SpStinet - vwpChiTiet

 

Đối mặt với chống bán phá giá

Xu hướng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại ở các quốc gia có giao lưu thương mại với Việt Nam gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Gần đây nhất là vụ việc Mỹ điều chỉnh tăng thuế phá giá lên hơn 100% đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Để giúp doanh nghiệp (DN) có những ứng phó với các rủi ro khi bị kiện chống bán phá giá, phóng viên Stinfo đã được gặp ông Nguyễn Duy Khiên – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương để trao đổi về vấn đề này.


Ông Nguyễn Duy Khiên – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương

 

PV: hiện nay, ngày càng có nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm của Việt Nam. Ông có thể cho biết tại sao có sự gia tăng này?

 

Ông Nguyễn Duy Khiên: khi giao thương tăng lên thì số vụ kiện chống bán phá giá cũng tăng. Số vụ kiện của Hoa Kỳ đối với Việt Nam tăng dần qua các năm khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng. Theo thống kê, đến nay đã có 7 vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với DN Việt Nam như tôm, cá basa, mắc áo…Ngay cả nước như Braxin cũng đã có 2 vụ kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam. Mặt khác khi kinh tế gặp khó khăn, số vụ kiện chống bán phá giá cũng tăng lên. Do đó, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng kiện chống bán phá giá là chuyện bình thường trong thời hội nhập. Chúng ta phải sống với nó, không thể tránh được và chỉ có thể tìm cách để hạn chế các rủi ro khi bị kiện. 
 

PV: Làm cách nào có thể giảm rủi ro khi bị kiện chống bán phá giá?
 

Ông Nguyễn Duy Khiên: Theo tôi thì có một số giải pháp sau:
 

- Mở rộng thị trường. Có một số DN cho rằng hàng làm ra còn không đủ bán, không cần phải mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các DN cần đa dạng hóa thị trường, không nên bỏ trứng vào một giỏ. Khi có vấn đề xảy ra với thị trường này, DN có thể chuyển hướng sang thị trường khác để giảm thiểu thiệt hại.

- Tuyệt đối tránh việc cạnh tranh bằng giá. Đặc biệt một số DN mới gia nhập thị trường hay sử dụng chính sách giá thấp để lôi kéo thị trường. Tuy nhiên khi hạ giá thấp xuống thì nguy cơ bị kiện cũng tăng lên. Vì thế, ta nên chú trọng vào tăng chất lượng cho sản phẩm thay vì giảm giá như hiện nay.

- Đa dạng hóa sản phẩm. Thay vì xuất hàng tôm thô đông lạnh, chúng ta có thể chế biến tôm lăn bột, tôm bao cốm, tôm bách hoa…Những sản phẩm này sẽ có mã sản phẩm khác, thay vì mã sản phẩm bị kiện, tránh bị áp thuế phá giá.

- Tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm tiêu hao nguyên nhiên liệu, lao động. Do nền kinh tế của chúng ta bị cho là phi phị trường nên khi điều tra chống bán phá giá thì người ta sẽ không căn cứ vào chí phí nguyên nhiên liệu mà lại căn cứ vào khối lượng nguyên nhiên liệu tiêu hao, sau đó áp mức chi phí của nước thứ ba. Do đó nếu tiết kiệm được lượng tiêu hao này sẽ tạo nên lợi thế cho DN khi bị điều tra.

- Các DN nên ghi chép các sổ sách kế toán đầy đủ rõ ràng. Thực tế có một số DN từ chối tham gia điều tra, vì họ cho rằng thị trường đó không quan trọng nên không muốn mất công sức vào việc này. Tuy nhiên lại có những DN từ chối vì sổ sách không rõ ràng. Điều này sẽ gây nên thiệt hại cho DN vì lúc đó họ sẽ áp mức thuế toàn quốc, mà mức thuế này thường cao hơn mức thuế áp dụng cho từng DN một.

- Khi bị kiện, rất khó cho DN đối phó nếu không có sự giúp đỡ của luật sư. Các DN nên tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp để tránh bị động khi bị kiện.


PV: Ông nhận định thế nào về sự việc cá basa Việt Nam bị áp mức thuế chống bán phá giá cao hơn gấp mấy chục lần so với một năm trước đó trong đợt xem xét lần 8 (POR8)?

Ông Nguyễn Duy Khiên: Rõ ràng kết quả của vụ kiện này là bất lợi cho Việt Nam, đặc biệt là khi Hoa Kỳ sử dụng nước thay thế là Indonesia thay cho Bangladesh mà không có sự báo trước cho DN Việt Nam. Điều này đã làm cho các DN Việt Nam cũng như các luật sư đại diện cho các DN Việt Nam bất ngờ và không kịp có hành động ứng phó kịp thời.


PV: Nhà nước ta đã có những biện pháp gì để hỗ trợ cho DN trong trường hợp này?

Ông Nguyễn Duy Khiên: Bộ trưởng bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng ngay lập tức đã có thư gửi cho Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Bộ thương mại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về quyết định này. Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp cũng hỗ trợ qua kênh pháp lý kiện quyết định của DOC dùng Indonesia thay cho Bangladesh là không hợp lý.

Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương cũng có hệ thống cảnh báo sớm cho các mặt hàng có lượng xuất khẩu vào một nước quá cao, có nhiều khả năng bị kiện. Các cảnh báo này hoàn toàn không mang tính bắt buộc các DN phải giảm lượng xuât khẩu mà để các DN, các hiệp hội có bước chuẩn bị.

Hoàng Mi, STINFO số 5/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả