SpStinet - vwpChiTiet

 

Dunbar: từ bầy linh trưởng đến mạng xã hội

 


Bạn có cả ngàn người bạn trên mạng xã hội như Facebook nhưng liệu bạn có tìm được một bờ vai tin tưởng để tựa đầu khi mệt quá chăng? Khả năng nhận thức của con người trong các mối quan hệ khác gì thời đồ đá không?… hỏi Dunbar nhé.



Số Dunbar là gì?
 

Nói một cách đơn giản nhất thì đó là giới hạn về số người mà chúng ta có thể duy trì mối quan hệ xã hội ổn định. Đó là những mối quan hệ mà bạn biết rõ về từng người khác cũng như những mối quan hệ của người đó với những người khác. Con số này do nhà nhân chủng học, nhà tâm lý học tiến hóa người Anh là Robin Dunbar đưa ra sau khi tìm thấy mối tương quan giữa kích thước não của các loài linh trưởng và kích thước trung bình của các nhóm xã hội tương ứng. Dựa trên kích thước trung bình của não người và ngoại suy từ kết quả nghiên cứu trên các loài linh trưởng, ông đề xuất rằng con người chỉ có thể duy trì được 150 mối quan hệ bền vững.


Dunbar lớn lên ở Tanzania, tốt nghiệp ngành tâm lý và triết vào đầu những năm 1970 và mối quan tâm nghiên cứu ban đầu của ông không phải về tình bạn của con người mà là đời sống xã hội của khỉ chó (gelada), một loài khỉ chỉ tìm thấy ở những vùng cao nguyên của Ethiopian và có quan hệ gần gũi với khỉ đầu chó (baboon). Loài gelada hấp dẫn ông vì sự kỳ lạ trong hệ thống xã hội của chúng, đó là những nhóm gia đình nhỏ kết hợp với nhau thành một đàn lớn; đặc điểm liên kết xã hội mơ hồ này cũng giống với những tộc người săn bắn hái lượm hiện đại. Nó được gọi là hệ thống xã hội phân-kết (fission-fusion social system) và chỉ có ở hai loài khỉ trong hơn 300 loài linh trưởng (không tính con người).

 


Khỉ đầu chó (gelada)
 
Robin Dunbar


Tập quán chải lông của loài khỉ này thực sự làm ông quan tâm. Đối với gelada cũng như nhiều loài linh trưởng khác, chải lông để vệ sinh chỉ là một phần vì đó còn là một dạng thắt chặt quan hệ. Cuộc sống của loài gelada cũng đầy những mối quan hệ xã hội phức tạp như sự hình thành bè phái, liên minh cũng như âm mưu của các nhóm nên những con khỉ này phải thắt chặt tình hữu nghị bằng cách bắt chấy rận và mát xa cho nhau. Trong những báo cáo đầu tiên, Dunbar cho thấy thời gian gelada dành ra để chải lông không liên quan đến kích thước của cơ thể vì nếu chỉ nhằm mục đích vệ sinh thì cơ thể càng lớn càng mất thời gian. Thay vào đó, nó liên quan đến độ lớn của nhóm, nhóm càng lớn thì mỗi thành viên phải dành nhiều thời gian hơn để chải lông, mát xa cho nhau. Dunbar bắt đầu tự hỏi những đặc điểm nào có tương quan với độ lớn của nhóm.


Năm 1992, Dunbar đã trả lời câu hỏi của mình: kích thước não. Các nhà khoa học từ lâu đã băn khoăn với câu hỏi tại sao những loài linh trưởng lại có bộ não lớn như vậy. Thông minh thì cũng hay nhưng nếu não lớn thì sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng và phải mất nhiều năm mới phát triển đầy đủ, đã vậy xương sọ lớn cũng làm việc sinh nở nguy hiểm hơn; trong khi nhiều loài phát triển rất đông trên trái đấy này mà có cần phải nhiều não đâu!


Não lớn giúp giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội. Sống theo những nhóm lớn mang lại lợi thế quan trọng như khả năng chống chọi với kẻ thù tốt hơn, nhưng sống chung cũng tạo ra những khó khăn. Các thành viên phải cạnh tranh thức ăn, bạn tình. Chúng phải chống trả tình trạng bị bắt nạt, lường gạt, đồng thời tận dụng lợi thế của mình để bắt nạt hay lường gạt thành viên khác. Đối với những loài có tập tính xã hội, đặc biệt là linh trưởng thì để thích nghi với môi trường sinh thái, các cá thể phải liên kết thành nhóm nhưng khi nhóm hình thành thì cũng làm nảy sinh hàng loạt vấn đề liên quan đến những mối quan hệ giữa cá thể với cá thể hay cá thể với nhóm. Tuy sơ khai nhưng về bản chất thì đó chính là vấn đề giao ước xã hội để hình thành quy định, luật lệ, v.v…


