SpStinet - vwpChiTiet

 

Bóng đá: trò chơi may mắn?

Khi thấy đội bóng yếu hơn lật ngược tình thế giành chiến thắng một cách ngoạn mục hay được hưởng một quả phạt đền xứng đáng, thay vì nhảy dựng và hét lên như hầu hết người hâm bộ bóng đá, các nhà phân tích thống kê có thể sẽ chỉ lắc đầu và càm ràm "sai số!".

Khó có thể xem trận bóng đá như đồ hình cho phép đo để xác định đội nào hay hơn vì nó liên quan đến hàng trăm bước di chuyển khéo léo và mưu mẹo, mỗi đội trung bình chỉ có hàng chục cú sút và kết quả được quyết định bởi một số biến cố mà thường là ngẫu nhiên. Hầu hết các trận có không quá 3 bàn thắng được ghi và thường tỷ số chung cuộc chỉ cách biệt 1 bàn duy nhất.

Đối với các nhà khoa học, các số đo này là quá ít để đi đến kết luận đáng tin cậy về mặt thống kê là đội nào hay hơn. Tỷ số có thể là kết quả của sai số hay còn gọi là may mắn. Điều đó làm cho bóng đá dường như bất công (đội giỏi hơn hay chơi hay hơn có thể thua) và kết quả trận bóng đá khó dự đoán hơn so với các môn thể thao khác. Nhưng theo các nhà khoa học, phân tích sự cân bằng giữa kỹ năng và may mắn trong thể thao và trong hầu hết các lĩnh vực khác của cuộc sống, thì không hẳn vậy. Trong cuốn sách về bóng đá “Trò chơi các con số” (The Numbers Game: Why Everything You Know About Football is Wrong, xuất bản tháng 5/2013), Chris Anderson và David Sally, các giáo sư tại Đại học Cornell và Dartmouth đồng thời cũng là các nhà tư vấn cho các đội bóng, kết luận rằng kết quả một trận đấu bóng đá phụ thuộc một nửa kỹ năng và một nửa may mắn.
 

  Nhưng không thể cho rằng môn thể thao này ít công bằng hơn môn thể thao khác chỉ vì trận đấu được quyết định bởi may mắn. Còn một yếu tố khác để xem xét: nghịch lý của kỹ năng, thuật ngữ do Michael Mauboussin, giáo sư Đại học Columbia, đưa ra trong cuốn "Phương trình thành công" (The Success Equation: Untangling Skill and Luck in Business, Sports, and Investing, xuất bản năm 2012).

Nghịch lý này áp dụng trong thể thao, kinh doanh và hầu hết các cuộc tranh tài khác: khi trình độ kỹ năng chung nâng lên và ngày càng trở nên ngang bằng nhau, yếu tố may mắn trở nên quan trọng hơn.

Giả sử máy tính chơi Scrabble (ghép chữ) giỏi nhất thế giới đấu với một người mới làm quen với trò này. Kỹ năng của máy tính sẽ luôn đảm bảo chiến thắng ngay cả khi người mới làm quen rút được ô chữ tốt hơn. Nhưng nếu máy tính đó đấu với đối thủ ngang cơ, một máy tính giống hệt chạy cùng một phần mềm, khi đó kết quả sẽ được xác định hoàn toàn do may mắn rút được ô chữ tốt.

Trong bóng đá, ở cấp câu lạc bộ, các đội bóng nhà giàu như Manchester United, Real Madrid và Bayern Munich luôn mua được những tài năng tốt nhất. Còn tại World Cup, các nước giàu có hơn luôn có huấn luyện viên tốt và dàn cầu thủ tài năng hơn. Nếu trò chơi thuần túy là thi thố về kỹ năng, nhiều trận đấu giữa David và Goliath (người tí hon và gã khổng lồ) trong bóng đá sẽ trở nên nhàm chán, điều này lại không công bằng theo nghĩa khác: các đội với nguồn lực rất khác nhau phải cạnh tranh với nhau, đôi khi một mất một còn. May là sự ngẫu nhiên thích kẻ yếu!

Vô địch World Cup 2014, đội Đức tài hay may, hay cả hai?

Đã có những đề xuất giảm bớt vai trò của may mắn trong bóng đá, như làm khung thành rộng hơn để các cầu thủ có thể ghi nhiều bàn thắng hơn. Khi đó các đội bóng nhà giàu hầu như luôn giành chiến thắng vì có nhiều cầu thủ giỏi ghi bàn hơn. Có người hâm mộ nào muốn vậy?

Tung đồng xu trước loạt sút luân lưu để xác định đội may mắn được đá trước. Thống kê cho thấy 3/4 người đá trước ghi bàn, gây áp lực quân bình tỉ số lên cầu thủ của đội kia. Đó có lẽ là lý do tại sao chỉ có 39% các đội đá sau giành chiến thắng trong loạt đá luân lưu, theo TS. Ignacio Palacios-Huerta, chuyên gia lý thuyết trò chơi tại Trường Kinh tế London. Trong thí nghiệm với các cầu thủ chuyên nghiệp, TS. Palacios-Huerta để một đội đá trước ở lượt thứ nhất và thứ tư, còn đội kia đá trước ở 3 lượt còn lại, kết quả cân bằng hơn.

Tương tự, may mắn qua mắt trọng tài và được hưởng quả phạt đền ‘nhờ’ cầu thủ giả vờ bị phạm lỗi trong vùng 16 m 50 chỉ có trong bóng đá, các môn thể thao khác vận động viên không thể lừa trọng tài kiểu như vậy. Nên trước khi cho hưởng quả phạt đền mà có thể quyết định kết quả cả trận đấu, trọng tài có thể xem lại video (quay chậm) để đảm bảo có quyết định chính xác. Việc cải tiến ‘xem lại’ này có thể loại bỏ “phạt đền may mắn” bức bối nhất trong bóng đá.

Quy luật số (lượng) lớn giới hạn sự may mắn.Trong giải đấu dài như World Cup, kỹ năng chiếm ưu thế. Chỉ có giỏi thật sự mới có thể chiến thắng, đó là lý do mà một vài đội mới nổi lên và may mắn chiến thắng ở vòng đầu bảng nhưng khó có thể trụ được trên đường dài! Chỉ có vài cường quốc vô địch các kỳ World Cup: họ thật sự giỏi chứ không vì may mắn mà trở thành vô địch.

Nhưng kết quả của một trận đấu bất kỳ là không thể đoán trước, gây bối rối cho các chuyên gia mô hình máy tính giỏi nhất. Đánh giá hàng chục dự báo cho World Cup 2014, Roger Pielke Jr của Đại học Colorado nhận thấy "Mô hình ngẫu nhiên" của các chuyên gia Goldman Sachs và “Chỉ số năng lực bóng đá” được phát triển bởi Nate Silver của FiveThirtyEight kém chính xác hơn so với các hệ thống đơn giản hơn nhiều chỉ dựa trên trị giá của các cầu thủ hoặc thứ hạng của các đội theo FIFA. Nhóm nghiên cứu tại Danske Bank ở Copenhagen (Đan Mạch) và kỹ sư phần mềm Andrew Yuan dự báo tốt nhất, nhưng chỉ đúng 32 trong số 48 trận, và chỉ xác định đúng 11 trong số 16 đội vượt qua vòng bảng.

Dù các nhà phân tích có xử lý bao nhiêu số liệu đi nữa và dù đội bóng có giỏi cỡ nào đi nữa thì cũng không có cách nào dự đoán được “sai số" trong mỗi trận đấu. Các nhà dự báo cũng như các cầu thủ sẽ cực sốc hoặc ca cẩm về vận rủi của mình khi kết quả trận đấu quá bất ngờ không như dự tính. Đó chính là sắc màu đặc biệt tạo động lực hấp dẫn người hâm mộ mà không môn thể thao nào có được ngoài môn thể thao vua: bóng đá.

 

 NGUYỄN LÊ (Nguồn: theo The New York Times), STINFO Số 9/2014

 

Tải bài này về tại đây.
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả