SpStinet - vwpChiTiet

 

Khu CNC ở Việt Nam, đi tìm một chiến lược thích hợp?

Khu CNC với các quốc gia phát triển ở xa phía sau làm sao để không là ảo vọng?
Mối tương quan giữa công nghiệp CNC với hoạt động R&D trong các khi CNC 
Các khu công nghệ cao tại Việt Nam, cái gì là khó nhất?

Khu công nghệ cao (CNC) là một quần thể gắn bó hữu cơ của các hoạt động sản xuất CNC (hay còn gọi là công nghiệp CNC) và các nghiên cứu phát triển hoạt động CNC (hay còn gọi là R&D về CNC).


Hai chiến lược cơ bản xây dựng các khu CNC trên thế giới: chiến lược R và chiến lược I.


Chúng ta nhắc lại khái niệm véc-tơ đặc trưng V(p, q, r) của các khu sản xuất và nghiên cứu CNC (với những tên gọi ít nhiều khác nhau) trên thế giới. Các thành phần của V là:


  • p là số các doanh nghiệp CNC và các viện nghiên cứu CNC trong khu;
  • q là số tiến sĩ làm việc trong các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu trong khu;
  • r là số bằng sáng chế được cấp hàng năm cho các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu trong khu.

Các khu công nghiệp CNC bình thường thì lực lượng cấu thành p chỉ gồm các doanh nghiệp sản xuất CNC, rất ít khi có các viện nghiên cứu CNC đặt trong khu, và đặc điểm quan trọng của các khu này là q và r thường rất nhỏ, có thể bằng zero!


Các khu CNC (như mục tiêu hướng tới của khu CNC Hòa Lạc, khu CNC Tp.HCM) hay trên thế giới còn gọi là các Science - Technology Park thì V có hình thái đặc trưng rất quan trọng sau:


Thành phần p thường là cỡ nhiều trăm, bao gồm chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất CNC, có thể có một số các viện nghiên cứu CNC. Thành phần q thường là cỡ nhiều ngàn, với khoảng 80% làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất CNC. Thành phần r thường cỡ nhiều ngàn, với khoảng 80% là các bằng sáng chế cấp cho các doanh nghiệp sản xuất CNC. Từ đây ta cũng thấy trong các “Park” này sự gắn kết hữu cơ của việc gia tăng p, q, r.


Quá trình hình thành các Science - Technology Park có 2 chiến lược chính sau:


Chiến lược “từ Research” (gọi là chiến lược R) và chiến lược “từ Industry” (gọi là chiến lược I).


Các quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến có thể thực thi chiến lược R. Sự khởi đầu diễn ra như sau. Một số viện nghiên cứu mạnh (có thể là một số đại học mạnh) tập trung ở một vùng nào đó. Họ có rất nhiều sáng chế. Từ những sáng chế này phát sinh một số doanh nghiệp sản xuất CNC, được tách ra (Spin-off) khỏi hoạt động nghiên cứu của viện. Rồi chính các doanh nghiệp “Spin-off” này để có thể duy trì năng lực cạnh tranh sẽ phải tiến hành những hoạt động R&D độc lập hoặc phối hợp với các viện. Như vậy có thể thấy một giai đoạn quan trọng là từ R đẻ ra I và rồi các doanh nghiệp sản xuất cũng phải làm R để tồn tại và các doanh nghiệp sản xuất khác (không phải Spin - off từ các viện) cũng kéo vào. Một quần thể nghiên cứu, sản xuất được tụ lại và thành Science - Technology Park. Đó là Sophia Antipolis, một Technology Park nổi tiếng thế giới ở Pháp, có giai đoạn hình thành khoảng 15 năm (1970 - 1984), đó là Silicon Valley nổi tiếng ở Mỹ, ...
 

Các quốc gia chưa có nền khoa học và công nghệ phát triển mà có chủ trương xây dựng khu CNC thì không có cách nào khác phải chọn

chiến lược I. Trường hợp điển hình là Hsinchu (Xem các bài: Khu CNC với các quốc gia phát triển ở xa phía sau làm sao để không là ảo vọng? Mối tương quan giữa công nghiệp CNC với hoạt động R&D trong các khu CNC; Các khu công nghệ cao tại Việt Nam, cái gì là khó nhất? trong các số 6, số 5, số 4/2012 STINFO). Với Hsinchu thì p tăng kéo theo q và r cùng tăng. Ở Hsinchu cũng có một số doanh nghiệp sản xuất CNC “spin - off” từ viện nghiên cứu ITRI và Đại học Thanh Hoa nằm bên cạnh khu Hsinchu. Tuy nhiên nguồn lực gia tăng q và r chủ yếu là do p tăng, tức do Hsinchu thu hút mạnh các doanh nghiệp sản xuất CNC vào trong khu. Những doanh nghiệp này lớn dần và để duy trì năng lực cạnh tranh buộc phải tiến hành các hoạt động R&D, loại hoạt động làm q và r tăng theo. Nếu các doanh nghiệp sản xuất CNC không đủ mạnh hoặc chỉ là các doanh nghiệp do đầu tư nước ngoài thì không thể có hiện tượng tăng p kéo theo q và r tăng. Như vậy, để có thể thực thi chiến lược I thì điều kiện rất quan trọng là quốc gia đó mặc dầu chưa có nền KH&CN phát triển nhưng phải có tiềm năng mạnh về sản xuất CNC của chính mình. Từ nền sản xuất CNC này sẽ làm phát sinh năng lực KH&CN.


Với cả hai chiến lược thì sau khoảng 15 - 20 năm phát triển tốt, các Science - Technology Park, sẽ có cả “R&D” và “công nghiệp CNC” phát triển. Những thành phần này vừa là con gà, vừa là quả trứng trong các khu CNC.

 

Chiến lược nào cho chúng ta?


Chúng ta chưa có nền KH&CN đủ tầm để có thể làm phát sinh kha khá những doanh nghiệp sản xuất CNC theo kiểu “spin - off “ và ta cũng chưa có nhiều (thậm chí là hoàn toàn chưa có!) nhà sản xuất công nghiệp CNC đủ mạnh để tổ chức các hoạt động R&D nhằm phát triển các sản phẩm, duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế. Các khu công nghiệp CNC của ta (ở trong các khu CNC hay bên ngoài) đều chủ yếu là thu hút đầu tư nước ngoài. Không mấy ai còn ngây thơ cho rằng họ sẽ tổ chức các hoạt động R&D đáng kể ở nơi họ đầu tư sản xuất vì rằng năng lực cạnh tranh của họ được đảm bảo ở chỗ khác. Nói cách khác, những nhà đầu tư sản xuất CNC này luôn có các hoạt động R&D được tổ chức ở chính quốc hoặc ở một quốc gia nào khác có năng lực KH&CN mạnh, rất gần với dòng sản phẩm họ cần phát triển.


Vậy sao đây? Chiến lược R cũng như I đều không khả thi ở Việt Nam. Vậy chiến lược nào để ta có thể xây nên một khu CNC hay theo cách gọi thông dụng quốc tế là một Science - Technology Park?

 
Trước khi tìm chiến lược thích hợp cho Việt Nam thì cần nhận thức rằng chúng ta thực sự chưa có chiến lược. Ngược lại, nếu cho rằng chiến lược đã có, kế hoạch cũng đã có thì việc bàn thêm có thể là không thích hợp nữa.


Vì vậy, chúng tôi xin tạm dừng loạt bài luận về các khu CNC tại Việt Nam với suy nghĩ cá nhân là chúng ta chưa có chiến lược thích hợp để xây dựng các khu CNC. Tuy nhiên có lẽ không phải là chiến lược đó không tồn tại. Chỉ xin nêu một luận điểm nhỏ là: nếu số sáng chế được cấp hàng năm trong một khu vực công nghệ nào đó của Việt Nam (chẳng hạn trong ngành điện tử - bán dẫn, trong công nghệ nano, ….) không đạt con số cỡ vài ba trăm thì chúng ta chưa thể mơ về một khu CNC. Một phần của chiến lược xây dựng các khu CNC ở Việt Nam phải bao gồm chiến lược nâng con số sáng chế trong vài ngành công nghệ nóng từ con số gần như zero hiện nay lên con số vài ba trăm trong khoảng thời gian khoảng dăm bảy năm tới đây. Rất khó, nhưng đó lại là điều kiện cần để hiện thực hóa giấc mơ về một khu CNC ở nước ta.


Trong bài 1 (Các khu Công Nghệ Cao tại Việt Nam, cái gì là khó nhất?, STINFO 4/2012) của loạt bài này, chúng tôi có nêu ba câu hỏi quan trọng:


1. Mặt bằng là một trở ngại. Tuy nhiên, trở ngại đó có là lớn nhất không?


2. Công nghệ cao (CNC) hay công nghiệp công nghệ cao (CNCNC)?


3. Công nghiệp CNC trong các khu CNC khác gì với công nghiệp CNC ở các khu CN khác?


Đến đây, theo chúng tôi, chúng ta đã có câu trả lời cho 3 câu hỏi trên.


Câu hỏi 1: theo chúng tôi, dù chúng ta có mặt bằng trống (nhất định là sẽ có) thì việc xây dựng khu CNC ở nước ta vẫn vô cùng khó khăn. Khó khăn lớn nhất là tìm cho ra chiến lược đúng. Chiến lược R mà các quốc gia có nền KH&CN mạnh là không thích hợp. Chiến lược I mà các quốc gia chưa có nền KH&CN mạnh nhưng có tiềm lực khá về sản xuất công nghiệp CNC cũng không thích hợp với chúng ta.

Câu hỏi hai: ý câu hỏi này là chúng ta theo chiến lược R (xây dựng một Science - Technology Park bắt đầu từ nghiên cứu và phát triển CNC) như Mỹ, Pháp, Nhật, .... hay chiến lược I (xây dựng một Science - Technology Park bắt đầu từ công nghiệp CNC) như Đài Loan? Như trên đã nói, cả 2 chiến lược đều không áp dụng được với điều kiện hiện nay của ta.


Câu hỏi ba: đây là câu hỏi quan trọng nhất, giúp ta nhìn ra vấn đề. Các khu công nghiệp CNC trong thành phần khu CNC (ở Hòa Lạc hay ở Tp.HCM hay ở Silicon Valley,...) và các khu công nghiệp CNC bình thường (ở Bắc Giang hay Bắc Ninh,... ) khác nhau cơ bản ở chỗ nào? Điểm khác nhau cơ bản là các doanh nghiệp CNC ở trong khu CNC phải làm phát sinh sự gia tăng q và r trong vec tơ đặc trưng V(p, q, r) của khu CNC, còn với các khu công nghiệp CNC khác thì q và r thường rất nhỏ và không mấy liên quan đến số lượng các doanh nghiệp sản xuất CNC trong khu. Nói cách khác, với các khu CNC bình thường thì vec tơ đặc trưng V(p, q, r) không có sự phụ thuộc gì giữa thành phần p (số các doanh nghiệp sản xuất CNC trong khu) với 2 thành phần còn lại q và r.


Trả lời được 3 câu hỏi trên là một bước cần thiết để tìm ra chiến lược hiện thực hóa giấc mơ về khu CNC ở nước ta, để việc phát triển năng lực nghiên cứu trong khu CNC ở Việt Nam không chỉ là ảo vọng.
 

Nguồn: Trường Sơn (STINFO Số 7/2012)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả