SpStinet - vwpChiTiet

 

Khoa học và công nghệ Tp. Hồ Chí Minh, một năm nhìn lại


Thật khó định lượng được sự đóng góp của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc gia tăng giá trị sản xuất ở các ngành kinh tế hay trong những đổi thay, tiến bộ của đời sống xã hội, nhưng điều được khẳng định là hoạt động KH&CN tại TP. HCM luôn hướng vào mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
 

Thành quả từ những nỗ lực chung

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2014 đặc biệt chú trọng đến việc gắn kết giữa nghiên cứu và nhu cầu của thị trường nhằm nâng cao tỉ lệ ứng dụng của đề tài, tăng cường đặt hàng trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu, hỗ trợ đề tài sau nghiệm thu. 250 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học đã được cấp kinh phí triển khai, trong đó 103 đề tài được xét duyệt, 52 đề tài được giám định và 70 đề tài được nghiệm thu là kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thành phố năm 2014.

Nếu như năm 2013, công tác triển khai Quy trình quản lý thực hiện thí điểm hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bắt đầu được thực hiện tại TP. HCM với 17 đề tài tham gia và 4 hợp đồng được ký kết trong năm thì qua 2014, đã có được 25 hợp đồng thực hiện đề tài đăng ký thí điểm hình thức đặt hàng, trong đó có 16 đề tài của năm 2013 và 9 đề tài theo hình thức đặt hàng năm 2014. Yêu cầu phục vụ tốt cho các nhu cầu phát triển bền vững của Thành phố luôn là kim chỉ nam trong việc đầu tư thực hiện các đề tài, dự án có tính liên ngành, có hàm lượng công nghệ cao như nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, bảo tồn nguồn gene sinh vật, hệ thống thông tin biến đổi khí hậu tích hợp,… Đây cũng là cơ sở để giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội.

Công tác thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố thông qua việc vận hành các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất-chất lượng: chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới công nghệ đã tiến hành khảo sát doanh nghiệp, đánh giá trình độ công nghệ, xây dựng các giải pháp quản trị tài sản trí tuệ, tiết kiệm năng lượng, thực hiện kết nối tư vấn-doanh nghiệp, …; chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu và robot công nghiệp có trên 90% đề tài, dự án xuất phát từ đơn đặt hàng hoặc các lĩnh vực ưu tiên, sản phẩm tạo ra có giá bán chỉ bằng 60-80% sản phẩm nhập ngoại cung chất lượng; chương trình nâng cao năng lực thiết kế; chương trình ươm doanh nghiệp công nghệ đã sơ tuyển được 180 hồ sơ, với 22% hồ sơ có đơn vị ứng dụng; chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ 20 đơn vị xây dựng hệ thống quản lý và chiến lược khai thác tài sản trí tuệ, hỗ trợ 05 dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận… Những nỗ lực này đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong các công tác lựa chọn công nghệ, thiết bị, xây dựng thương hiệu, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý chất lượng theo ISO…góp phần đưa đóng góp của KH&CN tích cực hơn trong tăng trưởng kinh tế bền vững của Thành phố.

Các hoạt động dịch vụ KH&CN lĩnh vực phân tích thí nghiệm phát triển mạnh, hỗ trợ hữu hiệu công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu; công tác thông tin KH&CN phát triển hoạt động trực tuyến, các dịch vụ thông tin đi vào chiều sâu với giá trị cao, hợp tác chuyển giao thông tin với các trường đại học, viện nghiên cứu được đẩy mạnh; hoạt động tiết kiệm năng lượng gia tăng công tác truyền thông, 86,5% người dân được khảo sát đã biết về tiết kiệm năng lượng; hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ tham gia mạnh mẽ vào quá trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, chuyển giao 3 công nghệ từ các đề tài, nhiệm vụ KH&CN vào thực tiễn; các chương trình năng suất chất lượng gắn liền với nhu cầu, hướng phát triển của xã hội, cùng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đã đóng góp thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-chính trị-xã hội của Thành phố.
 

Vẫn còn những ưu tư…

Bên cạnh những thành quả đạt được, KH&CN thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần giải quyết.

Thị trường công nghệ đã hình thành nhưng còn sơ khai, hoạt động còn tự phát, nhỏ lẻ giữa các doanh nghiệp, chưa có sự tác động, hỗ trợ thật sự mạnh mẽ từ phía Nhà nước. Giao dịch công nghệ thông qua Sàn giao dịch công nghệ thử nghiệm của Thành phố đã phát sinh nhưng vẫn còn khiêm tốn, phần vì chưa nhiều doanh nghiệp biết về sàn; nhu cầu công nghệ của các ngành sản xuất trên địa bàn thành phố chưa được nắm bắt đầy đủ; và số lượng công nghệ sẵn sàng giao dịch cũng còn hạn chế. Đội ngũ chuyên gia tư vấn, thẩm định vẫn còn thiếu, kinh nghiệm chưa nhiều trong phát triển giao dịch công nghệ.

Chất lượng và tính hiệu quả, đột phá trong nghiên cứu khoa học của một số đề tài, dự án chưa cao; việc đổi mới công tác quản lý hoạt động KH&CN chưa được nhiều…Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, tồn tại: Chương trình 04, chương trình robot công nghiệp định hướng còn chưa rõ, thiếu lộ trình thực hiện cho các chương trình thuộc lĩnh vực cơ khí, vật liệu mới, robot,…và xác định những sản phẩm cuối cùng; Chương trình “Phát triển các trung tâm ươm doanh nghiệp công nghệ” sau 5 năm thực hiện, số vườn ươm, số doanh nghiệp tốt nghiệp còn khá khiêm tốn, cần có chương trình hiệu quả hơn để đảm bảo thực hiện được mục tiêu về số lượng doanh nghiệp công nghệ đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc khó triển khai mạnh mẽ, một phần do doanh nghiệp ngại bộc lộ các thông tin liên quan đến sản xuất-kinh doanh, chưa mạnh dạn sử dụng nguồn chuyên gia tư vấn để phục vụ nhu cầu đánh giá trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Việc áp dụng Quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn do đối tượng được chi từ quỹ còn hạn hẹp, thủ tục thanh quyết toán thuế nhiều khó khăn.

Hoạt động sở hữu trí tuệ còn hạn chế do các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tuy khá đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ là khâu đột phá trong những năm tới, cần có những chuẩn bị thích hợp và thông tin kịp thời đến các đối tượng tham gia.

Công tác tuyên truyền, quảng bá về hoạt động KH&CN, các chương trình hỗ trợ chưa đi vào chiều sâu, trong đó có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ về lợi ích của các hoạt động hỗ trợ.
 

Con đường phía trước

Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển có trọng tâm và gắn kết thực tiễn; phát triển thị trường KH&CN là các mục tiêu quan trọng của hoạt động KH&CN tại TP. HCM năm 2015.

Hoạt động KH&CN hướng đến việc thực hiện tốt các chương trình KH&CN trọng điểm, đổi mới cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN gắn kết sát với nhu cầu xã hội và có khả năng ứng dụng thực tiễn cao, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, huy động nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu KH&CN.

Triển khai có hiệu quả các chương trình ứng dụng KH&CN thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thành phố như chương trình phát triển công nghệ cao; chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Phát triển thị trường KH&CN thông qua ươm tạo doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp KH&CN; chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại. Thúc đẩy các hoạt động tư vấn, dịch vụ KH&CN: quản lý chất lượng, tiết kiệm năng lượng, sở hữu trí tuệ, phân tích, đo lường, kiểm định,… Huy động đầu tư của xã hội vào hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.

Để hỗ trợ các hoạt động trên, công tác truyền thông về KH&CN cũng sẽ được quan tâm để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật và các chính sách liên quan đến ứng dụng KH&CN vào đời sống; tăng cường thông tin kết nối nhu cầu xã hội với mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức KH&CN. Công tác thanh kiểm tra trên các lĩnh vực tiêu chuẩn–đo lường–chất lượng, an toàn bức xạ và quyền sở hữu công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh.

Thực tiễn cho thấy, nơi đâu đầu tư đúng mức và hiệu quả cho việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống thì nơi đó nền kinh tế sẽ phát triển và đời sống người dân được cải thiện nhanh hơn. 


Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh.
 
Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh.
 
Tải bài này về tại đây.

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả