SpStinet - vwpChiTiet

 

Vệ sinh an toàn sản phẩm thủy sản


 

Sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng, nhưng cũng nhiều cảnh báo về vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Theo thống kê, từ năm 2010 đến hết tháng 5/2015 có 183 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo. Trong đó, riêng năm 2014, con số này ở mức 41 lô, chiếm 31% tỷ lệ hàng xuất khẩu. Để thích ứng với thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải chủ động đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về ATTP. Lĩnh vực này Nhà nước cũng đã có nhiều quy định. 
 

 

Thông tư số 61/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) quy định về việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản (GSATTPTS) sau thu hoạch
 

Ngày ban hành: 13/11/2012
 

Ngày có hiệu lực: 27/12/2012
 

Thông tư này hướng dẫn về trình tự, nội dung thực hiện Chương trình GSATTPTS sau thu hoạch; trách nhiệm của các cơ quan thực hiện giám sát và các cơ sở tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản sau thu hoạch. Theo đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (hoặc cơ quan được Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ quản lý chất lượng ATTP thủy sản) là cơ quan GSATTPTS sau thu hoạch địa phương (Cơ quan giám sát địa phương), chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện GSATTPTS sau thu hoạch tại địa phương. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản là cơ quan GSATTPTS sau thu hoạch Trung ương (Cơ quan giám sát Trung ương) chủ trì tổng hợp kế hoạch GSATTPTS sau thu hoạch của cơ quan giám sát địa phương trình Bộ NN&PTNT phê duyệt, thực hiện giám sát đột xuất theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT và tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện GSATTPTS sau thu hoạch trên phạm vi toàn quốc.


Cơ quan giám sát địa phương chuẩn bị cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát, dựa trên các thông tin: sản lượng nguyên liệu, khối lượng thực phẩm thủy sản tại địa phương; thời gian cao điểm của mùa vụ khai thác, thu hoạch, chế biến sản phẩm thực phẩm thủy sản và dự kiến sản lượng của năm tiếp theo; kết quả GSATTPTS của năm trước, thông tin phản ánh của người tiêu dùng, cảnh báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chất lượng, ATTP đối với thực phẩm thủy sản được sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ để xác định chỉ tiêu, nhóm sản phẩm có nguy cơ cao về ATTP tại địa phương; số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản và kết quả kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện bảo đảm ATTP tương ứng với các đối tượng theo quy định.


Kế hoạch lấy mẫu bao gồm các nội dung: đối tượng thực phẩm thủy sản và vùng/khu vực cần giám sát theo thứ tự ưu tiên về nguy cơ ATTP; số lượng mẫu và chỉ tiêu ATTP cần giám sát phù hợp với đối tượng giám sát; dự kiến thời gian thực hiện lấy mẫu giám sát; dự trù kinh phí triển khai hoạt động giám sát tại địa phương.


Đối với các mẫu phát hiện hóa chất cấm, độc tố sinh học gắn liền với loài thủy sản vượt quá giới hạn cho phép thì có các biện pháp như có văn bản cảnh báo đối với cơ sở; thông báo đến Ban Quản lý chợ đầu mối, chợ đấu giá, cảng cá để tăng cường GSATTPTS kinh doanh tại chợ; thẩm tra ngay việc thực hiện truy xuất nguồn gốc và kết quả khắc phục của cơ sở; trong trường hợp cần thiết, tổ chức truy xuất từ cơ sở cung cấp đến các cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phát hiện vi phạm để thu hồi, xử lý sản phẩm mất an toàn; thực hiện các biện pháp giám sát tăng cường và lấy mẫu có chủ định đối với cơ sở có mẫu vi phạm và các cơ sở khác trong cùng vùng/khu vực giám sát…

 


Thông tư số 23/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.


Ngày ban hành: 22/6/2015


Ngày có hiệu lực: 19/11/2015


Thông tư quy định nội dung, trình tự, thủ tục triển khai Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm (Chương trình); trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và tổ chức, cá nhân có liên quan. Dư lượng các chất độc hại là phần còn lại của thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng và sinh sản, chất xử lý môi trường nuôi, các chất độc hại có nguồn gốc từ thức ăn, từ môi trường nuôi và các chất chuyển hoá của chúng tồn lưu trong thuỷ sản nuôi có thể gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng


Theo đó, đối tượng được ưu tiên đưa vào Chương trình là thủy sản nuôi có sản lượng thương phẩm lớn, giá trị kinh tế cao. Vùng nuôi thủy sản được giám sát là khu vực nuôi trồng thủy sản có cùng mức nguy cơ về ô nhiễm, xác định theo địa giới hành chính và phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương và cả nước.


Chương trình tiến hành giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản hàng tháng, điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu giám sát hàng tháng (nếu có); lấy mẫu, kiểm nghiệm và thông báo kết quả giám sát hàng tháng; xử lý các trường hợp phát hiện dư lượng vượt mức giới hạn tối đa cho phép; khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm căn cứ theo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP thủy sản nuôi và các quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường cấm, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Đối với các loài thủy sản nuôi để xuất khẩu, ngoài việc đáp ứng nội dung quy định của Việt Nam còn phải đáp ứng yêu cầu về giám sát dư lượng các chất độc hại của nước nhập khẩu hoặc theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Thẩm quyền thực hiện giám sát dư lượng là Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản.


Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cơ sở nuôi thủy sản chỉ sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, hóa chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản có tên trong Danh mục được phép lưu hành, và ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản nuôi không thu mua sản phẩm thủy sản nuôi được thu hoạch từ vùng nuôi hoặc cơ sở nuôi đang bị tạm dừng thu hoạch hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ; lập và lưu trữ đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc của từng lô sản phẩm thủy sản nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT.


Thông tư này áp dụng đối với: các cơ sở nuôi thuỷ sản, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản nuôi, các cơ quan kiểm tra, giám sát và cơ sở kiểm nghiệm tham gia Chương trình.


Thông tư thay thế Quyết định số 130/2008/QĐ-BNN ngày 31/12/2008.


NGUYỄN HOÀNG
, STINFO số 12/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả