SpStinet - vwpChiTiet

 

Làm chủ công nghệ rải bê tông xi măng

Thành công từ mô hình liên kết ba nhà: Doanh nghiệp – Khoa học – Nhà nước

Các thiết bị hiện đại chuyên dùng thi công đường bê tông xi măng đã phát triển trên thế giới, song tại Việt Nam còn khá nhiều dự án đường bê tông được thi công bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới thô sơ nên chất lượng công trình không đảm bảo, tiến độ chậm… Việc sự hợp tác chế tạo thành công máy rải bê tông bằng trống lăn của Công ty Việt Thịnh Phát và Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã góp phần giải bài toán thi công đường bê tông xi măng hiện nay.



Máy rải bê tông xi măng bằng trống lăn của Mỹ có giá khoảng 3 tỷ đồng
 

Đề án “Sử dụng xi măng trong xây dựng hạ tầng giao thông” của Bộ Xây dựng được khởi động khi Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải ký kết chương trình hành động của hai bộ về tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
 

“Có nên làm đường bằng bêtông xi măng trên quy mô lớn?” - bài của tác giả Chí Hiếu trên báo Sài Gòn Tiếp thị có đăng ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: việc sử dụng xi măng trong xây dựng sẽ góp phần phát huy nội lực trong nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nhập siêu bởi việc xuất khẩu xi măng là xuất khẩu điện và than giá rẻ, nếu tính đúng giá điện, giá than thì giá thành xi măng không thể thấp như vậy. Và hiệu quả thực tế về sử dụng xi măng đã được kiểm nghiệm tại đường băng sân bay, các tuyến đường giao thông nông thôn có chất lượng và tuổi thọ rất tốt. Còn theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: mặc dù bê tông xi măng đòi hỏi nền đường phải tốt, nhưng ưu điểm của nó là tuổi thọ từ 20 - 30 năm, trong khi bê tông nhựa chỉ hơn mười năm. Hơn nữa, chúng ta có thể tự sản xuất xi măng nên sẽ hiệu quả về mặt kinh tế trong xây dựng công trình giao thông.
 

Dù xây dựng đường bê tông xi măng đắt hơn bê tông nhựa nhiều, nhưng xu thế phát triển sử dụng bê tông xi măng trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay là tất yếu. Điều cần lưu ý là phải cân nhắc sử dụng bê tông xi măng cho phù hợp địa hình, đảm bảo chất lượng công trình để đạt hiệu quả khi thay thế bê tông nhựa bằng bê tông xi măng.
 

Liên kết làm chủ công nghệ rải bê tông xi măng
 

Ở Việt Nam, một số đơn vị đã từng nhập thiết bị thi công hiện đại để thực hiện các dự án như Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Cần Thơ, Đường Hồ Chí Minh, Đường Đông Trường Sơn… Tuy nhiên, chỉ có các đơn vị lớn, nguồn lực mạnh mới đủ khả năng nhập các thiết bị hiện đại vì chi phí đầu tư cho một dây chuyền thi công đường bê tông khá cao. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng. Ngoài ra, còn nhiều dự án đường bê tông ở Việt Nam vẫn thi công bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới thô sơ nên chất lượng công trình không đảm bảo, tiến độ chậm.
 

Trước nhu cầu về thiết bị thi công phục vụ cho chiến lược sử dụng bê tông xi măng để xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam, công ty TNHH Đầu tư Phát triển Công nghệ và Thiết bị Xây dựng Việt Thịnh Phát đã phối hợp với trường Đại học Bách Khoa TP.HCM nghiên cứu chế tạo thiết bị rải bê tông mặt ngang ứng dụng trong thi công đường bê tông xi măng, sân bay, bãi đỗ, bến cảng. Đây là nghiên cứu được phát triển tiếp theo thành công của đề tài máy rải bê tông mái dốc, được thực hiện giữa hai đơn vị từ năm 2009, đã được ứng dụng thành công ở dự án Thủy lợi Phước Hòa và nhận được giải thưởng Vifotec. Kết quả của sự hợp tác này là máy rải bê tông bằng trống lăn VF-450 được thiết kế chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam theo công nghệ Hoa Kỳ.
 

Ưu điểm của máy rải bê tông bằng trống lăn VF-450 là gọn nhẹ, có thể thi công dễ dàng ở mọi khổ đường từ 3m đến 20m, chỉ cần một người vận hành, chất lượng đường bê tông xi măng được đảm bảo, sai số kích thước nhỏ hơn 2mm; giá trị đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, chỉ bằng 50% máy nhập từ Mỹ với thông số kỹ thuật tương đương.
 

Với thành công này, Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ rải bê tông tiến tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đại trà các dự án đường bê tông xi măng. Chủ động được công nghệ thi công giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả của việc thay thế đường bê tông nhựa bằng đường bê tông xi măng.
 

Ghi nhận từ mô hình liên kết ba nhà: Doanh nghiệp - Khoa học - Nhà nước
 

Ông Vũ Bá Dũng, Giám đốc Công ty Việt Thịnh Phát cho biết, việc chế tạo được máy rải bê tông xi măng có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay khi Chính phủ cùng các bộ ngành đang khẩn trương nghiên cứu triển khai ứng dụng bê tông xi măng trong kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Thành công này là kết quả của mô hình kết hợp giữa ba nhà: Doanh nghiệp (Việt Thịnh Phát) - Nhà khoa học (Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) - Nhà nước (Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM). Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò cầu nối giữa nhu cầu thực tiễn với nhà khoa học và Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí nghiên cứu, bản quyền công nghệ, hỗ trợ quảng bá và phát triển sản phẩm... Mô hình này đang được khuyến khích phát triển nhằm phát huy năng lực chế tạo trong nước, giảm nhập siêu.

 

Ra đời trong hoàn cảnh nền công nghiệp máy xây dựng trong nước còn chưa phát triển, Việt Thịnh Phát xác định phấn đấu trở thành đơn vị tiên phong trong việc phát triển cơ giới hóa trong xây dựng, một địa chỉ tin cậy cung cấp các giải pháp công nghệ và thiết bị xây dựng hiệu quả với khoản đầu tư tối ưu. Một trong những thế mạnh của Việt Thịnh Phát là ở nguồn lực con người nhờ sự hợp tác chặt chẽ với Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Mô hình hợp tác này giúp cho Việt Thịnh Phát có được đội ngũ chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm để nghiên cứu các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thực tiễn. Ngược lại, Trường Đại học Bách khoa cũng tiếp cận được các nhu cầu thực tế để tập trung nghiên cứu các sản phẩm có tính ứng dụng cao; tiếp cận và đưa các sản phẩm, công nghệ mới của nước ngoài vào giảng dạy.
 

Mặt khác, Việt Thịnh Phát và Đại học Bách khoa đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí từ phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để có thể triển khai hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ông Dũng đánh giá, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM có nhiều chương trình và kênh thông tin tư vấn giúp doanh nghiệp tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp ngành cơ khí và xây dựng. Hiện Việt Thịnh Phát và Đại học Bách khoa đang tiếp tục nghiên cứu một số sản phẩm công nghệ mới như: máy bó vỉa hè, thiết bị sản xuất gạch nhẹ, máy khoan cọc xi măng đất. Việt Thịnh Phát sẽ từng bước sản xuất các sản phẩm đặc chủng phù hợp với điều kiện hiện nay và sẽ tiến hành sản xuất các máy móc thông dụng (máy xúc đào, máy ủi, lu…) trong tương lai.
 

Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế và ngành xây dựng hiện nay, Việt Thịnh Phát cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu về thiết bị máy móc sụt giảm nhiều so với các năm trước. Việc triển khai ứng dụng sản phẩm máy rải bê tông xi măng gặp một số khó khăn do người tiêu dùng vẫn còn có nhiều định kiến về chất lượng, tính năng hoạt động, bảo trì hậu mãi… đối với sản phẩm sản xuất trong nước. Sắp tới rất cần tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo chuyên ngành để giới thiệu quảng bá rộng rãi sản phẩm. Ngoài ra, ông Dũng cũng kiến nghị, cần có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cho các doanh nghiệp có mô hình và chiến lược kinh doanh giống như Việt Thịnh Phát để ngành công nghiệp chế tạo máy phát triển.
 

Lam Vân, STINFO Số 11/2012

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả