SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá độc tính nước thải Khu Công nghiệp Nhơn Trạch

Sản xuất công nghiệp càng phát triển, các hợp chất được sử dụng càng mở rộng và khó có thể kiểm soát hết được. Sự hiểu biết của con người về sự chuyển đổi và độc tính của các chất thải trong môi trường, đặc biệt là môi trường nước còn hạn chế. Riêng ở Việt Nam, việc đánh giá ảnh hưởng của nước thải từ các khu công nghiệp lên sinh vật còn khiêm tốn, rời rạc. Do đó, việc đánh giá độc tính của các hợp chất thải vào môi trường nước lên thủy sinh vật, cụ thể là cá, là một trong những việc làm cần thiết.

Khu Công nghiệp Nhơn Trạch (KCNNT), Đồng Nai được thành lập từ năm 1997, với các ngành nghề hoạt động chính: dệt may, cơ khí, sản xuất giấy…. Nước thải KCNNT sau xử lý được thải vào thượng nguồn sông Thị Vải. Cho đến nay, độc tính của nước thải KCNNT vẫn chưa được nghiên cứu tìm hiểu. Đề tài “Ảnh hưởng nước thải từ Khu Công nghiệp Nhơn Trạch lên cá sọc ngựa, Danio rerio” được Phòng Độc học Môi trường, Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện đã góp phần đánh giá độc tính nước thải từ KCNNT. Trong nghiên cứu này, nước thải từ KCNNT sau xử lý được thu và tiến hành đo đạc các yếu tố lý hóa như hàm lượng oxy hòa tan, pH, NH3, H2S và các kim loại nặng (Cd, Cu, Pb, Zn, Cr). Đồng thời nước thải ở các nồng độ khác nhau (10, 25, 50,100% theo thể tích) được dùng để phơi nhiễm mãn tính với phôi và ấu trùng của cá sọc ngựa (Hình 1).


Kết quả cho thấy hầu hết các yếu tố hóa lý của nước đều nằm trong ngưỡng cho phép theo quy chuẩn xả thải Việt Nam (QCVN 24:2008/Cột B). Yếu tố hóa lý thường chỉ thể hiện hiện trạng của môi trường, trong khi đó, yếu tố sinh học mà tiêu biểu là thử nghiệm độc học sẽ phản ảnh stress mà môi trường đang gánh chịu. Điều này được chứng minh thông qua kết quả thí nghiệm độc học trong nghiên cứu được ghi nhận sau đây: Phơi nhiễm trong nước thải không làm ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ nở của phôi cá. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót của ấu trùng có sự khác biệt và phụ thuộc vào nồng độ nước thải dùng trong phơi nhiễm, tỷ lệ nước thải càng cao, tỷ lệ sống sót của ấu trùng càng thấp. Sau 10 ngày phơi nhiễm tỷ lệ sống của ấu trùng ở lô đối chứng (0-0) là 90% và đây là tỷ lệ nở được đánh giá là đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ sống sót của ấu trùng ở lô thí nghiệm 10-0 bắt đầu giảm vào ngày thứ sáu sau khi nở và tiếp tục giảm nhẹ ở những ngày kế tiếp, sau 10 ngày tỉ lệ sống sót của ấu trùng giảm còn 70%. Riêng với ấu trùng ở lô 25-0 tỉ lệ sống giảm từ ngày thứ tư và những ngày tiếp theo, tỉ lệ sống sau 10 ngày tương tự như lô thí nghiệm 10-0. Quá trình phát triển của ấu trùng ở lô 50-0, 100-0 có kết quả tương tự lô 10-0 ở những ngày đầu, tuy nhiên sự khác biệt xuất hiện vào ngày thứ 8 khi tỉ lệ sống tiếp tục giảm thấp. Phơi nhiễm với 100% nước thải (100-100), tỷ lệ chết của ấu trùng bị ảnh hưởng mạnh nhất, theo đó, tỷ lệ sống sót của ấu trùng vào ngày thứ tám là 10% và giảm còn 0% sau 10 ngày phơi nhiễm (Hình 2).

 
Ghi nhận khi ấu trùng được nuôi ở cả hai môi trường (nước thải và nước sạch), đối với những phôi phơi nhiễm với nước thải ở nồng độ thấp (10, 25 và 50% nước thải), sự biến dạng được ghi nhận với tình trạng phần thân ấu trùng bị cong (Hình 3) và như vậy sẽ ảnh hưởng đáng kể lên khả năng bơi của cá. Tác động xấu của nước thải từ KCNNT lên cá sọc ngựa trong thí nghiệm này, tương tự như một số công bố của các nhóm nghiên cứu trên thế giới (vd: Sisman và cộng sự 2008; Gellert và Heinrichsdorff, 2001, trong đó khi phơi nhiễm phôi với 25% nước thải từ nhà máy sản xuất chất béo và nhà máy sản xuất hóa chất làm chậm sự nở của phôi cá, dị dạng ấu trùng và gây ra hiện tượng đơn tính cái lên sinh vật). Mặc dù độc tính nước thải từ KCNNT không nghiêm trọng như một số công bố của các tác giả nêu trên, sự nguy hiểm của nước thải của KCNNT đã được thể hiện rõ qua tác động gây dị dạng lên ấu trùng cá trong thí nghiệm.

Hình 3: Ấu trùng bị ảnh hưởng bởi nước thải (phần thân bị uốn cong).

Mặc dù chất lượng nước thải từ KCNNT đạt tiêu chuẩn xả thải trên cơ sở vật lý và hóa học, độc tính của nước thải từ KCNNT đã được chứng minh. Do đó, nếu chỉ dựa vào cơ sở kết quả phân tích hóa lý, không thể kết luận nước thải KCNNT vào thời điểm thu mẫu bị ô nhiễm, tuy nhiên kết quả thử nghiệm độc học mãn tính lên sinh vật đã cho thấy rõ sự nguy hiểm của nước thải KCNNT lên sinh vật thí nghiệm và ắt hẳn là tác động xấu lên sức khỏe sinh thái của thượng nguồn sông Thị Vải. Vì vậy, các yếu tố hóa học khác trong nước thải (vd: thuốc trừ sâu, hợp chất gây rối loạn nội tiết…) nên được phân tích, đánh giá. Tác động cộng gộp của các hợp chất (kim loại) khác nhau nên được nghiên cứu làm cơ sở cho việc xem xét, hiệu chỉnh một số giá trị xả thải trong quy chuẩn Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu ảnh hưởng của nước thải lên cá con và các thế hệ nối tiếp (F2) ở các tiêu chí như khả năng sinh trưởng, sự biến dạng, khả năng sinh sản và sự tích lũy kim loại nặng trong cơ thể sinh vật nên được thực hiện. Sự dị dạng của ấu trùng cá khi phơi nhiễm với nước thải là một ghi nhận tình cờ nhưng rất thú vị do đó nên có nghiên cứu tiếp tục nhằm tìm hiểu cơ chế gây nên sự dị dạng này.
 
Võ Trung Liêm - Đào Thanh Sơn, STINFO Số 8/2012.
(Nguồn: Phòng Độc học Môi trường, Viện Môi trường và Tài nguyên)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả