SpStinet - vwpChiTiet

 

Khai thác tài nguyên thiên nhiên và khai thác tài nguyên con người, chiến lược nào cho Việt Nam

Những tài nguyên thiên nhiên chủ yếu (loại không thể tái tạo) mà tạo hóa đã ban cho Việt Nam chúng ta gồm: than, dầu mỏ, bôxít và một số kim loại khác nhưng không ở tầm chiến lược như 3 loại kể trên. Liên quan đến các tài nguyên chiến lược này thì lịch sử nước ta đã và đang chứng kiến nhiều biến cố lớn lao. Thế hệ chúng ta may mắn là những nhân chứng về số phận của dầu mỏ, của bôxít. Còn than thì là câu chuyện của hơn 100 năm trước. Thực dân Pháp đã “mua” (nói đúng hơn là chiếm đoạt) khu mỏ than Hồng Gai của ta với văn tự ký ngày 27/8/1884, giữa một bên là đại diện triều đình Huế gồm Thượng thư (như Bộ trưởng hiện nay) Bộ Hộ (coi về lao động và dân cư), Phạm Thận Duật, Thượng thư Bộ Binh (coi về quốc phòng), Tôn Thất Thuyết, Thượng thư Bộ Lại (coi về nội vụ, kinh tế), Nguyễn Văn Tường và một số vị khác, một bên là đại diện của nuớc Pháp là Rêna (Rheinart), quyền Tổng Trú Trung - Bắc kỳ. Nội dung của văn tự gồm 10 điều quy định về địa giới khu vực khai thác mỏ than Hòn Gai - Hà Lầm, các hình thức, phương thức khai thác than và giá bán khu mỏ là … 40.000 đồng bạc (Piastre Mexicaine) với thời hạn 100 năm!

Chúng ta không bàn thêm về những vấn đề cực kỳ hệ trọng mà những tài nguyên thiên nhiên (kể cả tài nguyên nước là thứ được xem là có thể tái tạo, nhưng vô cùng quý giá) gắn với vận mệnh quốc gia.
Một nguyên lý cơ bản dễ được đồng tình khi khai thác tài nguyên thiên nhiên là: dành dụm được cho đời sau càng nhiều càng tốt.
Thế thì làm cho đất nước giàu mạnh bằng cách nào là có lợi và có lý nhất? Cũng vẫn phải khai thác thiên nhiên, nhưng không chỉ là như vậy.
Lại một lần nữa, có lẽ một nguyên lý cơ bản khác cũng dễ được đồng tình là: khai thác tài nguyên con người của Việt Nam càng nhiều càng tốt, đặc biệt là tài nguyên trí tuệ.

Bán đi cái gì từ lòng đất mẹ thì con cháu mất cái đó dù rằng những đồng tiền ấy là rất quan trọng cho hôm nay, để có đường xá, để có sân bay, bến cảng, để có vũ khí v.v…. Ngược lại, bán được phần trí tuệ nào thì lại là để lại cho con cháu tầm cao trí tuệ ấy.
Một đằng bán được thì mất đi, một đằng bán được thì càng được tôn tạo.
Lấy than từ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, hút dầu từ hàng ngàn mét dưới biển khơi, xới hàng ngàn hecta Tây Nguyên để lấy bôxit, … hay nói chung việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không phải chuyện dễ, nhưng không quá khó. Đây là những công việc của máy móc, của cơ bắp và một phần trí tuệ. Có một số tiền là đảm bảo rút được tài nguyên từ lòng đất mẹ. Dĩ nhiên còn chuyện lời lỗ tiền bạc, tôn tạo thiên nhiên, giữ gìn đất nước là những chuyện lớn và khó hơn chuyện lấy ra từ lòng đất. Chuyện khai thác tài nguyên con người Việt Nam thì là chuyện khó hơn nữa so với hút những dòng sữa từ lòng đất mẹ và khó hơn cả việc làm cho dòng sữa quý này sinh lợi theo một quan điểm nào đó. Nhưng đó là con đường thông minh nhất mà chúng ta phải làm và có thể làm để Tổ quốc được giàu mạnh mà lại vẫn dành dụm được cho con cháu và hơn thế là tạo nên dòng giống Việt với trí tuệ cường tráng, sức mạnh cơ bản của một dân tộc trong thời đại hiện nay.
Hãy thử phác thảo một so sánh rất thô sơ là đầu tư khai thác bôxít và đầu tư tạo nguồn nhân lực khai thác thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT.

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua (báo Tuổi Trẻ, thứ 4 ngày 27/5/2009) cho biết dự án bôxít từ nay đến năm 2025 sẽ cần huy động vốn đầu tư chừng 190.000 – 250.000 tỷ. Các báo cáo khác cho biết thời gian hoàn vốn là 20 - 30 năm tiếp theo. Nghĩa là chúng ta cần đầu tư cỡ 10 - 12 tỷ USD trong khoảng 15 năm tới đây cho dự án này. Tuy nhiên, theo lời ông Đoàn Văn Kiển Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, đơn vị chịu trách nhiệm về dự án bôxít, trao đổi với báo điện tử Tuần Việt Nam bên lề cuộc hội thảo bôxít diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 4/2009 thì “Lỗ hay lãi bây giờ chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50”. Cứ cho là dự án này sẽ thành công thì sẽ thu về số tiền đó trong vài chục năm tiếp theo. Đó là phác họa về một dự án thuộc loại khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Nếu đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm thì ta sẽ được gì? Ngần ấy tiền đủ để đào tạo đến nơi đến chốn (xin nhắc lại là đến nơi đến chốn!) khoảng 1.000.000 (một triệu) kỹ sư phần mềm. Với mỗi 10.000 USD thì có thể sẽ đào tạo được ít nhất 1 kỹ sư phần mềm đủ sức làm việc trên thị trường quốc tế. Thanh niên Việt Nam ẩn chứa trong mình tiềm năng quý giá này nhưng chưa đủ điều kiện để phát huy. Có thể tạm so sánh hiện tượng này giống như tài nguyên khoáng sản có trong lòng đất mà chưa được khai thác, chưa được tinh lọc, tinh luyện. Trong khoảng 15 năm tới đây, với đầu tư tương đương cho dự án bôxít, chúng ta có thể nghĩ về dự án 1 triệu kỹ sư đủ kỹ khả năng đọ sức trên thị trường công nghiệp phần mềm quốc tế. Những người không theo dõi thị trường công nghiệp phần mềm quốc tế có thể cho rằng 1 triệu  kỹ sư đó thất nghiệp thì sao? Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể trình bày đủ luận cứ để khẳng định rằng nếu từ nay đến 2025, chúng ta có gấp hai lần số đó, tức 2 triệu kỹ sư phần mềm giỏi, ngang tầm quốc tế thì cũng sẽ không sợ thất nghiệp vì thị trường CNTT nói chung và đặc biệt là thị trường phần mềm, trong đó có thị trường những dự án gọi là Outsourcing (các nhà đầu tư thuê các nước làm phần mềm và dịch vụ CNTT) vẫn không suy giảm dù hiện nay kinh tế thế giới đang rất khó khăn. Hơn thế nữa, những năm gần đây có đủ bằng chứng để nói rằng năng lực của kỹ sư phần mềm Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận. Một bản báo cáo đầy đủ về vấn đề này đang được Hội tin học TP.HCM chuẩn bị và sẽ được công bố trong hội thảo Toàn cảnh CNTT VN vào trung tuần tháng 7, nhằm hiến kế cho Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Như vậy, với đầu tư 10 - 12 tỷ USD từ nay tới 2025 cho đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm, chúng ta sẽ có ít nhất 1 triệu kỹ sư phần mềm trình độ quốc tế. Cứ cho rằng chỉ có1/2 số đó, tức khoảng 500.000 người sẽ làm trong ngành công nghiệp phần mềm thì năm 2026 ta được gì? Một kỹ sư phần mềm ở Việt Nam hiện nay trung bình một năm có doanh số 15.000 USD, ở Ấn Độ là 30.000 USD còn ở Mỹ thì là 100.000 USD. Vào những năm 2025 - 2026 chí ít mỗi kỹ sư phần mềm Việt Nam làm việc ngang bằng với bạn bè quốc tế cũng tạo ra doanh số 30.000 USD (như Ấn Độ hôm nay!). Như vậy, vào năm 2026 ấy sẽ có 15 tỷ USD từ trí tuệ của 500.000 kỹ sư phần mềm. Đó là chưa tính rằng từ 2015, khi có 1/3 số kỹ sư này thì họ đã mang về hàng năm nhiều tỷ USD. Như vậy ta thấy nhanh, hiệu quả, an toàn và đẹp biết bao! Còn 500.000 con người giỏi giang còn lại (từ 1 triệu được đào tạo chu đáo) sẽ làm được bao nhiêu việc trong các ngành kinh tế, KH&CN khác!. Lợi ích khó mà tính được. Con số 15 tỷ USD vào năm 2026 không ảo tưởng lắm đâu, cũng chỉ góp khoảng 7% GDP. Ngay trong năm 2008, công nghiệp phần mềm bé nhỏ của Philippines đã thu về gần 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế. Dĩ nhiên chi 10 - 12 tỷ USD trong khoảng 15 năm một cách thật sự hiệu quả là điều rất khó. Tuy vậy, có lẽ cũng không khó hơn chi từng đó và đảm bảo hiệu quả cho những dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Cần dũng cảm và có thể phải cả thắt lưng buộc bụng để đầu tư vào con người, đặc biệt cho thị trường công nghiệp phần mềm quốc tế. Với 15 tỷ USD từ công nghiệp phần mềm vào năm 2026, trí tuệ Việt Nam có thể ngẩng cao đầu trước thế giới, điều mà việc khai thác tài nguyên thiên nhiên dù loại gì cũng không thể đạt được cả về tiền bạc, cả về sự trường tồn và nhất là niềm kiêu hãnh của đất nước và con người Việt Nam.
 
TS. Nguyễn Trọng