SpStinet - vwpChiTiet

 

Chất độc ricin và những thủ đoạn trên chính trường


35 năm trước, ricin chính là tác nhân gây tử vong trong vụ mưu sát Georgi Markov, một nhà văn gốc Bulgari. Mới đây, ricin lại tiếp tục gây sóng gió trên các phương tiện truyền thông với vụ việc: "Thư chứa chất độc chết người gửi cho Tổng thống Obama”. Cùng ngày đó, một lá thư khác tẩm ricin cũng được gửi cho thượng nghị sĩ Roger Wicker của bang Mississippi.

 
Chỉ là chiết xuất từ hạt thầu dầu, nhưng nếu không cảnh giác, biết đâu ricin có thể trở thành loại vũ khí đầu độc hàng loạt trong tay bọn khủng bố?
 

 

Độc hơn cả nọc rắn hổ mang
 

Ricin là loại protein thực vật cực độc trong hạt thầu dầu, chiếm tỷ lệ 3-5%, tương tự chất độc crotin trong bã đậu hoặc abrrin trong cam thảo dây. Khi ép lấy dầu, ricin được giữ lại toàn bộ trong khô dầu nên khô dầu rất độc, thường dùng làm thuốc trừ sâu.


Trong y học, đây là loại dược liệu hữu ích, liều cực nhỏ sẽ kích thích cơ thể động vật tổng hợp protein trung hòa chất độc, tăng cường miễn dịch; đặc biệt có tiềm năng trong điều trị ung thư. Giới y học gọi ricin là “viên đạn thần kỳ” tiêu diệt các tế bào ác tính.

Nhưng mặt khác, ricin là chất độc cực kỳ nguy hiểm. Theo GS. Đỗ Tất Lợi, chỉ 3g khô dầu có thể khiến một con bê 100kg tử vong. Với người, chỉ uống 1 hạt thầu dầu cũng gây nôn mửa, 3-4 hạt nguy hiểm cho trẻ em, 14-15 hạt làm tử vong người lớn. Do đó trong Đông y chỉ sử dụng thầu dầu làm thuốc đắp ngoài da.


Trên lý thuyết, 1 gram ricin đủ gây tử vong cho khoảng 36.000 người, độc hơn cả nọc độc của loài rắn hổ mang nguy hiểm nhất. Quan trọng hơn nữa: không có thuốc giải độc cho ricin - một trong những độc chất đáng sợ nhất hành tinh!
 

Cơ chế gây độc của ricin


Ricin xâm nhập cơ thể làm tê liệt ribosome của tế bào, không cho tế bào sản xuất protein cần thiết. Tế bào chết đi khiến các chức năng trong cơ thể ngừng hoạt động, gây tử vong. Khác với những chất độc khác, triệu chứng ngộ độc ricin thường không xuất hiện trước 15 giờ sau khi nhiễm và tùy thuộc mức độ tiếp xúc, dễ nhầm với bệnh cúm và ngộ độc thông thường.


Nhiễm ricin qua đường tiêm có tác hại lớn nhất, kế đến là hít phải và cuối cùng là đường ăn, uống.


• Trường hợp bị tiêm ricin, hệ tuần hoàn suy kiệt nhanh chóng. Nếu hít phải (như loại ricin trong lá thư gởi cho Tổng thống Obama), nạn nhân có thể suy hô hấp, sốt cao, khó thở, ho, buồn nôn và tử vong trong vòng 3 ngày. 

 
• Nuốt phải ricin gây tiêu chảy, nôn mửa, mất nước nghiêm trọng kèm theo co giật, suy thận, gan, lá lách và tử vong sau vài ngày.

• Nếu may mắn thoát chết thì cơ thể cũng tổn hại nặng nề.


Tuy nhiên, ricin không hấp thu qua da và tiếp xúc không chủ ý nên vẫn an toàn nếu vô tình chạm phải. Để phát huy độc chất, ricin phải được cô đọng vào một kích thước cực nhỏ tiêm dưới da, hòa tan vào nước (dạng uống hoặc phun sương).


Ricin tinh chế bằng kỹ thuật cao sẽ có độc chất mạnh hơn. Khi đó, chỉ 500 micro gram ricin (tương đương kích thước đầu kim) đủ gây tử vong cho người lớn. Tuy nhiên ricin bị phá hủy ở nhiệt độ cao, nên một số trường hợp ăn hạt thầu dầu đã nấu hay xào kỹ không bị ngộ độc.



Ricin và những vụ án bí ẩn trên chính trường


Một trong những truyền thuyết ly kỳ về chất độc ricin vẫn thường được nhắc đến là vụ mưu sát nhà văn Georgi Markov tại London năm 1978. Vụ án còn có tên: chiếc ô giết người (Umbrella Murder).
 

Georgi Markov là một nhà văn Bulgari. Do mâu thuẫn về quan điểm chính trị, năm 1969, ông đào tẩu đến phương Tây, trở thành phóng viên của BBC World Service, Radio Free Europe và Germany's Deutsche Welle, với tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích chế độ Bulgari lúc đó.


Ngày 7 tháng 9 năm 1978, như thường lệ, Markov băng qua cầu Waterloo bắc ngang sông Thames đón xe buýt đến đài BBC. Đột nhiên cảm thấy mặt sau đùi phải nhói lên như bị cắn, ông ngoảnh lại và nhìn thấy một thanh niên đang cầm chiếc ô dúi vào chân mình. Bắt gặp ánh mắt nghi hoặc của Markov, gã thanh niên vội vã sang đường, nơi có chiếc taxi đợi sẵn và dông thẳng.

 
Ricin tìm thấy trong viên bi đường kính 1,7mm đã giết chết Markov


Markov đến văn phòng với chân phải ngày càng đau nhức dữ dội. Những chấm đỏ bắt đầu xuất hiện quanh vết thương nhỏ xíu chỉ bằng đầu kim. Ông sốt cao, được đưa ngay vào bệnh viện nhưng đã qua đời 3 ngày sau đó ở tuổi 49. Nguyên nhân cái chết được xác định là nhiễm độc ricin từ một viên bi kim loại rỗng, đường kính 1,7 mm cấy vào chân.

Khi viên bi vào trong cơ thể, thân nhiệt làm tan chảy lớp vỏ bao, giải phóng chất độc vào máu. Đáng buồn thay, dù bác sĩ xác định được chất độc là ricin nhưng đành bó tay vì không có thuốc giải.


Nhiều “sự cố” chính trị khác cũng có sự góp mặt của độc chất ricin:


• Tháng 8 năm 1981, tại cửa hàng thực phẩm ở Virginia, nhân viên CIA - Boris Korczak - bị bắn vào thận bằng súng hơi. Nhờ cơ thể ông “hiểu nhầm” viên đạn là sỏi thận và nhanh chóng thải ra ngoài mà Korczak thoát chết. Thủ phạm được cho là các tổ chức bí mật từng thiệt hại hàng triệu USD do bị Korczak phanh phui.


• Tháng 8 năm 2001, nhà chức trách Nga đột kích và thu giữ một số tài liệu điều chế thuốc nổ có ricin của Chechnya.


• Năm 2011, FBI bắt giữ 4 người đàn ông tại Georgia (Mỹ), bị cáo buộc âm mưu sử dụng chất nổ và vũ khí sinh học để tiêu diệt một số chính trị gia Mỹ. Theo The Guardian, những người này còn lên kế hoạch phát tán 10 pound (1 pound = 454gr) ricin ở các thành phố lớn: Atlanta, Jacksonville, Newark, Washington DC và New Orleans. Chất ricin trong kế hoạch sẽ rải từ máy bay trên bầu trời thủ đô Washington và tấn công các mục tiêu khác bằng chất nổ.


• Tháng 11 năm 2003, ricin từng được phát hiện dưới dạng bột trong thư gởi cho Nhà Trắng. Thông tin này được giữ kín và một số văn phòng của Thượng viện bị đóng cửa trong 3 tháng để đảm bảo an toàn.
 


Bức thư tẩm ricin gởi đến Nhà Trắng năm 2003 (Ảnh: Reuters).

 

Các chuyên gia mặc quần áo bảo hộ chuẩn bị vào văn phòng Thượng viện rà soát chất độc, năm 2003 (Ảnh: Reuters).


Qua những gì mà thế giới từng chứng kiến, cùng với lá thư tẩm độc chết người gửi cho Tổng thống Obama gần đây, có thể thấy độc chất ricin rất được “ưa chuộng” để ngấm ngầm giải quyết những mâu thuẫn chính trị.



Vũ khí “giấu mặt”


Tuy được xem là loại vũ khí hóa sinh nguy hiểm và đã bị cấm theo Hiệp ước vũ khí độc và sinh học (BTWC) và Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC), nhưng ricin vẫn rất “được lòng” ngành công nghiệp chế tạo vũ khí vì nhiều ưu điểm:


• Thầu dầu là loài cây phổ biến nên việc sản xuất ricin rất dễ và rẻ.


• Dễ phát tán chất độc qua tiếp xúc thông thường (hít, uống, tiêm).


• Nhiệt độ ricin ổn định, có thể thêm vào bom để tăng khả năng sát thương.


• Không màu, không mùi, không vị, triệu chứng ngộ độc khó chẩn đoán. Thời gian chẩn đoán kéo dài khiến đa số nạn nhân tử vong.


• Quan trọng nhất là không có thuốc chữa.


Trong quyển sách nhan đề “Living Terrors” (tạm dịch: “Nỗi kinh hoàng sống”), các chuyên gia quốc tế về vũ khí sinh học tin rằng, Iraq đã sử dụng ricin trong cuộc chiến chống Iran, cả quân đội Mỹ và Anh cũng từng liên kết chế tạo loại bom hủy diệt chứa ricin. Ước tính khi nổ, lượng ricin phóng thích dưới dạng đám mây hóa học đủ sức tiêu diệt cả khu dân cư rộng hàng chục km.


Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vì không có thuốc giải độc nên cần tránh tiếp xúc ricin càng nhiều càng tốt. Trường hợp đã tiếp xúc thì phải rửa sạch sớm nhất có thể. Nên rời khỏi khu vực nhiễm độc đến nơi có không khí trong lành. Làm sạch toàn thân với xà phòng và nước. Đặc biệt nếu ricin dính vào áo, không nên cởi ra (với loại áo chui đầu) dễ khiến tiếp xúc nhiều hơn, mà nên dùng kéo cắt. Nếu ngộ độc qua đường ăn uống thì không nên nôn ra hoặc uống thêm nước mà phải đến bác sĩ lập tức. Các chăm sóc y tế như: hỗ trợ hô hấp, truyền dịch, dùng than hoạt tính… sẽ giúp giảm thiểu tác hại của độc chất.
 

Ricin dễ bị lợi dụng trở thành tác nhân khủng bố sinh học nhờ khả năng phát tán với hiệu lực cao và không có thuốc chữa. Nhiều thập niên đã trôi qua kể từ ngày Georgi Markov đột tử, dẫu Anh và Mỹ tiến hành vô số nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra loại thuốc giải nào có thể khống chế độc tính của chất kịch độc ricin. Riêng với các chính trị gia, có vẻ như ricin vẫn là nỗi ám ảnh: những lá thư mang theo “tử thần”.
Nỗi ám ảnh của các chính trị gia: thư chứa ricin


 

Đăng Hưng, STINFO số 5/2013

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả