SpStinet - vwpChiTiet

 

Giao dịch thần tốc với robot và thuật toán

Thắng nhờ tốc độ, đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng quá nhanh cũng có mặt trái.


Mười năm trước, John Coates là một nhà buôn chứng khoán ở phố Wall (trung tâm tài chính của nước Mỹ), giờ đây ông là nhà thần kinh học tại Đại học Cambridge, dành cả ngày quan sát “kích thích tố” (hormon) của các nhà buôn để xem điều gì khiến họ ra quyết định mua hoặc bán.


Thử nghiệm đơn giản, ví dụ như khi nhìn thấy tín hiệu màu xanh thì nhấp chuột. Tốc độ nhanh nhất mà chúng ta có thể thực hiện trong khoảng 100 đến 120 mili giây. Còn để nhận định sự việc (hay bất kỳ quá trình xử lý nhận thức cơ bản nào), có thể mất từ 200 đến 300 phần nghìn giây.


Thế nhưng hiện nay các giao dịch chứng khoán đang thực hiện với tốc độ phần triệu của giây, nhờ những robot siêu việt - những chiếc máy tính tự quyết định khi nào mua và bán nhanh hơn bất kỳ người nào cả nghìn lần.


Khi nghĩ đến sàn giao dịch tại London hay New York, có lẽ bạn hình dung một đám đàn ông nhễ nhại mồ hôi xô đẩy nhau liên tục đưa ra những cử chỉ để truyền lệnh mua bán. Đó là hình ảnh phổ biến trong những bộ phim về các sàn giao dịch vào những năm 1980. Nhưng nó đã cách đây hơn 30 năm rồi.


Thực ra giao dịch tài chính đã trải qua một cuộc cách mạng “máy tính” dạng như đường cao tốc. Tất cả các giao dịch thực tế đã chuyển lên không gian mạng.


Ví dụ như sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Những ngày này, hầu hết giao dịch không tại trụ sở nổi tiếng của NYSE gần phố Wall, mà diễn ra trong cơ ngơi kém hào nhoáng hơn nhiều ở tuốt New Jersey (cách xa trên 100 km đường bộ, và 64 km đường chim bay). Ở đó NYSE đã thiết lập một sàn giao dịch điện tử rộng hơn 10 mẫu Anh (4 hecta) với hàng hà máy chủ (server), và nhiều mẫu đất nữa dành cho các máy chủ của các công ty chứng khoán giao dịch bằng robot kết nối với nó.



Bộ não điện tử


Giao dịch bằng máy tính là một thế giới vốn bí mật. Các công ty chứng khoán luôn giữ chặt chiến lược kinh doanh, nhân sự và mã lệnh máy tính (hay "thuật toán") của mình. Nếu không, đối thủ có thể tìm ra mô hình kinh doanh phức tạp nhưng hoàn toàn tự động của họ và sao chép, hoặc tệ hơn, lừa máy tính của họ gây ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng.


Remco Lenterman, giám đốc một trong những công ty như vậy ở Hà Lan giải thích mô hình kinh doanh của mình: "Hồi 10 năm trước, một bàn giao dịch chứng khoán có từ 80 đến 100 người (người thật) thực hiện giao dịch. Hiện nay có lẽ chỉ còn có 1/10, họ vận hành các thuật toán “bắt chước” một cách hiệu quả những gì các nhà môi giới chứng khoán thường làm, liên tục tinh chỉnh các thuật toán này và giám sát diễn biến trên thị trường".


Nói cách khác, những nhà môi giới “cửu vạn” của quá khứ đã bị thay bằng những nhà phân tích, những “bộ não” siêu việt thiết kế và vận hành các chương trình máy tính.




Thắng nhờ máy chủ gần hơn, cáp ‘thẳng” hơn


Các công ty như Lenterman kiếm tiền bằng cách gom góp từng xu lợi nhuận trên khối lượng giao dịch khổng lồ được thực hiện nhanh như chớp.


Các phần mềm mua bán chứng khoán sử dụng các chiến lược khác nhau. Nhưng tất cả đều có điểm chung đó là nhận diện cơ hội mua bán - sự khác biệt ‘phù du’ giữa giá thị trường hiện tại và mức giá mà máy tính cho là “hợp lý”, và sau đó phản ứng nhanh hơn so với bất cứ người nào.


Đây được gọi là "cuộc đua về zero" (thời gian dần tiến về … 0 giây) và dẫn đến việc đua nhau đầu tư hàng tỷ đô la cho các máy tính nhanh hơn, thông minh hơn và kết nối nhanh nhất có thể.


Tại các sàn giao dịch trên khắp thế giới, các công ty chứng khoán phải nộp mức phí khổng lồ để được đặt các máy chủ của mình gần sàn. Và không ít tiền của đã được chi tiêu vào việc xây dựng cáp nối “thẳng” hơn để rút ngắn một vài phần giây thời gian truyền lệnh giữa các trung tâm giao dịch lớn nhất thế giới như London, New York, Chicago và Tokyo.



Đổ sàn trong chớp mắt


Tuy nhiên, cuộc chạy đua máy tính hóa này có mặt tối. Ví dụ, có thể xảy ra đổ sàn.


Tháng 8 năm rồi, công ty tài chính công nghệ cao Knight đã suýt phá sản do một thuật toán bị sai, làm thiệt hại hơn 440 triệu USD chỉ trong 45 phút trước khi người ta phát hiện và tắt nó đi.



Có lẽ “tai nạn” nổi tiếng nhất là cú đổ sàn vào lúc 2 giờ 45 phút ngày 6 tháng 5 năm 2010 tại New York. Trong vài phút chứng khoán New York giảm mạnh, rồi đột ngột hồi phục trở lại. Giá cổ phiếu ở một số công ty, chẳng hạn như công ty tư vấn Accenture giảm mạnh xuống gần bằng không, trong khi cổ phiếu Apple tăng vọt lên đến 100.000 USD từ mức giá chỉ có 300USD. Trong nhiều tháng sau đó, không ai có thể chỉ ra sai sót ở đâu.

Điều tra cho thấy vụ đổ sàn đã được kích hoạt bởi một lệnh duy nhất, do một tổ chức lớn đặt, sử dụng chiến lược giao dịch thuật toán. Điều làm cho sự việc trở nên tồi tệ đó là hiệu ứng "đám đông": trong bối cảnh hỗn loạn, các robot giao dịch đều cố gắng chạy cắt lỗ, và các máy tính bị ngập lệnh.



Thao túng triệt hạ


Các phần mềm mua bán chứng khoán thế hệ mới cũng bị cáo buộc một số hành vi bất chính cũ. Eric Hunsader của công ty phân tích dữ liệu Nanex (Mỹ) cho biết phiên bản thu nhỏ của đổ sàn xảy ra với các cổ phiếu riêng lẻ nhiều lần trong ngày, và ông cho rằng đa phần đó là hành vi thao túng triệt hạ. Ông đã đưa ra phác đồ mô tả hành vi bất thường của thị trường, như các máy tính tìm cách lừa nhau bằng cách đặt nhanh rồi sau đó hủy bỏ hàng ngàn lệnh trong một giây.


Hunsader không phải là người duy nhất lo ngại một số nhà giao dịch dùng máy tính có thể cố tình thao túng.


Martin Wheatley, người đứng đầu Cơ quan giám sát của Vương quốc Anh mới được thành lập cho biết."Thật không may là bản chất của thị trường luôn có cơ hội cho hành vi thao túng, và với tốc độ giao dịch hiện nay, việc phá hoại có thể xảy ra trong chớp mắt. Việc chọn ra từ số lượng lớn giao dịch dữ liệu có khả năng bị lạm dụng là vấn đề lớn đối với cơ quan quản lý ".

 

P. UYÊN, STINFO Số 11/2013

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả