SpStinet - vwpChiTiet

 

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo


 

Thông tin từ hội thảo “Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” do Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây ở TP. HCM cho thấy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và cơ khí chế tạo (CKCT). Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN), hỗ trợ phát triển của các ngành CNHT và CKCT đã được thực hiện. Tuy nhiên, sức đóng góp của CNHT và CKCT cho ngành công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ, tồn tại nhiều hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ.

 


Bức tranh CNHT và CKCT Việt Nam
 

Theo báo cáo “Đánh giá kết quả CGCN thúc đẩy phát triển CNHT và CKCT giai đoạn 2005 – 2015” của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay cả nước có 1.383 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước một số ngành trọng điểm như ô tô chỉ từ 20 – 30%, da giày, dệt may trên 10%,... nên giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của DN kém. Ngành CKCT có khoảng 3.100 DN, với 53.000 cơ sở sản xuất, nhưng năng lực mới chỉ đáp ứng 32,12% nhu cầu trong nước. Hàng năm Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc thiết bị. Tình trạng chung của các DN trong nước đều thiếu vốn, công nghệ và thiết bị (CN&TB) còn lạc hậu, sản xuất manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng nhiều về sản phẩm công nghệ cao. Việc đầu tư cho ngành CKCT còn phân tán, chưa đồng đều.



Hội thảo “Nghiên cứu khoa học và CGCN thúc đẩy phát triển CNHT
và CKCT” được tổ chức ngày 10/8/2016 tại TP.HCM. Ảnh: LV.


Ông Nguyễn Đình Hậu (Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) cho biết, nhiều cơ chế, chính sách CGCN phục vụ phát triển CNHT và CKCT đã được quy định. Ví dụ như: miễn thuế nhập khẩu với những hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế thu nhập cho DN đổi mới công nghệ; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đối với thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, 75% chi phí CGCN đối với các dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu trong nước;... Bên cạnh đó, DN CNHT và CKCT cũng được ưu tiên xem xét hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN quốc gia đối với các chi phí CGCN, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài; tiếp cận các hỗ trợ của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm chủ lực, trọng điểm quốc gia.


Các chương trình, dự án quốc gia về KH&CN, hoạt động CGCN,… đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, công nghệ mới, giúp tiết kiệm kinh phí nhập khẩu, hình thành các DN mới, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của ngành CKCT. Ví dụ, các DN thiết kế chế tạo được các loại động cơ biến tần, máy biến áp công suất lớn chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của châu Âu; chủ động hoàn toàn thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn, hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện, dây chuyền thiết bị sản xuất xi măng lò quay công suất 1–2 triệu tấn xi măng/năm, hệ thống băng tải vận chuyển đất đá dài đến 5 km,… Đặc biệt, có DN đã thiết kế chế tạo thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90 m bằng công nghệ cao và giá trị lớn, tạo sự đột phá trong ngành cơ khí dầu khí. Bên cạnh đó, việc chế tạo 4 trạm sản xuất bê tông dự lạnh cung cấp cho các tổng công ty tham gia xây dựng công trình thủy điện Sơn La đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.



Các đại biểu thảo luận, đề xuất, kiến nghị giải pháp cho ngành CNHT
và CKCT tại hội thảo. Ảnh: LV.


Giai đoạn 2006–2015 hoạt động CGCN của ngành CNHT và CKCT đã có 838 hợp đồng được chuyển giao; các chợ CN&TB đã huy động được 5.908 đơn vị tham gia, giới thiệu chào bán 24.802 CN&TB, ký được 6.768 bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán với tổng giá trị giao dịch là 8.306 tỷ đồng; CGCN qua các dự án FDI cũng đã du nhập được nhiều công nghệ mới, hiện đại vào trong nước, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, điện tử, ô tô xe máy.


Ông Nguyễn Đình Hậu cũng chia sẻ về nhiều hạn chế còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành CNHT và CKCT. Đó là chính sách thu hút công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam còn hạn chế; còn thiếu các chính sách đặc thù, các giải pháp mạnh mẽ, định hướng ưu tiên phù hợp từ Nhà nước; cơ chế hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu khoa học (NCKH) và CGCN còn nhiều bất cập; hoạt động chuyển giao kết quả NCKH cho các DN còn hạn chế.


Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu (TP. Cần Thơ) cho biết, việc đưa KH&CN vào DN chính là con đường giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoạt động từ năm 1991 trong lĩnh vực cơ khí (đúc-luyện kim), chuyên sản xuất xy-lanh động cơ xăng, dầu có công suất từ 10–1.000 mã lực, cung cấp cho thị trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP. HCM và một số tỉnh miền Trung, thời gian đầu, Sông Hậu gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ năm 1995, khi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật Sông Hậu mới có điều kiện phát triển mạnh, sản phẩm nhận được nhiều giải thưởng, Bằng khen của Chính phủ, Bộ ngành. Những năm gần đây, trong bối cảnh hội nhập, Sông Hậu luôn tìm tòi các biện pháp tối ưu để tồn tại. DN đã mạnh dạn đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại như lò cảm ứng tần số để luyện gang, thép vừa giảm tiếng ồn, vừa tạo sản phẩm nhanh; đầu tư thiết bị CNC tạo ra được sản phẩm có độ chính xác cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động lên 2,5 lần, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế. Để giải quyết bài toán vốn, Sông Hậu đã đầu tư cải tiến từng bước, khi đạt hiệu quả mới tiếp tục đầu tư thêm.



Giàn khoan tự nâng 90m nước là bước đột phá của ngành cơ khí dầu khí
trong việc từng bước chế tạo, lắp ráp những sản phẩm cơ khí công nghệ cao.

 

 

Nỗ lực của TP. HCM
 

Tại TP. HCM, KH&CN được xem là có vai trò đặc biệt để thúc đẩy phát triển CNHT và CKCT. Thành phố đã xây dựng các chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập, đổi mới công nghệ; lấy DN làm trung tâm cho việc đổi mới, CGCN, tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học – các DN – các cơ quan quản lý nhà nước – tổ chức KH&CN, trong đó Nhà nước đóng vai trò là cầu nối.


Theo báo cáo của Sở KH&CN TP.HCM, giai đoạn 2005–2015, Chương trình Chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu phục vụ các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố (cơ khí, điện tử, hóa dược, nhựa – cao su) đã thiết kế, chế tạo và chuyển giao khoảng 400 sản phẩm, thiết bị có chất lượng tương đương nhập khẩu nhưng giá bán chỉ bằng 30-80%. Ví dụ như: máy sấy tầng sôi tạo hạt phục vụ ngành dược phẩm chuyển giao cho Công ty VEMEDIM (Cần Thơ) với giá 400 triệu đồng (máy nhập Đài Loan giá 1,1 tỉ đồng); tổ hợp thiết bị cấp, rải, đầm, lèn bề mặt bê tông mái dốc giá 1,9 tỉ đồng (thiết bị nhập khẩu cùng loại là 7 tỉ đồng); băng tải linh động chuyển hàng dạng bao lên xe tải hoặc lên ghe – tàu có giá khoảng 2 tỉ (giá nhập khẩu 3,2 tỉ đồng),… Ngoài ra, Chương trình Nâng cao năng lực thiết kế chế tạo và chuyển giao thiết bị mới đã hỗ trợ DN nghiên cứu, thiết kế, cải tiến các thiết bị, dây chuyền sản xuất và chế tạo thiết bị mới theo nhu cầu của sản xuất công nghiệp trong các ngành CKCT, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm,…với một số kết quả điển hình như: máy chiết rót mật ong cho Công ty TNHH Cơ khí MS; máy phát điện bằng năng lượng gió công suất 1.000 W cho Công ty TNHH Máy móc thiết bị Tầm Nhìn Mới; hệ thống tự động cấp nắp chai trong dây chuyền chiết rót nước yến 3.000 chai/giờ cho Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Việt Phong,…


Thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển CNHT như ban hành chương trình kích cầu đầu tư mới để thu hút, khuyến khích DN đầu tư phát triển CNHT; thành lập Trung tâm Phát triển CNHT TP.HCM để hỗ trợ cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; thí điểm mô hình nhà xưởng cao tầng để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các DN CNHT, đặc biệt là DN nhỏ và vừa tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu sản phẩm CNHT.


Tuy nhiên, quá trình đổi mới công nghệ trong các DN còn rất chậm, trình độ công nghệ của các DN chủ yếu là trung bình và thấp nên chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường chưa cao; một số DN chưa thực sự quan tâm đến việc nghiên cứu, cải tiến và đổi mới công nghệ, chưa thật sự tin tưởng vào ngành CKCT trong nước cũng như khả năng nghiên cứu, thiết kế chế tạo và giải mã công nghệ của đội ngũ các nhà khoa học trong nước. Hoạt động CGCN chưa được thống kê đầy đủ, một phần do các DN không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện các hợp đồng CGCN, một phần bản thân các DN cũng chưa thấy được lợi ích hay sự hỗ trợ thực sự nào của Nhà nước khi đăng ký hợp đồng CGCN.

 


Biện pháp đẩy mạnh phát triển CNHT và CKCT?


Ở góc độ DN, do đặc thù của ngành cơ khí, ông Tăng Hồng đề xuất, nên có sự hỗ trợ vốn trong dài hạn cho các DN cơ khí, với lãi suất ưu đãi (3–4%/năm) từ Quỹ phát triển KH&CN. Đồng thời, rà soát lại các chính sách hỗ trợ chưa thực sự giúp được cho ngành cơ khí. Cũng theo ông, cần có chính sách thuế giá trị gia tăng riêng cho ngành cơ khí (ví dụ như 5%), tiền thuê mặt bằng trong khu công nghiệp được trả theo phân kỳ 3 lần/năm. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho ngành CKCT có không gian riêng để giúp học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể bắt tay vào khởi nghiệp, tạo tiền đề để thực hiện các ý tưởng sáng tạo về KH&CN của lớp trẻ, tăng cường việc ươm mầm để khởi nghiệp DN ngành cơ khí.


Theo ông Nguyễn Đình Hậu, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động CGCN, đặc biệt là trong lĩnh vực CNHT và CKCT, từ nước ngoài vào Việt Nam, để nâng cao trình độ công nghệ quốc gia. Đồng thời đào tạo nhân lực phù hợp để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ. Cần phải có hành lang pháp lý thuận lợi để các chuyên gia, nhà nghiên cứu là người Việt Nam ở nước ngoài dễ dàng chia sẻ, CGCN về nước. Có cơ chế chính sách thỏa đáng để các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ động CGCN cho đối tác Việt Nam; cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong quá trình chỉ đạo, thực hiện, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho hoạt động nghiên cứu, CGCN một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm trong ngành CNHT và CKCT.

Ở góc độ Nhà nước, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT và CKCT như: tạo cơ chế tài chính khuyến khích DN trong nước đầu tư nghiên cứu sản xuất các thiết bị, sản phẩm để thay thế nhập khẩu; đẩy mạnh quá trình hình thành và phát triển thị trường KH&CN, ưu tiên cho các nhóm phục vụ CNHT như sản xuất linh kiện, phụ tùng cơ khí lắp ráp – khuôn mẫu…; tạo môi trường thu hút DN và các đơn vị nghiên cứu tham gia, trao đổi, tìm kiếm, CGCN và các kết quả NCKH. Thúc đẩy sự hình thành các DN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và tư vấn CGCN; xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành hẹp (gắn kết với các trường, viện) .



Triển lãm Liên minh các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tổ chức
hàng năm là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại,
kết nối cung – cầu ngành CNHT của TP. HCM. Ảnh: LV.


Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, việc nghiên cứu và CGCN trong hai lĩnh vực CNHT và CKCT là rất rộng. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và sẽ có định hướng phát triển trong thời gian tới tại Quyết định số 1791/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị của các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 – 2025; 11 gói công trình đã được giao cho các nhà thầu Việt, vốn đã thực hiện và chứng minh được hiệu quả trong thời gian qua. Vì thế, hiện nay, những công trình lớn, sản phẩm nào sản xuất được trong nước, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho DN Việt. Bộ KH&CN cũng đang chuẩn bị các dự thảo luật để báo cáo trước Quốc hội, như dự thảo sửa đổi Luật CGCN (sửa đổi), dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa,… Khi những dự thảo này được thông qua, những vấn đề vướng mắc trong thời gian qua, về cơ bản, sẽ được xử lý. 

LAM VÂN, STINFO số 9/2016

Tải bài này về tại đây.