SpStinet - vwpChiTiet

 

Cô giáo - Doanh nhân

DÁNG VẺ ĐÔN HẬU, HIỀN LÀNH, NGHIÊM NGHỊ THẬM CHÍ CÓ PHẦN HƠI CỨNG CỦA CÔ TRẦN THỊ HƯỜNG, CHỦ NHÃN HIỆU THỜI TRANG HẠNH KHIẾN TÔI BỊ BẤT NGỜ. BÀ CHỦ CỦA MỘT NHÃN HIỆU THỜI TRANG NỔI TIẾNG MÀ GIẢN DỊ, BÌNH DÂN ĐẾN VẬY!
Phấn đấu không ngừng
Gặp cô Hường lần đầu ai cũng hỏi “Sao cô lại chọn ngành may trong khi thời trang Việt Nam lúc đó dường như là số 0?”. Cô cười “Tôi chọn ngành may hoàn toàn theo cảm tính. Tôi thi vào trường Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, khoa Nữ công gia chánh với suy nghĩ rất đơn giản - đó là một ngôi trường đẹp và ngành này có vẻ gần gũi và cần thiết với phụ nữ. Càng học tôi càng bị thu hút”. Thừa hưởng gen khéo léo, tinh tế của mẹ về khoản nữ công gia chánh, cô luôn đạt điểm cao trong suốt 4 năm học.
Các mảnh vải mềm mại với hoa văn tinh tế… tất cả đều khiến cô thích thú. Bởi thế, 4 năm học với cô dường như còn ít ỏi. Cô quyết tâm vào Sài Gòn học tiếp trường Bách khoa trung cấp Phú Thọ (Đại học Bách khoa TP. HCM hiện nay) và tiếp tục theo đuổi đam mê.
Năm 1974 cô vào học trường Đại học Giáo dục Thủ Đức (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM hiện nay). Môi trường sư phạm làm cho cô thêm yêu nghề giáo. Không chỉ xác định sẽ theo nghề may cô còn mong muốn mình sẽ theo nghề giáo. Tốt nghiệp, cô được PGS.TS Nguyễn Văn Lân, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật dệt may của Đại học Bách khoa TP. HCM mời về giảng dạy. Công việc xem như toại nguyện, nhưng đời sống thật khó khăn vì đồng lương nhà giáo ít ỏi. Làm sao để vừa được làm nghề yêu thích vừa đảm bảo cuộc sống gia đình? Tại sao mình không làm thêm một việc dựa trên kiến thức của mình? Tiệm may gia đình ra đời từ đó. Nhờ đường cắt tinh tế, kiểu dáng và giá tiền phù hợp nên chẳng mấy chốc tiệm may Hạnh ngay gần chợ Tân Bình trở thành địa chỉ thân quen của khách hàng. Thế là, tiệm may nhỏ bé ấy không những đảm bảo cuộc sống cho gia đình mà còn là nơi cung cấp kiến thức thực tế cho những bài giảng của cô. Cô chiêm nghiệm “nghề may là một nghề đòi hỏi học phải đi đôi với hành. Học may không thực hành nhiều không thể thành công”.
Năm 1996, xưởng may của cô có khoảng hơn 30 thợ. Lúc này cô không chỉ nhận may theo yêu cầu mà còn gia công hàng cho một số nhãn hàng thời trang như: thời trang công sở, Sanding... Những người sáng tạo và có ý chí không mấy khi dừng lại ở khâu gia công. Cô Hường là người như thế. Cô muốn tạo ra những bộ quần áo đẹp, lịch sự cho mọi người. Năm 2003, Công ty TNHH Thời trang Hạnh ra đời. Cái tên nghe cũng đơn giản như chính cô giáo miền Trung hiền lành, chịu khó (Cô lấy tên công ty là tên của con gái lớn). Cô tâm sự “Để có được công ty như ngày nay thì chính những ngày khó khăn của tiệm may gia đình đã cho tôi am hiểu nghề may đo vững vàng, cộng thêm với vốn kiến thức của quá trình học tập lâu dài đã giúp tôi biết tổ chức sản xuất thời trang công nghiệp, nói theo kiểu chữ nghĩa thì đó là kỹ năng và tri thức cộng lại ”.
Nghề kinh doanh ngoài sản phẩm chất lượng còn khâu cực kỳ quan trọng là đưa sản phẩm tiếp cận thị trường. Cô đã từng dùng xe máy chở các bộ đồ do mình sáng tạo từ Sài Gòn tới siêu thị Big C (Đồng Nai) để thuyết phục và vào được siêu thị! Đó là việc không dễ chút nào. Rồi cô có được một gian hàng riêng, một việc khó gấp bội. Hiện nay thời trang Hạnh đã có mặt ở khắp các hệ thống các siêu thị của Coop-mart, Vinatex, BigC, CMC và nhiều tỉnh thành trong nước.
“Kết quả này thật sự không phải bởi những chiến dịch tiếp thị quy mô mà bằng sản phẩm và sự kiên trì”, cô tự đúc kết.
Cô giáo – Doanh nhân
Thời trang Hạnh là sản phẩm trí tuệ và bàn tay của cô giáo Hường, một người đam mê với dệt may và dạy đại học về dệt may! Cô nói, không có gì sung sướng hơn khi đứng giữa vô vàn các loại vải, được ngắm nghía, lựa chọn và rồi biến cảm hứng đó thành các sản phẩm và truyền chúng cho học trò ở trường và cả ở xưởng! Niềm đam mê sẽ khó trở thành hiện thực khi thiếu tri thức vững vàng. May mắn với cô (như cô thừa nhận) là được học hành chu đáo, bài bản và sâu rộng qua ba ngôi trường yêu thương. Với cô, con đường học tập là không có kết thúc dù đã qua đến 3 trường. Cô kể cho tôi nghe về một dấu ấn đáng nhớ trong cái sự học nghề may của mình. Đó là vào năm 1996, khi Tổng công ty Dệt may phối hợp với Đại học Melbourne, Úc tổ chức lớp nâng cao trình độ cho giáo viên và cán bộ kỹ thuật của ngành may thời trang. Đây là lần đầu tiên cô được tiếp cận một cách cụ thể, rõ ràng về công nghiệp thời trang. Từ đó, cô đã kết hợp hài hòa giữa phương pháp của Úc và giáo trình của Mỹ vào việc giảng dạy và cả thực tiễn sản xuất của thời trang Hạnh. Năm 2006, cô đã hoàn thành một đề tài cấp bộ về “Xây dựng hệ thống cỡ số nữ tuổi từ 15-60” và đề tài được áp dụng ngay tại công ty cô. Theo cách của cô, dựa vào 4 vòng đo trên cơ thể: ngực, eo, bụng và mông để phân định cho đủ loại kích cỡ. Người mua chỉ cần cung cấp thông tin về chiều cao, trọng lượng là có thể mua đồ chuẩn với size mình cần. Hiện cô đã xây dựng được 3 vóc A, B, C và có hệ thống cỡ số cho người chưa sinh con và đã sinh con. Đây là một điểm nhấn đặc biệt của thương hiệu thời trang Hạnh so với các công ty may khác. Cô nói “Với tôi, một khóa chỉ có 3 tháng nhưng như được tiếp nhận một chiếc phao thần kỳ khi đang chơi vơi giữa đại dương thời trang”.
Thành công của thời trang Hạnh còn phải nhắc đến uy tín và niềm tin do chính người sáng lập tạo nên. Ngay từ khi còn là xưởng may gia công, người trong ngành đều biết đến thời trang Hạnh không chỉ bởi sản phẩm đẹp, chất lượng mà còn bởi chữ tín của bà chủ.
Người ta thường nói “đằng sau thành công của người đàn ông là hình bóng của người phụ nữ” còn với cô Hường – thành công của cô có sự đóng góp to lớn của ông xã. Nghỉ hưu sớm, chú đã làm cánh tay phải cho mỗi kế hoạch của cô. Cuốn sách về may công nghiệp của giáo sư Mỹ mà cô đưa vào giảng dạy và áp dụng là kết quả của hai năm miệt mài dịch thuật của chú. Đến khi mở công ty với bao bộn bề, gian khó, một tay chú lo toan, sắp xếp để cô yên tâm đứng trên bục giảng. Cô khẳng định “không có sự giúp đỡ, chia sẻ của chồng thì tôi không thể thành công.”
Lịch sự, trang nhã là cảm nhận của bất cứ ai khi tiếp xúc với thời trang Hạnh. Những mẫu thiết kế đơn giản mà tinh tế, thấp thoáng tính cách, đặc điểm của cô giáo Hường. Công ty với hơn 130 công nhân đang ngày đêm miệt mài làm việc. Người tạo ra thương hiệu thời trang uy tín khiêm tốn cho biết “Mục đích lớn nhất của công ty không phải là mở rộng kinh doanh hay mang chuông đi đánh xứ người như nhiều người nghĩ mà đơn giản là hãy tiếp tục làm tốt và đẹp lòng những khách hàng của mình, giữ vững chất lượng với người tiêu dùng”.

Bích Hằng