SpStinet - vwpChiTiet

 

Găng tay và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm do những tác động trực tiếp của nó đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là các loại thực phẩm tiêu dùng ngay. Một trong những biện pháp được đề ra nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là sử dụng găng tay dùng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự hiệu quả, xuất phát từ ý thức và lương tâm của người chế biến, cũng như thói quen ăn uống của người tiêu dùng.

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại, các cơ sở (hàng, quán) cung cấp thực phẩm dùng ngay đang có tốc độ phát triển nhanh, khiến công tác quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban nhân dân TP.HCM về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, trong khoảng 46.950 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có đến 14.560 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, thói quen tiếp xúc bằng tay không với thực phẩm chín của người cung ứng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến trên 1.200 người, gây ra 7 trường hợp tử vong. Riêng tháng 6/2018, cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến 284 người, 190 người phải nằm viện và đã có 1 trường hợp tử vong. Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm là do các vi sinh vật như E.coli, tả, thương hàn gây ra, tiếp đó là các độc tố sinh học, hóa học và nguyên nhân không xác định. Đồng thời, kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn thu được tại các hàng, quán cho thấy, mặc dù đã được nấu chín nhưng thức ăn vẫn còn tồn tại nhiều vi khuẩn gây bệnh nguy hại với tỷ lệ cao, từ 70-80%.

Trong các chế tài về kinh tế đối với các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm, Nghị định số 115/2018 do Chính phủ ban hành ngày 04/9/2018 (hiệu lực từ ngày 20/10) quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, đã xác định nhiều mức phạt đối với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm (có thể bị phạt đến 100 triệu đồng, kèm theo nhiều hình phạt bổ sung khác). Cũng tại Nghị định này, các hành vi như: người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay, không cắt móng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, không che đậy, ngăn chặn bụi bẩn, khiến côn trùng xâm nhập thức ăn,…sẽ đối diện với mức phạt từ 500.000-3.000.000 đồng,…

Tuy các chế tài có tính răn đe cao, nhưng theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), Nghị định chưa thực sự hiệu quả bởi phần lớn người chế biến còn thiếu ý thức và nặng tâm lý đối phó: “đeo găng tay là hình thức để đoàn kiểm tra thấy người bán đồ ăn chín có đeo khi bán thực phẩm chín, nhưng sau khi đoàn kiểm tra đi, họ lại tháo ra hoặc nếu có đeo thì người ta lại dùng chính đôi găng tay bốc bún, bánh phở để bốc than và đếm tiền”.

Nhìn chung, nhận thức kém của người chế biến đã khiến việc mất an toàn thực phẩm ngày càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Thêm vào đó, khi vẫn còn nhiều người tiêu dùng chỉ chú trọng đến tính tiện lợi mà không để ý đến cách chế biến và đóng gói thức ăn để tự bảo vệ mình, thì việc ban hành các nghị định cũng chỉ mang tính tạm thời.

Bên cạnh việc đặt ra các chế tài nhằm cải thiện hiện trạng thực phẩm bẩn và tăng cường ý thức trong cộng đồng, nhiều tiêu chuẩn cũng đã được ban hành nhằm tăng cường độ an toàn cho các sản phẩm thực phẩm cung ứng trên thị trường, ví dụ như: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh, gốm, sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (QCVN 12-4:2015/BYT); bao bì – bao bằng màng nhựa nhiệt dẻo mềm – sự phát triển vết xé trên mép nếp gấp (TCVN 11631:2016).

Giới nghiên cứu cũng có nhiều quan tâm, với việc đóng góp các sáng chế, giải pháp hữu ích trong sản xuất găng tay, tiêu biểu như: quy trình sản xuất găng tay chuyên dùng của tác giả Lương Huệ Phương; phương pháp, thiết bị phân loại theo kích cỡ găng tay dùng một lần của tác giả Patrick Hampe và Jean-Francois Frin; vật liệu phân hủy sinh học, găng tay phân hủy sinh học và phương pháp sản xuất găng tay này của nhóm tác giả Brian Moseley, Hugh Tunner và cộng sự; quy trình và thiết bị để sản xuất găng tay của tác giả Maurizio Ostani; găng tay, bộ găng tay và áo bao gồm găng tay nêu trên và phương pháp sản xuất găng tay nêu trên của tác giả Jonathan Day,...

Lẽ dĩ nhiên, bên cạnh những đóng góp của khoa học và công nghệ, ý thức giữ gìn vệ sinh thực phẩm, sử dụng găng tay bảo hộ của người chế biến vẫn là yếu tố cốt lõi để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng. đối với người tiêu dùng, cần trở thành người tiêu dùng thông minh, khi lựa chọn những địa chỉ tin cậy để cung cấp thực phẩm ăn liền ở bên ngoài. Đồng thời, mỗi người dân cần phải tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách trang bị kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân và tự giác vận dụng trong thực tiễn.