Khi quy mô nhóm tăng thì khối lượng dữ liệu cần xử lý cũng tăng. Nhóm có năm thành viên sẽ có 10 mối quan hệ song phương giữa các thành viên; nhóm 20 có 190; nhóm 50 có 1.225. Đời sống xã hội như vậy đòi hỏi phải có vùng vỏ não, nơi ý thức diễn ra, đủ lớn mới có thể xử lý. Trong công trình xuất bản năm 1992, Dunbar đã phân nhóm kích thước vỏ não của từng loài linh trưởng theo quy mô nhóm của chúng và thấy rằng vỏ não càng lớn thì nhóm càng lớn. Ngay cả loài linh trưởng thông minh nhất là chúng ta thì cũng không có khả năng xử lý để sống trong một nhóm lớn vô hạn. Để dự đoán quy mô nhóm đối với con người, Dunbar đã đưa chỉ số vỏ não của chúng ta vào đồ thị của ông và thu được con số 147,8.

 


Từ khỉ đến người


Dunbar không phải là người đầu tiên gợi ý rằng những động năng xã hội có thể giải thích cho sự tiến hóa của trí thông minh nhưng thuật toán đơn giản trong lập luận của ông - não càng lớn thì nhóm càng lớn - rất có tiếng vang và hiện ông được xem là cha đẻ của thuyết não xã hội.
 

Khoảng năm 2003, Dunbar bắt đầu một nghiên cứu về tập quán gửi thiệp Giáng sinh ở Anh, lúc ấy mạng xã hội với tính năng kết bạn và nút “like” chưa có (Facebook ra đời vào năm 2004) và Dunbar cần một bằng chứng thuyết phục cho lập luận của ông về số lượng mối quan hệ xã hội “thân thiết” của mỗi người. Ông không chỉ tò mò là một người sẽ quen biết bao nhiêu người mà còn ở chỗ người đó quan tâm đến bao nhiêu người và để tìm ra những kết nối này thì điều kiện tốt nhất lúc đó là lần theo thiệp Giáng sinh. Nghĩ cho cùng thì việc gửi thiệp là một sự đầu tư vì bạn phải biết địa chỉ (hay phải tìm), bạn phải đi mua thiệp hay tự làm lấy, bạn phải viết lời chúc phù hợp cho từng người, mua tem rồi dán lên phong bì, v.v… Chi phí không đáng là bao nhưng hầu như bạn sẽ không gửi thiệp cho người mà mình không quan tâm.

Phối hợp với nhà nhân chủng học Russell Hill, Dunbar tính được trị số trung bình của mạng lưới quan hệ của hộ gia đình trong mùa Giáng sinh. Các nhà nghiên cứu có thể biết được tỉ lệ thiệp gửi cho bà con, bạn bè và đồng nghiệp nhưng phát hiện quan trọng của nghiên cứu này chỉ một con số. Đúng vậy, đó là số thiệp mà mỗi hộ gia đình gửi đi: 153,5 hay làm tròn là 150.


Dunbar và những nhà nghiên cứu khác đã “nhìn thấy” hầu như khắp mọi nơi những nhóm có quy mô 150. Những nhà nhân chủng học nghiên cứu những xã hội săn bắn hái lượm hiện vẫn tồn tại và thấy những tộc người này theo xu hướng 150 thành viên. Lịch sử quân đội phương tây cũng cho thấy đơn vị độc lập nhỏ nhất là đại đội cũng thường có quân số trong khoảng 150. Những cộng đồng tự trị, giáo phái, công ty, v.v… cũng thường chia tách khi số lượng trên 150 để xây dựng cộng đồng hay chi nhánh mới.


Dunbar giải thích đơn giản rằng điều này cũng như bạn không thể thở dưới nước hay nhìn thấy sóng siêu âm bằng mắt thường, con người không thể duy trì nhiều hơn 150 mối quan hệ có ý nghĩa. Về mặt nhận thức, cấu tạo não của người không thể làm được điều đó. Tuy chúng ta sống trên một hành tinh đông đúc và ngày càng bị đô thị hóa nhưng khả năng duy trì số lượng kết nối xã hội của chúng ta cũng vẫn ngang với thời đồ đá. Diễn dịch nôm na thì những mối quan hệ này là số người mà bạn cảm thấy rất tự nhiên khi tự động nhập bọn mà không cần được mời nếu tình cờ gặp ở quán nhậu hay quán ăn.



Liệu mạng xã hội có “tiến hóa”


Tuy Dunbar là một học giả rất có ảnh hưởng trong giới khoa học nhưng hiện nay ông đang thích thú vì được biết đến rộng rãi trong một cộng đồng đặc biệt, đó là những nhà lập trình ở Thung lũng Silicon chuyên làm về mạng xã hội. Ở Facebook và những công ty khởi nghiệp khác như Asana, Path, ý tưởng của Dunbar thường được dùng trong những thử nghiệm hay kế hoạch liên quan đến việc nhân bản, tăng cường tính năng động xã hội của thế giới tương tác này. Những kỹ sư và nhà thiết kế phần mềm đang tư duy hay hoạch định dựa trên số Dunbar, ví dụ Path, một dịch vụ chia sẻ ảnh và gửi thông điệp trên thiết bị di động thành lập vào năm 2010, đã xây dựng theo lý thuyết này khi khống chế số lượng bạn của một người dùng là 150.


Nghiên cứu của Dunbar cho thấy dù công nghệ có tiến triển tới đâu thì nền tảng vẫn là con người và con người thì có những giới hạn. Đó cũng là thách thức cho cư dân của Facebook với những “bộ sưu tập” đến hàng ngàn bạn bè. Tranh luận của những kiến trúc sư truyền thông xã hội là liệu những công nghệ thông minh nhất có giúp mở rộng thế giới xã hội của một người được không thì câu trả lời là chưa được - ít ra là trong hiện tại, nếu dựa vào thuyết của Dunbar.


Số Dunbar đã làm cho Dunbar trở thành một học giả nổi tiếng. Ông thường xuyên viết bài cho tạp chí khoa học New Scientist, nhật báo Scotsman; diễn thuyết tại diễn đàn danh tiếng TED (ted.com) và viết sách, cuốn mới nhất của ông là The Science of Love (tạm dịch là Khoa học về tình yêu) vừa xuất bản vào tháng 11/2013.


     
  Ba câu hỏi lý thú cho Dunbar
 

1. Ông đã rất nổi tiếng khi đặt ra giới hạn là con người về mặt nhận thức chỉ có thể duy trì khoảng 150 mối quan hệ xã hội bền vững, liệu những công cụ như Facebook có thể thay đổi khả năng của chúng ta về kết giao xã hội không?
 

Rõ ràng là không. Điều quan trọng nên nhớ là con số 150 chỉ là một lớp trong nhiều lớp quen biết của chúng ta. Vượt ngoài 150 ít ra cũng có 2 lớp khác là lớp 500 và lớp 1.500, tương ứng với mức sơ giao (những người chúng ta gật đầu chào nếu gặp) và mức nhận biết khuôn mặt.


Tất cả những gì dường như đang diễn ra khi một người chấp nhận hơn 150 bạn (friend) trên Facebook là họ chuyển đến những lớp cao hơn này. Nếu bạn thích thì Facebook “chìu” bằng cách “cá mè một lứa” khi gọi tất cả là “friends” nhưng thực ra là không.


Điều này không có nghĩa là những dịch vụ kết nối mạng xã hội không hiệu quả trong việc giúp chúng ta tương tác với “friends” nhưng thứ mà chúng dường như không làm được là cho phép chúng ta gia tăng số lượng bạn bè thật sự.


2. Liệu “số Dunbar” có phải là giới hạn về mức độ phát triển của Facebook?


Nếu nhìn trên phương diện truyền thông, quảng bá thông điệp thì Facebook không thể là cách để mở rộng không gian xã hội của bạn. Nói vậy không có nghĩa là điều đó không thể xảy ra nhưng nếu có thì rất hiếm và vẫn đòi hỏi bạn phải tiếp xúc cá nhân để kết bạn và vun đắp tình bạn. Facebook dường như chỉ tập trung ở khả năng cho phép chúng ta duy trì mối quan hệ theo thời gian và qua không gian cách biệt vốn là những thứ làm cho những mối quan hệ nhanh chóng suy tàn.


3. Công cụ mạng xã hội định hình hành vi đời thường như thế nào? Chúng ta có thể tiên liệu về những tác động tiêu cực của nó không?


Điều này cũng khó nói vì các mạng xã hội có mặt cũng chưa đủ lâu. Tuy nhiên, có hai khả năng. Một là thời gian trên Facebook dành cho việc duy trì những mối quan hệ cũ thì không thể dùng để tạo những mối quan hệ mới. Vì bạn bè hiện thời chính là những bờ vai để bạn có thể tựa đầu mà khóc (nói hình tượng thôi) nên nếu bờ vai ở xa về mặt vật lý thì khó có thể coi là bờ vai lý tưởng được. Điều thứ hai là những kỹ năng giúp chúng ta quản lý được những mối quan hệ xã hội phức tạp phải được học qua trải nghiệm trong đời thực. Nếu kinh nghiệm xã hội của bạn chủ yếu là thu thập trên mạng (tình trạng ngày càng phổ biến với trẻ em) thì bạn sẽ không thể học được những kỹ năng xã hội cần thiết đó, ví dụ nếu muốn học khả năng thương thảo thực sự thì bạn phải thực hiện mặt đối mặt.

 
     

 

HỒNG ÂN, STINFO Số 3/2014

 

Tải bài này về tại đây.

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả