SpStinet - vwpChiTiet

 

Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp


 

Nhằm thúc đẩy hỗ trợ phát triển 2.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST); 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp được các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đầu tư, thực hiện mua bán và sáp nhập doanh nghiệp thành công với tổng giá trị 2.000 tỉ đồng, Thủ tướng Chính phủ mới đây phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025. 
 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2015, Việt Nam có 93.868 doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, nếu so sánh chính sách hỗ trợ, các thủ tục pháp lý liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp và quỹ đầu tư tại Việt Nam với các nước trong khu vực sẽ thấy rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi, gần như không có ưu đãi cụ thể nào, có chăng là nếu khởi nghiệp trong lĩnh vực phần mềm thì được miễn giảm một phần thuế trong những năm đầu. Để thay đổi, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 đã ra đời. Theo đề án, cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST, hoạt động hiệu quả sẽ là đối tượng hỗ trợ trong đề án này.


Những ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong đề án bao gồm:
 

1. Nghiên cứu, xem xét ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST:
 

- Cơ chế đăng ký thành lập, hoạt động quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư gọi vốn từ cộng đồng;
 

- Cơ chế hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu và tiềm lực phát triển hoạt động khởi nghiệp;
 

- Cơ chế thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động khởi nghiệp ĐMST hoặc đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp KH&CN.
 

2. Khuyến khích hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp ĐMST:
 

- Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trả tiền công lao động trực tiếp và sử dụng các dịch vụ: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp KH&CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
 

- Hỗ trợ một phần kinh phí mua bản quyền, thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai hoạt động khởi nghiệp.
 

3. Khuyến khích hoạt động cung cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật cho khởi nghiệp ĐMST:
 

- Hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật của một số tổ chức ươm tạo;
 

- Hỗ trợ một phần kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST;
 

- Xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại các bộ, địa phương có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp ĐMST.
 

4. Phổ biến và kết nối thông tin giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp
 

- Hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến, tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam;
 

- Hỗ trợ một phần kinh phí để kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới; kết nối và hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài;
 

- Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; chính sách, pháp luật; nguồn nhân lực; nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư; đối tác, khách hàng; sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tổ chức, cá nhân hỗ trợ; tin tức, sự kiện trong nước, quốc tế và các hoạt động khác hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST;
 

- Xây dựng, phát triển mạng lưới các tổ chức thúc đẩy kinh doanh dựa trên việc lựa chọn, xây dựng năng lực cho một số cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tạo tiềm năng và đầu tư vốn ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; mạng lưới nhà đầu tư cá nhân và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp ĐMST.
 

5. Hỗ trợ tài chính cho các ý tưởng, dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
 

- Khuyến khích sử dụng các quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của doanh nghiệp để tài trợ;
 

- Hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST;
 

- Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước về KH&CN hằng năm để tổ chức sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp công nghệ quốc gia (TECHFEST) với quy mô quốc tế.
 

6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hỗ trợ khởi nghiệp
 

- Giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước thông qua các đại diện KH&CN, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận thị trường nước ngoài.
 

MINH HOÀNG, STINFO số 5/2016

Tải bài này về tại đây.