SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở (tháng 11/2012)

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CƠ SỞ
Hội nghị báo cáo tổng kết và bàn giao dự án: “Ứng dụng GIS trong quản lý nhà nước tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức”
 

Sáng ngày 04/10/2012, tại hội trường UBND phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM đã diễn ra hội nghị báo cáo tổng kết và bàn giao dự án “Ứng dụng GIS trong quản lý nhà nước tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức” do Sở Khoa học và Công nghệ và UBND quận Thủ Đức phối hợp thực hiện. Tham gia buổi tổng kết có đại diện Sở KH&CN, Trung tâm Ứng dụng Thông tin Địa lý GIS, UBND quận Thủ Đức, các phòng ban và 12 phường thuộc quận.

 

Tại buổi tổng kết, đại diện Trung tâm Ứng dụng Thông tin Địa lý GIS - đơn vị thực hiện dự án, cùng đại diện các bộ phận triển khai ứng dụng GIS thuộc phường Bình Thọ đã trình bày các kết quả ứng dụng trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước tại phường Bình Thọ.
 

Hệ thống ứng dụng GIS hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước tại phường Bình Thọ đã được xây dựng cho ba lĩnh vực là: quản lý doanh nghiệp, quản lý hệ thu gom rác dân lập và quản lý nghĩa vụ quân sự. Mặc dù trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là việc quản lý các dữ liệu theo phương thức cũ còn nhiều bất cập, nhưng với sự hợp tác, tạo điều kiện của lãnh đạo phường Bình Thọ, Phòng Kinh tế quận Thủ Đức và Phòng Quản lý KH&CN Cơ sở (Sở KH&CN TP.HCM), hệ thống đã được xây dựng hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
 

Việc triển khai xây dựng hệ thống này sẽ hỗ trợ cho các cán bộ chuyên môn của phường có được công cụ hữu ích trong việc quản lý. Đồng thời hiệu quả sử dụng của hệ thống này là cơ sở cho việc mở rộng ứng dụng GIS cho các lĩnh vực khác trong công tác quản lý tại phường Bình Thọ. Đây cũng là cơ sở cho việc mở rộng ứng dụng GIS trong quản lý nhà nước trên toàn địa bàn quận Thủ Đức, góp phần vào việc tin học hóa hệ thống quản lý trong các cơ quan nhà nước.
 

Hội nghị đã được nghe các ý kiến đóng góp tích cực từ đại diện các phòng ban và các phường thuộc quận. Tổng kết hội nghị, đại diện Sở KH&CN TP.HCM, Ông Trần Thu Bích - Trưởng phòng Quản lý KH&CN Cơ sở và Bà Trần Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng khoa học công nghệ nói chung và hệ thống thông tin địa lý nói riêng vào công tác quản lý nhà nước hiện nay để tăng cường hiệu quả quản lý, đồng thời có ý kiến chỉ đạo mở rộng ứng dụng hệ thống này cho một số phường còn lại trên địa bàn quận. 

 

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ LUẬT ĐỊNH
Quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất 

 

Người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường, đồng thời có trách nhiệm:
 

– Bảo đảm sản phẩm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.
 

– Phải công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Việc công bố hợp quy được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
 

– Tự xác định và thể hiện thông tin cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm.
 

Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất:
 

Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành. Các căn cứ để tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất gồm:
 

– Hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Sự không phù hợp này có tính hệ thống, lặp lại.
 

– Hàng hóa xuất khẩu không phù hợp với các điều kiện quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước/vùng lãnh thổ có liên quan; hàng hóa gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia.

 
Trao đổi về chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng
tại Công ty Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tân.

Nội dung kiểm tra gồm có:
 

– Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất.
 

– Kiểm tra việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, thể hiện dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu đi kèm sản phẩm cần kiểm tra.
 

– Thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.
 

Cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp để thực hiện việc đánh giá, thử nghiệm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
 

Chuyên gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá, thử nghiệm của mình.
 

Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất
 

Trường hợp người sản xuất không thực hiện các yêu cầu quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đoàn kiểm tra xử lý theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đồng thời thông báo cho người sản xuất về nội dung không phù hợp và quy định rõ thời gian khắc phục. 

 
Hàng mỹ phẩm kém chất lượng, giá, hàm lượng độc tố cao...
bị QLTT TP.HCM phát hiện, lập biên bản xử lý.

Người sản xuất có trách nhiệm khắc phục nội dung không phù hợp theo yêu cầu của đoàn kiểm tra và chỉ được phép đưa ra thị trường khi nội dung không phù hợp đã được khắc phục. Trước khi đưa sản phẩm đã được khắc phục này ra thị trường, người sản xuất phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra.
 

Trong trường hợp phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, mức độ và quy mô ảnh hưởng, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định thông báo trên đài phát thanh hoặc truyền hình địa phương hoặc trung ương, phương tiện thông tin đại chúng khác.
 

Khi phát hiện vi phạm cần xử lý vi phạm hành chính, cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm thông báo cho cơ quan kiểm tra biết việc xử lý và kết quả xử lý để theo dõi.

 

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KH&CN
Tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa
(Căn cứ theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 31/ 12/2008 của Chính phủ

quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa)
 

Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là việc cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá lại chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ đã được đánh giá chất lượng bởi các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc đã được áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng khác của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
 

Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở trung ương là các tổng cục, cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; có trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo lĩnh vực được phân công tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mỗi bộ.
 

Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương là cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương tiến hành việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn quản lý theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
 

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định quy chế kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực và cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi được phân công với các cơ quan thanh tra, cơ quan hải quan, công an, quản lý thị trường.
 

Căn cứ vào yêu cầu cụ thể, bộ quản lý ngành, lĩnh vực, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và thống nhất với Bộ Nội vụ về biên chế lực lượng kiểm soát viên chất lượng của đơn vị thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

 

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng
các hệ thống quản lý chất lượng tiến tiến và các công cụ nâng cao năng suất

 

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, chứng nhận hợp chuẩn - hợp quy và các công cụ cải tiến năng suất. Mục tiêu của chương trình là quản lý chất lượng tốt phải luôn đi đôi với nâng cao năng suất để phát triển toàn diện và bền vững.
 

Nội dung:
 

– Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý quốc tế ( ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, HACCP, GMP, ISO 22000, ISO/IEC 17025, OHSAS 18000, GAP,…).
 

– Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ nâng cao năng suất, sản xuất sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất (5S, các công cụ thống kê, Kaizen,…).
 

– Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy.
 

Đối tượng tham gia:
 

– Doanh nghiệp có sản phẩm/ dịch vụ có thế mạnh xuất khẩu, tiềm năng xuất khẩu hoặc thay thế, cạnh tranh được hàng nhập khẩu.
 

– Doanh nghiệp có quyết tâm áp dụng các hệ thống quản lý quốc tế ở đơn vị mình.
 

– Doanh nghiệp có tổ chức hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị đang vận hành tốt.
 

– Không phân biệt loại hình doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.
 

– Riêng các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện hỗ trợ của chương trình này.


 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả