SpStinet - vwpChiTiet

 

Nỗ lực phát hiện và bảo tồn động vật quý hiếm

 

 

Năm 2013, công tác bảo vệ động thực vật quý hiếm tại Việt Nam có một tin rất vui đó là loài sao la hay còn gọi là kỳ lân châu Á, một trong những động vật nằm trong Sách đỏ của thế giới, đã xuất hiện lại tại Việt Nam sau 15 năm “bặt vô âm tín”. Tuy nhiên phát hiện này không phải là một kết quả tình cờ mà là sự nỗ lực tìm kiếm trong nhiều năm của các nhà khoa học và chính quyền địa phương. Phóng viên Tạp chí Stinfo đã gặp được TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Việt Nam để tìm hiểu về những hoạt động của công tác tìm kiếm và bảo vệ loài sao la tại Việt Nam.

Bức ảnh cho thấy sự hiện diện của sao la tại Việt Nam.Buổi tối ngày 7/9/2013, bẫy ảnh đã chụp được hình ảnh một cá thể saola đang di chuyển dọc con suối một thung lũng tại một khu vực hẻo lánh của dãy núi Trung Trường Sơn của Việt Nam.
Nguồn: © WWF-Greater Mekong.


Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) thuộc nhóm thú sừng rỗng trông giống loài linh dương có hai cặp sừng song song, nhọn dần về phía cuối, là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, chỉ còn một số rất ít sinh sống ở vùng núi rừng hẻo lánh ở dãy Trường Sơn tại Việt Nam và Lào. Sao la là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng ở mức nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ của Việt Nam.


Sao la là loài thú mới được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào năm 1992. Các nhà khoa học thuộc Bộ Lâm nghiệp cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và WWF đã phát hiện loài thú quý hiếm này khi đang nghiên cứu Vườn Quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh, gần biên giới Việt – Lào. Việc tìm thấy sao la ở Việt Nam khiến các nhà khoa học Việt Nam và thế giới không khỏi kinh ngạc và được coi là một trong những phát hiện về động vật quan trọng trong thế kỷ 20. Lần cuối cùng một cá thể sao la quý hiếm được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998 tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Tuy nhiên, mới đây, một cá thể sao la đã được phát hiện và chụp ảnh ở Quảng Nam, sau 15 năm kể từ lần cuối cùng loài này được nhìn thấy trong tự nhiên. Hình ảnh một con sao la đang di chuyển dọc con suối ở một thung lũng nhỏ được ghi lại hôm 7/9/2013 qua camera do WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam lắp đặt tại khu vực hẻo lánh thuộc dãy Trường Sơn. Việc phát hiện sao la làm sống lại hy vọng về sự bảo tồn loài thú quý hiếm này.


PV: Ông có thể cho biết cách thức hoạt động của WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam tại khu vực Trung Trường Sơn để phát hiện loài thú quý hiếm?


* TS. Văn Ngọc Thịnh: bắt đầu từ tháng 5/2012, trong khuôn khổ thực hiện dự án “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học” WWF-Việt Nam đã phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm, Khu Bảo tồn (KBT) Sao la Quảng Nam thực hiện đặt các bẫy ảnh tại một số tiểu khu có nhiều khả năng ghi nhận sao la tại tỉnh Quảng Nam.


Loại bẫy ảnh đang thực hiện có chất lượng tương đối cao và có thể chụp được đến 4.000 bức ảnh trong thời gian kéo dài 2-3 tháng trong điều kiện thời tiết tốt. Do đó, Dự án đã thực hiện thay pin mới cùng thẻ nhớ của máy sau định kỳ 2 tháng đặt máy trong rừng, đồng thời cứ sau 4 tháng sẽ chuyển sang vị trí mới do số lượng máy bẫy ảnh đang còn hạn chế.


Cán bộ dự án đã tổ chức tập huấn phương pháp cài đặt máy, cách chọn địa điểm tối ưu để đặt, hay cách chọn hướng tốt nhất để ghi lại hình ảnh các loài động vật muốn chụp cho cán bộ của các KBT và cán bộ bảo vệ rừng của WWF để có thể tự đặt bẫy ảnh tại mỗi KBT mà họ đang công tác.


Dự án cũng đã trao đổi kinh nghiệm với những nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đã và đang nghiên cứu về sao la để lựa chọn các vùng tiềm năng. Đồng thời thu thập thông tin cập nhật mới nhất từ các KBT, đội bảo vệ rừng, người dân địa phương để có quyết định sau cùng cho các vùng tiềm năng đặt bẫy ảnh.


Thông tin các ảnh chụp được sẽ được cập nhật vào các phần mềm chuyên dụng để theo dõi, giám sát cũng như làm cơ sở phân tích về sau này.


Tuy mục tiêu chính của hoạt động bẫy ảnh là ghi nhận hình ảnh của sao la, nhưng bên cạnh đó cũng theo dõi và giám sát tất cả các loài động vật ghi nhận được trong quá trình đặt bẫy ảnh tại các KBT ở vùng Trung Trường Sơn.


Mục đích của hoạt động bẫy ảnh này là gì?


* Mục tiêu chính của hoạt động bẫy ảnh là ghi nhận hình ảnh của sao la trong khi các nghiên cứu, khảo sát thực địa trước đây hoàn toàn không thể ghi nhận được sao la ngoài tự nhiên.


Dấu chân và hình dáng bên ngoài của sao la hoàn toàn khác biệt so với các loài mang, nai, sơn dương. Tuy nhiên, trong khi những hiểu biết về sao la còn rất hạn chế (về tập tính sinh học hay sinh thái học) thì việc xác định tên loài dựa vào các dấu chân, dấu ăn các loại lá cây, dấu vết bãi ở ngoài thực địa là việc hoàn toàn không khả thi. Trong điều kiện đó, việc ghi nhận sao la bằng hình ảnh là rất cần thiết, mang tính quyết định để có những bước tiếp theo cho công tác giám sát và nghiên cứu chuyên sâu.


Thêm vào đó, bẫy ảnh cũng sẽ góp phần cho việc giám sát sự hiện diện, phân bố của một số loài động vật khác trong phạm vi nghiên cứu.


Ảnh được chụp như thế nào?
 

* Hoạt động bẫy ảnh do các nhóm hiện trường thực hiện với thành phần là cán bộ KBT, người dân địa phương có kinh nghiệm, bảo vệ rừng và cán bộ kỹ thuật của dự án trong một số đợt cần thiết để phát triển các vị trí đặt bẫy mới.


Bẫy ảnh được cài đặt tùy vào các thuộc tính khác nhau tùy theo kích cỡ, đặc tính tìm kiếm thức ăn, vùng sống của từng loài. Do một số đặc tính của máy bẫy ảnh và hiểu biết nhất định về sao la, máy thường được đặt độ cao từ 30 – 80 cm so với điểm tập trung chụp ảnh trong phạm vi từ 3 – 10 m tính từ điểm đặt máy và thời gian hoạt động của máy là 24/24 giờ trong ngày. Có thể nói, loại máy đang dùng có thể chụp được 3 ảnh liên tục trong 1 giây và cứ sau 10 giây sẽ chụp tiếp lần thứ 2.


Làm sao ảnh về sao la được phát hiện? Làm sao biết được đây là sao la mà không phải động vật nào khác?


* Thông thường các hình ảnh từ những máy bẫy ảnh được chuyển về cho cán bộ phụ trách giám sát đa dạng sinh học của dự án để kiểm tra, cập nhật và giám sát. Cán bộ giám sát này là người có hiểu biết chuyên môn về xác định nhóm loài, loài, đặc biệt là một số loài biểu trưng trong khu vực.


Do đã từng được nhìn thấy sao la ngoài thực tế trong những năm trước đây khi sao la còn khá phổ biến tại vùng Trung Trường Sơn, đồng thời từng thu thập các tài liệu liên quan cho công việc đang được giao đảm nhận nên khi nhận được 3 bức ảnh chụp dù, không rõ và chỉ thể hiện cặp sừng, nhưng cán bộ giám sát này đã nhận định ngay đó là sao la.


Ngoài ra, bức ảnh cũng được gửi đến các nhà khoa học có uy tín và nghiên cứu về sao la để khẳng định đây là những bức ảnh sao la.


Đến lúc này, tất cả các nhà khoa học trong và ngoài nước đều có chung một nhận định là chỉ có duy nhất loài sao la là có đôi sừng dài, chạy song song từ trên đỉnh đầu một cách khác biệt với các loài khác mà thôi.


Cảm xúc của nhóm khảo sát lúc phát hiện đây là ảnh của sao la?


* Tuy đã chuẩn bị tất cả những quy trình cho việc theo dõi, quản lý hoạt động bẫy ảnh, nhưng thật sự chúng tôi rất bồi hồi và không thể nào diễn tả được niềm vui khi được nhìn thấy 3 tấm ảnh liên tục ghi lại hình ảnh sao la sau hơn 15 năm tìm kiếm ngoài thực địa.


Niềm tin của chúng tôi đã chiến thắng cho dù những gì đang thực hiện được ví như là “mò kim trong đáy biển” vì chúng tôi chỉ có 32 máy bẫy ảnh với một diện tích cần khảo sát hơn 40.000 ha.


Từ lúc phát hiện ra sao la đến nay, đã có các hoạt động gì nhằm tăng cường bảo vệ loài động vật này?


* Sau khi sao la được phát hiện trở lại, cán bộ dự án WWF và chi cục kiểm lâm đã cùng các ban ngành liên quan xây dựng một khung các hoạt động ưu tiên cần thực hiện cho vùng phát hiện có sao la và các vùng tiềm năng lân cận để đảm bảo vừa ngăn chặn tối đa các hành vi xâm hại đến sao la, đồng thời tăng cường các hoạt động nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu về loài này. Một bản kế hoạch với 12 hành động thiết thực được bàn luận, thống nhất để áp dụng. Trong đó có thể kể đến một số như: kế hoạch tuần tra chuyên sâu, hệ thống người cung cấp thông tin, các đợt truy quét liên ngành của kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng, tăng cường số lượng bẫy ảnh, thu thập mẫu vắt để phân tích ADN, khảo sát tuyến tìm kiếm thông tin, thu giữ các dấu vết các loài thú móng guốc như dấu chân, phân, vết ăn lá cây, v.v…


Bản kế hoạch này có sự tham gia tích cực và đầy trách nhiệm của Ban quản lý các KBT, các ban ngành có liên quan cũng như cộng đồng người dân địa phương sống chung quanh các KBT, vườn quốc gia.


Có hình ảnh nào khác về sao la được phát hiện thêm nữa không?


* Đến hôm nay, chỉ mới ghi nhận được hình ảnh sao la qua 3 tấm hình này. Tuy nhiên, với những biểu hiện khá thuyết phục như dấu vết thức ăn để lại dọc theo các con suối thì hoàn toàn có khả năng tiếp tục ghi nhận được hình ảnh sao la.


Sẽ có những hợp tác trong nước và quốc tế gì để bảo vệ và nhân rộng loài sao la?


* Như đã đề cập, sẽ có các nhóm hoạt động thiết thực cho từng thời điểm để làm sao bảo tồn sao la hiệu quả nhất.


Với các hoạt động bảo vệ, Dự án sẽ phối hợp chặc chẽ hơn với ban quản lý các khu rừng đặc dụng, các cơ quan chức năng liên quan để thực hiện ngăn chặn triệt để các hành vi xâm hại tài nguyên rừng nói chung và gây nguy hại cho sao la nói riêng. Mô hình bảo vệ rừng đã, đang và sẽ là hình thức hiệu quả nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã trong khi nhân lực của các KBT chưa thật sự đủ và mạnh để chủ động cho công tác này.


Với nguồn lực về kinh phí và hiểu biết về sao la còn rất hạn chế, thì việc tiếp tục tìm kiếm nguồn tài chính cho các hoạt động hiệu quả đang diễn ra là một việc làm cần thiết. Ngoài ra sẽ phối hợp với các tổ chức có liên quan đến hoạt động bảo tồn sao la nhằm liên kết, hợp tác, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm có đầy đủ thông tin và hiểu biết đúng đắn về sao la.

 

HOÀNG MI, STINFO Số 3/2014

 

Tải bài này về tại đây.


 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả