SpStinet - vwpChiTiet

 

Trường học "đóng gói"

 
 

Mô hình trường bán công sáng tạo, với đội ngũ giáo viên cầm máy tính bảng, được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới và các nhà đầu tư tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg,… mang giáo dục chất lượng giá rẻ đến hàng triệu trẻ em nghèo.

Trong 6 năm, Bridge International, một công ty sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục tư đã phát triển nhanh chóng, giảng dạy cho những trẻ em nghèo nhất thế giới với học phí mỗi tháng chưa bằng số tiến để mua một cốc cà phê Venti Frappuccino. Khởi nghiệp ở Silicon Valley với mục tiêu đầy tham vọng, hai nhà sáng lập công ty - Jay Kimmelman và vợ Shannon May - vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh Doanh nhân xã hội của năm bởi sự sáng tạo và thành công trong việc dạy học trẻ em ở Kenya. Tự hào là "chuỗi trường tư lớn nhất ở châu Phi" (theo CNBC), công ty này đang sẵn sàng mở trường ở thêm ba nước châu Phi nữa trong năm nay.


Học viện Bridge ra mắt vào năm 2009, sử dụng mô hình nhượng quyền thương mại “school-in-a-box” (trường học đóng gói). Mục tiêu nhằm trao cho trẻ em "một nền giáo dục chất lượng chỉ với khoảng 5 USD một tháng, bắt đầu từ các lớp mẫu giáo cho đến lớp 8". Đến nay, Jay Kimmelman và May Shannon đã thành lập hơn 350 điểm giảng dạy với hơn 100.000 học sinh ở Kenya, tuyển khoảng 4.500 giáo viên, tận dụng công nghệ và sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để thực hiện các bài giảng được các chuyên gia giáo dục xây dựng. Mô hình Bridge International đã được Tạp chí Inc (inc.com) vinh danh là một trong 25 công ty hàng đầu thay đổi thế giới trong năm 2014.


Các trường tiểu học công lập ở Kenya bắt đầu nhận trẻ lúc 6 tuổi và dạy miễn phí trong 8 năm, nhưng phụ huynh thường phàn nàn về tình trạng quá tải, thiếu giáo viên và không hiệu quả. Giáo viên thường vắng mặt và cha mẹ thường phải hối lộ để con em được học "miễn phí" ở các trường công.

"Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là cung cấp cho phụ huynh thêm lựa chọn", Kimmelman nói. Bridge đã thiết lập mô hình giáo viên giảng bài theo kịch bản trên thiết bị đọc sách điện tử (E-Reader) hay máy tính bảng cầm tay (tablet).

 
Mỗi bài học được lên kịch bản chặt chẽ. Ngay cả chi tiết nhỏ như khen ngợi học sinh cũng được hướng dẫn trên thiết bị đọc sách điện tử hay máy tính bảng.



Bài học kết hợp công nghệ và giáo dục


Nhìn bên ngoài, các trường Bridge ở phía Tây Nairobi (thủ đô của Kenya) cũng giống như các trường ở những vùng nghèo khó của thế giới đang phát triển. Các tòa nhà đơn giản được làm bằng tôn và gỗ thô. Không có điện. Dãy bàn gỗ đối mặt với một bảng đen trong lớp học.



Giáo viên liếc qua liếc lại giữa máy tính bảng của mình và học sinh trước mặt khi dạy một bài học tiếng Anh. "Rất tốt," cô giáo nói khi đọc các hướng dẫn từ máy tính bảng. "Hãy nói chúc mừng thật lớn nào", cô đọc tiếp. Và học sinh đồng thanh hét lên "Hoan hô!".


Thiết bị đọc sách điện tử hay máy tính bảng không chỉ cung cấp các kịch bản bài học cho giáo viên, mà cả thời khóa biểu điện tử, sổ điểm và giám sát. Nó có thể theo dõi thời gian giáo viên đến lớp, thời gian rời lớp, và thời gian dành cho mỗi bài học.


Việc quản lý toàn trường có thể dùng điện thoại thông minh (smartphone), theo David Mwangi, người quản lý của một trường Bridge ở Nairobi. Ông có thể nhận học sinh mới, nộp điểm thi và gửi bảng chấm công về văn phòng trung tâm của Bridge ở Nairobi, tất cả từ điện thoại thông minh Trung Quốc giá rẻ của mình.
 


Thu học phí cũng được tự động hóa. Cha mẹ trả tiền học phí hàng tháng thông qua hệ thống chuyển tiền di động của Kenya, M-Pesa, cho phép người ta chuyển tiền bằng tin nhắn văn bản.



Sự kỳ diệu của việc nhân bản
 

Chính xác cùng một bài học được giảng dạy trong mọi lớp 6 tại các trường Bridge khắp cả nước. "Nếu ngay bây giờ bạn ở bất kỳ đâu trong 200 địa điểm giảng dạy, bạn sẽ nhìn thấy đúng cùng một thứ", "về mặt nào đó, nó là một sự kỳ diệu", Shannon May nói.
 

“Điều kỳ diệu" của các chương trình học được chuẩn hóa đó đã làm thay đổi vai trò của giáo viên. Nó cho phép Bridge giữ học phí thấp vì có thể thuê những giáo viên không có bằng đại học.


Nó cũng cho phép Bridge nhanh chóng mở rộng và mang lại nhiều "khách hàng".


Đó là mục tiêu của Bridge. Khách hàng mục tiêu của công ty là hàng trăm triệu phụ huynh trên toàn thế giới, những người chỉ kiếm được không quá 2 USD/ngày và khao khát những ngôi trường tốt hơn cho con em mình.


Để giữ học phí thấp, Bridge cần quy mô lớp học lớn. Quy mô lớp học lý tưởng của họ là 40-50, nhưng có thể mở rộng lên đến 70 học sinh.


Trong 4 năm qua, Bridge đã phát triển được chuỗi trường tư lớn nhất ở châu Phi. Cũng có những trường tư khác trên khắp châu Phi, giảng dạy cho tầng lớp được gọi là nghèo nhất trong những người nghèo, nhưng mô hình và quy mô của họ hoàn toàn khác với Bridge.
 




Những lời chỉ trích
 

"Nếu ai đó đề nghị kiểu dạy học như thế ở đất nước này hẳn sẽ bị cười nhạo", theo Ed Gragert, giám đốc Chiến dịch Toàn cầu về Giáo dục của Mỹ, tổ chức ủng hộ tăng khả năng tiếp cận giáo dục ở các nước đang phát triển. "Đó không phải là cách học tốt nhất", ông nói. "Trẻ nên học thông qua việc tương tác với nhau. Có vẻ như chúng ta đang ủng hộ cho ai đó kiếm lợi từ robot dạy học".


Tuy nhiên, ông cho biết mình ngưỡng mộ sự chặt chẽ của mô hình Bridge. Trường bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều, năm ngày một tuần. Vào ngày thứ bảy, các lớp học từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều.


Shannon May nổi giận với việc thầy cô giáo của mình bị gọi là robot, nhưng bà thừa nhận Bridge có cái nhìn khác hẳn về vai trò của giáo viên.


"Họ không phải là người tạo ra nội dung", May nói về các thầy cô giáo.


Nội dung học được Bridge thuê chuyên gia viết; vai trò của giáo viên là truyền đạt lại trong lớp học. May cho rằng, các mô hình truyền thống luôn kỳ vọng giáo viên là chuyên gia về mọi vấn đề. Điều này là không khả thi, đặc biệt ở những nơi mà bản thân giáo viên cũng có thể chưa có được nền tảng học vấn tốt.


"Những gì trẻ có thể học luôn bị hạn chế bởi những gì giáo viên biết", May nói. "Vì vậy, chúng có thể không bao giờ vươn lên khỏi các vấn đề cố hữu của thị trấn, thành phố hoặc đất nước đó".


Ngoài ra còn có phê phán Bridge nói rằng chuỗi trường tư làm suy yếu hệ thống giáo dục công lập bằng cách “bòn rút” trẻ em từ các gia đình có động lực (học tập) nhất.
 




Một cách tiếp cận vì lợi nhuận


Theo May, Bridge đang giúp giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của những người nghèo nhất trong những người nghèo, đó là không có cơ hội tiếp cận “nền giáo dục tươm tất”.

 

Trong lĩnh vực mà lâu nay vốn thuộc sự kiểm soát của chính phủ, nhà thờ và các tổ chức phi lợi nhuận, Bridge có cách tiếp cận khác: từ góc độ lợi nhuận. Mô hình vì lợi nhuận buộc mỗi trường phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, và ràng buộc trách nhiệm với các khách hàng trả tiền: các bậc phụ huynh. Điều này có ý nghĩa thực sự quan trọng.


Tháng 2 năm nay, Bridge đã mở 7 trường đầu tiên ở Uganda và có kế hoạch mở thêm 65 trường khác vào cuối năm. Công ty đang tìm cơ hội mở trường ở quốc gia đông dân nhất châu Phi, Nigeria (theo UNICEF, Nigeria có khoảng 5 triệu trẻ em lứa tuổi tiểu học không được đến trường), và sau đó đến Ấn Độ (dự báo sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong 6 năm tới).


Bridge đã huy động được vốn tài trợ cho kế hoạch mở rộng hoạt động. Đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, Omidyar Network của nhà sáng lập e-Bay Inc. Pierre Omidyar, nhà xuất bản sách giáo khoa Pearson PLC và nhiều người khác đã đầu tư hơn 100 triệu USD vào Bridge. Zuckerberg, đồng sáng lập Facebook Inc. tháng 3 năm nay cũng mới đầu tư 10 triệu USD vào Bridge.



PHƯƠNG UYÊN, STINFO số 11/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả