SpStinet - vwpChiTiet

 

Dịch tả heo châu Phi: nhận diện và phòng chống

Lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi vào năm 1921, bệnh dịch tả heo (lợn) châu Phi (DTHCP) đã trở thành dịch bệnh tại nhiều nước trong châu lục này. Năm 1957, bệnh DTHCP được phát hiện tại châu Âu, đến nay nhiều nước châu Âu cũng như các nước châu Mỹ đã xuất hiện dịch bệnh. Trong 3-4 năm gần đây, tốc độ lan truyền bệnh này ở đàn heo nuôi mới lớn xảy ra ở 56 nước, đặc biệt ở châu Á, với tốc độ lây lan chóng mặt, khả năng nhiễm virus rất cao. Virus đã vào đàn là 100% heo bị bệnh.

Bệnh dịch tả heo châu Phi là gì?

Khác với dịch tả heo cổ điển (Classical Swine Fever, do một loại virus có cấu trúc ARN thuộc Pestis virus, họ Flaviridae tồn tại lâu ở ngoài môi trường, có thể sống sót vài ngày trong phân heo, vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh gây ra), bệnh DTHCP (African Swine Fever) gây ra bởi virus African swine fever virus (ASFV), loại virus DNA sợi kép lớn, nhân lên trong tế bào chất của các tế bào bị nhiễm bệnh. ASFV là virus duy nhất được biết đến với bộ gen DNA sợi kép được truyền bởi động vật chân đốt. ASFV là loài đặc hữu ở lân cận Sahara châu Phi và tồn tại trong tự nhiên thông qua một chu kỳ lây nhiễm từ ve và heo rừng, heo lông rậm,…

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), bệnh DTHCP có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài heo (cả heo nhà và heo hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Heo khỏi bệnh có khả năng mang virus trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra.

Virus có 1 serotype, nhưng phát hiện có tới 16 genotypes và nhiều chủng khác nhau có độc lực khác nhau. Virus DTHCP được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ heo nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Heo sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính, có thể mang virus suốt đời.

Virus DTHCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt heo và các chế phẩm từ thịt heo như xúc xích, giăm bông, salami. Virus có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt heo sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao, nên virus có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng; virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút (hoặc ở 60°C trong 20 phút).

Virus DTHCP sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô không được 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu heo ở nhiệt độ 4°C trong 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39°C được 150 ngày; trong giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 50°C tồn tại trong 3 giờ. Trong môi trường không có huyết thanh, virus có thể bị phá hủy ở pH< 3.9 hoặc ở pH > 11.5. Môi trường có huyết thanh virus có thể tồn tại được ở pH = 13.4 trong 7 ngày; không có huyết thanh virus có thể sống được 21 giờ.

Hóa chất để diệt virus DTHCP bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2.3% hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.

Bệnh DTHCP có thời gian ủ bệnh 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Virus DTHCP lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

Theo Cục Thú y, DTHCP và dịch tả heo cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.

Bệnh DTHCP có lây nhiễm cho người?

Không giống như cúm heo, DTHCP không đe dọa trực tiếp đối với sức khỏe con người. Theo PGS. Nguyễn Bá Hiên (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), DTHCP không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. heo bị DTHCP có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh chưa nấu chín kỹ.

Tính hình nhiễm DTHCP tại Việt Nam

Ở Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú Y thông báo đã phát hiện dịch tả heo châu Phi ở TP Hải Dương và Yên Mỹ (Hải Dương) và Hưng Hà (Thái Bình). Tính đến ngày 29/3, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 23 tỉnh tại Việt Nam: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.

Đến hết ngày 12/5, theo báo Tuổi trẻ, bệnh dịch tả heo châu Phi đang xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con heo (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước). Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi sáng 13/5 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã xác định, dịch tả heo châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Các giải pháp công nghệ để phòng chống DTHCP

Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế, chính quyền các quốc gia, ngành công nghiệp sản xuất heo và các nhà nghiên cứu đang có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết các thách thức do DTHCP gây ra.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), Cơ quan Tài nguyên động vật liên vùng châu Phi (African Union’s Interafrican Bureau for Animal Resources) và Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (International Livestock Research Institute) đã hợp tác nghiên cứu, phát triển Chiến lược toàn châu Phi về phòng ngừa và kiểm soát DTHCP. Trong chiến lược này, với cách tiếp cận toàn diện, Chiến lược đề xuất chuyển đổi dần từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học hơn.

Về phía các nhà nghiên cứu, nhiều nhà khoa học nước ngoài đi theo hướng tìm kiếm các loại vaccine nhằm diệt virus DTHCP. Trong số này, đã có nhiều sáng chế được cấp bằng bảo hộ, ví dụ như:

  • Tác giả Manuel V. Borca (Đại học Connecticut, Mỹ) và cộng sự đã được cấp bằng sáng chế số US9528094B2 (ngày 27/12/2016, tiêu đề Attenuated African swine fever virus vaccine based in the deletion of MGF genes) cho việc xây dựng virus ΔMGF tái tổ hợp có nguồn gốc từ chủng ASFV Georgia 2007 (ASFV-G) có độc lực cao. Trong điều kiện thử nghiệm trên cơ thể sống, ASFV-G MGF tiêm bắp thịt đã giúp cho động vật không mắc bệnh. Với bằng sáng chế số US9474797B1 (cấp ngày 25/10/2016, tiêu đề African swine fever virus georgia strain adapted to efficiently grow in the vero cell line), tác giả này cùng cộng sự đã tạo ra một chủng ASFV Georgia thích nghi để phát triển trong dòng tế bào Vero, dùng để phát triển một số virus ASF tái tổ hợp. GVAVS có thể sử dụng để sản xuất vaccine ASF quy mô lớn.
  • Tác giả Abrams,Charles (The Pirbright Institute, Vương quốc Anh) được cấp bằng sáng chế số WO2015193685A1 (ngày 23/12/2015, tiêu đề Attenuated african swine fever virus vaccine) cho việc tạo ra loại virus (ASF) suy yếu để sản xuất vaccine phòng chống bệnh.
  • Ở châu Á, tác giả Yamazaki Wataru (Nhật) đã phát triển một phương pháp phát hiện sự hiện diện của virus DTHCP một cách dễ dàng và nhanh chóng, với bằng sáng chế số WO2017212904A1 (cấp ngày 22/5/2017, tiêu đề Method for rapid detection of african swine fever virus using lamp method in which multiple primer sets are combined)

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, nên được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành. Năm 2010, Quy trình chẩn đoán bệnh dịch tả heo đã được Cục Thú y biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục đo lường chất lượng thẩm định, Bộ khoa học và Công nghệ công bố tại Tiêu chuẩn Quốc gia số TCVN 5273:2010. Sau đó, ngày 24/01/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BNTPTNT quy định chi tiết về phòng, chống bệnh dịch tả lợn.

Các nhà khoa học cũng có khá nhiều kết quả nghiên cứu (và cả sáng chế) phục vụ công tác chăn nuôi heo, bảo vệ đàn, trong đó có phòng chống dịch tả heo, ví dụ như nghiên cứu “Chẩn đoán nhanh bệnh dịch tả heo, bệnh phù đầu do E.Coli trên heo và chuyển giao kỹ thuật cho cơ sở” của tác giả Lê Văn Hùng (Đại học Nông Lâm TP.HCM, “Nghiên cứu trình tự Gen 5’ – UTR và ứng dụng trong chẩn đoán sớm CSFV gây bệnh dịch tả heo” của tác giả Huỳnh Ngọc Vi Ca (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ)…; sáng chế số 1-1997-01160 “Phương pháp chế vaccine lợn” của tác giả Nguyễn Bá Huệ (Trung tâm Nghiên cứu bệnh dại và Dịch động vật nhiệt đới). Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu được công bố đều  nghiên cứu về dịch tả heo truyền thống, chưa thấy công bố về DTHCP.

Trong tình hình chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị được bệnh DTHCP, việc đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất. Trong đó, việc chuyển đổi dần từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp để bảo đảm an toàn sinh học hơn, như Chiến lược toàn châu Phi về phòng ngừa và kiểm soát DTHCP khuyến cáo, cũng là một giải pháp nên cân nhắc. Liên quan đến chăn nuôi tập trung, có thể tham khảo một số mô hình sau Mô hình chăn nuôi heo VietGAP  hay Mô hình chăn nuôi heo Đan Mạch.

Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM luôn sẵn sàng phục vụ thông tin toàn văn các tài liệu liên quan đến phòng chống dịch tả heo, dịch tả heo châu Phi mà Trung tâm tiếp cận được.

Các biện pháp ngăn chặn bệnh DTHCP xâm nhiễm

Khi chưa có bệnh

  • Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi heo, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ heo và các sản phẩm của heo bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ heo.
  • Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
  • Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn heo; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bị bệnh, nghi bị bệnh.
  • Tuân thủ các quy định về quản lý, vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển  buôn bán heo và các sản phẩm của heo.
  • Đối với cơ sở giết mổ, chế biến thịt heo phải thực hiện heo đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, nghiêm cấm không được giết mổ heo khi nghi ngờ heo có biểu hiện bị bệnh, phải dừng ngay việc giết mổ thông tin cho cơ quan chuyên môn biết để kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Khi có bệnh xuất hiện

  • Thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã phường, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất bất khi khi nào phát hiện heo, các sản phẩm heo nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu.
  • Tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh và các đàn heo xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Thú y .
  • Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng.
  • Không điều trị heo bệnh, nghi mắc bệnh DTHCP.
  • Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống theo đúng quy định của Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; đặc biệt phải dừng việc vận chuyển heo, sản phẩm của heo, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã có heo, sản phẩm heo được xác định dương tính với bệnh DTHCP.

Nguồn: Chi cục Thú y TP.HCM