: cà phê, cao su, lúa gạo, cá da trơn, tôm, hạt tiêu, hạt điều, các loại hải sản khác, các loại rau, quả nhiệt đới, đồ gỗ.... Đồng thời, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn nhưng khả năng cạnh tranh trung bình như các sản phẩm chăn nuôi, đường mía... Hoàn thiện thể chế cho phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường; đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh.


Các tổ chức thực hiện bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương.

 


Quyết định số 644/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn.


Ngày ban hành: 05/05/2014


Ngày có hiệu lực: 05/05/2014


Đề án có mục tiêu hỗ trợ và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nông thôn Việt Nam tham gia và phát triển mạng lưới liên kết, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh trong một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp tăng ít nhất là 5% vào năm 2018 so với 2013; xúc tiến và hỗ trợ xây dựng được ít nhất 2 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và hướng tới xuất khẩu; tăng cường được mối liên kết trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng; nâng cao vai trò và năng lực của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.


Đề án đã triển khai các cấu phần bao gồm: hình thành và phát triển một số chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp điển hình; nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; liên kết và phát triển doanh nghiệp trong các khu, cụm, vườn ươm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng; xúc tiến phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị; nâng cao khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong chuỗi giá trị.


Các tổ chức thực hiện bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính; các viện nghiên cứu, trường đại học, các câu lạc bộ, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cơ quan có liên quan; các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hoạt động ở địa bàn nông thôn đáp ứng đủ các điều kiện của chương trình, đề án.


NGUYỄN HOÀNG,STINFO số 11/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả