SpStinet - vwpChiTiet

 

Đà Lạt - Mẹ Thiên Nhiên đang kiệt sức

Vài tháng nay, báo chí liên tiếp đưa tin:
Sản lượng nước sạch cung cấp cho thành phố Đà Lạt đang giảm 10.000m3 mỗi ngày do nắng gắt. Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng buộc phải luân phiên cấp nước trên địa bàn theo ngày chẵn, lẻ ...

Nước hồ Chiến Thắng xuống dưới mực nước chết khiến các nhà máy sản xuất nước phải ngưng hoạt động hoặc chỉ vận hành cầm chừng, mỗi ngày một nửa thành phố bị cắt nước, một số khu vực thậm chí bị tê liệt nước cả tuần...
Hiện trung bình mỗi ngày thành phố Đà Lạt bị thiếu hụt trên 6.000m³ và nếu thời tiết không thuận lợi thì đến cuối tháng 3 này sẽ thiếu 10.000m³/ngày đêm. Việc thiếu nước cục bộ trên thành phố cao nguyên Lâm Viên này có thể kéo dài đến tháng 05/2009...

Đà Lạt là những biệt thự ẩn mình trong hoa, là những đồi thông vi vút gió, là những dòng suối hát, những ngọn thác reo, những mặt hồ thơ mộng….
Thế mà Đà Lạt đang khát? Sao có thể như vậy? Nhưng đó là sự thật, một sự thật khó hình dung.
Hơn 80 năm trước, các kiến trúc sư – nhà quy hoạch Pháp đã khẳng định rằng dân số tối đa của Đà Lạt không được quá 120.000 người bởi nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho ngần đó người.
Có lẽ không nhiều người trong chúng ta tin lời mấy ông Tây ấy!
Mấy năm trước, tôi có dịp đứng trên một ngọn đồi nhỏ giữa thành phố Canbera, thủ đô nước Úc. Anh bạn Úc chỉ cho chúng tôi ngắm ngọn núi và mặt hồ rộng phía xa với những dãy phố như rẻ quạt ngăn nắp hướng về khu trung tâm. Anh ta nói: “Các bạn biết không, Canbera được quy hoạch theo bản quy hoạch của một kiến trúc sư Mỹ. Ông ta thắng trong cuộc thi quy hoạch Canbera cách nay gần 100 năm. Sau đó, bắt đầu từ năm 1913 tới nay, chúng tôi theo đó mà dựng dần Canbera, mà giờ vẫn chưa xong!”. Ý anh bạn muốn nói rằng nước Úc quá chậm! Còn tôi khi đó miên man những ý nghĩ khác. Thật đáng khâm phục tài sản trí tuệ mà vị kiến trúc sư Mỹ nào đó đã để lại cho người Úc! Một Canbera rất đẹp! Nhưng còn đáng suy nghĩ hơn là người Úc sau này không quy hoạch lại thủ đô của họ, dù rằng họ không thiếu các chính trị gia đầy tham vọng và nhất là không thiếu các kiến trúc sư – nhà quy hoạch tài năng. Họ hiểu sâu sắc giá trị của bản quy hoạch được làm ra gần một thế kỷ trước. Làm ra một công trình khoa học giá trị đã khó, nhưng hiểu được giá trị và khai thác giá trị đó còn khó hơn nhiều.
Đâu có phải cứ có đất là xây nhà cất cửa được!
Đâu có phải cứ che nắng che mưa được là dung thân được!
Nhưng từ một góc độ khác, chúng ta có thể nghĩ thêm về Đà Lạt trong tương lai.
Hãy xem Singapore chiến đấu như thế nào để có đủ những dòng “sữa trắng – nước sạch” cho dân họ.
Singapore nhỏ xíu, chỉ với 660km2. Dân số Singapore khoảng 4,5 triệu (kể cả dân sở tại 3,8 triệu và người đến làm việc tại Sing khoảng 700.000). Hàng tháng du khách đến Sing trung bình 1 triệu, lưu lại trung bình 5 ngày, tính bằng khoảng 200.000 người ở liên tục. Như vậy trên mảnh đất 660 km2 ấy thường xuyên sống ngót 5 triệu người.
Từ Mẹ Thiên Nhiên, sông suối ao hồ, Singapore huy động được cỡ 300.000m3 mỗi ngày cho sinh hoạt của người dân, gấp khoảng10 lần mức khai thác thấp hiên nay của Đà Lạt. Dân số Đà Lạt hiện chưa tới 170.000, cộng với du khách thì tổng cộng cho là 200.000. Nếu tính vậy thì cái khát của người Singapore còn gấp 2 lần cái khát Đà Lạt hôm nay! Thế nhưng Singapore vẫn rất xanh, rất sạch, rất văn minh, rất đàng hoàng! Đây là kết quả cuộc chiến toàn dân dưới sự lãnh đạo của những nhà lãnh đạo tài năng, nhìn xa trông rộng. Biết Mẹ Thiên Nhiên sức lực có hạn, chỉ có thể dung dưỡng cần kiệm cho đàn con chừng một triệu, người Singapore đã tạo thêm 3 dòng sữa trắng – nước sạch khác. Dù sao, quyết sách hàng đầu vẫn là: không để mất một giọt nước phí phạm và không dùng nước phí phạm. Cách đây 15 năm, vào năm 1994, mỗi người dân Singapore tiêu tốn trung bình 176 lít nước/ngày. Sau 15 năm con số này giảm còn 160 lít / ngày. Mỗi năm giảm được 1 lít /người/ngày! Đi kèm đó là cái sang trọng, văn minh tăng mỗi năm … “1 lít”!
Nếu người Đà Lạt dùng nước như Singapore thì hàng ngày Đà Lạt cần 200.000 x 160 lít = 32.000m3. Nếu vậy thì Đà Lạt đâu có khát?
Còn nếu dùng vậy thì Singapore khát nặng vì thiên nhiên chỉ cho 3/8 lượng nước cần dùng cho sinh hoạt.
Ba nguồn nước khác của Singapore là gì?
- Một là họ phải thắt lưng buộc bụng và nhiều khi phải chịu những sức ép khác để bao năm nay mua được thường xuyên của Malaysia chừng 150.000 m3/ngày.
- Hai là Singapore đã đầu tư đáng kể hoàn thiện các công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt để thu được hàng ngày chừng 150.000m3 nước ngọt.
- Ba là nguồn nước mà Singapore gọi là nước mới (New water) với công suất hiện nay khoảng 200.000m3/ngày. Nước này là nước thải từ mọi nguồn được gom lại, sử dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, biến chúng trở lại thành nước ngọt sạch. Để có các công nghệ này, Singapore đã và đang huy động khéo léo trí tuệ toàn thế giới thông qua giải thưởng Lý Quang Diệu về nước. Năm 2008 lần đầu giải thưởng giá trị 300.000 Đô Sing (không lớn lắm) được trao cho một nhà nghiên cứu Canada. Năm nay, giải được trao cho nhà nghiên cứu Hà Lan. Những công trình cực kỳ quan trọng của họ được trao cho toàn thế giới, không bị ràng buộc bởi bản quyền công nghệ. Chắc chắn với những thành tựu công nghệ này, lượng nước thải thu trở lại thành nước sạch sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Có người Singapore đã nói với chúng tôi nửa đùa nửa thật là: “Hiện chúng tôi thải 10 lít mới thu hồi trở lại 1,5 lít. Vài năm nữa sẽ thu … không để sót một giọt!”.
Hôm nay, những lời tiên tri của Hébrard, của Pineau, của Lagisquet, những kiến trúc sư – nhà quy hoạch Pháp về sức lực có hạn của Mẹ Thiên Nhiên Đà Lạt từ những năm 20 – 30 thế kỷ trước đã linh nghiệm.
Đà Lạt đang khó khăn, nhưng nghĩ về các thành phố lớn… như thổi khác, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,... chúng ta còn lo lắng gấp bội. Việt Nam chúng ta được thiên nhiên khá hào phóng về nước. Nhưng cứ khai thác thiên nhiên như nguồn lực vô tận thì không bà Mẹ Thiên Nhiên nào nuôi mãi được chúng ta.

TRƯỜNG SƠN - MINH ĐỨC (PV Đài PTTH Lâm Đồng)