SpStinet - vwpChiTiet

 

Một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

 

Ngày 28/4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Để thực hiện Nghị quyết này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành chương trình hành động (Chương trình) bằng Quyết định số 1348/QĐ-BKHCN ngày 27/5/2016.
 

Bên cạnh các mục tiêu như đạt được cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu; đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) không còn phù hợp,...Chương trình còn hướng đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý về KH&CN để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hình thành và phát triển; tạo lập hệ thống hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia. 5 nhiệm vụ chủ yếu Chương trình đã xác định:


1. Tăng cường hoạt động quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa; tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về chứng nhận hợp quy, kiểm tra hàng nhập khẩu.


Triển khai bằng 6 giải pháp, trong đó có các nội dung:
 

   (i) Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) sản phẩm và hàng hóa: rà soát Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Đo lường và các văn bản hướng dẫn đảm bảo phù hợp các cam kết TBT; rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về chứng nhận hợp quy, kiểm tra hàng nhập khẩu; xây dựng các nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ TCĐLCL (dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; dịch vụ đánh giá sự phù hợp; kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy);


   (ii) Đẩy mạnh cải cách TTHC trong kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu: đơn giản hóa TTHC trong công tác kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu; giảm thiểu thời gian cấp chứng nhận hợp quy, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu; triển khai việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp với các quốc gia vùng, lãnh thổ;
 

   (iii) Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 đối với 4 TTHC thực hiện cơ chế một cửa quốc gia: thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN; thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn nhập khẩu; thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo; thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do để kết nối với cơ chế một cửa quốc gia.


2. Hình thành và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, các trung tâm ĐMST và vườn ươm công nghệ. Thúc đẩy phát triển DN KH&CN, phát triển thị trường KH&CN


Là nhiệm vụ được tiến hành thông qua 12 giải pháp, trong đó xác định:


   (i) Hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý phát triển hệ thống ĐMST, thúc đẩy các mối liên kết trong hệ thống ĐMST quốc gia, tăng cường ĐMST trong khu vực DN thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho DN, đặc biệt là DN dựa trên công nghệ, tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, các viện nghiên cứu, trường đại học;
 

   (ii) Khảo sát, đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong DN, xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ để định hướng nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ trong các ngành lĩnh vực, địa phương và DN. Hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình KH&CN, các quỹ về KH&CN;
 

   (iii) Tổ chức thường xuyên các ngày hội khởi nghiệp, sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, các hoạt động trình diễn, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo;
 

   (iv) Tăng nguồn cung cho thị trường KH&CN, thúc đẩy kết nối, gia tăng hoạt động mua bán, giao dịch công nghệ trên thị trường, thông qua: tổ chức các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN nhằm tạo lập thị trường để các các viện nghiên cứu, trường đại học kết nối với DN, và để các DN kết nối với nhau, qua đó gia tăng các hoạt động giao dịch công nghệ, sản phẩm công nghệ trên thị trường; xây dựng và phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ KH&CN, trong đó chú trọng dịch vụ chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, TCĐLCL,…;
 

   (v) Nghiên cứu những vướng mắc, bất cập của các chính sách ưu đãi, phát triển DN KH&CN để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích tốt nhất để phát triển DN KH&CN.
 

3. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong các tổ chức KH&CN; khuyến khích DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.
 

Ngoài việc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật CGCN và tập trung các chương trình KH&CN trọng điểm, quốc gia, còn xác định thúc đẩy hoạt động ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống; tăng cường hỗ trợ các DN, nhất là DN vừa và nhỏ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ. Hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình KH&CN, các quỹ về KH&CN.
 

4. Đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:
 

Thông qua 6 nội dung, trong đó tập trung tăng cường các công tác hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân; triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ, hướng dẫn DN, địa phương đăng ký xác lập quyền và bảo vệ tài sản trí tuệ cho hàng xuất khẩu, đặc biệt ở các thị trường tiềm năng của Việt Nam; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2018) đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương,...
 

5. Đẩy mạnh cải cách TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến:
 

Đơn giản hóa các TTHC, đẩy nhanh việc công bố công khai các TTHC đã được chuẩn hóa trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Niêm yết đầy đủ, kịp thời các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên mạng Internet và tại trụ sở của các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các TTHC được cung cấp ở mức độ 4 trên Cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN. 

ANH TUẤN, STINFO số 6/2016

Tải bài này về tại đây.