SpStinet - vwpChiTiet

 

Thiếu/thừa dưỡng chất ghi trên nhãn, bao nhiêu là hợp lý?

Tình trạng thực phẩm bị thiếu các chất dinh dưỡng hiện đang được dư luận rất quan tâm. Qua các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng, các sản phẩm thực phẩm như sữa thường bị cho là thiếu đạm, béo, canxi, vitamin… thực chất ra sao?

Xôn xao hàm lượng dưỡng chất trong sản phẩm
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng đã công bố hàng loạt sản phẩm có các chỉ tiêu về hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn con số công bố trên nhãn. Có mẫu sữa hàm lượng đạm trên nhãn là 34% nhưng thực tế kiểm nghiệm chỉ 2,8% (Sữa Úc béo ngọt Enter Milk của Công ty thực phẩm Tiên Bửu) thì rõ ràng là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên có mẫu sữa công bố hàm lượng đạm 22,2%, thực tế kiểm nghiệm 22,01% (Sữa bột nguyên kem Campina của Công ty liên doanh Campina) cũng bị đưa vào danh sách mẫu sữa không đạt độ đạm thì quả là oan uổng cho doanh nghiệp. Hay có chuyện một khách hàng phản ánh về nhãn sữa Enfagrow A+ của Mead Johnson có hàm lượng canxi kiểm tra được lớn hơn con số công bố trên nhãn, cụ thể là hàm lượng canxi kiểm tra là 743mg/100g, còn nhãn công bố là 560mg/100g. Như vậy, việc thừa hay thiếu các chất dinh dưỡng đều không ổn. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: có một giới hạn nào cho việc thừa hoặc thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng giữa thực tế so với ghi trên nhãn hay không?
Khảo sát sơ bộ tại một số siêu thị trên địa bàn TP. HCM, có thể thấy các mặt hàng thực phẩm hiện nay chủ yếu thể hiện chỉ tiêu dinh dưỡng bằng một con số đại diện trên nhãn hàng. Chẳng hạn một số thông tin dinh dưỡng trên nhãn sữa Ensure Gold của Abbott như sau:
 Protein: 15,9g/100g 
 Vitamin A: 1500IU/100g 
 Canxi: 450 mg/100g 
Nhìn vào nhãn hàng này, người tiêu dùng không biết được thực sự mức giới hạn của chỉ tiêu chất lượng mình quan tâm là bao nhiêu. Hàm lượng protein khi kiểm tra có thể 14g/100g thì đạt hay thậm chí 12g/100g vẫn đạt tiêu chuẩn.
Một số mặt hàng có ghi thêm khoảng min (giới hạn dưới), max (giới hạn trên), chẳng hạn như:
Sản phẩm chân giò hun khói rút xương của Công ty Hapro:
 Hàm lượng Protit ≥14%
Hay sản phẩm thức ăn cho lợn mã số 6 của Công ty Vina (Biên Hòa - Đồng Nai):
 Protein thô (min) 15 %
 Ca (min- max) 0,7 - 0,9 %
Với các nhãn này, người tiêu dùng có thể biết mức giới hạn của chỉ tiêu chất lượng một cách khá rõ ràng. Tuy nhiên, những sản phẩm có ghi cụ thể mức giới hạn ra như vậy rất hiếm trên thị trường.

Nhìn ra thế giới

Hiện tại, chưa có tiêu chuẩn quốc tế về mức giới hạn cho thành phần dinh dưỡng được ghi trên nhãn hàng. Theo hướng dẫn ghi nhãn thực phẩm của Codex (CAC/GL 2-1985 (Rev.1 – 1993)) trong mục 3.5 Mức giới hạn và sự tuân thủ chỉ đề cập một cách tổng quát rằng các mức giới hạn phải xây dựng dựa trên mối tương quan với nhiều yếu tố khác nhau như sức khỏe cộng đồng, phương pháp chế biến, chất dinh dưỡng được thêm vào hay tự nhiên có trong sản phẩm… mà không đề cập một mức cụ thể.
Tại EU mức giới hạn cho thành phần dinh dưỡng được ghi trên nhãn hàng là bao nhiêu còn đang được tranh cãi và vẫn chưa đưa ra được một tiêu chuẩn chung cho các quốc gia trong khối (theo 90/496/EEC).
Tuy nhiên, một số các quốc gia trên thế giới cũng đã đưa ra quy định hoặc hướng dẫn riêng về vấn đề này như Anh, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Canada, Mỹ… Ngoài các quốc gia đã kể trên, CIAA (Hiệp hội các ngành công nghiệp thực phẩm và nước giải khát của EU) cũng đưa ra mức giới hạn (khuyến nghị) cho doanh nghiệp của các nước chưa đặt ra luật hay hướng dẫn để áp dụng nếu các cấp có thẩm quyền của nước đó đồng ý.
Tóm tắt các khoảng giới hạn cho các chỉ tiêu dinh dưỡng tham khảo từ các quốc gia:
Các mức giới hạn này được thể hiện theo 2 cách:
 Trong khoảng cụ thể nào đó (ví dụ: ± 20% con số trên nhãn).
 Đưa ra giới hạn trên, giới hạn dưới (ví dụ: ≥ 50% con số trên nhãn, ≤ 150% con số trên nhãn).
Với hầu hết các quốc gia, các chất dinh dưỡng đa lượng có mức giới hạn nằm trong khoảng 20% giá trị công bố trên nhãn. Các nguyên tố vi lượng có mức giới hạn tùy thuộc vào bản chất của chất đó. Ví dụ như các chất khoáng và vitamin tan trong dầu, mức giới hạn sẽ hẹp hơn các vitamin tan trong nước do các chất này bền, ít bị phân hủy theo thời gian hơn.
Một số quốc gia lại phân chia các chất dinh dưỡng theo yếu tố có lợi hay có hại cho sức khỏe. Ví dụ như các chất được cho là có hại cho sức khỏe như: chất béo tổng, béo no, cholesterol, natri…, mức giới hạn thường là ≤ 120% con số trên nhãn, các chất được cho là có lợi cho sức khỏe như: protein, chất xơ hòa tan, vitamin…, mức giới hạn thường là ≥ 80% con số trên nhãn. 
Ngoài ra, một số nước có mức giới hạn riêng cho các chất dinh dưỡng được thêm vào trong quá trình sản xuất. Ví dụ các vitamin A, D thường được thêm vào trong các sản phẩm sữa để tăng tính dinh dưỡng cho các sản phẩm này. Bởi vì các chất này được thêm vào bởi nhà sản xuất, không phụ thuộc vào nguyên liệu hay quá trình chế biến nên mức giới hạn cho các thành phần này thường nhỏ hơn so với các vitamin vốn có trong sản phẩm.
Một vài quốc gia có những quy định ngắn gọn về mức giới hạn như Đan Mạch hay Anh, trong đó chỉ nêu mức giới hạn cho các nhóm thành phần dinh dưỡng khác nhau mà không nêu thêm các điều kiện kiểm tra đi kèm.Ví dụ như Đan Mạch: đối với các chất dinh dưỡng đa lượng như protein, fat, carbohydrates… nếu như giá trị trên nhãn ≤ 10g/100g thì mức giới hạn là +/- 1,5g.
Một số quốc gia khác lại có những quy định phức tạp hơn, đề cập đến cả phương pháp kiểm tra như Mỹ và Canada. Ví dụ như ở Canada, đối với một số chất dinh dưỡng tự nhiên vốn có trong sản phẩm như protein, xơ, carbohydrates… thì các mức giới hạn được kiểm tra qua 2 bước:
- Bước 1: lấy 12 mẫu bất kỳ từ một lô hàng chia thành 3 mẫu con. Giá trị kiểm tra của mỗi mẫu con phải có mức giới hạn ≥ 50% con số ghi trên nhãn.
- Bước 2: tính giá trị trung bình cộng của 3 mẫu con ở trên, giá trị này phải ở mức giới hạn ≥ 80% con số ghi trên nhãn.
Hiện tại, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn nào cho các mức giới hạn thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn mà thường do nhà sản xuất tự đưa ra. Do đó các mức giới hạn sẽ có thể rất rộng đến rất hẹp tùy thuộc vào lý do riêng của nhà sản xuất. Tuy nhiên không phải nhà sản xuất nào cũng có bằng chứng xác đáng cho việc xây dựng nên mức giới hạn như vậy. Điều này đã gây nên sự lo lắng của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm thực phẩm và sự bối rối của nhà sản xuất khi xây dựng bảng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm của mình. Nên chăng, đã đến lúc Việt Nam cần có một tiêu chuẩn cho mức giới hạn của các thành phần dinh dưỡng được ghi trên nhãn để bảo vệ người tiêu dùng và chính nhà sản xuất.

(Bạn đọc quan tâm đến các hướng dẫn và quy định về mức giới hạn thành phần dinh dưỡng được ghi trên nhãn đang được sử dụng tại các nước như Đan Mạch, Đức, Bỉ, Anh, Mỹ, CIAA... hãy liên hệ đến Ban Biên tập STINFO).

Hoàng Mi