SpStinet - vwpChiTiet

 

Hiểu đúng về thực phẩm chức năng

Sau khoảng 10 năm vào Việt Nam, hiện nay thực phẩm chức năng (TPCN) đã nở rộ, tạo ra một thị trường lớn, vàng thau lẫn lộn. Có lẽ tiền của bỏ ra thì mua được “thau” là nhiều dù đôi khi cũng được “vàng”, nhưng ngay cả “ăn vàng” thì khi nào có ích? Nhiều người có học cũng nghĩ loại TPCN nào đó là thuốc tiên, còn dân chúng thì càng dễ tin như vậy.

Hãy thử xem một (trong hàng ngàn) lời giới thiệu, chẳng hạn về sữa ong chúa Royal Jelly do Good Health New Zealand sản xuất và Good Health Việt Nam phân phối: “Royal Jelly - Sữa ong chúa có tác dụng chống mệt mỏi, làm việc quá sức, suy nhược, lo lắng kéo dài, mất ngủ, biếng ăn. Đặc biệt có tác dụng tốt đối với người mới ốm dậy, hoặc người suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, béo phì, cholesteron cao, tiểu đường, có tác dụng điều hòa huyết áp (từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao). Chống lão hóa da, điều hòa hệ tim mạch, kích thích và phục hồi hệ thống thần kinh. Nâng cao sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể. Viêm gan, viêm tuyến tụy, bệnh thận. Loét dạ dày, suy cuống phổi. Giảm mỡ máu. Chống viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, gút”. Giới thiệu như vậy là khá nghiêm túc, tuân thủ quy định rằng đây không phải là thuốc. Tuy nhiên nếu ai đang bị cao huyết áp mà đọc thấy dòng: “…có tác dụng điều hòa huyết áp (từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao)” thì có thể các bạn sẽ bỏ tiền mua vàng mà hóa thau đấy! Không có thực phẩm chức năng nào đưa huyết áp từ cao xuống thấp và từ thấp lên cao như quảng cáo trên đây. Vì vậy nói thật nghiêm túc thì trong đoạn quảng cáo nói trên, thì đoạn nói về sự kéo huyết áp xuống hoặc đẩy huyết áp lên là sai, làm cho người hiểu biết không tường tận cho rằng sữa ong chúa Royal Jelly là thứ “thuốc” có thể điều trị bệnh về huyết áp, cả 2 chiều! Thêm nữa, một loạt bệnh liệt kê ở phần cuối với dụng ý gì? Hầu như phần lớn các quảng cáo về TPCN đều ở dạng mập mờ như vậy. Điểm qua vài con số được thống kế của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thể hiện gần đây nhất: trung bình, mỗi tuần Cục tiếp nhận 20 hồ sơ công bố chất lượng TPCN và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2007, trong số 5.000 sản phẩm thực phẩm công bố chất lượng thì trong đó đã có khoảng 600 là TPCN, chiếm tỷ lệ đến 30%. Và cho đến thời điểm năm 2008, có khoảng 3.000 loại TPCN được cấp phép lưu hành, trong đó gần 2.000 loại nhập khẩu và 1.000 loại do nội địa sản xuất. Với trên 3.000 loại “thức ăn” mới, nằm ở ranh giới “đồ ăn” và “thuốc trị bệnh” thì phần lớn dân ta nghiêng về phía cho chúng là thuốc! Có lẽ không có ngành sản xuất – kinh doanh nào mà số lượng các sản phẩm tung ra thị trường tăng dữ như ngành hàng TPCN.
Những ý kiến khác nhau về TPCN
Trên báo chí, đặc biệt trên mạng, chúng ta thấy vô số các bài viết về TPCN nói chung hoặc về một loại TPCN nào đó nói riêng. Chúng ta có thể nhóm lại một số ý như sau:
1. Đa số các bài đều khẳng định TPCN không phải là thuốc chữa bệnh, không có giá trị chữa bệnh, thậm chí có tác giả phủ nhận hoàn toàn tác dụng của TPCN. Trong khi đó có những bài viết cho rằng TPCN là rất tốt, có vài loại TPCN cụ thể nào đó đã được chính các tác giả kiểm chứng trên bản thân mình như những thần dược!
2. Đa số các tác giả chấp nhận luận điểm chung là một số loại TPCN nào đó (phải được kiểm chứng nghiêm túc) có tác dụng giúp cơ thể phòng chống một số loại bệnh nào đó, làm cho chúng không phát tác hoặc diễn biến xấu được kìm hãm bớt.
3. Tuyệt đại đa số các bài giới thiệu, quảng cáo, bao bì đóng gói của TPCN đều chứa các nội dung và hình thức mập mờ khá tinh vi như đã dẫn chứng ở trên, làm cho người thiếu hiểu biết bị lẫn lộn và ngộ nhận về khả năng chữa bệnh của TPCN.
Vài định nghĩa TPCN
Thuật ngữ thực phẩm chức năng ra đời tại Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ 20 với ý nghĩa ban đầu là những thực phẩm được chế biến chứa các hoạt chất ngoài công dụng dinh dưỡng còn có thể hỗ trợ chức năng hoạt động của một vài bộ phận trong cơ thể.
Viện Y học Hoa Kỳ định nghĩa: “TPCN là những thực phẩm chứa các chất có khả năng tốt cho sức khỏe. Các thực phẩm này bao gồm bất cứ thực phẩm chế biến hoặc thành phần nào có thể cung cấp lợi ích cho sức khỏe ngoài giá trị dinh dưỡng cố hữu của thực phẩm”.
Với giới chức y tế Canada: “TPCN có hình dáng bên ngoài tương tự như thực phẩm thông thường. Ngoài khả năng dinh dưỡng cố hữu, các thực phẩm này phải được chứng minh một cách khoa học là có thể cung cấp những lợi ích sinh học và có khả năng giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh mãn tính”.
Giới chức y tế Hàn Quốc coi: “TPCN là các thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng và các chất khác dưới dạng cô đặc, có tác dụng nuôi sống hoặc sinh học với mục đích phụ thêm cho thực phẩm tự nhiên”.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới: “TPCN là loại thực phẩm không chỉ cung cấp cho cơ thể con người những chất dinh dưỡng cơ bản, mà về một mặt nào đó, nó còn có thể phòng ngừa một số bệnh tật và giúp tăng cường sức khỏe”.
Còn ở Việt Nam, thông tư số 08/TT-BYT ngày 23/8/2004 của Bộ Y tế quy định: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”.
Dù có trong tay những định nghĩa như trên thì nhiều người vẫn lầm tưởng TPCN là thuốc, đôi khi là “thần dược”.
Những ý nên thống nhất
1. Không TPCN nào được phép tự giới thiệu là có tác dụng làm thuyên giảm (chứ đừng nói là chữa lành) được bệnh này, bệnh nọ. Tất cả những quảng cáo loại này đều là gian dối và bất hợp pháp. Không có TPCN nào làm huyết áp cao xuống thấp, huyết áp thấp lên cao như sữa ong chúa Royal Jelly đã tự giới thiệu. Nếu quả có như vậy thì nó là thuốc! Các TPCN với những kiểm chứng khoa học có thể được phép tự giới thiệu là có tác dụng ngăn ngừa bệnh này, bệnh nọ phát tác (trên một cơ thể mạnh khỏe), nghĩa là có thể có giá trị “phòng bệnh” (khi chưa mắc bệnh). TPCN được kiểm nghiệm cũng có thể tự giới thiệu có tác dụng làm chậm quá trình diễn biến xấu của loại bệnh này, bệnh nọ, có nghĩa là có tác dụng “hỗ trợ điều trị” (khi đã mắc bệnh). Chẳng hạn với sữa ong chúa Royal Jelly, nếu nhà sản xuất giới thiệu rằng: dùng sữa ong chúa Royal Jelly, các bạn sẽ có nhiều khả năng duy trì tình trạng huyết áp thì còn có thể chấp nhận được (dĩ nhiên phải kiểm chứng).
2. Do việc nghiên cứu TPCN không nghiêm ngặt như thuốc chữa bệnh, việc cho phép lưu hành tương đối dễ hơn so với thuốc, nên có thể xảy ra là với một số TPCN cụ thể nào đó thì có những tác dụng mà nhà sản xuất chưa kiểm soát được hết. Những tác dụng này có khi là tiêu cực, là không tốt cho cơ thể nhưng cũng có khi là tích cực và đôi khi đạt đến sự kỳ diệu. Vì vậy với TPCN cũng cần dùng thận trọng. Ngay cả ăn nhiều thịt quá cũng ngộ độc chứ đừng nói là “uống” các viên TPCN! Mặt khác, nếu may mắn dùng TPCN nào đó mà đạt được sự kỳ diệu thì cũng không lấy làm ngạc nhiên. Đã có những đứa trẻ còi xương nặng, được mẹ nhai chuối mớm cho mỗi ngày một trái, đã trở lại bụ bẫm mạnh khỏe sau vài tháng.
3. Chưa nên tiêu nhiều tiền cho TPCN trong hoàn cảnh còn tranh tối tranh sáng, đặc biệt là ở nước ta khi mà tình trạng thiếu thông tin, thông tin sai lạc, năng lực và trách nhiệm quản lý của nhà nước về vấn đề này còn rất hạn chế.
Chúng ta không thể phủ nhận TPCN vì thị trường này không nhỏ. Tác giả Lê Hồng Thọ trong bài viết trên http://vietsciences.org cho biết: thị trường TPCN năm 2003 tại Nhật là 15 tỷ USD, Hoa kỳ 31 tỷ USD, các nước EU hơn 15 tỷ USD và phần còn lại là khoảng 5 tỷ USD. Xu hướng gia tăng chung khoảng 15% năm. Chỉ có điều đừng bao giờ cho chúng là thần dược (dù rằng đôi khi có người bệnh nặng chỉ... ăn cái gì đó mà … đứng dậy được!) và cũng đừng tin vào bất cứ khả năng chữa bệnh nào theo nghĩa là khi đã lâm bệnh thì không nên xem TPCN là liệu pháp để điều trị. Điều này không mâu thuẫn với việc có thể có loại TPCN nào đó có tác dụng chữa bệnh thật. Vấn đề là mức độ nghiên cứu của các nhà sản xuất chưa đủ, họ chỉ phỏng chừng và mong muốn thôi. Nếu họ nghiên cứu đã đủ sâu đến mức độ khẳng định và được xác nhận là sản phẩm của họ có thể chữa bệnh thì họ đã được phép chuyển nó sang phạm trù “thuốc chữa bệnh” chứ không để ở phạm trù “TPCN”.
Hồng Nhung