SpStinet - vwpChiTiet

 

Bài học từ ngôi trường Chân Đất


 

Tất cả những gì người nghèo cần là một cơ hội, và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.


Ở Rajasthan, Ấn Độ có một ngôi trường được mệnh danh là “Đại học Chân Đất” (Barefoot College). Gọi là “Chân Đất” bởi ngôi trường do người sáng lập Bunker Roy xây dựng tại làng Tilonia năm 1972 chỉ dành riêng cho những người xuất thân từ miền quê nghèo tay bùn chân lấm.
 


Trái với mục tiêu của nền giáo dục truyền thống Ấn Độ là đào tạo để có chứng chỉ, việc làm và tìm kiếm sự thịnh vượng cá nhân, trường Barefoot lại đặt trọng tâm vào việc giúp người nghèo, đặc biệt là phụ nữ xây dựng lòng tự trọng, nâng cao tự tin, nhận thức về phẩm giá bản thân và tự mình phát triển cộng đồng nông thôn nơi họ đang sống.

Sau hơn 40 năm, ngôi trường trở thành minh chứng sống động cho những điều tốt đẹp có thể xảy ra nếu người nghèo được tạo cơ hội phát triển. Mô hình giáo dục không sách vở, không bằng cấp nhưng được nhân rộng khắp 13 tiểu bang Ấn Độ và ứng dụng thành công ở nhiều quốc gia khác như Afghanistan, Ethiopia, Bhutan, Senegal và Sierra Leone. Thành quả đạt được mang lại cho trường Barefoot giải thưởng Môi trường Indira Gandhi của Ấn Độ năm 1993 và giải thưởng Năng lượng Ashden của Anh năm 2003, riêng Bunker Roy được vinh danh trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013 do tạp chí Times bình chọn.


Bunker Roy giới thiệu trường Barefoot tại TED Talks.

 


Những điều kỳ lạ tại Barefoot


Người nghèo mới được học


Muốn theo học ở Barefoot? Bạn phải nghèo, phải thất học hoặc học hành dang dở. Bạn sẽ được ưu tiên nếu là phụ nữ, đặc biệt từ 35 tuổi trở lên. Bạn mù chữ, không thạo ngoại ngữ, chẳng hề gì. Điều quan trọng là bạn phải đến từ nông thôn, chịu lao động chân tay và cam kết sử dụng kiến thức để phục vụ cộng đồng mình đang sống. Bạn được gì sau khi tốt nghiệp Barefoot? Bạn vẫn không bằng cấp nhưng có kiến thức, không học vị nhưng chuyên nghiệp và tự tin. Trên tất cả, bạn đủ khả năng đổi thay cuộc sống của chính mình và những người xung quanh.


Giáo viên không bằng cấp


Barefoot là đại học duy nhất ở Ấn Độ không hoan nghênh những người có học vị, dù là giáo sư hay tiến sĩ - Bunker Roy cho biết. Giáo viên ở đây được tuyển chọn và đào tạo từ dân địa phương. Đừng đánh giá thấp bởi cho rằng họ thất học, người nghèo có những kỹ năng lạ thường đáng học hỏi, sẵn sàng tiếp thu cái mới và am hiểu địa phương sâu sắc, điều mà các chuyên gia đến từ nơi khác không có. Ít ai ngờ công trình trường Barefoot đoạt giải thưởng kiến trúc Aga Khan năm 2002 lại do chính những người địa phương không biết chữ tự thiết kế và xây dựng. Bunker Roy cho biết, sử dụng giáo viên bản địa còn tiết kiệm chi phí và tạo thêm công ăn việc làm cho dân làng.

 
Ngôi trường gồm những kiến trúc hình mái vòm chắc chắn do dân làng tự làm từ kim loại phế liệu.


“Chuyên gia” không biết chữ


Chương trình học tại Barefoot chỉ tập trung xây dựng kỹ năng, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật và kiến trúc. Học viên cũng được giảng dạy về pháp luật, tự do, dân chủ, quyền công dân, quyền phụ nữ… Khóa học kéo dài 6-9 tháng sẽ đào tạo những con người chân chất trở thành chuyên gia trong 6 lĩnh vực chính phục vụ các nhu cầu cơ bản của địa phương gồm: y tế, giáo dục, nước uống, năng lượng tái tạo, truyền thông và xây dựng. “Chuyên gia” theo định nghĩa Barefoot có thể không biết chữ nhưng biết cách đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, không hiểu nguyên tắc hoạt động của ánh sáng nhưng thiết kế được bóng đèn làm việc tốt, không bằng cấp nhưng được chính cộng đồng mà họ phục vụ công nhận.

Chuyên gia không bằng cấp nhưng được cộng đồng công nhận.

 


Lớp học đêm và bài học múa rối

Phần lớn lớp học diễn ra ban đêm để không ảnh hưởng đến sinh kế của học viên. Để những người ít học, mù chữ, thậm chí không thạo ngôn ngữ của giáo viên có thể tiếp thu các nội dung phức tạp, mọi bài giảng đều được trình bày bằng phương pháp trực quan sinh động. Ngoài cách lắng nghe, ghi nhớ, sử dụng hình vẽ, màu sắc, thì ngôn ngữ ký hiệu là biện pháp quan trọng giúp học viên vượt qua rào cản văn hóa, tiếng nói và chữ viết. Ngoài ra còn một phương pháp giảng bài đặc sắc nữa chỉ có tại Barefoot, đó là nghệ thuật múa rối truyền thống của Rajasthan. Tóm lại, chỉ cần sẵn sàng học hỏi, chăm chỉ, kiên nhẫn và chú tâm là có thể tốt nghiệp đại học Barefoot.


Lớp học đêm.
 
Học bằng màu sắc, ký hiệu.



Giảng dạy bằng múa rối truyền thống.

 

 
Lan tỏa mô hình Chân Đất


Từ những bài học trong bóng đêm, Barefoot đã thắp sáng tương lai của nhiều người dân quê mà đa số thuộc phái nữ. Trả lời thắc mắc vì sao ưu tiên đào tạo phụ nữ, Bunker Roy hóm hỉnh: “vì họ kiên nhẫn, chăm chỉ và không nhiều tham vọng như đàn ông”. Phụ nữ ít đòi hỏi bằng cấp và cũng ít khi rời khỏi làng, rất lý tưởng để đảm trách duy trì các hệ thống tại chỗ lâu dài. Trong khi đó, những người đàn ông có khuynh hướng muốn được cấp chứng nhận để tìm việc ở nơi khác. Đó là lý do hầu hết học viên tại Barefoot là những người bà, người mẹ và các cô con gái. Những người phụ nữ rất đỗi bình thường này lại chính là tâm điểm mỗi khi thành công của mô hình giáo dục Barefoot được nhắc đến. Họ có gì đặc biệt?



Tất cả đều nghèo, ít học, thậm chí quá tuổi trung niên. Nhưng sau khóa học, họ hoàn toàn tự tin đảm trách tốt vai trò kỹ sư xây dựng, chuyên gia năng lượng… ngay tại ngôi làng đang sống. Theo thống kê từ kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar đầu năm 2014, gần 700 phụ nữ theo học Barefoot đã lắp đặt, duy trì hệ thống năng lượng mặt trời cho khoảng 45.000 ngôi nhà tại 1.083 làng quê thuộc 63 quốc gia các khu vực Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, các quần đảo Nam Thái Bình Dương và châu Á.


Dân làng – những người “thụ hưởng” – chỉ phải trả khoản phí thấp hơn hoặc tương đương chi phí năng lượng nếu sử dụng dầu, củi, nến… để chiếu sáng, nấu nướng, nhưng lại được tiếp cận công nghệ hiện đại và nâng cao nhận thức về môi trường. Khoản chi đóng góp một phần dành để mua phụ tùng cho hệ thống năng lượng, phần còn lại dùng trả lương cho các “chuyên gia”.


Có công việc hữu ích, thu nhập cao lại được góp phần xây dựng cộng đồng theo hướng tích cực, những người phụ nữ nông thôn hoàn toàn thay đổi tư duy và nhận thức. Họ “lột xác” từ những bà nội trợ rụt rè chỉ quanh quẩn việc đồng áng, bếp núc, trở nên mạnh mẽ, tự tin, biết quý trọng bản thân, thể hiện trí thông minh, khả năng ăn nói và khao khát được học hỏi. Với tư cách là người đi trước, họ còn giúp huấn luyện một số phụ nữ khác trong làng để mô hình ngày càng nhân rộng. Tại Sierra Leone, chính phủ đã đầu tư 820.000 USD để thành lập ngôi trường theo mô hình Barefoot nhằm đào tạo các nữ kỹ sư. Một nước phát triển như Canada cũng áp dụng cách giảng dạy này tại vùng Yellowknife để hướng dẫn người dân tự thiết kế tế bào năng lượng mặt trời và các tuabin gió.



Rafea Al Raja – một bà mẹ Jordan trước túp lều không điện nước của gia đình. Chị đã theo học 6 tháng tại Barefoot để trở thành kỹ sư năng lượng mặt trời.
 
Rafea Al Raja (trái) tự tin trò chuyện với khán giả bên lề buổi chiếu bộ phim tài liệu về chị.



Tinh thần Gandhi, sức mạnh Barefoot


Mô hình Barefoot thoạt nghe có vẻ như phản đề của giáo dục nhưng hiệu quả và sức lan tỏa đã được khẳng định. Nói đến thành công của mô hình, không thể không nhắc đến tinh thần của Mahatma Gandhi, được Bunker Roy xác định như nền tảng cho mọi hoạt động.



Mahatma Gandhi.
 

Gandhi tin rằng, một địa phương muốn phát triển bền vững thì nên tận dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của chính người dân trước khi viện đến nguồn lực nơi khác. Một công nghệ muốn áp dụng thành công thì người dân phải hiểu được và tự kiểm soát được công nghệ đó. Chẳng hạn, khi người dân tự thiết kế hệ thống năng lượng, họ cũng dễ dàng bảo trì, sửa chữa để hệ thống bền vững hơn.


Với Gandhi, “giáo dục” không đồng nghĩa với “biết chữ”. Mô hình Barefoot đã chứng minh giáo dục không chỉ tiếp thu từ trường học mà còn từ kinh nghiệm, truyền thống, gia đình, cộng đồng và văn hóa.


Gandhi cũng tin rằng mọi người đều bình đẳng và có tiềm năng. Phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi đều có thể thành thạo công nghệ. Hình mẫu các “bà mẹ chuyên gia” cho thấy giới tính, tuổi tác không phải lý do để ngừng học hỏi. Công nghệ cũng không chỉ dành cho người giàu, người nghèo cũng có quyền tiếp cận, sở hữu và sử dụng công nghệ hiện đại để cải thiện cuộc sống.


Cuối cùng, sự độc lập và tinh thần phục vụ sẽ giúp con người nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin. Khi được trao cơ hội để phát triển tiềm năng và phục vụ cộng đồng, ngay cả người nghèo nhất cũng có thể làm nhiều điều tốt đẹp cho xã hội.


Mô hình Barefoot với tinh thần Gandhi đo lường thành công của giáo dục bằng sự phát triển của con người chứ không bằng học vị hay lợi nhuận. Barefoot, một giải pháp đơn giản, dễ dàng nhân rộng cho người nghèo ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
 

MAI ANH, STINFO Số 12/2014

Tải bài này về tại đây.

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả