SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng tạo: Hư và Thực


Người ta thường nghĩ sáng tạo là cái gì đó cao siêu rồi thêu dệt và huyền thoại hóa, nhưng thực tế thì …

Điều gì mà chỉ riêng những người nổi tiếng như các đạo diễn, nhà sáng chế, tỷ phú công nghệ, nhà văn, ... mới có còn chúng ta thì không? Không có gì! Đó không phải là một sự động viên vô bổ mà là luận án tiến sĩ của David Burkus, giáo sư trợ giảng về quản lý tại Đại học Oral Roberts (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách đình đám The Myths Of Creativity: The Truth About How Innovative Companies And People Generate Ideas (tạm dịch: Huyền thoại về sáng tạo: sự thật về cách thức những công ty và nhân vật sáng tạo nảy sinh ra ý tưởng) mới xuất bản hồi tháng 10/2013.


Cuốn sách của ông làm nổ tung bong bóng huyền ảo bao quanh các nhà sáng tạo và cho chúng ta biết với nỗ lực và rèn luyện tất cả chúng ta cũng có thể sáng tạo không kém.


Dưới đây là 8 điều “không thực” mà người ta thường nghĩ về sáng tạo.


1. Eureka (từ gốc Hy lạp có nghĩa là "tìm ra rồi")


Hầu hết mọi người đều tin rằng tất cả các ý tưởng tuyệt vời đều xuất hiện như một tia chớp. Isaac Newton là người đại diện chủ chốt cho học thuyết này, phát hiện ra lực hấp dẫn từ quả táo rơi trên cây xuống của ông làm cho người ta bị mê hoặc nghĩ rằng mọi phát minh, sáng chế đều xuất hiện trong khoảng khắc “loé sáng”. Tuy nhiên qua nghiên cứu của mình, giáo sư Burkus nhận thấy rằng những phát kiến sáng tạo là thành quả của sự chú tâm và lao động cật lực. Lời giải cho vấn đề nảy nở dần trong tiềm thức của chúng ta và mặc dù đôi khi chúng ta kết nối được hai điểm xa nhau một cách bất chợt nhưng thật ra đó kết quả của cả một quá trình tư duy lâu dài.  

 


2. Tuýp người quý hiếm



Sáng tạo được cho là một phẩm chất đặc biệt mà một vài người may mắn sở hữu. Chỉ tuýp người “quý hiếm” này mới có quyền được gán nhãn "sáng tạo", còn phần lớn chúng ta được cho rằng thuộc tuýp người “không sáng tạo”. Tuy nhiên các bằng chứng cho thấy điều ngược lại: không hề có tuýp người sáng tạo bẩm sinh. Và có thể kết luận rằng sự sáng tạo không phải được sinh ra mà được tạo ra, bất kỳ ai cũng đều có thể sáng tạo.


3. Nguyên gốc




Những cá nhân hoặc các công ty sáng tạo được cho rằng 100% tự nghĩ ra các ý tưởng của mình. Nhưng lịch sử cho thấy tất cả các ý tưởng tuyệt vời là công sức của nhiều người. Henry Ford đã phát triển dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô sau khi nhìn thấy các cơ sở sản xuất đóng gói thịt. Thường thì cũng có người khác làm việc trên cùng ý tưởng khi mà nó dựa trên cảm hứng có người “đồng thanh tương ứng”. Ví dụ, ngày mà Alexander Graham Bell nộp đơn xin cấp bằng sáng chế điện thoại, một người phụ nữ khác, Elisha Gray cũng đăng ký bằng sáng chế cho một thiết bị tương tự. Vì vậy không có ý tưởng 100% nguyên gốc. Tuy nhiên, tốt nhất đừng lâm vào tình huống tranh chấp bản quyền như Apple và Samsung!


4. Chuyên gia




Trong một thời gian thật dài người ta tin rằng các vấn đề có thể được giải quyết dựa trên kinh nghiệm. Điều này sai, nếu không thì tất cả các nhà khoa học lão làng có thể đã giành hết các giải Nobel. Trong thực tế, hầu hết các nhà khoa học đoạt giải Nobel về vật lý đều ở tuổi đôi mươi. Để giải quyết một vấn đề, “luồng gió mới” có thể có ích. Vì thế các sếp (ông chủ) không nên “mũ ni che tai” trước ý kiến của các nhân viên mới hoặc trẻ tuổi. Và bản thân những người trẻ tuổi cũng đừng ngại trình bày ý tưởng của mình.


5. Nhà sáng tạo đơn độc


Người ta thường cho rằng sáng tạo là kết quả của tài năng xuất chúng của một cá nhân nào đó. Nó không phản ánh đúng thực tế: sáng tạo là nỗ lực của cả tập thể. Ngay cả Edison cũng làm việc với những người khác để tạo ra những phát kiến tuyệt vời. Và các công ty cũng phải chọn đội ngũ thích hợp cho những dự án lớn có tính sáng tạo nhằm đảm bảo thành công. "Bạn nghe nói về những con người tuyệt vời trong lịch sử, nhưng chính xác hơn phải gọi là những đội ngũ tuyệt vời".


6. Động não




Các công ty thường có ý tưởng ngây thơ cho rằng gom mọi người vào trong một căn phòng để cùng suy nghĩ về một vấn đề và … Eureka! Mọi người sẽ bắt đầu động não và những ý tưởng tuyệt vời sẽ tuôn trào. Cách tiếp cận này có thể tốt một đôi lần, nhưng nó không phải là một cách tiếp cận phù hợp để đạt được những đột phá sáng tạo. Động não chỉ có thể giúp định hình ý tưởng ban đầu, để có được giải pháp đúng đắn cần phải nghiên cứu thêm.


7. Gắn kết




Nếu sáng tạo đòi hỏi trí tuệ tập thể, thì tập thể đó phải luôn làm việc vui vẻ với nhau. Thực tế không phải vậy, sự gắn kết thực ra cản trở tư duy sáng tạo, vì người ta thường sẽ giữ lại những ý tưởng có tính thách thức vì sợ phá vỡ mối quan hệ cá nhân. "Sáng tạo thích sự xung đột miễn là nó chuyên nghiệp, không cá nhân", theo Burkes.


8. Bẫy chuột




Ralph Waldo Emerson được trích dẫn đã nói câu sau hồi thế kỷ 19: "Tạo một cái bẫy chuột tốt hơn và thế giới sẽ làm đường đến cửa nhà bạn". Nó đơn giản có nghĩa là nếu một người có thể làm ra công nghệ tốt hơn những người khác, thì khách hàng sẽ tự tìm đến. Nhưng thời đại hiện nay thì không đơn giản vậy. Người ta phải liên tục thay đổi bản thân để tồn tại trong thế giới cạnh tranh khốc liệt. Thậm chí ngay cả Apple sau khi đã khẳng định vị trí số một trong thế giới công nghệ cũng phải đổi mới sản phẩm của mình hàng năm. Mặc dù chúng ta phải thừa nhận rằng thế giới đã “xây đường đến nhà (các cửa hàng) của Steve Jobs” vì bị hấp dẫn bởi những chiếc máy đơn giản, đẹp và mạnh mẽ mà Steve Jobs đã tạo ra.

P. NGUYỄN, STINFO Số 5/2014

 

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả