SpStinet - vwpChiTiet

 

"Chiếc cần câu nhỏ" mở con đường mới

 

Các khoản vay dù rất nhỏ (gọi là tín dụng vi mô) nhưng là niềm ước mơ và là cú hích giúp nhiều người, nhiều hộ có điều kiện sản xuất, hoặc bắt đầu kinh doanh nhỏ... để hướng đến một cuộc sống chất lượng hơn.


Tín dụng vi mô hay vi tín dụng (microcredit) là những khoản vay rất nhỏ giúp giảm nghèo cho những người đi vay không có tài sản thế chấp, không có việc làm ổn định cũng như chưa có lịch sử tín dụng hay nói nôm na là chưa từng vay và trả nợ đối với tổ chức cho vay. Không chỉ giúp giảm nghèo, vi tín dụng còn có khả năng tạo ra sức mạnh cho phụ nữ, nhất là ở những nước nghèo, đa số vốn không biết chữ và thiếu điều kiện để được vay ở ngân hàng, đồng thời giúp nâng mức sống của toàn bộ cộng đồng.


Không chỉ là cho vay, vi tín dụng có nhiều hoạt động đa dạng hơn cho nhóm khách hàng có thu nhập thấp, như: tiết kiệm, bảo hiểm, chuyển giao dịch vụ và các sản phẩm tài chính khác. Người nghèo cũng cần có nhiều loại công cụ tài chính để tích lũy tài sản, bình ổn tiêu dùng và tự bảo vệ mình trước những rủi ro. Chính vì thế, theo nghĩa rộng, tài chính vi mô là tìm ra phương cách hiệu quả và đáng tin cậy để tạo ra nhiều sản phẩm tài chính cho nhóm khách hàng có thu nhập thấp.

 


Phát triển mô hình


Ý tưởng về vi tín dụng thực ra đã manh nha từ thế kỷ 18 và 19 ở Ireland, Đức nhằm giúp người nghèo, nông dân tích tụ tài sản; thập niên 1950 ở Pakistan…Vi tín dụng hiện đại được coi là xuất phát từ Ngân hàng Grameen được thành lập ở Bangladesh vào năm 1983. Muhammad Yunus, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) và làm việc một thời gian ở Mỹ, ông trở về Bangladesh và được bổ nhiệm vào một cơ quan của chính phủ. Một thời gian ngắn sau đó, ông từ chức và trở thành Trưởng khoa Kinh tế của Đại học Chittagong với mong muốn áp dụng kiến thức vào cuộc sống chứ không chỉ sống trong tháp ngà của giới hàn lâm. Giữa những năm 1970, trong một dịp dẫn sinh viên đi thực tế tại ngôi làng nghèo nhất của vùng Jobra gần trường, ông đã tiếp xúc với những phụ nữ đan rổ tre và kinh ngạc khi biết tiền lời họ thu được chỉ đủ trả lãi cho những kẻ cho vay cắt cổ. Trong khi đó, ngân hàng lại không muốn cho họ vay những khoản tiền nhỏ với lãi suất hợp lý vì sợ họ không có khả năng hoàn trả. Ông đã lấy 27 USD tiền túi cho 42 phụ nữ trong làng vay để làm vốn sản xuất mà không đòi hỏi thế chấp và ngạc nghiên vì họ không chỉ hoàn trả tiền vay đúng hạn mà còn kiếm được một khoản lãi, dù nhỏ nhoi. Yunus tin tưởng việc cho vay những khoản nhỏ như vậy, nếu áp dụng rộng rãi cho cộng đồng có thể cải thiện đói nghèo tại những làng quê của Bangladesh. Sau nhiều dự án nghiên cứu và thử nghiệm thành công trên các địa bàn, năm 1983 Grameen Bank (tiếng Bengali nghĩa là Ngân hàng của những ngôi làng (Bank of the Villages) chính thức được thành lập. 

 


TS. Muhammad Yunus nhận giải Nobel Hòa bình 2006.
 
Ông đã lấy 27 USD tiền túi cho 42 phụ nữ trong làng vay để làm vốn sản xuất mà không đòi hỏi thế chấp.


Ở Ấn Độ, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (NABARD) thành lập năm 1982, cung cấp tài chính cho hơn 500 ngân hàng để thành lập quỹ cho vay dành cho những nhóm tự hỗ trợ (SHG). SHG thường có tối đa 20 thành viên mà đa số là phụ nữ từ những bộ lạc và đẳng cấp nghèo nhất. Các thành viên này đóng một khoản tiết kiệm hàng tháng rất nhỏ để làm quỹ nhóm và họ có thể vay quỹ này cho những mục đích khác nhau như: chi tiêu khẩn cấp, đóng học phí cho con,… Nếu SHG chứng tỏ khả năng quản lý quỹ tốt thì có thể vay ngân hàng địa phương để đầu tư vào các công việc kinh doanh nhỏ hay sản xuất nông nghiệp. Ngân hàng thường sẽ cho vay một khoản tiền gấp 4 lần tiền quỹ của nhóm. Gần 1,4 triệu SHG với khoảng 20 triệu phụ nữ đã vay các ngân hàng này, đưa mô hình này của Ấn Độ trở thành chương trình tài chính vi mô lớn nhất thế giới. Những chương trình tương tự cũng đã phát triển ở châu Phi và Đông Nam Á dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

 


Trao cần câu cho người nghèo


Những tổ chức vi tín dụng ban đầu được tạo ra để thay thế những kẻ cho vay nặng lãi bóc lột người vay, hoạt động như những tổ chức phi lợi nhuận và dùng nguồn ngân sách là quỹ của chính phủ hay những khoản trợ cấp tư nhân. Tuy nhiên, dần dần những tổ chức này phát triển theo hướng trở thành những hệ thống tài chính và thương mại hóa dẫn đến tình trạng những khoản vay nhỏ lại bị tính lãi suất theo thị trường tự do. Mặt khác, nhiều tổ chức vi tín dụng lại hoạt động như những ngân hàng độc lập, nên tính lãi suất cao hơn đối với những khoản vay và chú trọng đến các hoạt động tiết kiệm.


Tuy nhiên, nhiều trường hợp cho thấy là việc cho vay nhỏ có ý nghĩa đạo đức, và các nhà đầu tư vẫn có thể có lợi nhuận. Nhiều hãng đầu tư nhỏ đi theo ý tưởng ban đầu của phong trào vi tín dụng nhưng vẫn có thể tạo ra những khoản hấp dẫn cho các nhà đầu tư.


Tuy vi tín dụng ban đầu chú trọng nguyên tắc cho vay cá nhân với ý tưởng là mỗi người đều có tiềm năng trở thành doanh nhân, nhưng dần dần xu hướng cho vay theo nhóm trở nên phổ biến hơn. Nền tảng của thay đổi này là hiệu quả kinh tế của tính quy mô, vì chi phí quản lý cũng như hiệu lực trả nợ đối với các khoản tín dụng hiệu quả hơn hẳn khi phân bổ theo nhóm, thay vì cá nhân. Hơn nữa, thành viên của nhóm có được cho vay hay không tùy thuộc vào việc trả nợ của những thành viên khác trong nhóm, do đó trách nhiệm trả nợ được tất cả thành viên coi trọng, kiểm soát lẫn nhau nên khả năng trả nợ rất cao.


Cho phụ nữ vay là một nguyên tắc quan trọng của vi tín dụng, thậm chí một số ngân hàng và tổ chức phi chính phủ chỉ dành riêng cho phụ nữ; ngay cả những ngân hàng dành cho cả phụ nữ lẫn nam giới thì tỉ lệ nữ giới cũng chiếm đến 95% khách hàng. Nếu tính trên toàn cầu thì phụ nữ chiếm đến 75% những người vay vi tín dụng. Chính sách chỉ cho phụ nữ vay bắt đầu từ những năm 1980 khi Ngân hàng Grameen phát hiện rằng phụ nữ có tỉ lệ trả nợ cao hơn và họ cũng sẵn sàng vay những khoản nhỏ hơn so với nam giới. Hơn nữa, hiệu quả sử dụng vốn vay để cải thiện mức sống và thu nhập của gia đình cũng cao hơn hẳn so với người vay là nam giới.

 


Vay ngang hàng trên web


Các nguyên tắc của vi tín dụng cũng được ứng dụng trên internet để giải quyết nhiều vấn đề khác ngoài việc xóa đói giảm nghèo. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), nghĩa là khoản cho vay không phải từ một nguồn cho vay trực tiếp, mà là tập hợp của nhiều khoản cho vay nhỏ cộng lại và thường có lãi suất gần như bằng không. Hiện có khá nhiều tổ chức trên Web hình thành những nền tảng kết nối các “chủ nợ” để tập hợp nguồn lực cho các doanh nghiệp gia đình cực nhỏ (vi doanh nghiệp - micro-entrepreneurs) vay. Những tổ chức nổi tiếng và có số vốn cho vay cũng như người vay lớn có thể kể ra như Kiva (Kiva.org), một tổ chức phi lợi nhuận để bất kỳ ai cũng có thể cho các doanh nghiệp nhỏ, gia đình và sinh viên trên 86 nước vay qua internet; Zidisha (www.zidisha.org), cũng là một tổ chức phi lợi nhuận để mọi người trực tiếp cho doanh nghiệp tại những nước đang phát triển vay một khoản tiền nhỏ; Microloan Foundation (www.microloanfoundation.org.uk) tổ chức từ thiện tài chính vi mô chuyên cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ của phụ nữ ở Malawi và Zambia...


Việt Nam cũng đã có những chương trình vi tín dụng phát huy hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp thoát nghèo cho nhiều hộ nông dân ở miền Tây như Đồng Tháp, Trà Vinh, ... Mặt khác, với sự phát triển của internet, hiện cũng đã có rất nhiều nhóm hay cá nhân được vay tiền từ những tổ chức như Kiva. Những hoạt động này mang lại không chỉ niềm an ủi cho những hộ gia đình mà còn giúp họ có được “cú hích” ban đầu để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

HỒNG ÂN, STINFO số 7/2015

Tải bài này về tại đây.
 


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả