SpStinet - vwpChiTiet

 

Hành trình thay nước biển Chết



Biển chết từng “chết” một lần và đã hồi sinh. Nhưng liệu điều đó kéo dài được bao lâu?

Kho báu biển Chết
 

Một nhà văn Hy Lạp cổ đã gọi nơi này là “Biển Chết” (Dead sea) - vùng biển gắn liền với nhiều huyền thoại, một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn “nhất quả đất”.
 

Từ vết nứt ngập nước giàu muối khoáng của dòng sông Jordan hóa nên hồ, biển Chết có diện tích trên 1.000 km2, nằm giữa biên giới Israel, Jordan, và Bờ Tây (một phần của lãnh thổ Palestine). Bởi nước hồ tích tụ, lượng nước bốc hơi còn nhiều hơn lượng nước chảy vào, nơi đây trở thành vùng nước mặn khắc nghiệt (độ mặn đến 38% so với 2,5% của các đại dương khác) sâu nhất thế giới, rất ít loài vi sinh vật có thể tồn tại được nên được gọi là “Biển Chết”. 

Trái với tên gọi có vẻ chết chóc, chẳng những bạn chắc chắn không thể chết đuối ở đây mà còn nổi được trên mặt biển nhờ nồng độ muối cao khiến tỷ trọng nước biển lớn hơn tỷ trọng thân người. Do đó, nằm thư giãn bồng bềnh trên mặt biển đầy nắng ấm… không cần phao là giấc mơ có thực. Lý tưởng hơn nữa, các quý cô ưa làm đẹp sẽ không sợ  bị  cháy


Biển Chết nằm giữa Israel, Jordan và Bờ Tây. Dài 67 km, rộng nhất 18 km, là nơi thấp nhất trên bề mặt trái đất.
 
nắng, bởi bầu không khí cực trong lành, giàu oxy, và các tia cực tím có hại được lọc một cách tự nhiên.
 
Trên mặt biển Chết, bạn luôn luôn… nổi
 

Vùng biển này còn được mệnh danh là “cái rốn của địa cầu” vì là nơi thấp nhất trên bề mặt trái đất (423 mét dưới mực nước biển). Magie, canxi, brom, kali, lưu huỳnh cùng với hơn 30 loại khoáng chất khác tập trung trong nước biển và lớp bùn đáy biển là nguồn nguyên liệu quý giá cho nhiều loại mỹ phẩm, dược liệu được tiêu thụ trên toàn thế giới. Trong số đó có 12 loại khoáng chất không thể tìm thấy ở bất kỳ đại dương nào khác. Nghiên cứu của các nhà khoa học Israel cho biết, chỉ 20 phút ngâm mình trong nước biển Chết sẽ giúp những người mắc bệnh tiểu đường giảm lượng đường trong máu.
 

Đường biên giới Israel, Palestine và Jordan chạy dọc chia đôi biển Chết thành hai phần, sự kết hợp đặc biệt giữa cảnh quan sa mạc, ốc đảo, nước và hệ động thực vật phong phú khiến vùng đất này sở hữu hệ sinh thái độc đáo có tầm quan trọng quốc tế. Với những đụn muối trắng xóa lộng lẫy dưới nắng, biển Chết không chỉ là kho báu vô giá của các quốc gia Trung Đông mà còn là một trong những địa điểm du lịch tuyệt mỹ của thế giới. 


Bùn khoáng ở đây có thể làm đẹp và chữa bệnh
 
Bờ biển Chết có nhiều đụn muối trắng lấp lánh

 


Và hệ sinh thái đa dạng, phong phú


Tương lai sẽ không còn biển Chết?
 

Theo BBC News, thật không may cho những ai chưa từng thăm biển Chết, bởi nếu không kịp thời ứng cứu, vùng biển này sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2050. Trong vòng 40 năm qua, mực nước biển Chết sụt giảm đến 25 mét.
 

Thực ra đây không phải lần đầu hồ nước này khô cạn. Nghiên cứu cho thấy, biển Chết từng “chết” một lần hơn 100.000 năm trước trong đợt hạn hán xảy ra trước kỷ băng hà cuối cùng. Do đó, nhiều người cho rằng, việc biển Chết thu hẹp ngày nay cũng bắt nguồn từ các nguyên nhân tự nhiên:
 

• Biển Chết nằm ở khu vực sa mạc, lượng mưa trung bình hàng năm (50-60 mm) không bù đắp nổi lượng nước biển bốc hơi quá lớn (hơn 1.000 mm).
 

• Dòng sông Jordan, nguồn nước chính cho biển Chết ngày càng bị thu hẹp.
 

• Khu vực xung quanh biển Chết là một hệ sinh thái đa dạng với thực vật, chim và động vật hoang dã, tất cả đều phụ thuộc vào nguồn nước ngọt từ sông Jordan.
 

Tuy nhiên, giáo sư Emi Ito đến từ Đại học Minnesota khẳng định: mặc dù hiện tượng nóng lên toàn cầu có làm khí hậu khu vực trở nên khô và nóng hơn khiến lượng nước biển suy giảm mạnh, nhưng các nghiên cứu cho thấy biển Chết không thể hoàn toàn tự nhiên khô hạn. Khi diện tích biển thu hẹp, độ mặn tăng lên, thì tốc độ bay hơi cũng chậm lại, do đó mực nước sẽ vẫn ổn định ở mức 100 – 150 mét. Thế nhưng, thực tế với những gì đang xảy ra, chẳng mấy chốc hồ nước mặn này sẽ cạn kiệt. Nguyên nhân vì đâu?
 

Theo một chuyên gia khác - Ben Avraham của Đại học Tel Aviv – cho biết: “Sự sụt giảm lượng nước mà chúng ta đang chứng kiến ở đây có vẻ tương tự quá trình khô cạn của biển Chết trong quá khứ, nhưng thật ra, “thủ phạm” không phải khí hậu mà chính là bàn tay con người”. 

Cho đến những năm 1950, lượng nước ngọt đổ từ sông Jordan vào biển Chết tương đương tỷ lệ bốc hơi nên mực nước rất ổn định. Nhưng từ 1960, Israel xây dựng con đập lớn trên bờ biển Galilee chuyển nước từ dòng sông này vào hệ thống đường ống cấp nước phạm vi cả nước. Nghiêm trọng hơn, những năm 1970, Jordan và Syria bắt đầu chuyển hướng Yarmouk – một nhánh chính của sông Jordan. Kể từ đó, người dân nhiều quốc gia ven sông bắt đầu xây dựng cống và hồ chứa lấy nước từ dòng sông để tưới tiêu. Tổ chức Friends of the Earth tuyên bố, những hành động này đã tàn phá biển Chết và làm diện tích của nó thu hẹp 1/3. 


Một hố sụt ở bờ biển phía Nam
 
Đến nay, toàn bộ lưu vực phía nam của biển Chết hầu như cạn kiệt. Số lượng hố sụt (sinkhole) xuất hiện ngày càng tăng ở đây là dấu hiệu cảnh báo mức độ nghiêm trọng của tình trạng biển Chết bị thu hẹp. Các hố này xuất hiện do sự sụt giảm đột ngột của tầng nước bên dưới mặt đất. Hàng trăm gia đình đã phải sơ tán sau khi 800 hố sụt xuất hiện ở khu vực ven biển Chết phía Jordan và 1.200 hố ở phía Palestine và Israel.

Nếu không có biện pháp ứng cứu kịp thời, chẳng mấy chốc địa danh “biển Chết” sẽ biến mất khỏi bản đồ thế giới, gây thiệt hại lớn cho các ngành du lịch, công nghiệp địa phương và môi trường.


Thay nước biển Chết và bài toán hóc búa
 

Để cứu biển Chết, bài toán đặt ra là tìm một nguồn cung nước ngọt khác ngoài sông Jordan đồng thời bổ sung lượng nước biển đã mất.
 

Việc giảm lượng nước tiêu thụ từ sông Jordan được đánh giá là bất khả thi do vấp phải phản đối từ phía Israel và Palestine nên có 2 giải pháp khác được đề xuất:
 

1. Dự án Dead sea canal (còn gọi là “kênh đào hai biển”)
 

Lợi dụng chênh lệch 1000 mét độ cao giữa biển Chết và biển Đỏ, xây dựng 180 km đường ống ngầm đường kính 7-8 mét, băng qua Jordan để vận chuyển khoảng 2 tỷ m3 nước từ biển Đỏ (Hồng Hải) bổ sung cho biển Chết mỗi năm.
 

Nhờ trọng lực, nước biển Đỏ sẽ mất khoảng 3-4 ngày băng qua 168 km để đến được biển Chết bên kia Jordan.


Dự án trị giá trên 10 tỷ USD, do Ngân hàng Thế giới (WB) chủ trì nghiên cứu từ năm 2008, nhưng đến nay chưa có quyết định cuối cùng do những e ngại về tình trạng biến đổi sinh thái, sụt giảm độ mặn và thay đổi giá trị kinh tế của biến Chết.
 

Theo khảo sát của WB, chỉ với 400 triệu m3 nước Hồng Hải vốn chứa hợp chất sulfur cũng đủ làm vùng biển Chết bị lây nhiễm tảo alga. Nước Hồng Hải có nồng độ muối thấp hơn sẽ làm loãng nước biển Chết, thay đổi hệ sinh thái với tốc độ khó lường, hủy diệt những loại khoáng sản quý, khiến nước biển Chết mất đi giá trị y tế và cả giá trị du lịch. “Rõ ràng, nước biển Chết sẽ thay đổi thành phần và các đặc điểm sinh thái nếu nhận một khối lượng lớn nước từ Biển Đỏ” – WB thừa nhận. Đó là lý do dự án này bị lên án là thảm họa môi trường.


Dự án Dead Sea canal dẫn nước từ biển Đỏ (Red Sea) sang biển Chết (Dead Sea)


2. Dự án The Jordan national Red sea water development project – JRSP: 
 

Cũng dùng nước biển lấy từ Hồng Hải, nhưng dẫn qua nhà máy lọc lớn nhất thế giới để khử muối nhằm cung cấp nước cho 3 quốc gia đang lấy nước từ sông Jordan. Lượng nước có nồng độ muối cao thải ra sau quá trình lọc được bơm về về biển Chết để bù đắp lượng nước biển bốc hơi.
 

Kế hoạch dự tính bổ sung khoảng 870 triệu m3 nước biển mỗi năm. Tuy nhiên dự án này có 5 giai đoạn và phải mất từ 25-30 năm để hoàn thành. Mặt khác, đây cũng không phải là một dự án thân thiện với môi trường, bởi nhà máy lọc khổng lồ đòi hỏi vận hành bằng năng lượng hạt nhân, đồng nghĩa với lượng khí thải tăng vọt.
 

Sau gần một thập kỷ tranh cãi, các chuyên gia cho rằng có thể thực hiện cả hai dự án đồng thời để “cấp cứu” biển Chết càng sớm càng tốt. Vì Jordan đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng, dự án JRSP dự kiến khởi động vào tháng 5 năm 2013.
 

Tuy Ngân hàng Thế giới đã cam kết, các tác động tiêu cực của dự án sẽ được "giảm nhẹ và quản lý đến một mức độ chấp nhận được", nhưng nhiều nhà hoạt động môi trường vẫn kêu gọi chính phủ xem xét những phương án thay thế khác. Chẳng hạn như: nhập khẩu nước từ Thổ Nhĩ Kỳ, bơm nước từ Địa Trung Hải thay vì từ Hồng Hải (gần hơn vì không phải băng qua lãnh thổ Jordan),…Dù vậy, các phương án này đòi hỏi có sự hợp tác giữa các quốc gia Jordan, Israel và Palestine nên đều vấp phải trở ngại lớn do tình hình chính trị tại khu vực Trung Đông.
 

Dù mong manh nhưng hy vọng biển Chết sẽ không chết.

MINH NHẬT, STINFO Số 4/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả