SpStinet - vwpChiTiet

 

Đảm bảo an toàn khi kinh doanh thực phẩm



Nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam

· Công ty có nhu cầu nhập khẩu thực phẩm chức năng từ Úc. Xin được tư vấn yêu cầu và thủ tục khi nhập khẩu thực phẩm chức năng vào Việt Nam.
 
* Theo Điều 38 Luật An toàn thực phẩm (ATTP) quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu, mọi loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải qua kiểm tra tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực phẩm nhập khẩu cần có bản công bố hợp quy tại Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế; và phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu”.

Trường hợp nhập khẩu thực phẩm chức năng, cần có thêm giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhân y tế theo quy định. Đặc biệt phải có tài liệu khoa học chứng minh tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố, và báo cáo thử nghiệm hiệu quả sản phẩm theo quy định tại Điều 14 Luật ATTP.

Ngoài Điều 38 trên, đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu thêm một số văn bản sau đây để thực hiện đúng pháp luật:
 
- Luật ATTP số 55/2010/QH12 ngày 17/06/2006 (Điều 10 và Điều 14).
 
- Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ.
 
- Quyết định số 818/2009/QĐ-BYT ngày 05/03/2007 của Bộ Y tế.
 
- Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính. 
 

Nhập khẩu nguyên liệu nguồn gốc động vật

· Công ty cần nhập khẩu nguyên liệu có xuất xứ từ sữa động vật. Nguyên liệu này đã được Cục VSATTP, Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, có thông tin không chính thức cho rằng cần thêm giấy phép của Cục Thú y do nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật. Xin được hướng dẫn thêm.

* Việc nhập khẩu nguyên liệu có chứa sữa động vật để sản xuất cần thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 23/2007/QĐ-BYT ngày 29/03/2007 của Bộ Y tế; Quyết định về việc ban hành "Quy chế Kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh đối với thực phẩm nhập khẩu" và Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 05/03/2007 của Bộ Y tế ban hành Danh mục phải kiểm tra ATTP.

Mặt khác, sản phẩm này cũng nằm trong danh mục kiểm tra ATTP theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/04/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh ATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.

Như vậy, đây là trường hợp một mặt hàng có đến hai bộ quản lý. Đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham khảo thêm một số văn bản liên quan tại địa chỉ trang web Tổng cục Hải quan www.customs.gov.vn.



Kinh doanh phụ gia thực phẩm, bột làm bánh
 
· Công ty có chức năng sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm, bột làm bánh các loại. Xin hỏi phải đăng ký làm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP ở đâu?

* Tùy loại sản phẩm thực phẩm, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện ATTP sẽ thuộc Bộ Y tế, Bộ Công thương hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Với trường hợp sản phẩm của doanh nghiệp:

Phụ gia thực phẩm: thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Theo Điều 4 Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế thì:

- Cục ATTP: cấp giấy chứng nhận cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trừ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

- Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm: cấp giấy chứng nhận cho cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm.

Bột làm bánh các loại: cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương.

Theo Điều 1 và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 29/2012/TT-BCT ngày 05/10/2012 của Bộ Công thương ban hành về việc quy định cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương thì:

Sở Công Thương là cơ quan cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương trong phạm vi địa bàn thành phố, có công suất thiết kế thấp hơn các cơ sở sản xuất có công suất thiết kế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư này.
Như vậy, trường hợp sản phẩm của doanh nghiệp thuộc nhiều Bộ quản lý, đề nghị doanh nghiệp liên hệ Cục ATTP tại địa chỉ số 135 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội – Điện thoại: (04)38464489 để được hướng dẫn thêm.
 

Kinh doanh tổ yến

· Công ty kinh doanh mặt hàng thực phẩm từ tổ yến, bằng cách mua từ cơ sở kinh doanh khác các sản phẩm như tổ yến thô, tổ yến rút lông, tổ yến đã qua sơ chế…; phân loại sản phẩm; chia nhỏ và đóng gói sản phẩm; cuối cùng bán cho người tiêu dùng. Xin hỏi công ty cần xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại đâu?

* Tại khoản 3 điều 63 Luật ATTP quy định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.

Hiệu nay Chi cục Thú y TP.HCM là cơ quan được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM phân cấp quản lý đối với loại hình mà công ty đang kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp có thể liên hệ Chi cục Thú y TP.HCM để được hướng dẫn giải quyết. Địa chỉ liên hệ: số 151 đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 11, TP.HCM. 
 

Công bố chất lượng thực phẩm

Xin hướng dẫn một số quy định về công bố chất lượng thực phẩm:

1. Sản phẩm nào không bắt buộc phải công bố chất lượng thực phẩm?

2. Trường hợp sản phẩm sản xuất ra chỉ để cung cấp cho duy nhất một khách hàng. Khách hàng đó dùng sản phẩm trên làm nguyên liệu sản xuất thì có phải đăng ký công bố chất lượng thực phẩm cho sản phẩm này hay không?

3. Sản phẩm mới có được phép bán thử trên thị trường trước khi công bố tiêu chuẩn chất lượng không?

4. Các sản phẩm chỉ sản xuất phục vụ mùa Trung thu có phải công bố tiêu chuẩn chất lượng không?

* 1. Căn cứ Điều 3, Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thì: thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (sau đây gọi chung là sản phẩm) phải được công bố hợp quy (đối với sản phẩm đã có quy chuẩn) và công bố phù hợp quy định ATTP (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn) với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa lưu thông ra thị trường.

Như vậy những loại thực phẩm nào nằm ngoài đối tượng nêu trên không cần công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP.

* 2. Đối với sản phẩm là thực phẩm đã qua chế biến sản xuất ra dưới dạng nguyên liệu mà không bao gói sẵn thì không cần phải công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP.

* 3. Với những sản phẩm thực phẩm thuộc đối tượng cần công bố, cho dù chỉ là sản phẩm mới bán thử, trước khi lưu thông ra thị trường vẫn bắt buộc phải công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP.

* 4. Như đã trả lời ở câu 2, bánh trung thu là sản phẩm có bao gói sẵn nên bắt buộc phải công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định trước khi lưu thông trên thị trường. 

 
NHẬT ANH, STINFO Số 8/2014
 
Tải bài này về tại đây.
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả