SpStinet - vwpChiTiet

 

Không có thần linh, nhưng có "phép màu"

Vũ trụ từ đâu mà có? Câu hỏi lớn của nhân loại mà nhiều thế hệ các nhà khoa học tìm không ra lời giải, đành phó thác vào bàn tay của Chúa. Nhưng nhà khoa học “nổi tiếng nhất sau Einstein” - Stephen Hawking không nghĩ vậy. Trong cuốn sách “The Grand Design” (tạm dịch: Thiết kế vĩ đại), Hawking cho rằng vụ nổ khởi nguồn tạo nên vũ trụ (Big Bang) xảy ra như một điều tất yếu của quy luật tự nhiên chứ không phải “ý muốn của Chúa”.
 

Hawking lập luận, nếu biết được trạng thái của vũ trụ tại thời điểm nào đó, bằng các quy luật khoa học chúng ta có thể giải thích quá khứ và xác định tương lai của vũ trụ. Liên hệ đến con người, ông cho rằng nếu vũ trụ tuân theo định đề khoa học thì con người cũng vậy: “Tất cả những gì chúng ta cần là các quy luật khoa học. Không cần viện đến Chúa để giải thích vũ trụ và chính chúng ta”.
 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, Hawking cho biết ông không tin có linh hồn và thiên đàng. “Não cũng giống như máy tính, sẽ ngừng hoạt động khi các linh kiện bị hỏng. Không có thiên đàng hay cuộc sống sau đó cho máy tính đã bị hỏng. Đó chỉ là câu chuyện thần tiên cho những người sợ bóng tối”; “Vì vậy chúng ta nên tìm cách sống có ý nghĩa nhất khi còn ở trên thế gian này”, ông nói. 

Không tin có thế lực siêu nhiên, nhưng cuộc đời của ông lại như phép màu. Giữ được cuộc sống cho ông đến nay là một kỳ tích. Bảy mươi năm cuộc đời ông chìm đắm trong cơn bệnh hiểm nghèo, toàn thân không cử động được, không nói được, nhưng đã mang lại bao nhiêu ánh sáng tri thức cho loài người. Quả năng lượng của con người là vô tận (xem thêm trong bài viết: Với NLP, tôi có thể! Tạp chí STINFO số 3/2012 của Đăng Hưng). Trên chiếc xe lăn, thân hình tiều tuỵ, Hawking đã nhìn thấu Vũ Trụ mênh mông.
 

Hawking sinh ngày 08/01/1942 tại Oxford, Anh quốc. Theo học tại các trường: Trung học St. Albans, University College ở Oxford, tốt nghiệp loại xuất sắc ngành vật lý. Sau đó tiếp tục theo đuổi luận án tiến sĩ về vũ trụ học tại Đại học Cambridge. Năm 1963, khi chỉ mới 21 tuổi, ông bị phát hiện bệnh ALS tác động đến tế bào thần kinh ở não và thanh quản, dẫn đến liệt cơ và mất khả năng nói, loại bệnh hiểm nghèo chưa tìm ra cách chữa và bác sĩ kết luận ông không thể sống quá hai năm rưỡi nữa. Thế nhưng từ đó đến nay, dù bệnh tật ngày càng phá hủy thể xác, nhưng não bộ của ông vẫn hoạt động mãnh liệt và các công trình khoa học ngày càng dày thêm. Những kết quả mang tính đột phá trong khoa học đã khẳng định điều kỳ diệu ở nhà bác học. Hawking luôn quên đi bệnh tật hiểm nghèo, luôn bay bổng trên trời cao, để có những cống hiến tuyệt vời, những khám phá vũ trụ cho nhân loại.  


 

Năm 2001, nhân dịp đến Bombay (Ấn Độ) dự hội nghị khoa học “String 2001”, trước đông đảo học sinh, sinh viên và các nhà khoa học, ngồi trên xe lăn với phương tiện thông tin duy nhất là chiếc máy tổng hợp giọng nói hoạt động bằng cách gõ nhẹ lên các con chữ của chiếc máy tính dính liền vào xe, Stephen Hawking đã nói rằng chính căn bệnh chết người mà ông phải chịu đựng bấy lâu nay đã cho ông thêm lý do để sống trên đời. “Vì không có nhiều thời gian để sống nên tôi muốn làm việc nhiều hơn nữa. Tôi ý thức được cuộc sống là quý giá…”
 

Trong tư thế gần như bất động trên xe lăn, với một người bình thường chắc hẳn chỉ còn là đời sống thực vật, nhưng Hawking với bộ não có năng lực sáng tạo tuyêt vời đã không ngừng phiêu lưu trong những dải ngân hà có khoảng cách hàng triệu, hàng tỷ năm ánh sáng để tìm lời giải đáp cho câu hỏi từ muôn đời nay: Chúng ta từ đâu tới? Thế giới bắt đầu ra sao? Vũ trụ do đâu mà có?... Thời gian có “trôi” ngược không?... Có lẽ nhờ vào việc luôn vận động, dù chỉ là vận động của bộ não, đã giúp cho Hawking vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn sáng suốt phi thường, và làm những điều mà người bình thường cũng rất khó đạt được. Cái tên Stephen Hawking trở nên đồng nghĩa với “lỗ đen”, công trình được đánh giá là “chiếc chìa khóa mở cửa vào vũ trụ” và Stephen Hawking đã nổi danh là một trong những nhà vật lý lớn nhất hiện nay kể từ khi Einstein qua đời, một “siêu sao” trong bầu trời khoa học. Bất kể sự tàn tật, trường đại học danh tiếng nhất nước Anh là Cambridge vẫn bổ nhiệm ông làm Trưởng khoa Toán - Lý, một vị trí mà trước đây Isaac Newton đã từng giữ. 

 
 

Hawking cho biết người ta thường hỏi ông: “Ông cảm thấy thế nào về căn bệnh của mình?”. Câu trả lời của nhà bác học là: “Không thấy gì nhiều. Tôi cố gắng sống càng bình thường càng tốt, không nghĩ về hoàn cảnh của mình, không nuối tiếc những việc mà bệnh tật đã khiến tôi không thể làm được”, và “khi đối mặt với nguy cơ chết sớm, bạn nhận ra rằng cuộc đời rất đáng quý và có nhiều thứ mà bạn muốn làm”...
 


 

Kim Thanh, STINFO Số 7/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả