SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu: thiết bị sấy mật ong; giải pháp thu gom, vận chuyển, tái chế và tiêu hủy đồ dùng điện tử; chế tạo máy hàn inverter 40A-160A


Hiện cả nước có trên 800 ngàn đàn ong Ý (Apis mellifera) được phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam bộ cùng một số tỉnh phía Bắc. Sản lượng hàng năm khai thác khoảng 18-21 ngàn tấn mật ong, xuất khẩu 80% tổng sản lượng, nước ta trở thành nước xuất khẩu mật ong đứng thứ hai châu Á (sau Trung Quốc) và là một trong mười nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới.
 

Mật ong có hàm lượng nước > 20% rất dễ bị lên men. Khi bị lên men, mật ong có mùi khó chịu và chứa nhiều nấm mốc, hàm lượng butanol và ethanol cao, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Để kiểm soát hàm lượng nước trong mật ong, một số công nghệ đã được ứng dụng như cô đặc mật ong bằng khí khô nóng hoặc cô đặc chân không. Thiết bị sấy mật ong theo công nghệ chân không có ưu điểm về chất lượng sản phẩm song còn tồn tại một số nhược điểm như chi phí cao, vận hành phức tạp...
 

Kết quả nghiên cứu đã tính toán, thiết kế và chế tạo thành công máy sấy mật ong theo phương pháp cô đặc chân không năng suất 20kg/mẻ ứng dụng cho quy mô sản xuất hộ gia đình.
 

Theo phương pháp cô đặc chân không, mật ong được gia nhiệt trực tiếp trong buồng sấy có kết hợp đảo trộn mật trong quá trình sấy. Thời gian sấy mỗi mẻ 60 phút; nhiệt độ sấy 39,9 độ C với tần số đảo trộn 10 lần/phút cho ra sản phẩm mật ong đạt chất lượng, ẩm độ mật ong sau khi sấy ≤ 20%; hàm lượng HMF (Hydroxymethylfurfuraldehyde), diastase của mật ong sau khi sấy đạt tiêu chuẩn. Chi phí năng lượng theo phương pháp này thấp hơn phương pháp sấy lạnh.
 

Nghiên cứu thực nghiệm đã xác định ảnh hưởng của nhiệt độ sấy và tần số đảo trộn đến hàm lượng HMF của mật ong và tìm ra các thông số tối ưu. Bên cạnh đó, nghiên cứu xác định ảnh hưởng của đường kính ống dàn ngưng tụ ẩm và nhiệt độ nước muối thùng làm lạnh đến tỉ lệ lượng nước ngưng so với lượng nước tách được trong mật ong.
 

Máy sấy chân không có đảo trộn có thể ứng dụng vào sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng mật ong.


 

Tại TP.HCM, chất thải điện - điện tử (CTĐ-ĐT) đang là dòng chất thải tạo nên sức ép và thách thức đối với hệ thống quản lý môi trường, trong khi hoạt động thu gom/thu hồi của các nhà sản xuất/phân phối gần như không có, và lượng chất thải ngày càng gia tăng. Đề tài thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế và tiêu hủy đồ dùng điện - điện tử thải trên địa bàn TP.HCM; đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế và tiêu hủy CTĐ-ĐT. Tập trung vào 3 nhóm sản phẩm là máy vi tính, điện thoại di động và tivi.
 

Kết quả cho thấy, tại TP.HCM, khối lượng CTĐ-ĐT hiện nay khoảng 6.000 tấn/năm. Dự báo đến năm 2015, khối lượng phát thải khoảng 6.500-8.000 tấn/năm và đến năm 2020 khoảng 8.000-11.000 tấn/năm. Có nhiều nguồn phát sinh CTĐ-ĐT tại TP.HCM, chia thành hai nhóm chính là từ các hộ gia đình, công sở, trường học, khách sạn, nhà sản xuất, phân phối, sửa chữa… ở TP.HCM và từ bên ngoài chuyển vào như các tỉnh thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hay nhập khẩu trái phép.
 

Tại TP.HCM hiện có 550 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, lưu trữ, tái chế và tiêu hủy chất thải, bao gồm cả CTĐ-ĐT, tập trung nhiều nhất tại Thủ Đức, Bình Thạnh, Quận 8, Quận 9. Trong đó, chỉ có 7,5% số lượng các cơ sở hoạt động có giấy phép hành nghề đúng quy định, 92,5% số lượng các cơ sở hoạt động không có giấy phép hành nghề. Đa phần quy mô của các cơ sở là siêu nhỏ (97,5%). Điều kiện lưu giữ sơ sài, không đảm bảo an toàn và môi trường, nơi lưu giữ chất thải không đúng quy định.
 

Điểm cuối cùng của dòng thải điện - điện tử tại TP.HCM là thị trường Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Có tới 92,4% lượng CTĐ-ĐT tại TP.HCM được xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ có 7,6% còn lại được thải bỏ như rác.
 

Mô hình pilot thu gom CTĐ-ĐT đã được triển khai tại Phường 10, Quận Phú Nhuận. Kết quả thử nghiệm cho thấy khả năng nhân rộng mô hình thu gom CTĐ-ĐT trên địa bàn TP.HCM hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có nguồn kinh phí, mặt bằng thu gom, tuyên truyền về tác hại của CTĐ-ĐT.
 

Để quản lý CTĐ-ĐT tại TP.HCM trong tương lai, ba mô hình quản lý được đề xuất theo từng giai đoạn khác nhau: mô hình áp dụng từ nay đến trước khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý một số sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ có hiệu lực thi hành; mô hình áp dụng sau khi có hiệu lực thi hành Quyết định trên và trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về ký quỹ hoàn chi; mô hình áp dụng sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về ký quỹ hoàn chi. Ngoài ra, đề tài cũng đề xuất chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về CTĐ-ĐT và dự thảo Quy chế quản lý CTĐ-ĐT tại TP.HCM.


 

Hàn hồ quang là quá trình tạo sự liên kết các chi tiết bằng việc làm nóng chảy nhờ dòng hồ quang. Máy hàn inverter (biến tần) là máy hàn hồ quang một chiều sử dụng nguồn điện cung cấp từ lưới điện xoay chiều 220VAC-50/60Hz. Máy hàn sử dụng biến tần tiên tiến nên có thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển, tiết kiệm năng lượng hơn so với máy hàn truyền thống. Máy được trang bị chức năng bảo vệ quá dòng, quá nhiệt, có khả năng hàn liên tục với chất lượng hồ quang ổn định cao. Máy có dòng hàn chỉnh định được trong khoảng 40A - 160A, dễ hàn và chất lượng mối hàn cao. 

 

Để tiết kiệm điện năng và đạt mục đích gọn nhẹ phục vụ cho việc di chuyển và cung cấp hồ quang hàn ổn định cho mối hàn, máy hàn inverter được thiết kế đáp ứng các yêu cầu: sử dụng công nghệ inverter; thiết kế chức năng tự động cắt giảm và tự động phục hồi hệ thống quạt giải nhiệt của máy hàn khi không có nhu cầu sử dụng sau 10 phút; thiết kế chức năng tự động chuyển qua chế độ chờ “standby” sau khoảng thời gian 4 phút không sử dụng và tự động phục hồi lại chế độ làm việc “ready” khi có nhu cầu sử dụng trở lại; tần số đóng cắt của khóa điện tử công suất cho inverter được chọn ở tần số 20Khz vì ở tần số này không gây tiếng ồn cho con người...
 

Máy hàn inverter đã chế tạo đạt yêu cầu các thông số thiết kế, và được triển khai thực nghiệm tại phân xưởng cơ khí chế tạo của Công ty TNHH – Kỹ thuật TMDV Nhất Tinh cho kết quả ổn định. Theo tính toán ban đầu, giá thành của máy hàn này vào khoảng 2.675.000 đồng, thấp hơn so với các máy hàn tương đương của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc.
 

Bích Vân, STINFO Số 10/2012

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả