SpStinet - vwpChiTiet

 

Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp


 

Về VIIP
 

Ngày 06/9/2013, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định tín dụng số 5249-VN, theo đó hai bên nhất trí hỗ trợ cho Dự án “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp” (VIIP) với tổng số vốn là 55 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 625 ngàn USD. Thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ năm 2014 đến 2018).


Mục tiêu dài hạn của dự án là áp dụng, cải tiến công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp. Mục tiêu này sẽ được thực hiện bằng các biện pháp nâng cao năng lực của Việt Nam trong thực hiện các chương trình ĐMST, thông qua việc hỗ trợ tài chính để phát triển, áp dụng, tiếp nhận, mở rộng quy mô và thương mại hóa các công nghệ sáng tạo và đặc biệt tập trung vào tăng cường năng lực công nghệ và sáng tạo của các tổ chức nghiên cứu và triển khai (RDIs) và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).


Đối tượng thụ hưởng chính của dự án là các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp tham gia đổi mới, nâng cấp và thương mại hóa các công nghệ, các các nhân và nhóm cá nhân có ý tưởng ĐMST. Đối tượng thụ hưởng cuối cùng kết quả của ĐMST công nghệ là người thu nhập thấp.


Theo thỏa thuận, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED-thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan tổ chức thực hiện toàn bộ hợp phần “Phát triển công nghệ” và phần “Cấp phát” thuộc hợp phần “Mở rộng và thương mại hóa kết quả đổi mới-sáng tạo” của dự án. Kinh phí dự kiến cho các hợp phần trên như sau:


+ Hợp phần “Phát triển công nghệ” có tổng kinh phí 12 triệu USD, chia thành 3 nhóm:
 

   - Nhóm “Thách thức phát triển quốc gia” có ngân sách 5 triệu USD (hạn mức cấp phát 100%, tối đa 700 ngàn USD/tiểu dự án). Đây là các tiểu dự án Phát triển công nghệ, tạo ra sự đổi mới sáng tạo dựa trên yêu cầu giải quyết các thách thức phát triển mang tầm quốc gia (NDCs);


   - Nhóm “Tiếp nhận và hoàn thiện công nghệ” được phân bổ 6 triệu USD (hạn mức cấp phát 75%, tối đa 300 ngàn USD/tiểu dự án). Đây là các tiểu dự án tiếp nhận và nâng cấp các kết quả nghiên cứu và/hoặc công nghệ ở qui mô thử nghiệm hiện có sẵn để phát triển ra các sản phẩm mẫu sẵn sàng mở rộng sang qui mô sản xuất và/hoặc thương mại hóa công nghệ cho Việt Nam;


   - Nhóm “Sáng tạo cá nhân” được dành tổng kinh phí 1 triệu USD (hạn mức cấp phát 75%, tối đa 30 ngàn USD/tiểu dự án) nhằm khuyến khích các đổi mới sáng tạo từ khu vực phi chính thức (nhóm hoặc nhà sáng chế cấp cơ sở).


+ Hợp phần “Mở rộng và thương mại hóa kết quả đổi mới-sáng tạo” có tổng kinh phí 33 triệu USD, tài trợ theo nguyên tắc: cấp phát 30% (tối đa 250 ngàn USD/tiểu dự án hoặc 125 ngàn USD/tiểu dự án), vay 50% (ngân hàng Vietinbank-VTB hay Vietcombank-VCB) và phải có vốn đối ứng 20%. Đây là nhóm tiểu dự án nhằm mở rộng và thương mại hóa các kết quả ĐMST, bao gồm:


   - Đưa các công nghệ đã phát triển hoặc được chuyển giao trước đây từ các tiểu dự án ở trên vào sản xuất qui mô lớn có tính bền vững.


   - Hỗ trợ mở rộng qui mô sản xuất và thương mại hóa với khối lượng lớn các sản phẩm có chi phí thấp, phục vụ đông đảo người thu nhập thấp.


Theo đó, NAFOSTED sẽ cấp kinh phí dưới dạng tài trợ không hoàn lại thông qua các tiểu dự án cho các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp và các nhà sáng chế cá nhân để thực hiện việc phát triển công nghệ mới hoặc thúc đẩy hoàn thiện các công nghệ hiện đang ở mức thí điểm/thử nghiệm, các sản phẩm từ qui mô thử nghiệm lên quy mô có thể thương mại hóa. Dự án khuyến khích người đăng ký tài trợ liên kết hợp tác với các đối tác liên quan và ủng hộ người đăng ký có thể đề xuất các công nghệ mới tạo ra ở trong nước cũng như ở nước ngoài.



Các lĩnh vực ưu tiên của dự án trong giai đoạn 2014-2018
 

   + Lĩnh vực Y – Dược học cổ truyền: ưu tiên các công nghệ có tác dụng nâng cao chất lượng sản phẩm, những giải pháp nâng cấp, hiện đại hóa các công nghệ hiện hữu và ứng dụng công nghệ mới trong quá trình trồng, chăm sóc, khai thác, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sản xuất, lưu thông và sử dụng thảo dược nguyên liệu và sản phẩm thuốc cổ truyền, thương mại hóa các sản phẩm thuốc y dược cổ truyền theo tiêu chuẩn STCPP (toàn bộ chuỗi giá trị đối với việc phát triển y dược cổ truyền).


   + Đối với lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông: tăng cường khả năng sẵn có, tính liên tục và năng lực tiếp cận thông tin và sản xuất nội dung thông tin nhằm phục vụ lợi ích và nhu cầu của nhóm dân cư thu nhập thấp; thiết kế, sản xuất những sản phẩm, thiết bị, đồ dùng công nghệ truyền tin thích ứng, phổ cập và gần gũi đem lại ích lợi cho nhóm dân cư thu nhập thấp.


   + Trong lĩnh vực Nông nghiệp, thủy sản: Giảm tổn thất sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản; nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các loại nông sản và thủy sản.

Riêng các tiểu dự án thuộc nhóm “Sáng tạo cá nhân” của hợp phần “Phát triển công nghệ”, lĩnh vực ưu tiên tài trợ mở rộng cho tất cả các lĩnh vực công nghệ.



Đối tượng đăng ký hợp lệ
 

   + Các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (không bao gồm các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài hoặc của Nhà nước trên 50%), có ít nhất một năm hoạt động trong lĩnh vực đăng ký tài trợ.


   + Đối tượng đăng ký là cá nhân, nhóm cá nhân cần hợp tác với các nhà nghiên cứu, các kỹ sư và doanh nghiệp để tăng cơ hội thành công trong mở rộng và thương mại hóa sản phẩm sáng tạo.


Mỗi đối tượng có thể đăng ký nhiều hồ sơ tiểu dự án trong mỗi đợt thông báo.
 

Đối tượng đăng ký phải tuân thủ các qui định chung về quản lý tài chính của dự án VIIP và cam kết tuân thủ các qui định về quản lý tài chính tại “Sổ tay tài trợ”. Đối tượng đăng ký cần chứng minh có đủ năng lực và nguồn lực trong quản lý tài chính bao gồm việc cử và đào tạo kế toán đủ trình độ tham gia dự án, đảm bảo có sổ sách theo dõi và chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.



Thời gian thực hiện tiểu dự án và gia hạn
 

   + Hợp phần “Phát triển công nghệ”: nhóm “Thách thức phát triển quốc gia” có thời gian thực hiện tiểu dự án là 24 tháng; nhóm “Tiếp nhận và hoàn thiện công nghệ” có thời gian thực hiện tiểu dự án là 18 tháng; nhóm “Sáng tạo cá nhân” có thời gian thực hiện tiểu dự án là 12 tháng.


   + Hợp phần “Mở rộng và thương mại hóa kết quả đổi mới-sáng tạo” có thời gian thực hiện tiểu dự án là 24 tháng.


Về nguyên tắc, các tiểu dự án không được gia hạn. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt có thể xem xét gia hạn tối đa thêm 3 tháng đối với tiểu dự án nhóm “Sáng tạo cá nhân” và 6 tháng đối với các loại tiểu dự án còn lại, với điều kiện không bổ sung thêm kinh phí đã duyệt.


Việc mời nộp đề xuất tiểu dự án sẽ được thông báo rộng rãi 6 tháng một lần trên website của NAFOSTED, Bộ KH&CN, Cục Phát triển doanh nghiệp (thuộc Bộ KH&ĐT) và một số phương tiện thông tin đại chúng khác. Riêng đối với các tiểu dự án thuộc hợp phần “Mở rộng và thương mại hóa kết quả đổi mới-sáng tạo”, ngoài việc thông báo trên các website và phương tiện thông tin đại chúng nói trên, còn được thông báo trên website của VCB và VTB. Người đăng ký cần nộp hồ sơ trong thời hạn qui định. Hồ sơ đăng ký tài trợ có thể gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Văn phòng của NAFOSTED’s PIU hoặc PMU, bao gồm: hai (02) bộ hồ sơ gốc (tiếng Việt và tiếng Anh) và một bản bằng file điện tử (file scan định dạng PDF) qua email, chuyển trực tiếp hoặc qua Hệ thống quản lý trực tuyến của dự án. Riêng các tiểu dự án Hợp phần “Mở rộng và thương mại hóa kết quả đổi mới-sáng tạo”, ngoài 03 bộ hồ sơ như trên, còn phải chuẩn bị thêm hồ sơ đăng ký vay vốn theo quy định của VTB hoặc VCB.


Sơ đồ 1: Qui trình đăng ký, xét duyệt tiểu dự án thuộc Hợp phần “Phát triển công nghệ”


Sơ đồ 2: Qui trình đăng ký, xét duyệt tiểu dự án thuộc Hợp phần “Mở rộng và thương mại hóa kết quả đổi mới-sáng tạo”


TÂY SƠN, STINFO số 6/2016

Tải bài này về tại đây.