SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng chế mới tại TP.HCM

-Phương pháp sản xuất chất xúc tác molypđen oxit có gắn nitơ trong mạng tinh thể

-Bộ cùm giàn giáo

-Bộ cùm giàn giáo có hai má kẹp liên kết thành khối khi kẹp ống

-Thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ

-Quy trình xác thực người dùng tài khoản ATM bằng nhận dạng sinh trắc thông qua thiết bị di động

-Đèn chiếu sáng tự động

 

Phương pháp sản xuất chất xúc tác molypđen oxit có gắn nitơ trong mạng tinh thể

Số bằng: 2-0001566. Ngày cấp: 12/9/2017. Các tác giả và chủ bằng: Phạm Thị Thùy Phương (110/2 Bà Hom, phường 13, quận 6, TP.HCM); Nguyễn Hữu Huy Phúc (92/22 Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM); Nguyễn Phúc Hoàng Duy (110/2 Bà Hom, phường 13, quận 6, TP.HCM); Lưu Cẩm Lộc (413/20F Lê Văn Sĩ, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM); Hoàng Tiến Cường (161B Xóm Chiếu, quận 4, TP.HCM); Nguyễn Thị Thùy Vân (259/16C Cách Mạng Tháng Tám, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM); Nguyễn Trí (Hiệp Thanh, Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).

Tóm tắt: phương pháp sản xuất chất xúc tác MoO3 được gắn nitơ trong mạng tinh thể gồm các bước: (a) Hòa tan hoàn toàn axit molypđic (H2MoO4) dạng bột trong dung dịch HCl 37% để tạo ra dung dịch MoO2Cl2. Trong đó, tỷ lệ giữa thể tích HCl 37% (ml) và khối lượng H2MoO4 (g) trong khoảng 3 - 12; (b) Bổ sung dung dịch HNO3 68% vào dung dịch MoO2Cl2 vừa thu được để tạo ra hỗn hợp. Trong đó, tỷ lệ giữa thể tích dung dịch HNO3 68% (ml) và H2MoO4 (g) từ 0,5 - 1. Sau đó gia nhiệt hỗn hợp thu được; (c) Làm bay hơi trong chân không hỗn hợp vừa thu được cho đến khi hỗn hợp này kết tinh hoàn toàn; và (d) Nung hỗn hợp đã kết tinh hoàn toàn trong dòng khí nitơ để tạo ra chất xúc tác MoO3 có gắn nitơ trong mạng tinh thể.

 

Bộ cùm giàn giáo

Số bằng: 1-0017667. Ngày cấp: 17/10/2017. Tác giả: Nguyễn Phú Vinh. Chủ bằng: Công ty TNHH Cơ khí Phú Vinh. Địa chỉ: Số 6 đường Song Hành, khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM.

Tóm tắt: bộ cùm giàn giáo bao gồm hai phần kẹp (mỗi phần kẹp có thể kẹp một chi tiết của giàn giáo); ống nối (để nối hai phần kẹp theo cách xoay được so với nhau nhưng không thể tách khỏi nhau) có dạng tang trống, với hai gờ được tạo ra ở hai đầu đối nhau. Trong đó, mỗi phần kẹp bao gồm một má kẹp trên, một má kẹp dưới, một thanh khóa, một nêm và một quai an toàn. Ở trạng thái kẹp, nêm sẽ giúp phần kẹp kẹp chi tiết giàn giáo với lực vừa phải, quai an toàn tỳ vào bề mặt dưới của một phần hãm của thanh khóa, giúp giữ nêm ở đúng vị trí và dễ dàng xác định được trạng thái của phần kẹp bằng mắt thường.

 

Bộ cùm giàn giáo có hai má kẹp liên kết thành khối khi kẹp ống

Số bằng: 1-0017668. Ngày cấp: 17/10/2017. Tác giả: Nguyễn Phú Vinh. Chủ bằng: Công ty TNHH Cơ khí Phú Vinh. Địa chỉ: Số 6 đường Song Hành, khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM.

Tóm tắt: bộ cùm giàn giáo có các má kẹp của mỗi phần kẹp được liên kết với nhau thành một khối khi sử dụng, nhờ đó ống được kẹp chắc chắn, lực kẹp được phân bố đều ở hai má kẹp. Bộ cùm giàn giáo này gồm hai phần kẹp (mỗi phần kẹp có thể kẹp một chi tiết của giàn giáo); ống nối (để nối hai phần kẹp theo cách xoay được so với nhau nhưng không thể tách khỏi nhau) có dạng tang trống, với hai gờ được tạo ra ở hai đầu đối nhau. Mỗi phần kẹp gồm một má kẹp trên, một má kẹp dưới, một thanh khóa, một nêm và một quai an toàn. Trong đó, đầu của má kẹp trên có hai gờ nhô lên từ các cạnh tương ứng với cạnh trên của gờ có mặt trong được vát nghiêng để tạo ra hai rãnh côn, đầu còn lại của má kẹp dưới có hai cánh với mặt ngoài được vát nghiêng cùng độ nghiêng với mặt trong của hai gờ của má kẹp trên, sao cho hai cánh trên có thể khớp với hai rãnh côn của má kẹp trên.

 

Thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ

Số bằng: 2-0001581. Ngày cấp: 10/10/2017. Tác giả: Lê Tiến Thắng. Chủ bằng: Doanh nghiệp tư nhân sản xuất và thương mại Hùng Thắng. Địa chỉ: 31 đường số 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Tóm tắt: thiết bị tiết kiệm nhiên liệu lắp vào động cơ đốt trong gồm hai bộ phận độc lập là thiết bị từ hóa (được lắp vào đường dẫn nhiên liệu) và thiết bị tạo xoáy không khí (được lắp vào đường hút không khí vào động cơ). Thiết bị từ hóa gồm bộ phận chính là hai nam châm (nam châm đất hiếm NdFeB) có cực ngược nhau, tạo ra từ trường tác dụng trực tiếp với dòng nhiên liệu làm cho các chuỗi phân tử hydrocarbon trong nhiên liệu được giãn ra và phân bố đều. Thiết bị tạo xoáy không khí có các cặp tấm dẫn hướng, mỗi cặp gồm hai tấm dẫn hướng lắp nghiêng và chụm vào nhau bên trong đoạn ống hình trụ để tạo ra luồng gió xoắn cung cấp vào buồng đốt. Nhờ đó, không khí được cung cấp vào động cơ nhiều hơn và hỗn hợp nhiên liệu và không khí được trộn đều hơn. Khi lắp thêm thiết bị vào động cơ, nhờ dòng nhiên liệu vào buồng đốt được phân bố đều và nhờ dòng khí được cung cấp đầy đủ, mạnh và xoáy nên hiệu quả đốt trong buồng đốt được cải thiện tối đa. Thiết bị có thể giúp tiết kiệm được khoảng từ 20 - 45% lượng nhiên liệu.

 

Quy trình xác thực người dùng tài khoản ATM bằng nhận dạng sinh trắc thông qua thiết bị di động

Số bằng: 2-0001585. Ngày cấp: 17/10/2017. Tác giả: Đặng Trần Khánh, Trương Quang Hải và Huỳnh Văn Quốc Phương. Chủ bằng: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM.

Tóm tắt: quy trình xác thực người dùng tài khoản ATM (Auto Teller Machine -máy rút tiền tự động) trong các giao dịch rút tiền được thực hiện tại các quầy ATM nhằm nâng cao độ an toàn cho người sử dụng. Tùy theo mức độ tin cậy của giao dịch đang thực hiện (được đánh giá thông qua xác thực giọng nói, gương mặt của chủ tài khoản) mà số lượng tiền có thể rút tại quầy ATM có thể thay đổi. Như vậy, nếu kẻ gian lấy được thẻ ATM hoặc mã PIN của người dùng thì cũng chỉ rút được một lượng tiền không đáng kể, do không thể vượt qua được bước xác thực giọng nói và gương mặt. Giải pháp được xây dựng với cấu trúc chặt chẽ nhằm đem lại sự tiện dụng, linh hoạt trong việc sử dụng thẻ ATM cho người dùng mà không phải thực hiện các tác vụ rườm rà. Hơn thế, quy trình biến đổi và lưu trữ các đặc trưng sinh trắc của người dùng giúp bảo vệ tính riêng tư, sự an toàn cho các mẫu đặc trưng này. Ngoài ra, giải pháp cũng hướng đến việc giảm thiểu tối đa các chi phí phát triển dịch vụ khi không cần phải nâng cấp, thay đổi các thiết bị ATM và tận dụng được những cảm biến có sẵn trên điện thoại di động mà ngày nay hầu như ai cũng sở hữu.

 

Đèn chiếu sáng tự động

Số bằng: 2-0001586. Ngày cấp: 19/10/2017. Tác giả: Đặng Mậu Chiến. Chủ bằng: Viện Công nghệ Nano (INT) - Đại học Quốc gia TP.HCM. Địa chỉ: Khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Tóm tắt: đèn chiếu sáng tự động và tiết kiệm năng lượng dùng để chiếu sáng các công trình công cộng bao gồm: đế đèn (1) được gắn vào chụp đèn (2) nhờ các đinh vít (3), mạch điều khiển (7) và mạch bóng đèn LED (8) được lắp trên đế đèn. Nguồn điện (6) để cấp điện cho mạch điều khiển và mạch bóng đèn LED. Trong đó, mạch điều khiển được trang bị ít nhất bộ cảm biến quang (14) và công tắc điện từ (20), nhờ đó, khi cường độ ánh sáng của môi trường bên ngoài tác động lên cảm biến quang bằng hoặc lớn hơn một trị số định trước thì bộ cảm biến quang sẽ không kích hoạt công tắc điện từ để tắt các bóng đèn LED; còn khi cường độ ánh sáng của môi trường bên ngoài tác động lên cảm biến quang nhỏ hơn trị số định trước nêu trên thì cảm biến quang sẽ kích hoạt công tắc điện từ để bật các bóng đèn LED này. Nguồn điện sử dụng có thể là ắc-quy đặt bên ngoài đèn, do đó, có thể sử dụng chung cho nhiều đèn khác.

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả