SpStinet - vwpChiTiet

 

BÃO BIỂN

Bão là một hiện tượng thời tiết nguy hiểm, có sức tàn phá khủng khiếp và Việt Nam là một trong những nước phải hứng chịu nhiều cơn bão mỗi năm. Vì sao các cơn bão đều bắt đầu từ biển Đông đổ bộ vào đất liền nước ta? Bão có từ đâu, chúng ta phải chịu đựng hay có cách nào để thoát khỏi thiên tai này?

Bão sinh ra từ đâu?

Bão được ví như một chu trình sống, có sinh ra, được nuôi dưỡng và chết đi. Đại dương tại các vùng nhiệt đới (điển hình là ở Thái Bình Dương), gần xích đạo, có nhiều ánh nắng mặt trời, chính là người mẹ hình thành và sinh ra bão, do đó gọi là bão nhiệt đới.

 

Chu kỳ của không khí nóng thoát hơi và sự ngưng tụ tạo ra bão
 
Ánh sáng mặt trời chiếu xuống làm nước biển bay hơi, tạo ra trên mặt biển một lớp không khí ẩm. Nơi nào có áp suất thấp thì nước biển chỗ đó sẽ bay hơi nhiều hơn, bay lên cao hơn, hình thành một cột khí ẩm bay thẳng lên cao, ngưng tụ thành một bức tường mây dầy đặc. Càng lên cao, cột khí này càng lạnh đi, đến một mức nào đó, hơi nước ngưng tụ lại thành nước sẽ làm nóng không khí xung quanh (vì khi hơi nước ngưng tụ lại thành nước sẽ tỏa nhiệt). Khi không khí càng nóng thì hơi nước lại càng bay cao hơn, tạo ra dưới chân cột khí một khoảng trống. Vì thế, cột khí muốn duy trì được (hay còn gọi là được nuôi dưỡng) thì không khí ẩm từ mặt biển phải liên tục được hút vào chân cột khí và bay lên cao, quá trình cứ thế tiếp tục. Không khí càng ẩm, càng bị hút vào nhiều, do đó cột khí càng mạnh. Ngoài ra, không khí chuyển động từ mặt biển thẳng lên cao như thế còn luôn bị tác động bởi một lực sinh ra do không khí chuyển động đối với bề mặt trái đất (mặt biển) gọi là lực Coriolis. Do có sự kết hợp với lực Coriolis nên không khí có chuyển động xoáy tròn, còn gọi là hoàn lưu. Khi tốc độ hoàn lưu này nhỏ hơn 17 m/s được gọi là áp thấp nhiệt đới và khi tốc độ lớn hơn được gọi là bão.

Muốn có không khí ẩm thì nước ở mặt biển phải bay hơi và muốn bay hơi thì nhiệt độ mặt nước biển phải trên 26oC. Vì vậy, khi mặt biển có nhiệt độ dưới 26oC thì bão không hình thành và vùng biển có nhiệt độ từ 26oC trở lên, khả năng hình thành bão rất lớn.

Vùng biển của Việt Nam - Biển Đông - thuộc loại vùng biển nhiệt đới, là một biển thuộc rìa lục địa một phần của Thái Bình Dương, thuộc về lòng chảo Tây Bắc Thái Bình Dương. Đây là vùng lòng chảo có các hoạt động bão tố mạnh nhất trên trái đất, chiếm 1/3 tổng số lượng bão nhiệt đới được hình thành. Tuy nhiên, ở Việt Nam bão sau khi hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương và đổ bộ vào Biển Đông thì thường đã được xem là yếu hơn. Vậy mà nó vẫn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về con người và tài sản, đặc biệt là cho cư dân miền Trung.

Cấu tạo của một cơn bão

Bão là một vùng gió xoáy mạnh, có đường kính tới hàng trăm kilômét. Do chuyển động xoáy của gió làm mây phát triển nhiều và mạnh, gây mưa trên một khu vực rộng lớn, đôi khi kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như giông tố, lốc, vòi rồng...
Cấu tạo của một cơn bão gồm: mắt bão (the eye), thành mắt bão (the eyewall), dải mưa (rainbands) và lớp mây dày đặc phía trên (the Dense Cirrus Overcast).

Mắt bão (tâm bão): thường có hình trụ tròn, đường kính có thể từ 8km đến 200km tùy theo bão yếu hay mạnh. Vùng mắt bão là khu vực gần như lặng gió, quang mây, chỉ có dòng không khí đi xuống chậm và có nhiệt độ cao hơn vùng xung quanh (do sự đốt nóng dòng không khí thẳng lên), vì thế người ta nói bão có lõi nóng. Thông thường chỉ có những cơn bão mạnh mới hình thành mắt bão rõ nét.

Một mắt bão khổng lồ
 
Thành (tường) mắt bão: xung quanh mắt bão có mây bão dạng thành gần như thẳng đứng làm thành hình vành khăn, có thể cao đến 15km, dày đến hàng chục km. Gió xoáy ở đây là mạnh nhất, mưa rơi nhiều nhất và tàn phá nguy hiểm nhất.

Vùng mây mù đậm đặc: vùng này ở trên, từ mắt bão hướng ra ngoài. Nhìn từ ảnh vệ tinh chụp từ trên cao, vùng này có màu trắng, giữa có hình tròn đen là mắt bão. Phía dưới vùng mây mù này, bên ngoài mắt bão là các dải mưa hình xoắn cùng chiều xoắn với gió gây ra mưa lớn, lốc mạnh.
Nhìn trong không gian ba chiều, bão là một cột xoáy không khí khổng lồ, ở tầng thấp (khoảng 0 – 3km) không khí nóng ẩm chuyển động xoắn trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ hội tụ vào tâm, chuyển động thẳng đứng lên trên trong thành mắt bão và tỏa ra ngoài ở trên đỉnh. Càng vào gần tâm, cường độ gió bão càng mạnh, khu vực tốc độ gió mạnh nhất cách tâm bão khoảng vài trục km. Vào vùng mắt bão gió đột ngột yếu hẳn, tốc độ gió gần bằng không.

Và bão tan thế nào?

Trên đường di chuyển, khi đến nơi có nhiệt độ thấp dưới 26oC, đến vùng biển lạnh hoặc vào sâu trong đất liền, bão sẽ mất nguồn năng lượng bổ sung từ không khí nóng ẩm trên biển, bão sẽ yếu dần và tan đi. Đồng thời khi đến đất liền, với sự cản trở của địa hình, cây xanh cộng với lực ma sát với mặt đất cũng làm bão tan nhanh.

Vì sao bão có tên?

Các cơn bão có thể kéo dài nhiều ngày và tại các địa điểm khác nhau hay trên cùng một khu vực, cùng một thời gian có thể có nhiều trận bão. Vì thế, người ta đặt tên cho các cơn bão để dễ nhớ và tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các nhà dự báo thời tiết và công chúng theo dõi không nhầm lẫn thông tin về từng cơn bão.

Trước đây, bão được đặt tên theo tên người gồm cả tên phụ nữ và nam giới, tên hoa, cây trái, thú vật, chim chóc và thậm chí tên món ăn. Từ ngày 01/01/2000, 14 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương góp tên chính thức gọi bão. Mỗi đơn vị góp 10 tên. Việt Nam đóng góp 10 tên gồm tên các địa danh nổi tiếng, tên các loài động vật quí hiếm và tên các loài hoa là Halong, Bavi, Vamco, Songda, Conson, Sonca, Saola, Saomai, Lekima, Trami – tên được viết liền và không ghi dấu thanh để tiện phổ biến rộng khắp toàn cầu. Mỗi khi một cơn bão xuất hiện, các tổ chức khí tượng sẽ đặt cho chúng một tên. Bão hình thành ở Tây bắc Thái Bình Dương được Trung tâm bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt một trong 140 tên của 14 quốc gia đã góp vào. Bên cạnh tên quốc tế, bão có thể mang tên do quốc gia đặt. Ở Việt Nam, những cơn bão thường đặt tên theo số thứ tự trong năm.

Ý nghĩa của các dự báo bão

Khi đưa thông tin về bão người ta thường nói đến tốc độ gió (tức là cấp của bão) là tốc độ gió lớn nhất ở vùng thành mắt bão. Vị trí, tốc độ di chuyển của bão là vị trí, tốc dộ di chuyển của mắt bão.
Người ta thường phân chia cấp độ của bão theo vận tốc gió xoáy. Tùy theo trung bình tốc độ gió mạnh nhất trong vùng gần tâm mà phân chia thành áp thấp nhiệt đới hay bão. Có nhiều thang xếp hạng cấp gió được sử dụng trên thế giới. Ở Việt Nam bão được phân loại dựa trên thang đo cấp gió Beaufort (thang sức gió Beaufort hay đơn giản là cấp gió là thang đo kinh nghiệm về sức gió, chủ yếu dựa trên trạng thái của mặt biển hay các trạng thái sóng). Nó bao gồm áp thấp nhiệt đới (có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật) và bão nhiệt đới (Có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão từ cấp 10 đến cấp 11 được gọi là bão mạnh; từ cấp 12 trở lên được gọi là bão rất mạnh).

Thông tin bão đổi chiều mới nghĩa là khi bão đến, gió to rồi tạm lắng ở mắt bão, nhiều người tưởng là hết bão, nhưng sau đó chính là lúc gió đột ngột mạnh lên nhưng với chiều ngược lại. Đây chính là tính chất ảnh hưởng nguy hiểm nhất của bão khi con người chủ quan không tiếp tục phòng chống bão.

Trong các bản tin báo bão có nhắc đến các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa bão ảnh hưởng và bão đổ bộ. Khi một khu vực nào đó được xem là bị ảnh hưởng của bão, người ta căn cứ vào tốc độ gió mạnh và hiện tượng thời tiết nguy hiểm (cụ thể là mưa to đến rất to) ở khu vực đó khi bão đổ bộ hoặc ngay cả khi bão mới đến gần bờ biển của khu vực đó. Bão ảnh hưởng đến Việt Nam được chia thành 2 loại: ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp.

 Ảnh hưởng trực tiếp: bao gồm tất cả các cơn bão và áp thấp nhiệt đới có tâm đi vào đất liền hoặc không đi vào đất liền nước ta nhưng trực tiếp gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên.

 Ảnh hưởng gián tiếp: bao gồm tất cả các cơn bão và áp thấp nhiệt đới khi tới gần bờ biển nước ta đã suy yếu nhiều nên khi tâm đi vào đất liền hoặc tan rã ngay tại chỗ và chỉ gây ra gió yếu (cấp 5) hoặc chuyển hướng, và gây mưa to đến rất to trên diện rộng.

Có thể chế ngự bão?

Trước đây Mỹ đã thử nghiệm làm yếu bão bằng cách rải muối iốt bạc để làm lạnh các dải mưa bên ngoài để thành mắt bão sẽ co lại chập vào nhau và gió sẽ giảm. Nhưng thử nghiệm chưa đi đến kết quả. Hiện nay chưa có cách hữu hiệu nào để chế ngự được bão mà chỉ có thể dự báo bão nhờ trạm quan trắc khí tượng và rađa thời tiết theo dõi bão. Tuy nhiên, diễn biến của bão rất phức tạp và có nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Dự báo bão là một vấn đề rất khó, chưa có quốc gia nào đạt được mức chính xác tuyệt đối. Độ chính xác của dự báo còn phụ thuộc vào chương trình, kinh nghiệm của những trung tâm dự báo. Do đó các quốc gia đều có trung tâm dự báo bão cho nước mình, đồng thời tham khảo dự báo của các quốc gia khác trong khu vực.

Để hạn chế sức tàn phá của các cơn bão, các nhà khoa học khuyến cáo mỗi người, mỗi quốc gia phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để tránh làm gia tăng sự ấm lên toàn cầu là nguyên nhân gia tăng nhiệt độ bề mặt của các đại dương vùng nhiệt đới. Đồng thời, mỗi quốc gia phải xây dựng hệ thống tổ chức và các phương án phòng tránh, chống đỡ tốt nhất nhằm tránh các thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người.
HỒNG NHUNG