SpStinet - vwpChiTiet

 

Áp dụng thương mại điện tử tại doanh nghiệp

Thương mại điện tử (TMĐT) đang chi phối mạnh mẽ việc quảng bá, tiếp cận sản phẩm, giao dịch hàng hóa trên thị trường. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã ứng dụng rộng rãi TMĐT vào các hoạt động kinh doanh, theo VCCI - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có hơn 45% DN ở Việt Nam có website riêng. Phóng viên tạp chí Stinfo đã có buổi trao đổi với Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, Bộ Công Thương về những lợi ích, trở ngại và chính sách của Nhà nước về lĩnh vực TMĐT mà các DN rất quan tâm.

PV: Ông có ý kiến gì về tầm quan trọng của TMĐT trong hoạt động của DN?
 

Ông Trần Hữu Linh: có thể nói việc đổi mới các phương thức xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia cũng như trong mỗi DN trong thời gian tới rất quan trọng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, bên cạnh việc xúc tiến thương mại qua các kênh truyền thống như tham dự hội chợ, triển lãm, đưa hàng vào các showroom… thì một DN, một khách hàng bất kỳ trên thế giới khi muốn tìm một DN đối tác, một sản phẩm nào đó thì công cụ thường sử dụng đầu tiên đó là internet và các công cụ tìm kiếm. Do đó, TMĐT phải là một phần không thể thiếu trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
 

PV: Các DN được lợi ích gì khi áp dụng TMĐT?
 

Ông Trần Hữu Linh: thứ nhất, TMĐT giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Ví dụ như để tiếp cận các DN ở Mỹ, hàng năm có hội chợ tại LasVegas, tuy nhiên số DN Việt Nam tham gia rất ít. Mặt khác có tham gia cũng chưa chắc đã có được khách hàng. TMĐT đem đến cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận khách hàng không riêng gì ở Mỹ mà ở khắp nơi trên thế giới. Thứ hai, TMĐT giúp xây dựng hình ảnh cho DN. Thứ ba, TMĐT làm giảm chi phí và dịch vụ cho DN trong việc nhận đơn hàng và quảng bá sản phẩm. Chính vì vậy, thay vì bị động thì các DN xuất nhập khẩu Việt Nam nên chủ động sử dụng internet và TMĐT để tìm kiếm đối tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.
 

PV: Trở ngại mà DN thường hay gặp phải khi áp dụng TMĐT?
 

Ông Trần Hữu Linh: Một trong những trở ngại mà DN thường gặp đó chính là thiếu thông tin hoặc tiếp cận các thông tin cần thiết một cách rất khó khăn, như thông tin về thị trường bản xứ, thông tin về đối tác, bạn hàng, thông tin về thủ tục xuất nhập khẩu… DN cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, và có cách thức sử dụng thông tin hiệu quả. Mặt khác, DN lại thường cho rằng thông tin cần phải miễn phí. Tôi cho rằng DN nên nhìn nhận dưới góc độ là cần phải đầu tư cho thông tin, cần có bộ phận chuyên trách để tìm kiếm, thu thập, phân tích thông tin để giúp cho lãnh đạo DN ra quyết định kinh doanh phù hợp. Bởi vì trong thời đại internet hiện nay, thông tin vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa là có rất nhiều thông tin khác nhau nhưng cái thiếu là tiếp cận và xử lý thông tin như thế nào để có đầy đủ những thông tin cần thiết mới là điều quan trọng.
 

PV: Các DN cần làm gì để có thể áp dụng mô hình TMĐT hiệu quả?
 

Ông Trần Hữu Linh: DN cần nghiên cứu, tìm hiểu ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến lược kinh doanh của mình. Mỗi DN có những đặc thù riêng nên phải có kế hoạch, chiến lược áp dụng TMĐT riêng và phù hợp với DN. Kế hoạch áp dụng TMĐT cần cụ thể, tránh làm theo phong trào.


 

PV: Ông có nhận xét gì về các sàn giao dịch TMĐT hiện nay tại Việt Nam?
 

Ông Trần Hữu Linh: Hiện các sàn giao dịch TMĐT đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Doanh thu trong hai, ba năm gần đây tăng mạnh, chứng tỏ sự quan tâm của người dân trong lĩnh vực này. Trong năm 2012, tại Việt Nam có 13 sàn nộp hồ sơ đăng ký, 35 sàn giao dịch TMĐT được xác nhận trên toàn quốc với số thành viên lên đến 3.148.000 thành viên và tổng giá trị giao dịch lên đến 4.130 tỷ đồng. Phổ biến là các sàn giao dịch TMĐT tổng hợp nhiều các ngành hàng khác nhau. Theo tôi trong thời gian tới chúng ta cần quan tâm đến sàn giao dịch TMĐT mang tính chuyên biệt vì các sàn giao dịch này có tính chuyên môn hóa cao nên hiệu quả của nó cũng sẽ cao hơn các sàn giao dịch TMĐT gồm nhiều ngành hàng.
 

PV: Kế hoạch của Bộ Công thương về TMĐT trong thời gian tới?
 

Ông Trần Hữu Linh: Chính phủ và các bộ ngành rất quan tâm tới việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển TMĐT. Cụ thể, tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1073/QD/TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015. Trong Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến năm 2020 cũng nhấn mạnh việc phát triển TMĐT. Về phía Bộ Công thương, cụ thể là Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin với tư cách là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý TMĐT, đã liên hệ với rất nhiều sở ban ngành tại địa phương, xây dựng các kế hoạch rất cụ thể để các DN có thể tiếp cận TMĐT một cách nhanh chóng. Năm 2012, Bộ Công thương cũng sẽ trình Chính phủ ban hành các quy định mới về TMĐT, xác định lại thị trường cũng như phát triển TMĐT tại Việt Nam.
 

PV: Cám ơn ông.

 

Hoàng Mi, STINFO Số 8/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả