SpStinet - vwpChiTiet

 

Tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ

 

 

Nhằm nâng cao năng lực nội sinh ngành KH&CN, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chính phủ vừa ban hành Đề án tái cơ cấu ngành KH&CN.
 

Ngày 11/12/2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2245/QĐ-TTg về ban hành “Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế”. Đề án này đã xác định những mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: hoạt động KH&CN đóng góp khoảng 30% - 35% tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ lệ đổi mới công nghệ, thiết bị tăng trung bình 20%/năm, giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15%/năm.
 

Để thực hiện được những mục tiêu này, đề án tái cơ cấu ngành KH&CN Việt Nam tập trung vào nhiều nội dung, trong đó những nội dung quan trọng được xác định cần tập trung là nguồn nhân lực, hạ tầng, tài chính và chính sách pháp luật.

Tái cơ cấu hệ thống tổ chức KH&CN công lập và toàn bộ hệ thống các tổ chức KH&CN nói chung
 

Tập trung đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu hiện đại đủ năng lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức dịch vụ KH&CN, nhất là các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Phát triển doanh nghiệp KH&CN, tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu và phát triển công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài và chi nhánh của các viện nghiên cứu nước ngoài ở Việt Nam. Hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo. Thí điểm hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước để nâng cao tiềm lực cho một số tổ chức KH&CN ngoài công lập có tiềm năng phát triển, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước. Thí điểm cổ phần hóa một số tổ chức công lập thực hiện chức năng dịch vụ công trong lĩnh vực KH&CN.


Tái cơ cấu nguồn nhân lực ở các trình độ và những lĩnh vực khác nhau


Phát triển và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ KH&CN tại các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp; tăng cường hoạt động phối hợp nghiên cứu giữa các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và đào tạo. Bên cạnh đó, phát triển và phát huy đội ngũ nhân lực KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mạnh phục vụ giải quyết các vấn đề thực tiễn của nền kinh tế. Đẩy mạnh triển khai chính sách sử dụng, trọng dụng và tôn vinh cán bộ KH&CN; chính sách thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý KH&CN của lực lượng cán bộ quản lý KH&CN ở các cấp. Đẩy mạnh việc thực hiện các hiệp định song phương, đa phương. Tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, nhà KH&CN Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà KH&CN nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam; phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài.


Tái cơ cấu đầu tư cho hoạt động KH&CN để không còn tình trạng chỉ có một nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước
 

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Thúc đẩy mối liên kết ba bên: Nhà khoa học, tổ chức KH&CN - Doanh nghiệp - Nhà nước. Quan tâm hỗ trợ hoạt động sáng kiến của người dân. Hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: các tổ chức dịch vụ KH&CN, trong đó chú trọng dịch vụ chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng. Mở rộng việc tìm kiếm và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo hình thức hợp tác song phương và đa phương với các nước có nền khoa học phát triển để tiếp cận công nghệ hiện đại và thu hút kinh phí đầu tư từ nước ngoài cho KH&CN. Triển khai thực hiện cơ chế hợp tác công tư đồng tài trợ (PPP), cơ chế đầu tư đặc biệt đối với các nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn.


Tái cơ cấu nền tài chính dành cho KH&CN, chuyển mạnh sang cấp phát theo cơ chế quỹ, giao cho các tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng
 

Giao quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương và gắn trách nhiệm về hiệu quả sử dụng với trách nhiệm của thủ trưởng các tổ chức trực tiếp sử dụng ngân sách. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập, thực hiện cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán từng phần, cấp kinh phí thực hiện thông qua Quỹ phát triển KH&CN đối với nhiệm vụ KH&CN, giao dự toán lương và hoạt động bộ máy của các tổ chức KH&CN công lập trong các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng.


Tái cơ cấu hệ thống luật pháp về KH&CN


Rà soát bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phát triển KH&CN. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN theo hướng tinh gọn, tập trung vào việc hoạch định cơ chế, chính sách và định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Bổ sung, hoàn thiện và tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách mới về hoạt động KH&CN. Đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trong việc quản lý và thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tăng cường công khai minh bạch thông tin về kết quả nghiên cứu KH&CN, kết quả chuyển giao và ứng dụng các sản phẩm KH&CNvào sản xuất và đời sống xã hội.


NGUYỄN HOÀNG, STINFO số 4/2016

Tải bài này về tại đây.