SpStinet - vwpChiTiet

 

Suy nghĩ về giai đoạn 1966 – 1969 trong lịch sử ngành đại học của ta

Ngày 25/6/2009, Bộ Giáo dục-Đào tạo họp báo công bố chưa tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vào năm 2010. Như vậy năm tới sẽ vẫn tổ chức riêng rẽ hai kỳ thi: kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trên nhiều tờ báo đã đăng ý kiến của các giáo sư hoan nghênh quyết định này, xem đây là một sự thận trọng rất cần thiết.

Về chủ trương chỉ còn 1 kỳ thi, ý kiến chung đều cho rằng không nên duy trì cách thi tuyển vào đại học, cao đẳng như hiện nay vì quá phức tạp, quá căng thẳng. Tuy nhiên mọi người cũng chưa đồng tình với giải pháp chỉ có một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, được gắn thêm tiếp vĩ ngữ “Quốc Gia”, rồi căn cứ vào kết quả đó để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Hiện có 4 loại ý kiến khác nhau:
 Một là làm như Bộ đã đề xuất tức chỉ còn 1 kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, mà nếu theo dự kiến ban đầu thì sẽ được thực hiện ngay từ sang năm, tức niên khóa 2010.
 Hai là giữ cơ bản như hiện nay. Dĩ nhiên sẽ liên tục cải tiến để kỳ thi tuyển sinh đại học được chất lượng hơn, gọn nhẹ hơn, điều mà chúng ta cũng đã làm 40 năm qua, từ 1969 đến nay.
 Ba là trả hẳn việc tổ chức thi tuyển đầu vào về cho các trường có nhu cầu tổ chức thi tuyển. Bộ không can thiệp vào khâu này.
 Bốn là bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, chỉ có kỳ thi tuyển vào đại học, cao đẳng.
Dư luận còn đang tản mác như vậy nên việc giữ như hiện nay cho năm 2010 để chuẩn bị kỹ hơn là rất đúng đắn. 

Riêng về ý kiến bỏ kỳ thi đại học thì chắc các nhà quản lý có thể còn nhớ thời kỳ 1966 – 1969. Chúng tôi tin rằng là có người còn nhớ việc bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học đã được thực hiện từ 43 năm trước! Cho đến năm 1965, việc thi đại học làm rất tốt, gọn nhẹ và chất lượng. Nhưng vào năm 1966,  xuất hiện ý kiến cho rằng tổ chức thi như vậy thiếu quan điểm công nông, thiếu công bằng vì thanh niên nông thôn không thể đọ sức ở các kỳ thi đó. Thế là từ năm 1966 chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Việc chọn học sinh vào các đại học chủ yếu giao về cho địa phương, và được thực hiện theo phương thức tương tự như tuyển quân. Bộ phân chỉ tiêu từng trường cho từng địa phương. Lãnh đạo địa phương cấp trên phân tiếp chỉ tiêu cho địa phương cấp dưới, cho đến từng hợp tác xã (ở nông thôn miền Bắc khi đó hợp tác xã và xã gần như là một), từng tiểu khu (như phường hiện nay). Quy trình ngược lên là học sinh sẽ được các cán bộ xã, phường (danh từ hiện nay) chọn vào các trường đại học theo chỉ tiêu được phân bổ.
Theo nhiều người kể lại thì cố GS Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học đã hết sức cố gắng mà vẫn không thể giữ được kỳ thi đại học đã rất truyền thống và hợp lý, được tổ chức quy củ trong những năm 1955 đến 1965. Những ai đã giảng dạy đại học vào những năm 1966 – 1969 thì chắc đều thấm cái khó vô cùng tận vì sự chênh lệch quá đáng của trình độ sinh viên trong lớp. Các thầy cô thời kỳ đó không ngại khó, lăn lộn với sinh viên như chiến đấu ngoài mặt trận. Các thầy cô đã “cùng ăn, cùng ở, cùng học” (ba cùng) với sinh viên. Tuy nhiên học đại học để trở thành kỹ sư, bác sĩ không phải ai cũng có thể làm được.
Đến 1970 hệ thống thi tuyển vào đại học được khôi phục. Là những người đã giảng dạy qua thời kỳ 1966 – 1969, tới khóa 1970 chúng tôi thấy lạc quan trở lại khi đứng trên bục giảng đại học.
Bốn mươi năm qua, các cách thức tổ chức thi đã qua nhiều thay đổi. Tuy nhiên phải thấy ưu điểm cơ bản là đã tuyển chọn ngày càng chính xác các em có thể học tập ở bậc đại học và căn bản loại bỏ tiêu cực phát sinh qua việc chọn một cách chủ quan mà không qua thi cử nghiêm túc, mặc dù chúng ta vẫn có những chính sách ưu tiên cho học sinh ở vùng sâu vùng xa, gia đình có công… Có lẽ không ai phủ nhận những kết quả này. Mặt khác, cái mà ai cũng thấy là cuộc thi còn nặng nề, tốn kém. Vai trò của Nhà nước còn quá sâu, quá tỉ mỉ trong cuộc thi này. Tìm những giải pháp mới, tiết kiệm các nguồn lực xã hội mà vẫn đảm bảo chắc chắn hiệu quả về chất lượng tuyển chọn và sự công bằng mà các kỳ thi mang lại là điều ai cũng mong muốn nhưng cũng thật không đơn giản. Thật khó hình dung được là có thể tạo ra được những kết quả tốt cho các kỳ thi đại học, cao đẳng mà lại không cần thi. Hơn thế nữa là phải có được kết quả tốt mà lại tiết kiệm hơn, ít tiêu cực hơn thì lại càng khó.
Chúng ta không còn ở thời kỳ  những năm 60 nữa, câu chuyện của hôm nay và câu chuyện của giai đoạn 1966 – 1969 chắc chắn có nhiều điều khác nhau. Tuy nhiên cũng thật cần nhìn kỹ lại chặng đường này để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của hôm nay.

TS. Nguyễn Trọng