SpStinet - vwpChiTiet

 

Sản xuất cao chiết và chế phẩm từ Actisô Đà Lạt có hàm lượng cynarin và acid clorogenic cao hơn chế phẩm của nước ngoài (Chophytol)

Hiện nay, actisô được người dân dùng nhiều để làm thực phẩm hay làm thuốc. Có khá nhiều sản phẩm  từ actisô trên thị trường, nhưng hàm lượng hoạt chất chính (cynarin và acid clorogenic) không đồng đều, thậm chí có sản phẩm không phát hiện được hoạt chất. Do đó, việc ổn định, tiêu chuẩn hóa nguyên liệu, chiết xuất và sản xuất thuốc đạt chất lượng là một nhu cầu cần thiết.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Actisô (Cynara scolymus L.) được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, nhiều nhất là ở Italia, Ai Cập, Tây Ban Nha, Argentina,… Báo cáo của Tổ chức Lương nông thế giới  (FAO) 2013 cho thấy, 12 nước sản xuất và tiêu thụ đứng đầu thế giới đã sử dụng 1.587.286 tấn lá actisô. Actisô được sử dụng khá nhiều do có tác dụng kháng viêm gan, cholesterol cao, kháng khuẩn kháng nấm, chống oxy hóa,…Các tác dụng này chủ yếu là do các dẫn xuất acid caffeoylquinic, đặc biệt là cynarin và acid clorogenic. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm actisô dùng làm thực phẩm hoặc làm thuốc dưới nhiều hình thức khác nhau (như viên nén, viên nang cứng, nang mềm, viên sủi, trà actisô hòa tan). Tuy nhiên, chất lượng thuốc sản xuất trong nước rất khác nhau, có sản phẩm gần như không có hoạt chất. Đặc biệt, lá actisô khô có hàm lượng cynarin, acid clorogenic rất thấp (gần như không còn hoạt chất). Nguyên nhân có thể do các chế phẩm được sản xuất từ nhiều nguồn dược liệu actisô khác nhau (Sapa, Đà Lạt...), từ bộ phận khác nhau (lá, rễ, thân, hoa), đặc biệt là do không biết phương pháp xử lý ổn định dược liệu trước khi chiết, hoặc phương pháp chiết chưa đúng, hoặc hoạt chất bị hủy trong quá trình thu hoạch và làm khô,...Vì vậy, chỉ nên sử dụng trà actisô đã qua giai đoạn ổn định dược liệu hoặc sử dụng trà hòa tan dưới dạng thuốc bột đóng gói, sản xuất từ cao actisô chiết từ lá tươi với chất lượng cao và được kiểm soát.

Để thu được cao chiết actisô chất lượng cao và ổn định, yếu tố quan trọng nhất là ổn định dược liệu để tránh phân hủy hoạt chất, có phương pháp chiết thích hợp và phương pháp kiểm nghiệm chất lượng hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Từ đó sẽ đảm bảo được chất lượng thuốc thành phẩm.

Hiện trên thị trường Việt Nam đang lưu hành sản phẩm viên bao đường Chophytol (của hãng dược phẩm Rosa Phytopharma – Pháp) có chứa 200 mg cao chiết từ lá actisô cho mỗi viên. Hãng này quy định cao chiết chứa ít nhất 3,5% cynarin trong cao khô. Việc sản xuất viên bao phim và thuốc bột đóng gói có chất lượng được kiểm soát cũng như đánh giá tương đương về hàm lượng hoạt chất, độ hòa tan so sánh với chế phẩm của nước ngoài (viên Chophytol) cho phép chủ động từ khâu nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của thuốc theo đúng chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Chiết xuất cao actisô từ lá tươi ở quy mô lớn

Lá tươi actisô 1.000 kg, rọc bỏ gân chính để thu được phiến lá (khoảng 450 kg), rửa bằng nước trong máy rửa dược liệu (2 lần), vớt ra để ráo nước và nạp vào lồng chiết.

Đưa lồng chiết có phiến lá vào trong nồi chiết xuất có áp lực bằng hệ thống ròng rọc, điều khiển bằng điện. Thêm dung môi 50 lít EtOH có chứa chất ổn định với tỷ lệ đã khảo sát để tăng hàm lượng cynarin, đun sôi 5 phút để ổn định dược liệu và tiến hành chiết với cồn ethylic 40% (cho ngập dược liệu). Chiết bằng cách đun sôi bằng hơi nước nóng trong thời gian 10 phút.

Rút dịch chiết, bã sẽ được chiết thêm một lần nữa như trên bằng cồn 40% và không dùng chất ổn định. Tập trung dịch chiết, lọc và cô đặc trong thiết bị cô tuần hoàn chân không đến khi dung dịch đạt tỷ trọng khoảng 1,2-1,3 (đo bằng tỷ trọng kế). Bay hơi dung môi trong thiết bị sấy phun sương để thu được cao khô actisô.

Kiểm nghiệm cao: định lượng, đính tính đồng thời cynarin, acid clorogenic trong cao bằng phương pháp HPLC-PDA (do nhóm nghiên cứu xây dụng và thẩm định) cho thấy hàm lượng acid clorogenic là 2,3% và cynarin là 2,6%. Hàm lượng cynarin cao hơn 3,38-144 lần so với 5 cao chiết đang lưu hành trên thị trường trong nước; hàm lượng acid clorogenic tương đương với 1 cao trên thị trường nhưng cao hơn 1,2 lần đến 43 lần so với 4 cao còn lại.

Đóng gói: trong túi nhôm 1 kg hoặc 2 kg/túi, dán nhãn, bảo quản nơi mát, tránh ánh sáng.

Quy trình bào chế viên nén bao phim actisô 200 mg

Sơ đồ quy trình

Diễn giải

- Cân nguyên liệu: cân riêng từng nguyên liệu theo công thức pha chế lô.

- Rây nguyên liệu: rây lần lượt và để riêng các nguyên liệu qua rây 0,5 mm trừ magie carbonat qua rây 0,25 mm.

- Trộn bột dập viên: trong thau inox, trộn sơ bộ cao khô actisô với silicon dioxid, sau đó trộn tiếp với magie carbonat và MCC 102 rồi cho vào thùng trộn chữ V, trộn tiếp khoảng 7 phút, tốc độ 20 - 30 vòng/phút. Lấy bột ra, trộn sơ bộ với sodium croscarmellose, sau đó trộn tiếp với compritol 888 rồi cho hỗn hợp vào lại máy trộn chữ V, tiếp tục trộn trong thời gian 3 phút với cùng tốc độ trên.

- Kiểm nghiệm bột trước khi dập viên: lấy mẫu, kiểm tra các thông số đặc trưng của bột, kiểm nghiệm bán thành phẩm (cảm quan, độ ẩm, tốc độ chảy, góc nghỉ, định tính, định lượng).

- Dập viên: dập viên bằng máy xoay tròn, viên tròn, 2 mặt khum, đường kính 10 mm, khối lượng 360 mg; độ đồng đều khối lượng ± 5% so với khối lƣợng trung bình viên. Kiểm tra trong quá trình về tính chất viên, khối lượng trung bình viên, độ đồng đều khối lượng, độ cứng, độ rã, độ mài mòn và các chỉ tiêu về định tính, định lượng, độ hòa tan. Viên dập xong được chứa trong thùng kín với 2 lớp bao PE và chuyển sang phòng biệt trữ chờ bao phim.

- Bao phim:

+ Pha dịch bao: trong thùng inox có cánh khuấy, phân tán toàn bộ tá dược bao phim Vivacoat và màu nâu (tan trong nước) với lượng cồn nước (1:1) vừa đủ tạo dịch có nồng độ 10%. Tiến hành khuấy với vận tốc 600 vòng/phút cho tới khi đạt được dịch bao đồng nhất.

+ Tiến hành bao phim.

+ Kiểm tra và điều chỉnh các thông số bao phim theo các thông số thiết lập sau: nhiệt độ gió vào (55–600C); lưu lượng gió vào (12–16 cm3/giây); nhiệt độ gió ra (48–520C); lưu lượng gió ra (10–14 cm3/giây); nhiệt độ sản phẩm (42-450C); áp suất súng phun 2,5 bar; tốc độ bơm dịch 7-8 vòng/phút; tốc độ nồi bao 8 vòng/phút.

- Sấy và làm nguội: sau khi phun hết dịch bao, khô viên và làm nguội ở nhiệt độ phòng. Khối lượng viên sau khi bao 375 mg ± 5% so với khối lượng trung bình viên. Đựng viên bao trong thùng kín với 2 lớp bao PE và chuyển sang phòng biệt trữ.

-Kiểm nghiệm: kiểm nghiệm thành phẩm bằng phương pháp HPLC-PDA và so sánh với viên Chophytol:

Tên thành phẩm

Dạng bào chế

Lượng acid clorogenic/viên

Lượng cynarin/viên

Chophytol

Viên nén bao đường chứa 200 mg cao Actisô

0,52 mg

0,27 mg

Univerphytol

Viên nén bao phim chứa 200 mg cao Actisô

4,52 mg

5,06 mg

Tỷ lệ hàm lượng giữa viên Univerphytol và Chophytol

 

8,72 lần

18,58 lần

-Đóng gói: Chai 120 viên nén bao phim/chai màu nâu.

Quy trình bào chế thuốc bột actisô 100 mg

Sơ đồ quy trình

Diễn giải

- Cân nguyên liệu: cân riêng từng nguyên liệu theo công thức pha chế lô.

- Rây nguyên liệu: rây lần lượt và để riêng các nguyên liệu qua rây 0,5 mm.

- Trộn bột: trong thau inox, trộn sơ bộ cao khô actisô với mannitol theo nguyên tắc đồng lượng, sau đó trộn tiếp với lactose theo nguyên tắc đồng lượng. Phun dịch chiết cồn hương cúc đã hòa tan sucralose vào hỗn hợp bột này, vừa phun vừa đảo trộn đều đến khi hết dịch thu được khối bột ẩm đem đi sấy.

- Sấy: khối bột ẩm được trải đều lên các khay, cho vào tủ sấy đối lưu. Mở gió không mở nhiệt, thổi khoảng 10 phút (đến khi hết mùi cồn). Sau đó mở nhiệt sấy ở nhiệt ộ 45-500C khoảng 30 phút đến khi đạt độ ẩm qui định.

- Trộn bột hoàn tất: bột sau khi sấy, được để nguội đến nhiệt độ phòng, sau đó trộn sơ bộ trong thau inox với lượng manitol và lactose còn lại rồi cho vào thùng trộn chữ V trộn trong thời gian 10 phút, tốc độ 20–30 vòng/phút.

- Kiểm nghiệm bột trước khi đóng gói: lấy mẫu, kiểm tra các thông số đặc trưng của bột, kiểm nghiệm bán thành phẩm (cảm quan, độ ẩm, tốc độ chảy, định tính, định lượng).

- Đóng gói: sử dụng túi nhôm, bên ngoài là giấy. Khối lượng đóng 3g/gói. Độ đồng đều khối lượng: ± 5% so với khối lượng trung bình gói. Kiểm tra trong quá trình về tính chất bột, khối lượng trung bình gói, độ đồng đều khối lượng, độ kín, và các chỉ tiêu về định tính, định lượng.

- Trữ: Gói thuốc bột sau khi đóng xong được chứa trong thùng kín với 2 lớp bao PE và chuyển sang phòng biệt trữ.

Kiểm nghiệm thành phẩm bằng phương pháp HPLC-PDA và so sánh với viên Chophytol:

Tên thành phẩm

Dạng bào chế

Lượng acid clorogenic

Lượng cynarin

Chophytol

Viên nén bao đường chứa  200 mg cao Actisô

0,52 mg/viên

0,27 mg/viên

Univerphytol

Thuốc bột đóng gói chứa    100 mg cao Actisô

2,30 mg/gói

 

2,63 mg/gói

Tỷ lệ hàm lượng giữa viên Univerphytol và Chophytol

 

4,44 lần

9,74 lần

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Cao chiết actisô có hàm lượng acid clorogenic và cynarin lần lượt là 2,3 và 2,6%, được sử dụng để sản xuất chế phẩm viên nén bao phim và thuốc bột đóng gói. Quy trình bào chế viên nén bao phim và quy trình bào chế thuốc bột đóng gói actisô đã được áp dụng sản xuất 3 lô cỡ 15.000 viên/lô và 15.000 gói/lô:

- Viên nén bao phim Univerphytol (chứa 200 mg cao) có lượng acid clorogeinic và cynarin cao hơn viên Chophytol (chứa 200 mg cao) lần lượt là 8,72 lần và 18,58 lần.

- Chế phẩm thuốc bột Univerphytol (chứa 100 mg cao) có hàm lượng acid clorogeinic và cynarin cao hơn viên Chophytol (chứa 200 mg cao) lần lượt là 4,44 và 9,74 lần.

Hiệu quả kinh tế:

-Giá thành sản xuất cao chiết actisô:

  • 1.000 kg lá (3.000 đ/kg):                                               3.000.000
  • Dung môi và chất ổn định:                                            1.207.500
  • Chi phí sản xuất: (200.000 đ/kg cao, 8kg)                    1.600.000
  • Khấu hao thiết bị: (50.000 đ/kg cao, 8kg                         400.000

Tổng chi phí:                                                                           6.207.500

- Lượng cao thu được:                                                            8 kg

Tổng thu (chưa thuế): 8x1.200.000                                        9.600.000

-Lợi nhuận:

 9.600.000 – (6.207.500 + 1.056.000 thuế)                             2.336.500 đồng

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. TS. Phạm Đông Phương

Điện thoại: 0918 265 213.

Email: phamdongphuong1954@gmail.com

2. Trung tâm Khoa học công nghệ Dược Sài Gòn

Địa chỉ: 41 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 028.38295641.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả