SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN: tái sử dụng nước thải công nghiệp, cây Bạch tật lê, quản lý bệnh hại trên rau ăn lá và quả

Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng sử dụng nước thải công nghiệp, dịch vụ và đề xuất tiêu chuẩn, chính sách cho tái sử dụng nước thải. Đề tài tiến hành nghiên cứu nước thải công nghiệp tại các cơ sở sản xuất nằm trong các khu công nghiệp (KCN) và nước thải sau xử lý tại các trạm xử lý nước thải tập trung của KCN ở Tp.HCM. Đối tượng lựa chọn sử dụng nước tái sinh gồm: nước ở các hệ thống làm lạnh, nước lò hơi, nước vệ sinh nhà xưởng, nước chữa cháy...
 

Hiện nay ở Tp.HCM, chất lượng các nguồn nước ngọt có thể tái phục hồi (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) ngày càng suy giảm do việc sử dụng quá mức và do ô nhiễm các chất thải từ hoạt động công, nông nghiệp, dân dụng của lưu vực. Chất lượng nước mặt phục vụ cho cấp nước có chiều hướng biến đổi xấu như hàm lượng các chất hữu cơ tăng, hàm lượng sắt, mangan và ammonia tăng... Sự suy thoái này sẽ dẫn đến chi phí khai thác và xử lý nước ngày càng cao.
 

Chỉ số áp lực nguồn nước ngọt WSI (Water Stress Index) của lưu vực sông Sài Gòn và Đồng Nai ở giá trị trên 13% năm 2010, ước tính sẽ tăng lên 23% vào năm 2020. Điều này cho thấy, các đô thị trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang ở mức độ chịu áp lực sử dụng nguồn nước ngọt ngày càng tăng cao nên đòi hỏi chính quyền cần có các biện pháp giảm thiểu việc sử dụng nguồn nước ngọt trong lưu vực.
 

Nếu Thành phố có các chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh với các đối tượng sử dụng nhiều nước thì nhu cầu nước tái sinh có thể lên đến trên 2 triệu khối/ngày vào năm 2025. Điều này sẽ giúp tiết kiệm ngân sách Thành phố, chủ động được nguồn nước khai thác trong những ngày hạn hán; giảm sự phụ thuộc cấp nước từ các hồ đầu nguồn như Trị An, Dầu Tiếng; giảm thiểu ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và giảm chỉ số áp lực khai thác nguồn nước ngọt xuống dưới 20%. 

Hệ thống xử lý nước thải tại KCN Nhơn Trạch II. 
 

Trong các đối tượng sử dụng nước tái sinh, nhu cầu sinh hoạt dân dụng, công nghiệp và nước tưới tiêu chiếm tỷ lệ khối lượng lớn, góp phần đáng kể giảm chỉ số áp lực nguồn nước ngọt WSI cũng như giảm ô nhiễm. Vì vậy, theo phân tích tính toán của nghiên cứu này, nếu thực hiện chính sách thu phí tài nguyên nước hoặc tăng giá nước công nghiệp, bắt buộc sử dụng nước tái sinh đối với các đối tượng tiêu thụ nhiều nước như công nghiệp, dịch vụ sẽ mang lại lợi ích rõ rệt về mặt kinh tế, thu hút các dự án đầu tư về nước tái sinh. Để thực hiện tái sử dụng nước thải, cần có các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy như:
 

Chính sách hỗ trợ giá cho các đối tượng nông nghiệp, công nghiệp hoặc hộ dân thu nhập thấp/trung bình sử dụng nước tái sinh.
 

Tăng giá nước hoặc áp dụng phí tài nguyên nước, xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động tái sử dụng và tái sinh nước thải.
 

Sớm ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng nước tái sinh ở những vùng khan hiếm nước.
 

Xây dựng các chương trình, dự án, các hoạt động tái sinh/tái sử dụng nước thải mang tính quốc gia, liên ngành, liên vùng.
 

Thành lập quỹ tái sử dụng nước để hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án, hoạt động tái sử dụng nước thải mang tính quốc gia, liên ngành, liên vùng.
 

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền Thành phố nên thành lập phòng hoặc ban quản lý các công tác tái sử dụng nước.
 

Nhóm tác giả cũng đề xuất khung giá nước tái sinh cho các loại tái sử dụng như: tái sử dụng ở đô thị, dịch vụ xây dựng, tái tạo cảnh quan và trong công nghiệp.
 

 

Bạch tật lê là một thảo dược thuộc họ zygophyllaceae. Nhiều hoạt chất khác nhau đã được xác định trong cây bạch tật lê (saponin, furostanol, flavonoid, alkaloid, quercetin, kaempferol và rutin). Trong đó, saponin giữ vai trò quan trong. Ở Việt Nam, bạch tật lê được dùng chữa trị nhức đầu, đỏ mắt, chảy nước mắt sống, phong ngứa, kinh nguyệt không đều. Cây được phát hiện mọc hoang ở vùng đất khô, đất cát dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Nam. Đề tài được thực hiện nhằm xác định và chọn lọc giống bạch tật lê có hàm lượng hoạt chất saponin steroid cao phân bố ở Việt Nam và nhân giống chọn lọc từ hạt.

 Cây Bạch tật lê Đà Nẵng.
 

Kết quả khảo sát đã xác định được 3 tỉnh (Bình Thuận, Phú Yên, Đà Nẵng) trong 7 tỉnh khảo sát có phân bố cây bạch tật lê. Kết quả điều tra và phân tích HPLC cho thấy giống bạch tật lê phân bố tại Đà Nẵng (hoa cánh nhỏ) - DNs1 có hàm lượng tribulosin (một chất trong nhóm saponin steroid) cao nhất (189,1 µg/g trọng lượng khô).
 

Nhóm tác giả đã triển khai trồng thực nghiệm giống chọn lọc và thu nhận được tribulosin có hàm lượng cao (494,2 µg/g trọng lượng khô) khi ở điều kiện bổ sung 30 tấn phân hữu cơ/ha.
 

 

 

Hiện nay, đa số người dân ở những vùng sản xuất rau trọng điểm của Tp.HCM vẫn còn trồng rau theo tập quán canh tác cũ như phun thuốc trừ sâu, bệnh theo định kỳ, phun nhiều lần và với nồng độ luôn cao hơn nhiều so với khuyến cáo, nhất là thói quen sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc hóa học cho một lần phun nên việc thâm canh rau gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều loại rau vượt mức cho phép… Đề tài được thực hiện để nắm được tình hình bệnh hại trên một số rau ăn lá, ăn quả ở vùng ngoại thành Tp.HCM và đề xuất quy trình phòng trừ bệnh hợp lý nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ bệnh hóa học, phân bón hóa học, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng rau, đồng thời bảo đảm sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng. 


Hình minh họa.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay, việc sản xuất rau trong mùa mưa gặp nhiều khó khăn do một số bệnh hại thường xuyên xảy ra và gây hại nghiêm trọng như bệnh thối lá, đốm lá trên rau cải; bệnh sương mai hại dưa leo và bệnh thán thư hại ớt nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Vì vậy, rủi ro trong sản xuất khá cao trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng. Bên cạnh đó, người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân còn nhiều bất cập.

 

Việc phòng trừ bệnh hại trên rau ăn lá và ăn quả bằng các chế phẩm sinh học có hiệu quả chưa cao bằng thuốc hóa học nhưng vẫn hạn chế tốt các loại bệnh hại và vẫn giữ được năng suất tương đương với kinh nghiệm của nông dân. Xử lý chế phẩm kích kháng sinh học khi cây còn nhỏ (10 ngày sau mọc hoặc 10-15 ngày sau trồng kết hợp phun thuốc sinh học khi tỉ lệ bệnh đạt đến ngưỡng ≥ 5%) đã hạn chế được sự phát triển của bệnh về cuối vụ và không cần phải sử dụng thuốc hóa học.
 

Các quy trình phòng trừ bệnh hại trên rau đã được nhóm nghiên cứu đề xuất cụ thể cho từng loại bệnh, loại rau như: quy trình phòng trừ bệnh thối lá rau cải; quy trình phòng trừ bệnh đốm lá rau cải; quy trình phòng trừ chết cây con và bệnh sương mai hại dưa leo; quy trình phòng trừ bệnh thán thư hại ớt. Các quy trình này sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc trừ bệnh sinh học, kích kháng đã hạn chế được các bệnh hại quan trọng trên rau trong mùa mưa, giảm lượng phân bón hóa học mà vẫn đảm bảo năng suất. Các quy trình này phù hợp áp dụng cho các vùng trồng rau ở Tp.HCM và những vùng lân cận có điều kiện tương tự Tp.HCM. Ngoài ra, đề tài cũng cung cấp danh mục 9 chế phẩm sinh học và kích kháng phòng trừ được bệnh hại trên rau ăn lá và ăn quả.

 

Bích Vân, STINFO Số 9/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả