SpStinet - vwpChiTiet

 

Khuyến khích tài năng sáng tạo trẻ


 

Những năm qua, phong trào học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học là một trong những thế mạnh của tuổi trẻ TP. HCM. Từ những cuộc thi sáng kiến, sáng tạo trẻ; giải thưởng nghiên cứu khoa học, các ý tưởng và sản phẩm sáng tạo, nhiều gương mặt trẻ tài năng được phát hiện, hứa hẹn trở thành những nhà khoa học tương lai. 
 


Sôi nổi từ trường đại học
 

Gần đây, Đại học RMIT Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện sôi nổi nhằm tạo môi trường giao lưu học hỏi, khuyến khích tài năng sáng tạo của các bạn học sinh sinh viên. Ví dụ, cuộc thi TechGenius do RMIT Việt Nam tổ chức nhằm tạo ra sân chơi bổ ích cho các bạn học sinh có tài năng và niềm đam mê trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Theo GS. Alex Stojcevski (Trưởng khoa Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam), Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, và lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ đóng vai trò dẫn dắt quan trọng trong quá trình phát triển đó. Do vậy, cần chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng đón đầu xu hướng này, trang bị cho các em kỹ năng và kiến thức để thành công. Các cuộc thi như TechGenius đặc biệt quan trọng vì khơi gợi được niềm yêu thích trở thành nhà khoa học hay kỹ sư khi các em còn trẻ.


Tìm hiểu, trải nghiệm các sản phẩm sáng tạo của học sinh, sinh viên
tại Ngày trải nghiệm "Sáng tạo cùng kỹ thuật và công nghệ” 2016
do ĐH RMIT Việt Nam tổ chức.
Ảnh: LV.

RMIT TechGenius 2016 đã thu hút 22 đội tham gia đến từ các trường THPT tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu. Trong đó có nhiều dự án của các bạn trẻ được đánh giá cao về tính khả thi và gắn liền thực tế như: chế tạo hệ thống tạo điện năng từ máy nước nóng năng lượng mặt trời, sản xuất nước từ không khí, hệ thống chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu sang chữ bằng cách nhận dạng cử chỉ tay,… Dự án đạt giải nhất đã thuộc về dự án “Robot leo tường” của nhóm học sinh trường THPT Gia Định - TP. HCM gồm Bùi Mạnh Giỏi, Mai Ngọc Anh Duy và Đỗ Minh Trí. Hiện cả nhóm vẫn đang tiếp tục phát triển dự án này.


Nhóm học sinh được trao giải nhất cuộc thi TechGenius.
Ảnh: LV.

Một sân chơi khác cũng được RMIT tổ chức mới đây là Ngày trải nghiệm "Sáng tạo cùng kỹ thuật và công nghệ” 2016 nhằm giúp học sinh khai phá niềm đam mê sáng tạo, cũng như giúp các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai. Hơn 2.000 học sinh và phụ huynh đã tham gia vào sự kiện và tiếp cận với những hoạt động sôi nổi: lớp học tương tác dành cho học sinh như trò chơi thực tế ảo (AR), Flappy Bird, điện không dây, pin nước muối, mật mã học, tự tạo hình ảnh hologram 3D; cùng tìm hiểu các dự án công nghệ, sản phẩm sáng tạo của sinh viên tại cuộc thi RMIT TechGenius 2016 và một số dự án thú vị khác như máy bay điều khiển từ xa, cánh tay robot, mạch điện breadboard, máy in 3D,…; tương tác với Robot Baxter thông minh, tương tác với các doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành,…


Ngày trải nghiệm các ngành học sáng tạo được RMIT Việt Nam tổ chức ngày 27/11/2016. Tại đây, gần 130 tác phẩm sáng tạo của sinh viên ngành thời trang, thiết kế và truyền thông chuyên nghiệp của Đại học RMIT Việt Nam đã được trưng bày, giới thiệu. Trong đó, nhiều tác phẩm triển lãm ứng dụng công nghệ tương tác thực tế (Augmented Reality), thể hiện sự sáng tạo và sinh động trong cách trình bày tác phẩm và gửi gắm thông điệp đến người xem. Ngoài ra, học sinh còn được tham gia các lớp học tương tác về truyền thông và thiết kế, như phương pháp viết sáng tạo, chụp ảnh, tạo video bằng ứng dụng di động và hiệu ứng 3D; khám phá không gian thực tế ảo, xu hướng sử dụng podcast cũng như tìm hiểu điện ảnh châu Á qua ảnh động.


Đặc biệt, bộ cờ vua “The Legends” in bằng công nghệ 3D đã giành giải nhất cuộc thi sáng tạo “Cảm quan Việt Nam” 2016. Đây là tác phẩm của nhóm sinh viên ngành Thiết kế (Truyền thông số), của Đại học RMIT Việt Nam gồm Nguyễn Anh Duy, Trần Lê Bảo Quân và Phạm Ngọc Hà. Sản phẩm đã đưa các nhân vật cổ tích và lịch sử Việt Nam như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, Cổ Loa Thành, Yết Kiêu lần lượt đại diện cho các quân cờ Vua, Hậu, Tướng, Mã, Xe và Tốt trong bàn cờ. Theo các bạn trẻ, việc đưa các nhân vật cổ tích và lịch sử Việt Nam vào bộ môn thể thao trí tuệ nhằm đem đến sự mới mẻ, sáng tạo và khác biệt cho giới trẻ trong nước cũng như quốc tế. Ngoài tính giải trí, bộ cờ còn mang ý nghĩa về giáo dục và truyền cảm hứng cho người chơi.


Những tác phẩm xuất sắc đã được trao giải tại Đêm trao giải Sáng tạo của RMIT Việt Nam, góp phần khuyến khích các tài năng trẻ trong lĩnh vực truyền thông, thời trang và thiết kế.
 


Trao giải vàng của giải thưởng Thiết kế Chế tạo Ứng dụng 2016.
Ảnh: LV.

 


Sân chơi khoa học trẻ thường niên
 

Một hoạt động khác không kém phần sôi nổi là Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP. HCM, do Thành đoàn TP. HCM tổ chức hàng năm. Đây là ngày hội để tuổi trẻ thành phố giới thiệu về những mô hình, ý tưởng sáng tạo của các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật, nghiệp vụ chuyên môn trong quá trình học tập và lao động. Từ sân chơi này, các bạn được giao lưu, trao đổi và tiếp cận nhiều kiến thức về học thuật, nghiên cứu, sáng tạo. Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TP. HCM lần thứ VII năm 2016 với 46 gian hàng của 61 đơn vị tham gia, giới thiệu hơn 200 sản phẩm sáng tạo, KH&CN của tuổi trẻ thành phố, cùng nhiều hoạt động hấp dẫn. Sự kiện này đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ đến tham quan và trải nghiệm, tạo ra một sân chơi sôi nổi, thú vị cho các bạn trẻ đam mê khoa học.



Máy cắt laser nghệ thuật của Ngô Huỳnh Ngọc Khánh thu hút sự quan tâm
tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP. HCM 2016.
Ảnh: LV.


T
rong liên hoan lần này, có kha nhiều sản phẩm ấn tượng được trao giải vàng của giải thưởng Thiết kế chế tạo ứng dụng 2016 như máy cắt laser nghệ thuật IoT, khóa cửa thông minh, máy khắc laser đa năng, cho thấy khả năng nghiên cứu sáng tạo của lực lượng trẻ tại TP. HCM.


Máy cắt laser nghệ thuật IoT (kLaserCutter) là sản phẩm của Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, sinh viên năm 3, khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM. Máy có thể cắt giấy, khắc trên gỗ và nhựa, được điều khiển qua môi trường internet; có thể cắt được các tác phẩm có độ khó cao như: Chợ Bến Thành, Chùa Một Cột, chân dung các danh nhân,…. Với tính khả thi cao trong lĩnh vực gia công mỹ thuật, chế tác số, kLaserCutter cũng đã đạt nhiều giải thưởng như huy chương đồng Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP. HCM 2015; giải nhì cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo 2015; là 1 trong 3 dự án được chọn đại diện cho sinh viên Việt Nam trình bày với Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama trong buổi gặp mặt các nhà lãnh đạo trẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.


Khóa cửa thông minh là sản phẩm của nhóm tác giả gồm KS. Ngô Cự Mạnh, KS. Vương Phát, KS. Trần Tiên Tín, KS. Võ Thượng Đỉnh (Công ty Giao Thoa, TP. HCM). Đây là loại khóa áp dụng công nghệ mới, đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn, tiện ích, thẩm mỹ; có khả năng sản xuất và nội địa hóa cao, giá thành tốt. Smartphone hoặc chiếc thẻ RFID của người dùng chính là chìa khóa cho sản phẩm này. Với khả năng thương mại hóa cao, sản phẩm đã được trao giải khuyến khích tại cuộc thi “IoT Startup – phát triển đô thị thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống” do Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM tổ chức tháng 8/2016. Đây cũng là 1 trong 5 dự án xuất sắc được chọn vào chương trình ươm tạo doanh nghiệp IoT của Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao.


Máy khắc laser đa năng là sản phẩm của nhóm sinh viên Nguyễn Lê Anh Hạ, Nguyễn Quốc Nguyên (Khoa Điện - Điện tử, Đại học Công nghệ Sài Gòn), có thể tạo khuôn mẫu, nhãn hiệu, logo trên nhiều chất liệu với độ chính xác cao nhưng giá thành rẻ hơn một số máy laser cùng loại trên thị trường.


Còn rất nhiều những hoạt động thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học trong sinh viên, trí thức trẻ được tổ chức tại thành phố như: ngày hội sinh viên sáng tạo, tuyên dương các gương sáng tạo trẻ, giao lưu và trao bảo trợ cho các tài năng trẻ,..., cũng với mong muốn khuyến khích phát triển các tài năng sáng tạo trẻ cho tương lai.
 

LAM VÂN, STINFO số 10/2016

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả