SpStinet - vwpChiTiet

 

Hướng tới nông nghiệp sạch và bền vững

 

Tình trạng đất xám bạc màu và thiếu nguồn cung cấp nước tại một số nơi vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây nhiều khó khăn cho nông dân trồng lúa. Mới đây, một phương pháp hỗ trợ chuyển đổi cây trồng cùng với cải tạo đất được giới thiệu tại huyện Đức Hòa – Long An đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.


Thực tế hiện nay là dù làm ra lúa gạo nhưng người nông dân không hưởng được nhiều lợi nhuận từ cây lúa. Theo OXFAM - Tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên về chống nghèo đói, bất công ở nông thôn và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn, phân tích chuỗi lợi ích từ sản xuất đến xuất khẩu gạo tại An Giang thấy rằng, nông dân thường chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận, phần còn lại là trung gian. Mặt khác, tình trạng đất xám bạc màu và thiếu nguồn cung cấp nước càng làm cho việc trồng lúa trở nên khó khăn hơn. Đơn cử như huyện Đức Hòa – Long An có diện tích đất nông nghiệp là 42.000 ha, trên 50% canh tác lúa. Tuy nhiên, năng suất lúa Đức Hòa chỉ đạt 4 tấn/ha, thấp nhất tại Long An, do canh tác trên đất xám bạc màu và tình trạng thiếu nguồn cung cấp nước. Đáng lo ngại hơn, đây không còn là vấn đề của riêng huyện Đức Hòa mà là của nhiều nơi vùng ĐBSCL. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), ĐBSCL đang có khoảng 600.000 ha sản xuất lúa bấp bênh và kém hiệu quả. Làm thế nào để vừa cải tạo đất, vừa tăng năng suất cây trồng và mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân?

 


Chuyển đổi cây trồng


Đã có một số mô hình doanh nghiệp kết hợp với trung tâm khuyến nông các tỉnh hoặc với viện nghiên cứu nông nghiệp để thực hiện thí điểm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lúa năng suất thấp sang cây bắp đã được triển khai trong thời gian qua, ví dụ như Công ty Syngenta với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Công ty Dekalb Việt Nam và Trạm Khuyến nông An Phú, An Giang. Kết quả cho thấy cây bắp cho thu nhập cao gấp hai lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất canh tác.


Mặt khác, bắp là loại nông sản đang có nhu cầu cao. Theo Bộ NN-PTNT, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hơn 4,5 tỉ USD để nhập khẩu bắp, đậu nành và các nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Việc chuyển đổi cây trồng này sẽ giúp Việt Nam giảm bớt lượng bắp, đậu nành nhập khẩu xuống mức thấp nhất có thể và mang lại thu nhập tốt cho nông dân. Dự kiến sẽ có khoảng 112.000 ha trồng lúa năng suất thấp tại các tỉnh ĐBSCL sẽ được chuyển đổi sang trồng bắp, đậu nành.


Gần đây, dự án trồng bắp 500 ha tại Đức Hòa vụ Đông Xuân 2013-2014 của Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) đã đạt năng suất trung bình 8 tấn bắp khô/ha, cao nhất từ trước đến nay, cho thấy hiệu quả hơn rất nhiều so với trồng lúa. Qua hai vụ bắp (Đông Xuân và Hè Thu), chất lượng loại đất xám bạc màu đã được cải thiện, làm tăng năng suất cho cây bắp, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững cho nông dân huyện Đức Hòa.


Công ty Ecofarm đã tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp như qui tụ nông dân tham gia hợp tác xã, liên kết sản xuất, hình thành cánh đồng lớn, cung cấp sản phẩm phân hữu cơ vi sinh để bảo vệ và cải tạo đất; cung cấp giống bắp lai, cơ giới hóa trong nông nghiệp. Điểm quan trọng trong dự án của Ecofarm là sử dụng phụ phẩm bắp chuyển đổi thành than sinh học (TSH), đây là một phần trong chiến lược canh tác vừa bền vững với môi trường, vừa giúp cải thiện chất lượng đất vừa tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính sinh ra từ canh tác nông nghiệp
.

 


… Và tận dụng phế phẩm nông nghiệp


TSH là một sản phẩm có độ xốp cao, ổn định và giàu cacbon được sinh ra từ quá trình nhiệt phân, trong đó vật liệu sinh khối giàu cacbon trải qua quá trình phân hủy bởi nhiệt ở mức nhiệt độ (300°C -700°C) trong môi trường không có oxy hoặc hạn chế oxy. Từ phế, phụ phẩm nông nghiệp có thể tạo ra TSH với hàm lượng cacbon lên tới 30%, và còn giữ lại hầu hết các nguyên tố dinh dưỡng trong nguyên liệu, giúp cải thiện dinh dưỡng cho cây trồng, tăng khả năng giữ lại chất dinh dưỡng trong đất, cải thiện độ pH và tăng khả năng trao đổi ion kim loại trong đất.


Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa (Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón và Môi trường phía Nam), nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng TSH không những cải thiện hàm lượng dinh dưỡng mà còn tăng cả khả năng giữ dinh dưỡng và nước trong đất. TSH cải thiện tính chất của đất tự nhiên, thúc đẩy nấm rễ cộng sinh, tạo điều kiện cho các quần thể vi sinh vật chức năng trong đất hoạt động.


Công ty Ecofarm đã sử dụng công nghệ BiGchar bao gồm một lò đốt quay khí hóa để loại bỏ các phần dễ bay hơi từ sinh khối mà không gây ra hiệu ứng cháy và sinh CO2. Công nghệ BiGchar tạo ra sản phẩm TSH với các thuộc tính có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với nhiều mục đích sử dụng (bón cho cây trồng, làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh,...).


Nhờ tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ song song với việc sử dụng TSH làm phân bón, Ecofarm đã thành công trong việc chuyển đổi mô hình cây trồng, tăng thu nhập cho người dân đồng thời cải tạo đất xám bạc màu. Phát huy thành quả từ những vụ bắp trước, Ecofarm đang cùng nông dân thực hiện vụ bắp Đông Xuân 2014-2015, đến nay đã đạt trên 450 ha, với hơn 500 hộ nông dân tham gia. Ông Nguyễn Hồng Quang, chủ tịch HĐQT công ty Ecofarm cho biết, giải pháp TSH cho phụ phẩm nông nghiệp mang lại giá trị về mặt kinh tế và môi trường, hỗ trợ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đem lại giải pháp ứng phó bền vững với biến đổi khí hậu.



Bắp Antesco có sử dụng TSH.
Nguồn: Ecofarm.
 
Bắp Antesco không sử dụng TSH.
Nguồn: Ecofarm



Dây chuyền sản xuất Biochar được lắp đặt đầu tiên ở Việt Nam.
Nguồn: Ecofarm

 

MINH THÔNG, STINFO số 1&2/2015

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả