SpStinet - vwpChiTiet

 

Chuyển giao công nghệ làm đường bê tông xi măng

 

 

Với thiết kế đơn giản, giá thành cạnh tranh, hai chiếc máy làm đường bê tông xi măng theo công nghệ ba trục lăn và trống lăn đã được chuyển giao thi công tại tỉnh Kon Tum và Quảng Ninh. Đây là thiết bị được chế tạo tại Việt Nam, giúp cơ giới hóa quá trình thi công trải đường bê tông xi măng, hạn chế tối đa sử dụng sức người và công cụ thô sơ. 
 
 

Cơ giới hóa quá trình thi công trải đường bê tông xi măng
 

Sau thời gian nghiên cứu thiết kế chế tạo, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Công nghệ và Thiết bị Xây dựng Việt Thịnh Phát (TP.HCM) đã chuyển giao máy rải bê tông ba trục lăn cho một công trình đang thi công ở KonTum và máy rải bê tông bằng trống lăn thi công công trình ở Quảng Ninh. Công nghệ làm đường bê tông xi măng của Việt Thịnh Phát qua thi công thực tế cho thấy hoàn toàn phù hợp với nhu cầu làm đường giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa thi công trải đường bê tông xi măng ở Việt Nam.
 

Máy rải bê tông ba trục lăn có nguyên lý thi công khá đơn giản, sử dụng 3 trục lăn di chuyển trên bề mặt bê tông cho đến khi bề mặt bê tông được lèn chặt và tạo phẳng. Ưu điểm của thiết bị này là chi phí đầu tư thấp, phù hợp với các công trình đường bê tông nhỏ và vừa; chất lượng bề mặt đường bê tông tốt, bề mặt phẳng; tốc độ thi công nhanh (50-100m/ giờ, tùy vào khổ đường); nhân công ít (4-5 người).

Công tác rải, san, đầm và hoàn thiện bề mặt bê tông đều được thực hiện bằng máy nên năng suất cao hơn thủ công, chất lượng công trình tốt hơn nhiều lần. Đặc biệt, giá thành của máy thấp hơn (chỉ khoảng 200 triệu đồng) nhưng chất lượng tương đương thiết bị nhập ngoại. Ở Kon Tum con đường bê tông xi măng dài hơn 3 km đã được hoàn thành phần đổ bê tông mặt đường trong vòng 40 ngày bằng máy rải bê tông ba trục lăn.
 


Máy rải bê tông 3 trục lăn thi công ở Kon Tum. Ảnh: LV.
 

Máy rải bê tông bằng trống lăn VF450 được Việt Thịnh Phát và Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM hợp tác chế tạo tại Việt Nam theo công nghệ Hoa Kỳ. Công trình Quảng Ninh đang hoàn thành công tác chuẩn bị để máy rải bê tông bằng trống lăn thi công đổ bê tông. Máy được di chuyển trên ray vuông hoặc tròn chạy dọc theo chiều dài cần rải thảm bê tông xi măng. Bộ phận công tác di chuyển theo phương ngang để san, đầm và hoàn thiện bề mặt bê tông. Khung máy được lắp ráp từng modul đáp ứng các yêu cầu thi công đường với các khổ rộng khác nhau, tháo lắp nhanh chóng và dễ vận chuyển. Quy trình thi công gồm 6 bước cụ thể giúp đảm bảo chất lượng và tuổi thọ mặt đường. Ưu điểm của thiết bị này là chi phí rẻ, khấu hao nhanh, giảm chi phí đầu tư dự án; có thể thi công được mọi loại khổ đường từ 3- 20 m; thiết bị gọn nhẹ, chi phí vận chuyển thấp; công nghệ có tính tự động hóa cao, chỉ cần một người vận hành; chất lượng đường bê tông xi măng được đảm bảo, sai số kích thước < 2 mm.


Các thiết bị rải bê tông được chế tạo thành công ở Việt Nam là kết quả của mô hình liên kết giữa ba nhà: doanh nghiệp Việt Thịnh Phát + Nhà khoa học (Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) + Nhà nước (Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM).


(Xem thêm bài Làm chủ công nghệ rải bê tông xi măng - Thành công từ mô hình liên kết ba nhà: Doanh nghiệp – Khoa học – Nhà nước, Tạp chí STINFO số 11/2012)
 


Khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước


Công nghệ làm đường bê tông xi măng đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, hệ thống đường giao thông nông thôn ở một số tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên… cũng có sử dụng mặt đường bê tông xi măng với kết cấu đơn giản, đáp ứng nhu cầu giao thông ở địa phương với tải trọng nhỏ và lưu lượng thấp. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, tổng số đường giao thông nông thôn trong cả nước là 172.437 km, trong đó chỉ có 0,56 % mặt đường bê tông nhựa và 7,2 % mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng. Ngoài ra, đường bê tông xi măng đã được sử dụng hầu hết tại các sân bay như Sao Vàng, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài… Với lợi thế về tuổi thọ và công nghệ xây dựng ngày càng tiến bộ, đường bê tông xi măng đang được quan tâm đầu tư.

 

Máy rải bê tông bằng trống lăn VF-450. Ảnh: LV.


Với các sản phẩm của mình, Việt Thịnh Phát đã góp phần vào việc làm chủ công nghệ thi công đường bê tông xi măng, có khả năng chế tạo thiết bị thi công đường bê tông xi măng đáp ứng nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, mô hình đầu tư khoa học kỹ thuật với sự “bắt tay” hợp tác của doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học được hình thành. Các sản phẩm được đầu tư nghiên cứu, chế tạo theo đặt hàng của khách hàng nên khả năng ứng dụng thực tế cao.Với mô hình này, công ty chọn hướng đi “chậm mà chắc”. Trước mắt, công ty sẽ tập trung chế tạo và chuyển giao những thiết bị làm đường nông thôn, đường bê tông nhỏ và vừa theo đặt hàng thực tế từ khách hàng.


Tuy nhiên, cùng chung những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, Việt Thịnh Phát vẫn rất mong manh trên con đường phát triển. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ Nhà nước về chính sách và vốn cho nghiên cứu sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển và nhân rộng mô hình.
 

Lam Vân, STINFO Số 8/2013
 


 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả