SpStinet - vwpChiTiet

 

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế


Ngày 15/8/2016, Ủy ban Nhân dân TP. HCM đã có Quyết định số 4181/QĐ-UBND ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn TP. HCM. 
 

Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ vào tổ chức quản trị, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập kinh tế và phát triển bền vững.



Đối tượng mục tiêu
 

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có dự án hoặc mong muốn thực hiện đổi mới sáng tạo và tăng năng suất, chất lượng;
 

- Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố (Cơ khí chế tạo; Điện tử - Công nghệ thông tin; Hóa chất, hóa dược - cao su nhựa; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm), 2 ngành công nghiệp truyền thống (Dệt may, Da giày) và ngành nông nghiệp công nghệ cao;


- Doanh nghiệp thuộc 9 ngành dịch vụ (Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; Thương mại; Du lịch; Vận tải và kho bãi; Bưu chính - viễn thông - truyền thông; Bất động sản; Tư vấn Khoa học và công nghệ, Y tế; Giáo dục và đào tạo) và ngành Văn hóa - thể thao;
 

- Các trường học, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp.


Chương trình vận hành theo 10 dự án: 

 

5 dự án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo


- Dự án 1: “Đào tạo về công cụ quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo”: (i) Đào tạo đội ngũ giảng dạy các công cụ về quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; (ii) Đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn và thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; (iii) Đào tạo đội ngũ chuyên viên và cung cấp công cụ năng suất, chất lượng, đổi mới sáng tạo, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp; (iv) Đào tạo đội ngũ chuyên gia của doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo.


Mục tiêu: “30% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, 10% doanh nghiệp thuộc các ngành còn lại được đào tạo các hạng mục về quản trị năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển”.
 

- Dự án 2: “Tư vấn nâng cao năng suất chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp”: (i) Xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển mạng lưới kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia, các công ty tư vấn trong và ngoài nước về năng suất chất lượng; (ii) Hỗ trợ tổ chức tư vấn năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp; (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iv) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý nhằm tăng năng suất và chất lượng; (v) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản trị tài sản trí tuệ để bảo vệ và khai thác có hiệu quả các kết quả của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.


Mục tiêu: “Hỗ trợ 10% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, 3% các doanh nghiệp thuộc các nhóm còn lại, hình thành 20 doanh nghiệp kiểu mẫu”.
 

- Dự án 3: “Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm”: (i) Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển hoặc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, sản phẩm mới do doanh nghiệp đề xuất và cùng đầu tư thực hiện; (ii) Hỗ trợ thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo của xã hội tạo ra những sản phẩm mới mà doanh nghiệp cùng đầu tư thực hiện và có chiến lược phát triển.


Mục tiêu: “hỗ trợ 300 dự án”.
 

- Dự án 4: “Hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ”: (i) Thành phố tăng nguồn vốn cho chương trình hỗ trợ vay ưu đãi lãi suất; (ii) Cải tiến thủ tục giải quyết hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin; (iii) Tăng cường truyền thông chương trình đến doanh nghiệp; (iv) Tổ chức kết nối chương trình với mạng lưới ngân hàng; (v) Tuyên truyền, quảng bá, phổ biến thông tin về Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của Ủy ban Nhân dân Thành phố.
 

Mục tiêu: “hỗ trợ 200 dự án”.
 

- Dự án 5: “Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mua sắm công thông qua các hình thức hợp tác công tư (PPP)”: (i) Xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường mua sắm công; (ii) Xây dựng quy trình, thủ tục đăng ký tham gia đầu tư công minh bạch, công khai và ứng dụng công nghệ thông tin; (iii) Xây dựng các chương trình mua sắm công trong các lĩnh vực tổ chức và hướng dẫn để các doanh nghiệp được tham gia đầu tư.
 

Mục tiêu: “hỗ trợ 100 dự án”.
 

5 dự án hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo
 

- Dự án 1: “Hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp”: (i) Xây dựng 40.000 m2 mặt bằng sàn hỗ trợ hoạt động cung cấp dịch vụ và ươm tạo; (ii) Hợp tác đối tác công tư xây dựng 2 cơ sở ươm tạo theo mô hình quốc tế phục vụ phát triển 2 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm; (iii) Hợp tác đối tác công tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp; (iv) Hợp tác công tư quảng bá thu hút đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái.
 

Mục tiêu: “Quy hoạch và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với tổng quy mô 40.000 m2 trên toàn thành phố. Trong đó hợp tác theo hình thức đối tác công tư với đối tác trong và ngoài nước để xây dựng và vận hành 2 cơ sở ươm tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực ươm tạo nhằm phục vụ 2 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Xây dựng hạ tầng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm không giới hạn dịch vụ văn phòng, thực nghiệm, logistic, thư viện, hội trường,...”.


- Dự án 2: “Hỗ trợ hình thành và hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”: (i) Hỗ trợ phát triển các vườn ươm tạo của các trường, viện và khu vực tư nhân trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế vận hành, kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp; (ii) Hỗ trợ hình thành 4 nhóm liên kết mạnh doanh nghiệp - trường, viện - cơ sở ươm tạo trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu; hỗ trợ hình thành các nhóm liên kết khác theo yêu cầu phát triển của xã hội; (iii) Hỗ trợ hình thành và kết nối mạng lưới tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp chuyên nghiệp; (iv) Kết nối nhà đầu tư, mạng lưới đầu tư tài chính thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (v) Thực hiện chương trình ươm tạo sản phẩm và hỗ trợ khởi nghiệp của Thành phố trên cơ sở tuyển chọn các dự án khởi nghiệp sáng tạo; (vi) Hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tổ chức sàn giao dịch, các cuộc thi, giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo…; (vii) Hỗ trợ hình thành Trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố làm đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy, kết nối các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố.


Mục tiêu: “Hình thành các hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm; hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo,...”.
 

- Dự án 3: “Đào tạo cộng đồng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”: (i) Hỗ trợ đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho 200 giảng viên đại học - cao đẳng; (ii) Hỗ trợ xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành về sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng bộ công cụ đào tạo trực tuyến về sáng tạo và khởi nghiệp; (iii) Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong trường đại học; (iv) Hỗ trợ đào tạo và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho 50% trường phổ thông; (v) Hỗ trợ hình thành cơ sở ươm tạo sản phẩm giáo dục đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ cho giáo viên và sinh viên sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm giáo dục sáng tạo; (vi) Đào tạo cán bộ quản lý về hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, năng lực xây dựng chính sách thúc đẩy các hoạt động này; (vii) Hỗ trợ các chương trình đào tạo bổ sung kỹ thuật, kỹ năng cho thanh niên, trên cơ sở hợp tác quốc tế; (viii) Hỗ trợ hình thành 10 trung tâm đào tạo và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo theo hình thức hợp tác công tư.

 
Mục tiêu: “50% hệ thống trường phổ thông có câu lạc bộ (CLB) hoạt động đổi mới sáng tạo; 20 trường đại học, cao đẳng có giảng viên, giáo trình và giảng dạy về khởi nghiệp. Hình thành bộ giáo trình lý thuyết và thực hành về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng bộ công cụ và giáo trình online về đào tạo sáng tạo và khởi nghiệp”.
 

- Dự án 4: “Thúc đẩy hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp”: (i) Hỗ trợ hình thành cổng thông tin, diễn đàn giáo dục, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố; kết nối các hoạt động mạng thông tin của các cộng đồng khởi nghiệp, các thành phần của hệ sinh thái trên môi trường mạng internet...; (ii) Hỗ trợ kết nối và thực hiện các hoạt động hội thảo, hội chợ, triển lãm, các sự kiện như Festival, Demo Day, Talk Shows...; (iii) Xây dựng chương trình tuần lễ khởi nghiệp sáng tạo hàng năm và giải thưởng đổi mới sáng tạo cấp thành phố hàng năm; (iv) Xây dựng chương trình truyền thông đại chúng về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các hoạt động của cộng đồng khởi nghiệp, các sản phẩm, công nghệ, dịch vụ mới.


Mục tiêu: “Gia tăng chỉ số khởi nghiệp của Thành phố tăng 20% sau 5 năm; gắn kết các cộng đồng khởi nghiệp, các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp; thu hút sự quan tâm, tham gia và đầu tư của xã hội kể cả của nước ngoài”.
 

- Dự án 5: “Xây dựng các công cụ hỗ trợ tài chính và pháp lý”: (i) Ban hành chính sách ưu đãi về giá thuê mặt bằng, hưởng các ưu đãi khác cho các cơ sở ươm tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian khác có liên quan (tư vấn, dịch vụ hỗ trợ, các quỹ đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp,...; (ii) Ban hành chính sách của Thành phố hỗ trợ hoạt động ươm tạo sản phẩm và khởi nghiệp, bao gồm nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, tư vấn xây dựng mô hình kinh doanh, đăng ký tài sản trí tuệ,...; (iii) Xây dựng và trình Chính phủ chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư mạo hiểm của Thành phố; (iv) Xây dựng quy chế một cửa và thành lập tổ công tác liên ngành tư vấn và hỗ trợ thực hiện thủ tục pháp lý trong hoạt động thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ, đầu tư, áp dụng các ưu đãi,...; thực hiện ISO điện tử triệt để đối với các quy trình này; (v) Hỗ trợ các trường, viện, cơ quan nghiên cứu thành lập các tổ chức quản lý và kinh doanh tài sản trí tuệ; (vi) Hỗ trợ hình thành và hoạt động hội khởi nghiệp sáng tạo.
 

Mục tiêu: “Xây dựng các chính sách ưu đãi, các công cụ hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của Thành phố”. 

TUẤN KIỆT, STINFO số 11&12/2016

Tải bài này về tại đây.