SpStinet - vwpChiTiet

 

Cây dừa - quà tặng vô giá của thiên nhiên

 

Bao đời nay, dừa đã gắn bó với con người trong mọi lĩnh vực, từ ẩm thực, các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, du lịch,… cho đến các biểu tượng văn hóa, tâm linh, hay thơ ca, nhạc họa… Bởi thế, dừa chính là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.


Dừa (Cocos nucifera) thuộc họ cau (Arecaceae), có nguồn gốc là chủ đề còn gây tranh cãi. Một số học giả cho rằng dừa có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam châu Á, số khác cho rằng từ miền Tây Bắc Nam Mỹ. Còn các hóa thạch tìm thấy ở New Zealand của loại thực vật nhỏ tương tự như cây dừa có từ khoảng 15 triệu năm trước, và những hóa thạch có niên đại sớm hơn cũng đã được phát hiện tại Rajasthan và Maharashtra (Ấn Độ). Bất kể nguồn gốc từ đâu, dừa nay đã mọc khắp các vùng nhiệt đới. Theo số liệu của FAO (2011), thế giới có 11,86 triệu ha đất trồng dừa, ở 93 quốc gia, trải dài từ Đông sang Tây bán cầu, tập trung nhiều nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


Việt Nam có đủ điều kiện về khí hậu, thủy văn và thổ nhưỡng để dừa sinh trưởng tốt nên dừa được trồng rộng rãi. Hiện cả nước có gần 150 ngàn ha dừa (đứng thứ tư sau cây cao su, điều và cà phê), tập trung chủ yếu ở vùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu Đắk Lắk được xem là thủ phủ của cà phê thì Bến Tre được mệnh danh là thủ phủ dừa.


Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với những vườn dừa mênh mông xanh ngút ngàn trên 67 ngàn ha, sản lượng trên 500 triệu trái, chiếm 40% tổng sản lượng dừa cả nước. Giá trị sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa chiếm hơn 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất sang thị trường trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2012, dừa Bến Tre đã lọt vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam do Trung tâm Sách Kỷ lục và Trung tâm Sách Top Việt Nam công bố.


Nghề trồng dừa, khai thác và chế biến các sản phẩm từ cây dừa là đặc trưng vùng đất Bến Tre, góp phần tô đậm nét văn hóa “miệt vườn Nam bộ”. Nhắc tới Bến Tre, không mấy ai xa lạ với những mỹ từ “quê dừa”, “xứ dừa”… Thơ ca, nhạc họa cũng không thiếu những vần điệu ví von về sự quen thuộc thân thương của xứ dừa: “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre, thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười”; “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó là con gái của Bến Tre…”.


Dừa là sản vật có tiềm năng kinh tế và lợi thế riêng do giá trị sử dụng cao. Nước dừa ngoài dùng để uống hay chế biến thạch dừa, đôi khi còn được sử dụng như một loại huyết thanh thiên nhiên; cơm dừa làm thức ăn, nguyên liệu cho công nghiệp bánh kẹo, hoặc chiết xuất dầu dừa dùng làm thực phẩm, dùng trong nhiều ngành công nghiệp, một loại dược liệu quý có tác dụng làm đẹp, tốt cho sức khỏe; gáo dừa chế biến thành than hoạt tính, thuốc trị bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa...; bê tông nhẹ cốt liệu gáo dừa; lưới sinh thái từ xơ dừa làm thảm chống xói mòn, giảm lực gió, sóng biển; xơ dừa tạo các lớp đất trồng rau sạch, ươm giống… hoặc các sản phẩm thân thiện môi trường như giẻ dừa (thay cho túi nilon trong giai đoạn ươm cây giống);…Thân dừa hay gáo dừa còn là nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo…



Dưới góc độ sinh thái môi trường, dừa được xem là loại cây có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, có thể chống chịu và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng, đất cát nghèo dinh dưỡng, nước mặn xâm nhập, bão tố… Thực tế nhiều vùng trọng điểm trồng dừa của tỉnh Bến Tre cho thấy, hàng năm bị nước mặn 4‰ xâm nhập 3-4 tháng nhưng nhiều giống dừa phát triển rất tốt, năng suất cao.


Xác định dừa là cây truyền thống, biểu tượng của tỉnh, Bến Tre đang có những nỗ lực phấn đấu gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến dừa; đưa ngành dừa phát triển theo hướng bền vững; phát huy thế mạnh ngành dừa đóng góp đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Nam Bộ nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Chính vì vậy, những năm gần đây, Lễ hội Dừa Bến Tre đã được tổ chức từ quy mô địa phương năm 2009 lên cấp quốc gia từ năm 2012, hướng tới mục tiêu quan trọng là giúp người nông dân trồng dừa, các nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp của Bến Tre có thể làm giàu từ cây dừa.


HÒA YÊN, STINFO số 4/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả