SpStinet - vwpChiTiet

 

Ươm tạo: môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp


 

Các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, mặc dù đầy quyết tâm, dấn thân nhưng không thể tránh khỏi những khó khăn, thậm chí bế tắc của buổi ban đầu. Việc tiếp cận đúng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho DN mà còn góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh. Trong đó, vườn ươm DN là môi trường thuận lợi để thúc đẩy các hạt giống khởi nghiệp nảy mầm.
 

 

Thành công nhờ vườn ươm


Trước khi đến với chương trình ươm tạo DN của Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM (ABI), DN thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn về trang thiết bị, nhân lực, đầu ra sản phẩm,… nhưng giờ đây thương hiệu Nấm Việt đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Đó là câu chuyện của chị Lê Hà Mộng Ngọc và Công ty CP Công nghệ sinh học Nấm Việt, một doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ hiệu quả từ mô hình ươm tạo doanh nghiệp tại ABI.


Giữa năm 2009, Nấm Việt bắt đầu sản xuất phôi và nuôi trồng nấm bào ngư với định hướng sản xuất sản phẩm sạch. Khâu chuyên môn kỹ thuật trồng nấm được công ty ưu tiên hàng đầu, không sử dụng các chất hóa học (như phân bón hóa học, chất bảo quản,…), mà thay thế bằng sử dụng phân trùng quế, bột cám, bột bắp và chọn thời gian thu hái thích hợp, đầu tư các thiết bị hạ nhiệt độ để bảo quản sản phẩm ngay khi thu hoạch. Năm 2010 – 2011, sản phẩm Nấm Việt bắt đầu ra mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, công ty gặp nhiều khó khăn do chưa có thương hiệu, sản phẩm chỉ tiêu thụ được ở chợ truyền thống nhỏ lẻ, giá bán không ổn định và thường xuyên bị các đầu nậu ép giá. Mặt khác, sản phẩm không được bảo quản đúng nhiệt độ nên chất lượng không đảm bảo, người tiêu dùng không phân biệt được xuất xứ hàng hóa, và chủ yếu dựa vào cảm quan. Do đó, sản phẩm sản xuất ra khó bán, công ty thường xuyên bị lỗ.



Chị Lê Hà Mộng Ngọc giới thiệu các sản phẩm của Nấm Việt tại Techmart chuyên ngành
Chế biến và Bảo quản thực phẩm năm 2016 do Trung tâm Thông tin KH&CN TP. HCM
tổ chức.
Ảnh: LV.


Năm 2012, Nấm Việt tham gia vào chương trình ươm tạo DN của ABI nhằm tìm kiếm con đường “khẳng định thương hiệu Việt”. Tại đây, công ty được hỗ trợ nhiều mặt, từ đất đai để xây dựng nhà trồng nấm, các trang thiết bị để sơ chế, đóng gói, tạo meo giống,…cho đến các khóa đào tạo miễn phí giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu lại bộ máy hoạt động của DN, tăng cường khả năng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại,… Nhờ vậy, các khó khăn dần được tháo gỡ, công ty cũng giảm thiểu được những rủi ro, áp lực về tài chính. Đến nay, sản phẩm Nấm Việt đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị, được người dùng tin tưởng lựa chọn. Năm 2015, các sản phẩm của Nấm Việt đã đạt chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do người tiêu dùng bình chọn; bằng khen của UBND TP. HCM chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố,…


Chị Ngọc bộc bạch, việc một sản phẩm mới vào được hệ thống siêu thị trước nay không phải chuyện dễ dàng. Thành công này không chỉ giúp nâng cao vị thế, thương hiệu sản phẩm Nấm Việt mà còn ổn định hoạt động bán hàng, phát triển nhân sự, quy mô và doanh số công ty. Doanh thu của Nấm Việt sau khi tham gia chương trình ươm tạo đã tăng trưởng đáng kể, từ 1,47 tỷ (năm 2014) lên 4,25 tỷ (năm 2015) và dự tính năm 2016 còn cao hơn. Ngoài việc tạo và giữ meo giống, việc hỗ trợ nghiên cứu để cho ra đời các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng là những hỗ trợ quan trọng từ vườn ươm, giúp DN chủ động trong sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và qua đó, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.


Theo chị Ngọc, các nhà khởi nghiệp trẻ khi có ý tưởng và sản phẩm, nên mạnh dạn tiếp cận các mô hình ươm tạo, bởi đây là một con đường tốt cho hoạt động khởi nghiệp.


Hiện tại, Nấm Việt tiếp tục đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng sản phẩm nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Với nấm ăn, công ty mở rộng thị trường nấm bào ngư, nấm hương và sản xuất thêm các sản phẩm mới như nấm bào ngư khô, kim chi, hạt nêm từ nấm, bột gạo nấm,… để phục vụ các món ăn đa dạng hàng ngày. Với nấm dược liệu, tiến hành giữ giống nấm linh chi để cung ứng cho thị trường cả nước.

 


Tăng cường hỗ trợ ươm tạo DN khởi nghiệp
 

Có thể nói, vườn ươm là đất màu, là môi trường hỗ trợ hiệu quả cho khởi nghiệp. Việc đồng hành của vườn ươm sẽ tạo sự ổn định và năng động cho các DN khởi nghiệp non trẻ. Theo TS. Nguyễn Hải An (Giám đốc ABI), kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Israel,… cho thấy, để khởi nghiệp thành công, cần tạo ra môi trường vườn ươm (hệ sinh thái khởi nghiệp) để các hạt giống khởi nghiệp có điều kiện nảy mầm tốt nhất. Môi trường này cần được chính quyền xây dựng để đảm bảo tính ổn định và khả năng sẵn sàng giúp các DN khởi nghiệp.


Năm 2016, TP. HCM đã phát động xây dựng thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ và xác định, khởi nghiệp sẽ là một trong những lĩnh vực đột phá quan trọng, làm giàu cho chính DN và đóng góp cho sự thịnh vượng của Thành phố. Để trở thành một đô thị khởi nghiệp, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Tất Thành Cang, cần phải đảm bảo 4 yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp: các cơ quan nhà nước ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi; các DN khởi nghiệp; nhà đầu tư và cơ sở ươm tạo DN. Theo xu hướng này, TP. HCM sẽ đẩy mạnh hơn các hoạt động hỗ trợ, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nhằm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.



Công bố thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. HCM (HSIF)
công bố thành lập ngày 17/5/2016.
Ảnh: LV.


Theo bà Trương Lý Hoàng Phi (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp– BSSC), với định hướng xây dựng thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ, TP.HCM hiện có 4 chương trình hỗ trợ khởi nghiệp liên quan đến tài chính, ươm tạo DN, xúc tiến thương mại và đào tạo. Về tài chính, hiện Thành phố có quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (ủy thác từ UBND TP. HCM), chuyên hỗ trợ cho đối tượng khởi nghiệp và quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. HCM (HSIF) xuất phát từ khu vực tư nhân, phục vụ các hoạt động đầu tư. Với chương trình ươm tạo DN, đến nay, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. HCM và Thành đoàn TP. HCM đã góp phần ươm tạo được 150 DN và 500 DN theo cơ chế bán ươm tạo (nhận hỗ trợ theo nhu cầu). Chương trình xúc tiến thương mại với hoạt động mạnh mẽ của Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM đã giúp đỡ nhiều DN khởi nghiệp đưa được sản phẩm ra thị trường. Về đào tạo, với chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân kế thừa cho Thành phố, BSSC đã đào tạo cho 11.000 thanh niên các kiến thức về kinh tế, khởi sự kinh doanh. Theo bà Hoàng Phi, việc đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay, bên cạnh đào tạo kiến thức, nên tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào môi trường vận hành DN; đồng thời, nên đào tạo chủ yếu là tinh thần khởi nghiệp để sinh viên có thể đưa vào DN.



Bà Trương Lý Hoàng Phi giời thiệu về thực tế khởi nghiệp.
Ảnh: LV.


Ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM) cho biết, từ năm 2009 đến nay, Sở đã hỗ trợ gần 10 tỉ đồng cho hoạt động ươm tạo 56 DN tại TP. HCM. Đến nay, 20 DN đã tốt nghiệp. Gần đây, Sở KH&CN TP. HCM cũng đã xây dựng và đệ trình nhiều chính sách hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp. Hiện Sở đang hoàn tất một dự thảo về hỗ trợ phát triển các ý tưởng, sản phẩm của các DN khởi nghiệp, với số tiền hỗ trợ tối đa lên đến 2 tỉ đồng, tùy theo quy mô dự án.



Câu lạc bộ Ươm tạo doanh nghiệp TP. HCM (HIN) ra mắt ngày 11/5/2016.
Ảnh: LV.

 

 

Một số kết quả ươm tạo DN tại TP. HCM
 

Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ - Đại học Bách khoa TP. HCM (HCMUT-TBI) đã và đang ươm tạo hơn 20 DN, trong đó có 3 DN đã tốt nghiệp với doanh số khoảng 10 tỉ đồng/năm. Các điểm sáng ươm tạo phải kể đến là thành công của iNext Technology, Vietcontrol, hay BK Nature. Đây đều là những DN của các giảng viên, cựu sinh viên của trường, được hình thành và phát triển trên nền tảng kỹ thuật, công nghệ thuộc thế mạnh của trường nên hiện các DN đều có vị trí trên thị trường.


SHTP-IC (Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao), ngoài việc hỗ trợ thương mại hóa thành công NacurVital, một sản phẩm nghiên cứu, hình thành DN khởi nghiệp Viotek, còn có những điểm sáng ươm tạo như hệ thống điều khiển thiết bị điện thông minh (Công ty Acis), sản phẩm chăm sóc da ứng dụng công nghệ nano vàng (Công ty Phương Vy), ứng dụng tìm kiếm vé xe giá rẻ (Công ty Vexere),…


ABI đang ươm tạo 19 DN trong các lĩnh vực sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất các loại rau ăn quả và hạt giống rau ăn quả, phân bón và chế phẩm sinh học, giống và thành phẩm hoa lan, tinh dầu,… Điểm sáng ươm tạo tại ABI, ngoài nấm Việt, còn có Công ty TNHH thương mại Vuông Tròn, một DN gặp rất nhiều khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp, nay đã phát triển ổn định với doanh số tăng đều theo thời gian (hiện đã đạt 3 tỷ đồng/năm).



Sản phẩm của Công ty TNHH tinh dầu Điền Trúc, một trong những doanh nghiệp ươm tạo
tại ABI đang được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm.
Ảnh: LV.

 

Ngoài ra, tại TP. HCM còn có các đơn vị cung ứng các gói dịch vụ đa dạng hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp như hỗ trợ văn phòng, không gian làm việc, mạng internet, các dịch vụ - tiện ích về tài chính, tư vấn, đào tạo, kết nối các bên liên quan cho dự án khởi nghiệp,... với chi phí thấp như QTSC Incubator (Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung), ITP (Khu Công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP. HCM, BSSC,...


Hơn thế, mới đây ABI, ITP, SHTP-IC, QTSC Incubator và HCMUT-TBI đã cùng thành lập Câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp TP. HCM (HIN) nhằm tăng cường liên kết hoạt động ươm tạo để hỗ trợ tốt nhất cho các DN khởi nghiệp, góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ tại Việt Nam. Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc QTSC Incubator cho biết, HIN tập hợp các trung tâm ươm tạo, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN cùng hợp tác vì lợi ích chung. Đây sẽ là nơi để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chiến lược phát triển, đáp ứng nhu cầu đào tạo và kỹ năng nghề nghiệp cho DN khởi nghiệp. HIN cũng sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm giới thiệu các công nghệ, giải pháp mới; tìm quỹ đầu tư để có thể hỗ trợ tối đa cho cộng đồng khởi nghiệp. Tùy theo mô hình hoạt động mà DN sẽ được các cơ sở ươm tạo cung cấp các dịch vụ và cơ sở vật chất cần thiết để hỗ trợ việc khởi nghiệp, từ ý tưởng, phát triển sản phẩm cho đến khi thành lập và phát triển DN thành công.


Những câu chuyện thành công về khởi nghiệp từ ươm tạo như ABI và Nấm Việt hay SHTP-IC và Công ty CP Phát triển công nghệ Viotek,… chưa thực sự “nở rộ” nhưng đã cho thấy những tín hiệu tích cực, cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam, hứa hẹn những lộ trình thuận lợi hơn cho quá trình khởi nghiệp.


LAM VÂN, STINFO số 7/2016

Tải bài này về tại đây.