SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoạt động khoa học và công nghệ TP.HCM khởi sắc

 

Năm 2016 ghi dấu việc phát triển KH&CN tại TP.HCM, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và sự khởi sắc của nhiều chương trình KH&CN trọng điểm.
 

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc phát triển KH&CN, nhiều chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính, cho hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo sự đột phá, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế thành phố. Nhờ đó, vai trò, vị trí của KH&CN đã từng bước được khẳng định, nhiều nội dung được đưa vào Chương trình hành động của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố. 2016 là năm Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động KH&CN dài hạn của Thành phố, ví dụ như: Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020; Chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN; Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế,…Trong đó, kế hoạch thực hiện "Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế" trên địa bàn TP.HCM như kim chỉ nam để xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động KH&CN nhiệm kỳ 2015-2020. Việc ban hành Quy chế quản lý nghiên cứu KH&CN trên địa bàn TP.HCM; Quy định về các nội dung chi cho hoạt động KH&CN cơ sở; Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,... đã tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới về phát triển KH&CN theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

 


Khởi sắc nhiều chương trình trọng điểm


Các chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm của Thành phố đã được xác định, các nhiệm vụ KH&CN ngày càng bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đạt nhiều kết quả:


Chương trình nghiên cứu khoa học và nâng cao tiềm lực KH&CN tập trung vào 5 chương trình trọng điểm (cơ khí và tự động hóa; điện - điện tử và công nghệ thông tin; hóa dược, công nghệ thực phẩm và công nghệ vật liệu; công nghệ sinh học; quản lý và phát triển đô thị và các lĩnh vực KH&CN khác), đã triển khai 123 đề tài/dự án mới, nghiệm thu 173 đề tài/dự án. Trong đó, 78% số đề tài/dự án nghiệm thu đã có địa chỉ ứng dụng cụ thể (trong đó, 23% được ứng dụng trực tiếp, 55% ứng dụng gián tiếp); Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế tiếp tục hỗ trợ ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tăng cường đào tạo, tư vấn nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý và khai thác tài sản trí tuệ, tiết kiệm năng lượng, năng suất, chất lượng,…với trên 140 lớp, đào tạo cho hơn 3.200 cán bộ của các doanh nghiệp, sở ngành; 50 dự án nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm được hỗ trợ; tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng và đổi mới công nghệ cho 104 công ty, giúp tiết kiệm 28,83 triệu kWh điện/năm và 327 tấn OE/năm, tương đương tiết kiệm chi phí năng lượng trên 56,93 tỉ đồng/năm.


Một nội dung mới trong năm 2016 là các hoạt động hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, với kết quả là hình thành Trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố (Saigon Innovation Hub - SIHUB), nơi đóng vai trò đầu mối thúc đẩy, kết nối các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; định hướng, điều phối và đẩy mạnh hợp tác đối tác công - tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; điểm kết nối cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ của Thành phố cho cộng đồng, kết nối các nguồn lực của xã hội và đầu mối hợp tác quốc tế cho hoạt động khởi nghiệp. Với mục tiêu này, nhiều sự kiện thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã được SIHUB tổ chức như: phối hợp với Hanwa, Lotus Fund và Tekes (Phần Lan) xây dựng các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, tìm kiếm đối tác và góp vốn khởi nghiệp; hợp tác với SECO (Thụy sĩ) về đào tạo nâng cao năng lực cho các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp; hợp tác với MAIN (Mekong Angle Investor Network) về kết nối mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần các nước trong khu vực sông Mekong; hỗ trợ 500 gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại các sự kiện Saigon Tech Startup Fest, Hatch! Fair, BSSC Startup Day và Triển lãm SIHUB; kết nối các nhà đầu tư, mentor, doanh nghiệp qua 29 hoạt động như Demo Day, Startup Night, hội thảo khởi nghiệp thu hút 1.670 lượt người tham gia; 300 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ; 700 nhà khởi nghiệp, bạn trẻ được đào tạo những kiến thức cơ bản để giúp phát triển ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp; 1.500 lượt nhà khởi nghiệp, bạn trẻ được hỗ trợ kết nối với nhà đầu tư, quỹ đầu tư, kết nối với người chỉ dẫn, nhà cố vấn.


Công tác kết nối các nguồn lực tham gia đầu tư vào KH&CN và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2016 đã tạo được dấu ấn quan trọng: kết nối hợp tác của Sở Khoa học và Công nghệ với các hoạt động ươm tạo và đổi mới sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ (Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan - IPP, Chương trình Thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam - VSV), các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp ở Thành phố (Vườn ươm Khu Công nghệ cao, Vườn ươm Khu Nông nghiệp công nghệ cao, các vườn ươm doanh nghiệp của trường đại học, các vườn ươm tư nhân), Vườn ươm Rehobooth (Hàn Quốc), Vườn ươm Mars (Canada) và các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân và quốc tế.


Các hoạt động thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN có nhiều biến chuyển: Đề án thử nghiệm Sàn Giao dịch công nghệ trong năm 2016 đã có 185 yêu cầu được tư vấn, cung cấp thông tin, 85 yêu cầu được kết nối chuyên gia tư vấn; kết nối thành công 7 hợp đồng chuyển giao công nghệ; tổ chức 8 kỳ hội thảo trình diễn công nghệ theo đặt hàng của doanh nghiệp phục vụ hơn 500 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; mô hình Cổng thông tin Giao dịch công nghệ trực tuyến, công cụ hỗ trợ giao dịch công nghệ trên địa bàn thành phố, được xây dựng với 3 chức năng chính: giao dịch công nghệ, dịch vụ tư vấn, tìm kiếm đối tác đã được đưa vào vận hành từ tháng 11/2016; hoạt động đăng ký sở hữu công nghiệp trong năm 2016 nhiều khởi sắc, với 9.687 đơn đăng ký và 1.406 bằng được cấp; số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được công nhận trong năm đạt 1.700. Các quy chế, quy định về các vấn đề liên quan đến việc ghi nhận, xác lập quyền sở hữu, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ; kế hoạch hỗ trợ hình thành các tổ chức trung gian cho thị trường KH&CN thành phố đã được xây dựng.


Công tác phát triển tiềm lực KH&CN của Thành phố bắt đầu được chú trọng, nhiều Hội thảo khoa học hướng đến hoàn thành mục tiêu thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN của Thành phố đã được tổ chức.
Hoạt động thông tin – truyền thông về KH&CN có nhiều đầu tư, định hướng công tác truyền thông trên các tạp chí, trang điện tử theo đúng tôn chỉ mục đích, bám sát nội dung hoạt động KH&CN của Thành phố, giúp người dân nhận thức sâu rộng về KH&CN, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố.


Tuy nhiên, công tác quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn thành phố trong điều kiện còn phân tán chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến bị động trong các thống kê dữ liệu phục vụ báo cáo, hoạch định chính sách,…; hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ chưa tham mưu được các chính sách, công cụ hữu hiệu để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ; chưa đề xuất được các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN; mảng thông tin chuyên đề, báo cáo chuyên sâu phân tích xu hướng phát triển KH&CN cho các cấp lãnh đạo để thực hiện các công tác chỉ đạo điều hành, cho các doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh,…vẫn còn hạn chế.

 


Các giải pháp phát triển KH&CN thành phố năm 2017
 

1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN, trong đó thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
 

2. Tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu và nâng cao tiềm lực KH&CN thành phố theo Quyết định số 2953/QĐ-UBND ngày 7/6/2016: ưu tiên nghiên cứu và triển khai ứng dụng cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ của Thành phố; tiếp tục đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý phục vụ công tác quản lý, hoạch định đường lối, chính sách phát triển thành phố; triển khai đề án phát triển các tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến và đề án phát triển sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu KH&CN mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố; hoàn chỉnh Quy chế quy định các vấn đề liên quan đến việc ghi nhận, xác lập quyền sở hữu, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố


3. Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh: hỗ trợ ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; đào tạo công cụ về quản trị nâng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; tư vấn năng suất, chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp, triển khai hoạt động Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố, triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.


4. Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN thành phố: xây dựng, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để Sàn giao dịch công nghệ Thành phố chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ. Tiếp tục tổ chức Chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ ở các cấp độ khác nhau; tiếp tục tư vấn, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN, cơ sở ươm tạo công nghệ, ...


5. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở trên địa bàn thành phố và Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn thành phố.
 

TÂY SƠN, STINFO số 1&2/2017

Tải bài này về tại đây.