SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy định đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ

Để cụ thể hóa Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN), ngày 28/6/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN quy định về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/8/2017.

Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN xác định 10 cơ sở dữ liệu (CSDL) thành phần kiến tạo nên CSDL quốc gia về KH&CN cùng các tổ chức có trách nhiệm xây dựng, quản lý và cập nhật thường xuyên, bao gồm:

(1) CSDL về Tổ chức KH&CN: được xây dựng và quản lý tập trung tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ. Các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh có trách nhiệm cập nhật thông tin về các tổ chức KH&CN thuộc bộ, ngành và địa phương khi có sự thay đổi;

(2) CSDL về Cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: được xây dựng và quản lý tập trung tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia. Các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh có trách nhiệm cập nhật thông tin về cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sự quản lý của bộ, ngành và địa phương vào CSDL quốc gia về KH&CN;

(3) CSDL về Nhiệm vụ khoa học và công nghệ: là tập hợp thông tin về nhiệm vụ KH&CN đang tiến hành, kết quả thực hiện nhiệm vụ và thông tin về ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Thông tư số 14). CSDL này được xây dựng và quản lý tập trung tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia. Các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh có trách nhiệm cập nhật thông tin về nhiệm vụ KH&CN theo phân cấp tại Thông tư số 14;

(4) CSDL về Công bố khoa học và chỉ số trích dẫn khoa học: là tập hợp thông tin về các công bố đăng tải trên các tạp chí KH&CN, xuất bản phẩm nhiều kỳ, kỷ yếu hội nghị KH&CN, tuyển tập các báo cáo khoa học của Việt Nam được xuất bản trong nước và quốc tế. CSDL này được xây dựng và quản lý tập trung tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

(5) CSDL Thống kê KH&CN: là tập hợp thông tin, dữ liệu tổng hợp từ kết quả chính thức của các cuộc điều tra và chế độ báo cáo thống kê về KH&CN trên quy mô toàn quốc. CSDL này được xây dựng và quản lý tập trung tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

(6) CSDL Công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ: là tập hợp thông tin tổng hợp về công nghệ, công nghệ cao và số liệu về chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. CSDL này được xây dựng và quản lý tập trung tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

(7) CSDL Thông tin về KH&CN trong khu vực và trên thế giới: là tập hợp thông tin thống kê tổng hợp về tiềm lực và hoạt động KH&CN của các quốc gia trong khu vực ASEAN và trên thế giới. CSDL này được xây dựng và quản lý tập trung tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia;

(8) CSDL Doanh nghiệp KH&CN: là tập hợp thông tin về doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do doanh nghiệp được quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật. CSDL này được xây dựng, quản trị, vận hành và phát triển tại Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ và được kết nối với CSDL quốc gia về KH&CN;

(9) CSDL Thông tin sở hữu trí tuệ: là tập hợp thông tin về hoạt động sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. CSDL này được xây dựng, quản trị, vận hành và phát triển tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và kết nối các thông tin sở hữu công nghiệp được công bố công khai với CSDL quốc gia về KH&CN;

(10) CSDL tiêu chuẩn đo lường chất lượng: là tập hợp thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, thông tin về các hoạt động đo lường, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, giải thưởng chất lượng quốc gia. CSDL này được xây dựng, quản trị, vận hành và phát triển tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ và được kết nối với CSDL quốc gia về KH&CN.

CSDL quốc gia về KH&CN là nguồn thông tin chính thức để phục vụ các công tác quản lý, điều hành, hoạch định chính sách về KH&CN của quốc gia, bộ, ngành và địa phương, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

CSDL quốc gia về KH&CN được xây dựng, quản lý theo nguyên tắc tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương trên cơ sở phân định quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc cập nhật, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về KH&CN phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và kịp thời, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và lưu trữ lâu dài, đúng mục đích, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cung cấp thông tin từ CSDL. Bảo đảm quyền của các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về KH&CN phù hợp với quy định của pháp luật.

Để thống nhất tiêu chuẩn áp dụng, Thông tư quy định việc xây dựng CSDL quốc gia về KH&CN phải bảo đảm phù hợp với kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng chuẩn về CSDL và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin và định mức kinh tế - kỹ thuật; tính tương thích, khả năng tích hợp, chia sẻ thông tin và khả năng mở rộng các trường dữ liệu trong thiết kế hệ thống và phần mềm ứng dụng. Thiết kế cấu trúc CSDL quốc gia về KH&CN phải bảo đảm việc mở rộng và phát triển.

Kinh phí để xây dựng, duy trì và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN được đảm bảo từ ngân sách nhà nước dành cho KH&CN (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và huy động từ các nguồn kinh phí khác, dành cho các nội dung: (1) Đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ xây dựng, duy trì và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN; (2) Bảo đảm vận hành hệ thống mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo quốc gia phục vụ CSDL quốc gia về KH&CN; (3) Thu thập, xử lý, cập nhật, tích hợp thông tin vào CSDL quốc gia về KH&CN; và (4) Thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật thông tin.

Về trách nhiệm cập nhật thông tin vào CSDL quốc gia về KH&CN, Thông tư quy định: (1) Tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật thông tin của bộ, ngành, địa phương và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cập nhật vào CSDL quốc gia về KH&CN; (2) Các đơn vị được giao xây dựng, quản trị, vận hành CSDL thành phần có trách nhiệm: kiểm tra, xác thực nội dung thông tin do các tổ chức đầu mối thông tin KH&CN, các tổ chức và cá nhân khác cung cấp trước khi cập nhật vào CSDL quốc gia về KH&CN; thực hiện việc cập nhật thông tin do mình quản lý và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cập nhật vào CSDL quốc gia về KH&CN.

Quá trình xây dựng, xử lý, cập nhật CSDL quốc gia về KH&CN, để đảm bảo tính thống nhất, Thông tư cũng quy định việc sử dụng các bảng phân loại: (1) Bảng phân loại thống kê KH&CN ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 04/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; (2) Bảng phân loại nội dung "Khung đề mục của hệ thống thông tin KH&CN quốc gia"; (3) Các bảng phân loại về sáng chế quốc tế (IPC), kiểu dáng công nghiệp (Bảng phân loại Locamo), các yếu tố hình của nhãn hiệu trong đăng ký nhãn hiệu (Bảng phân loại Vienne), hàng hóa/dịch vụ trong đăng ký nhãn hiệu (Bảng phân loại Nice) và các bảng phân loại khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; và các bảng phân loại về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương và các lĩnh vực khác về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Bên cạnh các thông tin mà mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tiếp cận và sử dụng miễn phí trên CSDL quốc gia về KH&CN như: (1) Danh mục tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN; (2) Thông tin thư mục về: nhiệm vụ KH&CN; tài liệu KH&CN; thông tin sở hữu trí tuệ; thông tin tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; (3) Số liệu thống kê tổng hợp về KH&CN; (4) Thông tin tổng hợp về công nghệ, công nghệ cao và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; (5) Thông tin về KH&CN trong khu vực và trên thế giới; việc khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về KH&CN được quy định như sau:

1. Các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh được quyền khai thác toàn văn CSDL quốc gia về KH&CN theo phân cấp.

2. Các tổ chức tham gia thu thập, xử lý, cập nhật thông tin vào CSDL quốc gia được truy cập và khai thác CSDL quốc gia theo phân quyền; được quyền trích xuất dữ liệu do mình trực tiếp đóng góp để tổ chức thành bộ dữ liệu riêng phục vụ yêu cầu của bộ, ngành và địa phương.

3. Các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN được cấp quyền truy cập CSDL quốc gia về KH&CN để phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách KH&CN.

4. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về KH&CN có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Tải bài viết tại đây

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả