SpStinet - vwpChiTiet

 

Than Australia, ngược về lịch sử

Australia hiện nay là nước đứng thứ tư về sản xuất than đá và đứng đầu thế giới về xuất khẩu than. Với trữ lượng 84,4 tỷ tấn than, năm 2007, nước này sản xuất được 436 triệu tấn than, trong đó 269 triệu tấn để xuất khẩu, đóng góp cho ngân khố hơn 25 tỷ đô la (Xem bài: Than sẽ lùi về quá khứ).

Lịch sử của than đá và ngành than Australia được bắt đầu bên phá Glenrock nằm cách phía tây nam thành phố Newscatle, bang New South Wales Australia bảy kilômét. Năm 1791, hai tù nhân là ông bà William và Mary Bryant đã tình cờ phát hiện ra than đá ở đây. Mary Bryant có tên thật là Mary Broad sinh tại Fowey, Cornwall, Anh. Năm 22 tuổi, bà bị kết án bảy năm tù vì tội cướp giật, và bị giải tới Sydney Australia, bấy giờ là một khu di dân cho những tội phạm của chính quyền Anh, ra đời năm 1788. Trên đoàn tàu từ Anh tới Australia, bà đã gặp William Bryant cũng là một ngư dân người Cornwall bị bắt vì tội buôn lậu, rồi hai người thành thân. Tại Sydney, William Bryant được giao trông coi các đoàn thuyền đánh cá, và sau một lần bán lén một phần mẻ cá cho các tù nhân, ông đã bị đánh 100 roi. Gia đình Bryant lập kế hoạch trốn ra Batavia một thuộc địa của Hà Lan trên đảo Java. Vào ngày 28 tháng 3 năm 1791, trong màn đêm tối đen, hai người đã cùng các con và bảy thủy thủ lên một chiếc thuyền tại cảng Sydney để chạy trốn. Sau khi vượt khỏi Sydney, xoay buồm về hướng bắc và vượt qua vịnh Broken, nhà Bryant đã dừng chân tại phá Glenrock bấy giờ còn chưa ai đặt chân vì được các rừng cọ che phủ. Họ đã phát hiện ra than đá ở lối vào phá này vào ngày 30 tháng 3 năm 1791, và trở thành người đầu tiên ở Australia đốt lửa bằng than nấu ăn và hong khô quần áo. Họ đã đặt tên nơi đây là lạch Fortunate (May mắn). Địa điểm mà nhà Bryant đã tìm thấy than nằm ngay bên bờ hồ Macquarie, bờ biển phía bắc của bang New South Wales, và đến nay vẫn đang được khai thác. Chuyến đi đã đưa họ đến bờ biển phía đông, băng qua rạn san hô khổng lồ Great Barrier Reef, vượt eo biển Torres tới ấn Độ Dương và dừng tại Timor cách Sydney 5.000 kilômét, tại đây họ lại bị phát giác và bắt trở về Anh. William Bryant và các con đã chết trên đường, riêng Mary Broad năm 1793 đã được thả song sau đó không ai còn biết về bà.
Do tin tức không đến được Sydney nên sau này người được ghi công tìm ra than đá ở New South Wales lại là trung úy John Shortland RN. Sáu năm sau vụ đào tẩu của nhà Bryant, John Shortland RN đã theo lệnh của thống đốc Hunter, đi thuyền về phía bắc để truy lùng các tù nhân trốn chạy khác, và đã “nhặt” được than đá vào ngày 9 tháng 9 năm 1797 bên một bờ sông không xa nơi cắm trại, trung úy đã đặt tên con sông này là sông Than và về sau nó được đổi thành sông Hunter theo tên thống đốc, và rồi hình thành nên thành phố Newscatle, một cảng chính về xuất khẩu than từ các mỏ của thung lũng Hunter.
Sau khi phát hiện ra than, người ta đã tức tốc cho lập các mỏ than bên sông Than. Năm 1804, nhân vụ nổi loạn của các tù nhân ở đồi Vinegar Sydney, chính phủ Anh đã khuyên thống đốc King đưa tù nhân tới làm việc tại sông Than. Những thợ mỏ đầu tiên của Australia thật sự là những khổ sai. Họ là 300 tù nhân đã tham gia vào trận nổi loạn năm 1804. Các lãnh tụ của họ đã bị treo cổ, bị chết trong trận hỗn chiến, những người còn lại bị đánh 500 roi và gửi tới Newcastle khai thác than. Theo một lá thư của người tù tên là Ralph Rashleigh thì họ phải chịu rất nhiều cơ cực, ngày ngày làm việc không ngơi nghỉ, dưới roi vọt. Do nóng nực, ai cũng phải trần như nhộng và khi ngủ lấy than làm giường, chỉ được ăn một bữa một ngày, và một tuần tắm một lần. Nhiều em nhỏ  phải thay cha vào hầm lò làm việc khi mới 14 tuổi. Thợ mỏ ở đây được trả công theo số lượng than đào được. Làm cật lực một ngày mỗi người có thể đào được 10 đến 12 tấn than và được trả khoảng 1 đô la tiền công (250 đô la tiền công/năm)! Công việc hối hả, tốc độ ghê gớm, thợ mỏ không được biết đến tắm, không được biết đến ngủ và ăn thì luôn vội vàng. Vụ tai nạn hầm mỏ tồi tệ nhất đã xảy ra ngày 31 tháng bảy năm 1902 tại núi Kembla, gần với Wollongong. Trong vụ tai nạn, đã có 96 người thiệt mạng, những người sống sót cũng không được chăm sóc y tế gì, phương tiện cấp cứu duy nhất lúc đó chỉ là mấy lọ dầu xoa bóp và băng cứu thương.
Hai mươi lăm tỷ đô la hàng năm mà than mang lại cho Australia, nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới, cũng như 8133 tấn vàng của Mỹ, nước có dự trữ vàng hàng đầu thế giới, đã được hình thành như vậy đó.

Chu Mạnh Cường