SpStinet - vwpChiTiet

 

Nên ứng xử bình đẳng giữa tài sản hữu hình và tài sản vô hình

Những cơn kịch phát sốt nhà đất mà gần đây nhất là cách nay khoảng 1 năm, khi mà 1m2 đất chẳng hạn ở dự án khu dân cư Phú Mỹ Vạn Phát Hưng lên đến 40 triệu đồng (nay chỉ cỡ 20 triệu), căn hộ trung bình khu Phú Mỹ Hưng lên đến 5 tỷ (nay khoảng 3 tỷ) thì bao nhiêu ý kiến phản ánh qua báo chí và đặc biệt một số nhà quản lý liên tục đặt ra vấn đề cấp bách phải có những chính sách như đánh thuế cao, thậm chí hạn chế số lượng nhà mà một người có thể làm chủ, định mức diện tích đất đô thị một người được ở (với nghĩa làm chủ) v.v… để kéo giá nhà đất về chỗ gọi là “đúng vị trí nó phải có”.

Kết quả là thị trường này đóng băng, cho đến nay chưa có dấu hiệu hồi phục. Dĩ nhiên, thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng không phải chỉ vì những dư luận, những suy nghĩ như trên mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Gần một năm nay, thị trường BĐS đóng băng, chúng ta cũng đã phần nào hiểu những hệ lụy của nó. Kinh doanh BĐS là một ngành kinh doanh còn mới ở nước ta nên còn khá nhiều bất cập. Đó là nhận định của ông Tống Văn Nga, tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về thị trường BĐS hiện nay. Theo ông, sự trầm lắng của thị trường BĐS là một trong số các nguyên nhân quan trọng gây nên sự giảm sút của nền kinh tế. Đầu tư, kinh doanh bất động sản nếu phát triển liên tục và đều đặn sẽ kéo theo sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng, sắt thép, ximăng, vật liệu trang trí nội thất; sản xuất các đồ gia dụng đồ gỗ, đồ điện, điện tử... Vì vậy khi thị trường BĐS trầm lắng thì các ngành công nghiệp liên quan bị ảnh hưởng lớn và có ngành bị ảnh hưởng nặng nề.

Cùng lúc với cơn kịch phát và sự đóng băng thị trường nhà đất ta cũng thấy cơn kịch phát và sự tụt dốc chóng mặt của thị trường chứng khoán. Vào đầu 2007 đến đầu 2008 là thời kỳ mà ai mua cổ phiếu và mua bất cứ cổ phiếu nào cũng trúng bộn chẳng khác nào hiện tượng cũng vào thời kỳ này ai mua được bất kỳ căn hộ, miếng đất nào thì chỉ hôm sau bán lại đã có vài ngàn USD. Nhiều công ty bé xíu tìm cách ra chứng khoán với niềm tin là cứ ra là có ngay ít nhất là “mười chấm”! Tức giá cổ phiếu gốc sẽ được thị trường đấy lên 10 lần! Không khí y hệt thị trường BĐS. Cứ rao bán căn hộ dự án, giá thật có thể là 1 mà kêu “giá gốc” gấp 10 lần mọi người vẫn lăn xả vào, xếp hàng cả đêm để mua được căn hộ cao cấp “giá gốc” trên trời, chẳng cần biết giá trị thực là bao nhiêu! Không lúc nào kiếm tiền dễ hơn thời kỳ ấy! Rất nhiều người hỏi nhau: Sao vậy nhỉ? Ai cũng lãi thì ai lỗ? Khi đó, một số trí thức không biết kinh doanh nhưng biết phân tích đã từng nói với nhau rằng: tiền hút vào các vóng xoáy nhà đất, chứng khoán sẽ tạo ra khoảng “chân không tài chính” đối với không gian kinh tế nói chung và kết quả sẽ là sự “ngạt thở” do thiếu không khí trong lành, tức thiếu tiền đối với một số khu vực lân cận những vòng xoáy đó, thậm chí đối với cả nền kinh tế.

Đứng trước tình hình đó, về mặt khách quan thì nền kinh tế thị trường sẽ phải tự điều chỉnh, tuy nhiên điều nên bàn là thái độ ứng xử của dư luận xã hội và của các nhà quản lý các cấp.

Khi chứng khoán sốt cao thì dường như ai cũng hân hoan và khi nó tuột dốc thì ai cũng buồn và có lúc nhà nước đã bỏ tiền mua một số cổ phiếu theo một danh sách được lựa chọn, không rõ với lý do và tiêu chuẩn như thế nào, để cứu chúng! Cũng đã có vài người đã đặt ra câu hỏi: sao nhà nước phải làm vậy khi mà cổ phiếu hay nhà đất cũng nằm trong tay nhóm đầu cơ là chính?

Còn khi nhà đất sốt cao thì dư luận cho rằng chỉ nhóm đầu cơ hân hoan, nhiều nhà quản lý lên tiếng đòi bơm ngay những liều thuốc hạ nhiệt thật mạnh bằng thuế, bằng các định mức, và khi nó tuột dốc, đóng băng thì cả nền kinh tế ngỡ ngàng rồi bắt đầu thấm hơi lạnh phả ra từ khối băng này.

Không đi vào quá chi tiết phân tích nguyên nhân, tác hại của các cơn sốt khủng khiếp của 2 ca bệnh nói trên cùng các phương thuốc điều trị cho 2 ca bệnh, chúng ta sẽ chỉ bàn đến 2 thái độ ứng xử khác nhau từ góc độ quản lý với 2 ca bệnh này.

Vì sao việc “hạ sốt” cho thị trường chứng khoán không được đặt ra mà chỉ đặt ra cho thị trường BĐS khi chúng đều trong những cơn sốt quái dị? Thậm chí thị trường chứng khoán càng sốt cao thì dường như càng được cổ vũ. Vì sao khi thị trường chứng khoán tuột dốc thì lo lắng, thậm chí phải bỏ tiền ra ứng cứu, còn với thị trường BĐS thì khi nó tuột dốc lại thấy hợp lý, dù rằng đến bây giờ thì chúng ta đã bắt đầu thấy “rùng mình” vì thấm hơi lạnh của sự đóng băng này.

Những thái độ ứng xử đó có điều đúng, có điều không đúng. Tuy nhiên, chúng ta không bàn sâu vào từng chi tiết để cắt nghĩa chỗ nào đúng, chỗ nào chưa đúng. Chúng tôi chỉ phân tích một lý do làm cho chúng ta có những cách hành xử bên trọng, bên khinh với 2 loại thị trường khi chúng cùng bị một căn bệnh. Căn bệnh đã dẫn đến hiện tượng là đã có lúc căn hộ Phú Mỹ Hưng mà vốn bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng thì mọi người đổ xô mua với “giá gốc” 4 tỷ đồng và bán trao tay ngay với giá 5 tỷ hoặc hơn thế. Đúng là một vốn bốn lời!. Căn bệnh đã dẫn đến hiện tượng là cổ phiếu FPT với giá niêm yết là 10 ngàn đồng thì mọi người đổ xô mua với giá 600.000 đồng và hơn thế nữa. Ở đây thì một vốn bốn chục lời! Ít ai thấy rằng một vốn bốn chục lời là đáng sợ hơn một vốn bốn lời. Không nhà quản lý nào lên tiếng về việc cần can thiệp cách nào đó vào chỗ 1 thành 40, 50, 60 mà lo lắng nhiều ở chỗ 1 thành 4, thành 5.

Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này hoàn toàn có thể được cắt nghĩa.

Hợp đồng mua – bán BĐS là những giao dịch với các tài sản hữu hình. Còn cổ phiếu cũng có thể xem là hợp đồng mua – bán tài sản (đúng hơn là một mẩu của tài sản được chia nhỏ), nhưng chủ yếu là tài sản vô hình. Chúng ta có thể cảm nhận được sự bất hợp lý với các hợp đồng mua – bán tài sản hữu hình và tìm cách điều chỉnh chúng, đôi khi là những điều chỉnh có phần thô bạo. Còn với các hợp đồng mua – bán các tài sản vô hình thì chúng ta chưa cảm nhận được sự bất hợp lý, chưa cảm nhận được tác hại do những bất hợp lý này có thể gây ra, thậm chí hồ hởi với những bất hợp lý rất lớn.

Lẽ ra, khi chứng khoán sốt cao chúng ta cũng phải lo lắng như BĐS sốt cao, thậm chí lo lắng hơn. Lẽ ra khi thị trường BĐS tụt dốc thì ta cũng phải lo lắng như chứng khoán tụt dốc, thậm chí phải lo lắng hơn. Chúng ta không bàn đến những giải pháp hạ sốt hay làm tan băng cho những thị trường này mà chỉ dừng lại ở sự hiểu biết và quan điểm. Hiểu đúng sự việc và có quan điểm đúng trước sự việc đó thì mới có giải pháp đúng. Nhìn chung, thị giá của các loại sản phẩm / dịch vụ trong nền kinh tế thị trường sẽ do thị trường điều tiết. Tuy nhiên, nhà nước hay dư luận xã hội cũng cần tham gia những tiến trình điều tiết này khi có những biểu hiện bất thường. Cách ứng xử bên trọng bên khinh với sự bất thường của thị trường BĐS và chứng khoán trong khoảng thời gian 2007 – 2008 chứng tỏ chúng ta chưa hiểu rõ về các loại tài sản vô hình. Trong thị giá của một BĐS, thể hiện trong hợp đồng mua bán, thì phần tài sản hữu hình chiếm khoảng 70 – 80%. Do vậy, nếu nhà đầu tư BĐS có lãi ròng chừng 20 – 30% thì có thể xem là bình thường. Nhà nước, xã hội hoàn toàn có thể ước tính được toàn bộ chi phí chẳng hạn cho một căn hộ cao cấp, bao gồm cả những rủi ro có thể. Cái gọi là “giá gốc” nếu cho nhà đầu tư khoảng 20 – 30% thu nhập sẽ là bình thường, sẽ không còn là “giá gốc trên trời”. Còn trong thị giá của chứng khoán (giá giao dịch trong phiên giao dịch) thì phần tài sản hữu hình chỉ chiếm khoảng 15 – 25%. Do vậy, các cơ quan quản lý sẽ có thể xem giá là bình thường nếu thị giá gấp 2, 3, 4 thậm chí 5 lần giá gốc. Nằm ngoài giới hạn đó có thể xem là bất bình thường, là sốt nóng hoặc cảm lạnh. Với các thị trường bất bình thường thì một là tự nó sẽ phải điều chỉnh theo các quy luật thị trường, tuy nhiên trên góc độ xã hội và quản lý thì có thể khi đó cần có những hướng dẫn, thậm chí cần can thiệp để điều tiết trở lại trạng thái mạnh khỏe vì lợi ích chung toàn cục.

Hiểu được và quản lý được trên tinh thần như vậy thì sẽ hạn chế được những tình huống mà những căn hộ 1 vốn 4, 5, 6 lời, những chứng khoán 1 vốn 40, 50, 60 lời trong phút chốc.
TS. Nguyễn Trọng